column_right getExtensions 1714225504-1714225504

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714225504-1714225504

XUÂN VỀ, NGHE ĐỜN CA TÀI TỬ

XUÂN VỀ, NGHE ĐỜN CA TÀI TỬ

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:13-01-2024

XUÂN VỀ, NGHE ĐỜN CA TÀI TỬ

Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Từ bến tàu Tắc Suất, Cần Thạnh, mỗi ngày có bốn chuyến đi về, nối thị trấn với ấp đảo. Sáng tinh khôi, gió se. Chiếc tàu vỏ gỗ lượn giữa mênh mang sông nước, đước bạt ngàn tầng thấp, tầng cao, đước nối nhau xanh miên man, quyến rũ. Tên ấp gợi về thủa khai thiên lập địa. Theo đó, “Thiềng Liềng” một từ khá cổ vẫn còn được lưu giữ trong phương ngữ Nam bộ, đọc theo âm Hán - Việt là “Thành Linh”, nói tắt của cụm “tâm thành tác linh”. Bởi vậy, đây không chỉ thuần là một địa danh, mà còn như một lời nhắc nhở của tiền nhân về phương cách sống và đối nhân xử thế.

Một buổi sinh hoạt thường kỳ của CLB đờn ca tài tử

Lên bờ, ngay phía tay phải là một dãy nhà thâm thấp, ven con rạch. Các hộ sống bằng nghề đánh bắt thủy sản tập trung ở đây. Mấy người đàn ông lúi húi kéo rải mớ “rập xếp” dài chừng 4-5m, dụng cụ bắt cá, tôm, mực… ra phơi phóng. Vài người đàn bà túm tụm vãn chuyện bên những chậu ớt quả tím rịm.

Nắng rắc rây trên đám dừa nước óng xanh. Được coi là vùng đệm của rừng ngập mặn, Thiềng Liềng chỉ cách Sài Gòn 50km. Từ trên cao nhìn xuống, con đường độc đạo hình oval, dài chừng 4km, bọc lấy khu dân cư và đồng muối rộng rênh. Thưa thoáng những nếp nhà giữa um tùm hoa trái. Hàng cây so đũa e ấp mời chào. Bên thẻo ruộng cạn, vạt rau dút mơn mởn dày dịt, ngó qua dễ lầm với lùm mắc cỡ, mới đụng cánh lá khép lại thật nhanh. Ngắt một đọt mềm oặt như sợi bún tưởng chừng có thể ăn ngay được. Ấn tượng nhất là cây si ro, tên khoa học là Carisa caranda, thân gỗ, cành có gai, mọc từng bụi sum suê, cao quá đầu người, tạo nên bức tường xanh mướt mát, chíu chít quả chín mọng, đỏ rực.

Ấp Thiềng Liềng có 6 tổ nhân dân, gồm 243 nóc gia với hơn 900 nhân khẩu. Trong đó, số hộ làm muối chiếm tới 70%. Đây là vùng quy hoạch muối của thành phố, vựa muối huyện Cần Giờ. Với 390 hecta đất ruộng, vụ muối năm 2023, Thiềng Liềng thu được 17.000 tấn, cao hơn năm trước 3.000 tấn. Giá bán dao động ở mức 2.200 đồng một ký, cao nhất từ trước đến nay, nên diêm dân phấn khởi.

Không chỉ sản xuất giỏi, vài năm nay, Thiềng Liềng còn được biết như một điểm đến đầy hứa hẹn. Nổi bật với khung cảnh còn nguyên sơ, không gian tĩnh mịch, cư dân hiền hòa, không khí trong lành thanh sạch; với những tiêu chí ấy, ấp đảo này được ví như một viên ngọc thô quý giá.

Cuối tháng 12-2022, Sở Du lịch TP. HCM phối hợp với huyện Cần Giờ, tổ chức lễ công bố điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng. Khởi đầu, toàn ấp có 16 điểm đến với nhiều loại hình đa dạng. Các sản phẩm du lịch ở đây đều mang đặc trưng của hệ sinh thái rừng ngập mặn với nét văn hóa bản địa của người dân vùng cửa bể, từ ẩm thực, nhiều món bánh dân dã cùng các thức uống, đến không gian nghề muối, không gian hoài niệm… Với sự hỗ trợ của ngành du lịch, được sự hướng dẫn của các chuyên gia, các sản phẩm du lịch cộng đồng đều do chính các hộ dân Thiềng Liềng làm chủ.

