column_right getExtensions 1733434235-1733434235

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1733434235-1733434235

THẤM DI CHÚC THIÊNG LIÊNG CỦA BÁC KÍNH YÊU TỪ CÔN ĐẢO

THẤM DI CHÚC THIÊNG LIÊNG CỦA BÁC KÍNH YÊU TỪ CÔN ĐẢO

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:08-11-2024

Thấm Di chúc thiêng liêng của Bác kính yêu từ Côn Đảo

PHƯỚC LONG

- Tất cả đều què, liệt, cạn kiệt sức khỏe và đang nhích dần đến cái chết nhưng Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ đã tiếp thêm nguồn năng lượng đặc biệt cho 14 chị em nữ tù chúng tôi trong hầm đá. Chị em chúng tôi có thêm sức mạnh, quyết tâm phải sống để tiếp tục chiến đấu và thực hiện những lời căn dặn của Người.

Bà Lê Hồng Quân

Một ngày đầu tháng 5-1970, sau khi đổ thùng vệ sinh trở về, chị Quỳnh bước tới dúi vào tay tôi và nói khẽ: Của dì Mười Vàng gửi em, quà đặc biệt!

Đó là một vắt cơm được nhồi nhuyễn, còn mềm, to bằng ngón tay trỏ, dài khoảng 6cm, để nếu bị phát hiện thì cho ngay vào miệng nhai và nuốt ngay. Đó là dụng ý của người gửi.

Tôi hồi hộp lạ thường. Bởi trước lúc bị đày ra Côn Đảo, thì hay tin: Tập thể nữ tù sẽ nhận được Di chúc của Bác Hồ. Mở vắt cơm, có tờ giấy nhỏ được cuốn chặt trong lớp nylon. Lần mở tờ giấy, khoảng nửa trang vở học trò, chi chít chữ viết lẫn dấu hiệu tốc ký. Hiểu rằng tập thể đã tin tưởng, giao cho tôi giữ gìn để “khi vui kể lại cho chị em tù cùng nghe”. Nghĩa là, vào thời điểm thuận lợi nhất, tôi phải tổ chức cho chị em tù trong chuồng cọp học Di chúc của Bác.

Nhưng để giữ được nguyên văn di chúc trong điều kiện khắc nghiệt của chuồng cọp, chỉ có thể huy động trí nhớ. Tôi tự nhủ dù bị tra khảo, thương tích đầy mình nhưng vẫn có thể học và nhớ từng lời của Bác trong bản di chúc.

Cụm tượng với cánh tay vươn cao phá tan xiềng xích gắn với cánh chim bồ câu hòa bình (Bảo tàng Côn Đảo)

Rồi thời cơ đến. Sáng ngày 19-5-1970, kỷ niệm sinh nhật lần thứ 80 của Bác Hồ. 14 chị em bị nhốt trong hầm đá nổi, nhà tù Côn Đảo, nghe tôi thông báo: tập trung để Quân đọc bản Di chúc của Bác. Các nữ tù im lặng, những đôi mắt sáng rỡ hướng về tôi và chờ đợi…

Tất cả chị em mở đầu bằng bài hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của nhạc sĩ Huy Thục: “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận, trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác, nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên Người...”. Tiếng hát ngân vang, quyện vào nhau và tràn đầy niềm tin yêu, dẫu mấy tên trật tự có ghé tai qua khe cửa theo dõi.

Sau tiết mục “văn nghệ tập thể” là đến phần kể chuyện. Những câu chuyện, bài thơ của Bác mà tôi học được tại nhà tù Thủ Đức nay có dịp đọc cho chị em trong hầm đá cùng nghe. Chúng tôi thấy như được gần Bác hơn, hiểu thêm về lòng yêu nước và lý tưởng của Người ngay từ thời niên thiếu.

Và tiếp tục câu chuyện về Bác. Từ khi Người xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước, chuyện Người bị tù đày, rồi Bác động viên bộ đội, chiến sĩ trong đấu tranh… Đến chuyện về anh Hoàng Sơn xăm tên Bác Hồ lên ngực, bị bọn cai ngục dùng chày vồ đánh nát ngực nhưng anh nhất quyết không ly khai…

Qua những câu chuyện xúc động, tôi quyết định sẽ báo cáo toàn văn Di chúc của Bác. Nhưng làm sao để có được nguyên bản Di chúc? Khi tôi đọc lên, không ai hoài nghi. Bởi ý chặt chẽ đầy tình nhân ái, lời văn trong sáng, giản dị mà sâu sắc. Chỉ có Bác Hồ mới viết được vậy. Các chị em lặng đi vì xúc động.

Bà Lê Hồng Quân chia sẻ trong phim tài liệu “Nữ Biệt động Sài Gòn - Khúc tráng ca bất tử”

Từ bản Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ, lần đầu tiên tôi ý thức phải vượt lên, phải sống, thực hiện những điều Bác dạy cho bản thân và tập thể nữ tù trong hầm đá nói riêng cũng như cho nhiều chiến sĩ cách mạng đang giam cầm tại ngục tù Côn Đảo. Cả tập thể thảo luận kỹ phần Bác nói về Đảng, về đoàn kết, về sự quan tâm đến giáo dục, dìu dắt thế hệ trẻ. Chúng tôi đặt vấn đề: Cần phải sống thế nào để xứng đáng với tấm lòng của Người. Đó là tiếp tục chiến đấu và cống hiến cho lý tưởng cách mạng.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga thăm bà Lê Hồng Quân, dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (7-2024)

Sau khi buổi học Di chúc của Bác Hồ, chúng tôi vượt lên hy sinh, mất mát, cả tập thể bước vào thế trận mới.

(Lược ghi lời kể của bà Lê Hồng Quân, cựu tù Côn Đảo)

 

Bà Lê Hồng Quân tên khai sinh Đào Thị Huyền Nga, sinh năm 1947, quê xã Phú Thứ, huyện Châu Thành, tỉnh Cần Thơ (nay là phường Phú Thứ, huyện Cái Răng, Cần Thơ), hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bà là Quyền xã đội trưởng xã Phú Thứ (1962), cán bộ Tiểu đoàn Tây Đô tại Cần Thơ (1965). Năm 1968, bà làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Biệt động Lê Thị Riêng, thuộc Ban Phụ vận Khu ủy Sài Gòn - Gia Định. Trong đợt 2 Tết Mậu Thân 1968, bà bị thương nặng và bị địch bắt giam. Từ nhà tù Thủ Đức, chuyển sang Khám lớn Chí Hòa, rồi bị đày ra Côn Đảo, tháng 11-1969. Từ sau Hiệp định Paris, bà được trả tự do (1974).

BÀI VIẾT NỔI BẬT