column_right getExtensions 1732309762-1732309762

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732309762-1732309762

TẾT, MẸ VÀ QUÊ HƯƠNG!

TẾT, MẸ VÀ QUÊ HƯƠNG!

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:20-01-2023

TẾT, MẸ VÀ QUÊ HƯƠNG!

Những ngày giáp Tết thường bận rộn và đáng yêu nhất. Phương Bắc, tiết trời lạnh, hanh hao một chút nắng vàng xuyên qua ngõ vắng. Cái nắng đủ để phơi kiệu phơi hành, phơi rèm cửa chăn gối, dọn dẹp nhà cửa. Đàn ông chà bộ lư đồng, sửa soạn bàn thờ; phụ nữ hối hả làm bánh mứt. Tết Nguyên đán thiêng liêng với mỗi người Việt, dù văn minh hiện đại đến đâu thì cũng không ai bỏ Tết!

Chợt nhớ những Tết xưa, khi còn nhỏ, không chỉ giúp bố mẹ dọn dẹp nhà cửa mà còn quét tước sửa chữa cả hàng rào, bờ giậu. Cây cối được cắt tỉa gọn gàng, hàng rào mạn hảo thẳng tít tắp, vài bông cúc vàng, dâm bụt quê đong đưa trong gió rất đỗi yên bình. Tết là mùa cam, cam vàng trĩu vườn, bưởi Diễn ngan ngát thơm cả khu vườn. Rồi những chùm quả me đung đưa, thi thoảng rớt bộp xuống mái nhà sau cơn gió mạnh. Sân nhà ken bằng đá ong, qua mùa mưa rau dại mọc lên khắp nơi. Trong vườn nhà ngoại có mấy cây xoan, hoa nở trắng xoá, Tết chặt một cành đem cắm vô cái độc bình chưng cho đẹp. Dường như mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính vẫn đọng lại đâu đây…

Cũng vì những mẩu ký ức cũ kỹ ấy mà năm nào mẹ cũng phải lui cui chuẩn bị Tết, để chồng con được hưởng chút hương vị cổ truyền. Mỗi người một tay cùng dọn dẹp, sơn cổng, gói bánh chưng. Năm đầu tiên thử gói cái bánh, chao ơi méo xẹo, năm sau thì khá hơn.

Cảm giác tuyệt vời khi ra chợ, nâng lên đặt xuống bó lá dong, mớ lạt giang, cái khuôn bánh… mới thú vị làm sao! Bánh chưng được nấu rất lâu, một bên nồi bánh một bên nồi nước sôi sẵn sàng để châm thêm cho bánh dẻo rền. Tiện thể, cời thêm chút than nấu nồi thịt đông, hầm nồi măng miến, chăm chút nồi thịt kho rệu... vui không gì sánh được! Chỉ vì khoảng thời gian ngồi nấu bánh chưng, bánh tét này mà biết bao người con xa xứ mắt mũi cay xè khi nhớ về quê hương và gia đình yêu dấu. Hình dung chút nhân thịt mỡ béo ngậy tan trong miếng bánh chưng thơm, thèm miếng thịt nấu đông ăn kèm dưa cải vàng ruộm. Mẹ muối dưa chua, dưa góp, dưa cải. Mẹ mang cả tuổi thơ hong trên mái nhà để đợi đàn con trở về nhà trong những ngày cuối năm mưa phùn, gió bấc.

Ngày xưa trong xóm có hai cô bán dưa cải muối. Dưa của họ ngon có tiếng. Hai cô đi chợ chọn cải mua về tách phơi ngay sân nhà rồi thủng thẳng muối bán cho người quanh xóm. Thỉnh thoảng mẹ sai xách cái tô ra mua một đồng tiền dưa, tùy món mà lấy cọng nhiều hay lá nhiều: nấu canh lấy lá, kho cá lấy cọng. Có bữa còn xin cô thêm chút nước dưa về muối bắp cải cho nhanh chua. Cô không cười không nói, không vui không buồn, cứ từ từ mở cái nắp lu sành da lươn nhỏ, dùng ca múc nước dưa chế lên mớ dưa vàng ruộm. Nước dưa này kho cá hay nấu canh đều ngon, đùng đục, nằng nặng một màu ký ức, mùi thơm thơm nhè nhẹ của hành. Dưa cải ăn với thịt đông là ngon lắm lắm, nhưng ngon nhất vẫn là nấu canh gân bò cà chua. Bình thường không đợi chua đến mức đó nên thấy nước dưa y chang thứ nước trong cái khạp sành da lươn ngày xưa của mẹ, chợt giật mình. Đã bao lâu rồi từ một cô bé bưng tô chạy đi mua dưa cho bữa cơm chiều đến hôm nay là người đàn bà đứng muối dưa trong căn bếp của mình? Để nhớ về xóm nhà xưa với bao ký ức. Bởi thế bao nhiêu năm vẫn không muốn xa rời xóm cũ, mỗi căn nhà gắn với một người hàng xóm thân quen. Chỉ có mấy miếng dưa thôi mà cũng nhớ về ngày cũ. Chỉ thế thôi mà đã không dằn lòng được!

Mùa xuân bắt đầu từ khí trời cây cỏ. Tết bắt đầu từ đâu?! Tết bắt đầu từ thềm nhà mẹ. Hương vị Tết cũng toả ra từ chái bếp của mẹ. Có mẹ là có Tết!

Thanh Hồng

BÀI VIẾT NỔI BẬT