Cách cổng chào không xa, có bảng sơ đồ chỉ dẫn những điểm cung cấp dịch vụ cho du khách homestay. Đó là hộ Nguyễn Văn Đổi (Năm Đổi), ẩm thực đồng muối; Hai Loan, các món bánh; Mười Bụng, bếp ăn gia đình; Mười Giạ, nước mát; Tư Tuấn, cà phê, kem dừa nước; Sáu Trúng, sâm giải nhiệt; Năm Tuyết, ngâm chân thư giãn

Là người xông xáo, làm ăn giỏi, lăn lộn với nghề muối, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Thiềng Liềng, ông Năm Đổi rất “chịu chơi” và mặn mòi với văn nghệ. Nhà ông ở trong khuôn viên rợp bóng cây xanh, liền kề chân ruộng muối ngút tầm mây trắng, ngó ra sông Lòng Tàu êm ả. Đây là điểm ẩm thực lý tưởng và cũng là “trụ sở” của Câu lạc bộ (CLB) đờn ca tài tử, nơi có thể đón cùng lúc hàng trăm người đến ăn uống và thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc.

CLB đờn ca tài tử của ấp được hình thành từ năm 2012, ban đầu hoạt động mang tính tự phát. Dựa vào năng khiếu của một vài cá nhân trụ cột, với sự đam mê của bà con, thành viên CLB thảy đều là cư dân ấp Thiềng Liềng. Hầu hết các nghệ nhân này đều ngụ ở các tổ liền kề nhau (37, 38, 39). Không chịu bó tay trước nghịch cảnh của một ấp nằm trong xã đảo cách biệt với đất liền và phố thị, những người nông dân biết cách thổi sự tươi mới vào đời sống văn hóa tinh thần của mình. Sự nỗ lực ấy đã được đền đáp, năm 2014, CLB này đón nhận bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trước sự phát triển mạnh mẽ và tầm vóc của đờn ca tài tử nơi ấp đảo, đầu năm 2023, Ủy ban nhân dân xã Thạnh An quyết định kiện toàn CLB này gồm 12 thành viên do Nguyễn Hùng Hân, sinh năm 1989 (con trai anh Năm Đổi) làm Chủ nhiệm. Cao tuổi nhất là ông Nguyễn Hồng Huỳnh (SN 1950), trong 3 thành viên nữ, có người sinh năm 1981. Phó Chủ nhiệm CLB là ông Trưởng ấp Nguyễn Văn Yến, em ruột Năm Đổi.

Bằng khen của Bộ VH-TT& DL

Ngồi tỉ tê với bậc cao niên, nhất là các nghệ nhân, mới vỡ thêm nhiều điều thú vị. Hóa ra, đờn ca tài tử thuộc dòng nhạc thính phòng dân gian, một sản phẩm văn hóa độc đáo của dải đất phương Nam. Nhưng nó hoàn toàn khác với cải lương. Tương truyền, nhạc tài tử được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX, mang theo chất giọng “Nam ai, Nam bằng” của xứ Huế, hòa trộn chất lãng tử xứ Quảng… nhưng khi du nhập vào Nam kỳ lục tỉnh thì có nhiều thay đổi, không còn y nguyên bản gốc mà có sự tiếp biến cho phù hợp. Tham gia đờn hát chủ yếu là bầu bạn thân quen, cùng chòm xóm với nhau, sau giờ lao động thì ngồi lại sẻ chia thú vui tao nhã, bởi vậy, những người bình dân thường không câu nệ về trang phục.

Từ xưa, sinh hoạt đờn ca tài tử thường chỉ diễn ra vào những đêm trăng, trong không gian sân vườn gần gụi. Chữ “tài tử” hàm ý chỉ người có biệt tài chơi nhạc, nhất là giỏi về cổ nhạc. Thoạt đầu mới chỉ có đờn không thôi, dần dà, do nhu cầu biểu lộ tình cảm, xuất hiện thêm các giọng ca, nên mới gọi chung đờn ca là bởi vậy. Có thể nói, nhạc tài tử đã ăn sâu vào tim óc, cũng như ngấm vào huyết quản của người dân Nam bộ, nhất là miệt vườn và vùng sông nước. Cho đến nay, đờn ca tài tử hầu như vẫn còn giữ được nguyên vẹn bản sắc, không bị yếu tố ngoại lai ảnh hưởng, làm mất đi cái hay và vẻ đẹp vốn có. Nhạc cụ sử dụng trong đờn ca tài tử gồm đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn kìm, đàn cò, đàn tam và sáo 7 lỗ (phụ họa). Rõ ràng, đây là một loại hình nghệ thuật vừa mang tính bác học lại vừa đậm chất dân gian trong sinh hoạt cộng đồng, lấy đờn ca làm thú tiêu dao lành mạnh. Điều đáng nói là khi sinh hoạt CLB, các nghệ nhân ca vẫn giữ được hồn cốt mộc mạc, chân phương và nhất là chất ngẫu hứng cần có của loại hình đờn ca tài tử.

