THU DẤU YÊU!
THU DẤU YÊU!
Kiểu gì rồi tháng 10 cũng rớt lại những ngày ấm áp. Nắng như thể gói nốt những giọt êm ái, mềm mại quấn lấy thịt da. Gió tươi nhẹ, bất chấp sương lạnh đâu đó sắp về. Và hương! Hương thu chín ngập cả đất trời.
Quả chín, lá chín, rộm lên những mảng vàng êm ái. Thoáng chút buồn vu vơ, đẹp day dứt như thể những nụ hôn tiễn biệt trên sân ga, nấn ná, ngậm ngùi rời rã... tạm chia đôi ngả, để lại những mùa hè rực rỡ phía sau lưng.
Mùa thu nào cũng mang mang như thế. Chưa bao giờ dừng lại. Chưa bao giờ đổi thay, và không bao giờ cũ.
Ước mơ có một cái bếp ngoài sân mang dáng dấp một căn bếp của bà nội ở giữa cái giếng trời trong căn nhà giữa phố Hàng Trống ngày xưa là một ước mơ bé bỏng chật hẹp của đời mình.
Cái bếp của bà nội tôi chỉ vỏn vẹn 8m, không cửa, không khóa. Một khoảnh sân ngập nắng, có gió lùa mát rượi từ một cánh cửa ngách nối với mùi hương sói, hương ngâu, hương bưởi, hương na.
Căn bếp ấm sực về mùa đông vì bà luôn dậy sớm nhóm lò, đun la liệt các nồi nước nóng. Những siêu nước sôi sùng sục luôn được bà rót đấy ắp các phích để con cháu lấy nước rửa mặt, pha trà buổi sáng, có nước lọc uống quanh năm ngày tháng.
Nơi thơm tho mùi thức ăn bà nấu sáng, trưa, chiều, tối. Từ bếp này cho ra nhiều mâm cỗ đẹp như tranh tĩnh vật trên nền lụa óng.
Gian bếp in đậm dáng dấp một người đàn bà đẹp tươi trang nhã từ ánh mắt đến nụ cười. Bao năm, bếp nhà lúc nào cũng hồng rực, củi nhóm lò xếp ngăn nắp phía dưới. Vài cái bếp kiềng ba chân đun củi xếp cạnh, phòng những lúc nhà có giỗ chạp hoặc đông khách tới chơi.
Hành, rau, khoai, tỏi, sắp xếp, đựng, treo đâu đó trên xích-đông có hàng có lối, mùi than mùi củi, mùi mạt cưa, mùi bồ hóng kết lại thành một thứ mùi thương nhớ đậm sâu.
Nồi to, nồi nhỏ, chảo to, chảo nhỏ, đi liền vung được đóng đinh treo theo sắp xếp của riêng bà. Rồi hũ, vại, cối… được xếp đặt lớp lang, dễ tìm, dễ lấy. Dư âm của “bức tranh” ấy sống động như thể chưa bao giờ, không bao giờ tàn phai.
Một cây dâu tằm vắt vẻo vượt bờ tường rêu, thỉnh thoảng rụng xuống những trái chín, lũ trẻ chí chóe nhặt rồi chia nhau nếm xuýt xoa ì xèo.
Từ chái bếp, lá xương sông, tía tô, rau mùi tàu thơm la đà theo gió. Mùa nào hoa quả ấy. Ngâu, sói, hoa bưởi, mùi na, mùi mít tỏa hương.
Bà ngồi đãi gạo, nhặt sạn, nhặt thóc, lặt rau, muối dưa, muối cà... chú mèo mướp lim dim gà gật xung quanh.
Đến bao giờ mới vơi bớt nhớ thương?
Mẹ bạn tôi thích đun bếp củi. Dẫu có bếp ga, bếp từ, bà vẫn nhóm lửa mỗi ngày ít là một lần. Dường như với người có tuổi, được lúi húi bên ông đầu rau, cũng là một thú vui?
Người già như lá trên cây, những điều quen thuộc cũ kĩ là nguồn nhựa nuôi lá ấy. Sự chắt chiu đã thành nếp. Con cái đi khắp nơi nhưng khi về nhà vẫn như lúc lên năm lên ba. Ngồi bàn trà bố vẫy tay cho ngồi bên cạnh thì mới dám ngồi. Vặn vòi nước rửa tay mà trót để xối xả cũng chợt giật mình vì sợ bố nhắc. Tráng cái bát phải lấy tay miết vào những góc cạnh xem hết mỡ nhờn chưa vì ngại nhỡ mẹ cầm xem lại chê con gái ẩu.
Bố mẹ là hồn cốt của con cái, như gốc cây già trong vườn cũ. Cây vững rễ thì cành con vươn xa. Cây bị sâu thì cành chao đảo. Cây rễ cọc xoáy sâu thì cành vững chãi.
Nhiều điều các cụ không hợp mình nữa vì quan điểm sống khác đi. Nhưng, đừng bắt các cụ sống theo con cháu, mua được đồng quà tấm bánh cho bố cho mẹ chớ mãn nguyện, vì có khi các cụ lại cất đi dành cho các cháu...
Hãy để cho người già được sống với những sở thích của họ. Và đừng nghĩ mua sắm cho bố cho mẹ chút vật chất đã là đủ báo hiếu. Như các anh chị tôi kia, họ kể về những thói quen người già mà người trẻ không quen làm, bằng giọng kể vừa hài hước, vừa tự hào. Dấu yêu ở đấy.
Đến một ngày, bạn sẽ thấy hẫng hụt, trống vắng, nếu trong nếp nhà không còn bóng cha mẹ lúi húi bên bếp, ngoài vườn, hay ngồi ở bộ tràng kỷ nơi phòng khách... Những thứ đồ bạn mua về sẽ trơ ra vô cảm.
Chỉ là đôi điều quẩn quanh với cha mẹ già, nghĩ vụn mà thôi. Nhớ đến những lúc nông cạn giận hờn bố mẹ, bỗng giật mình...
LÊ THỊ THANH HỒNG