Sau khi được kiện toàn, tiếp tục phát huy thế mạnh vốn có, CLB thêm nở nồi với những bước đi vững chắc. Đã quy tụ được nhiều nghệ nhân và các đối tượng yêu thích đờn ca; tạo điều kiện cho họ được trau dồi, rèn giũa về tư tưởng, đạo đức, lối sống; bồi dưỡng và phát triển năng khiếu, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh. Những cây đờn kìm, đờn cò, đàn tranh, sến, hòa âm với đàn guitar phím lõm, nhất là được nghe nhiều giọng ca mượt mà, ngọt lịm, du khách ngỡ như mình vừa lạc vào một CLB chuyên nghiệp ở cấp huyện hoặc cao hơn, chứ không phải của một ấp đảo!

Ca sĩ nhí Thùy Trang

Nhờ chủ trương đúng đắn, mà CLB có được nguồn kế cận tốt. Trong lần trở lại ấp Thiềng Liềng lần thứ 2, tôi ghé thăm “bản doanh” của đờn ca tài tử. Hơi bất ngờ, nhưng không hề bị động, Chủ nhiệm CLB Nguyễn Hùng Hân liền bấm máy gọi người. “Dạ, em tới liền”. Tưởng đâu sẽ được gặp một thành viên “gạo cội”, nhưng khi chiếc xe đạp dừng trước cổng, bước xuống chỉ là một cô bé cột tóc đuôi gà, gương mặt rám nắng, nước da bánh mật. Đó là Phạm Thị Thùy Trang 12 tuổi, nhà rất nghèo, nhưng mê ca tài tử. Lễ phép chào mọi người xong, cô bé nhanh nhẹn cầm mic thử giọng. Chủ nhiệm Hân ôm cây guitar so dây. Những người có mặt đi từ ngỡ ngàng này đến ngạc nhiên khác. Với chất giọng cao vút, réo rắt, tròn vành rõ tiếng, Thùy Trang trình bày bài “Biển đảo Tổ quốc tôi”, theo điệu Lưu Thủy Trường, lời ca rất mới mẻ. Nghe câu “Tổ quốc muôn đời biển đảo quê hương…”, mới thật thấm thía và rất đỗi tự hào. Rõ ràng đây là những mầm chồi ca tài tử đầy hứa hẹn. Nhiều bài bản được CLB đờn ca tài tử ấp Thiềng Liềng sử dụng đều do các soạn giả từ nhiều nơi gửi về. Riêng ông Nguyễn Văn Tươi (nghệ danh Đăng Minh, hội viên Hội Sân khấu TP. HCM) đã có hàng chục bản (vọng cổ, vọng kim lang, các bài lý…) viết riêng cho CLB này. Ấp nghèo, nên chỉ có thể trả “nhuận bút” cho soạn giả bằng muối sạch, cá khô và thuốc nam… Đơn sơ vậy mà vui, đôi bên tự nguyện gắn kết. Nhờ có nguồn bài bản mới mẻ, CLB đem lại nhiều hứng khởi cho giới mộ điệu, cùng khán thính giả và du khách mỗi khi đến với ấp đảo.

Cùng với việc duy trì sinh hoạt định kỳ có chất lượng vào các đêm trăng, CLB còn tổ chức nhiều buổi giao lưu, biểu diễn phục vụ bà con trong các dịp lễ hội tại địa phương; nhất là việc tham gia hội thi đờn ca tài tử các cấp. Đầu tháng 11-2023, Hội thi tuyên truyền về nông thôn mới trên địa bàn TP. HCM, được tổ chức tại huyện Nhà Bè, với sự tham gia của 10 đội đờn ca thuộc các huyện ngoài thành, mỗi đội mang đến 3 tiết mục. Bài vọng cổ “Thắm tình quân dân” và ca cảnh “Thiềng Liềng nơi du lịch cộng đồng” của soạn giả Đăng Minh, do CLB đờn ca tài tử ấp Thiềng Liềng trình diễn, đã rinh về giải Nhất.

Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử ấp Thiềng Liềng (thứ hai, từ trái sang) với giải Nhất

Điều đáng nói ở đây, CLB luôn biết trân trọng sưu tầm và khai thác các tiềm năng, giá trị về biên soạn; đặc biệt ươm mầm cho năng khiếu đờn ca phát triển, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; hướng vào phục vụ đắc lực nhiệm vụ chính trị của địa phương, trước tiên làm phong phú du lịch cộng đồng. Giữa những ngày xuân, có dịp được thưởng thức đờn ca tài tử, sẽ là một kỷ niệm khó quên!

Bài và ảnh: NGUYỄN MINH TUÂN

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:1709
Trong tuần:7861
Trong tháng:7861
Cả năm:7861
Tổng lượt xem:7861