column_right getExtensions 1714500407-1714500407

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714500407-1714500407

TRONG HƯƠNG DỨA THƠM

TRONG HƯƠNG DỨA THƠM

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:20-11-2023

TRONG HƯƠNG DỨA THƠM

Chiều. Cô bạn rủ đi Tam Điệp với lý do, đang mùa dứa chín. Gặp được ngày tạnh ráo, râm mát, thế là phới. Quãng đường từ thành phố về Tam Điệp đã được đầu tư mở rộng, trải nhựa, không còn ổ gà, bụi bặm như trước. Ngày ấy, đi trên con đường này cả người và xe phủ lớp bụi đất vàng vàng. Khi có việc, chỉ nghĩ thôi đã thấy sao mà xa xôi, cách trở.

Vừa đến Tam Điệp, cả không gian ngào ngạt thơm hương dứa. Mùi hương vấn vít trên áo, trên người; hương la đà trên ngọn cỏ nhành cây và phơ phất bay. Một vùng đất như được ướp hương thơm nồng nàn và quyến rũ. Mùi hương thơm thơm ngòn ngọt từ cái thuở theo bố đến vùng đất này. Có lẽ, hương thơm quyến rũ và mời gọi ấy đã lưu khách đường xa mỗi lần về Tam Điệp.

Nông trại dứa Tam Điệp thuộc nông trường Đồng Dao tọa lạc tại thành phố Tam Điệp, Ninh Bình

Ngày ấy, tôi mới lên năm, lên sáu. Bố làm ở ngân hàng, mẹ đi làm, chị đi học, hôm ấy có việc ở Tam Điệp, bố cho đi theo. Ngồi trên xe đạp, khi chạm vào đất Tam Điệp, tôi thấy mùi hương thơm lắm. Mùi hương thơm dìu dịu, ngọt ngọt chứ không gắt như mùi dạ hương tối tối bên chái hiên nhà.

- Ôi, hương gì thơm quá bố ơi?

- Hương dứa đấy con - Bố cười nhẹ - Con hãy nhìn ra xung quanh đi. Con có thấy sắc vàng ánh ỏi giữa màu xanh rất đẹp trên các sườn đồi kia không?

Tôi nhìn theo. Cả một không gian rộng lớn, lấp ló giữa vạt lá đầy gai, chĩa thẳng lên trời, là những trái dứa chín vàng, thả hương bay trong nắng và trong gió.

Mùi hương thoang thoảng của dứa chín lan tỏa khắp nơi

- Con thấy có đẹp không?

- Dạ. Đẹp lắm bố ạ.

- Ừ. Đẹp lắm - Giọng bố chùng xuống, thoảng như gió - Nhưng câu chuyện về loại hoa trái này là cả một nỗi buồn, nỗi xót xa của con người về cách ứng xử trong cuộc sống.

… Chuyện rằng, ngày xưa, ở một vùng đất nọ, ở một gia đình có hai mẹ con. Người con gái năm ấy mới mười lăm, mười sáu tuổi. Đang tuổi ăn tuổi lớn, người con gái không thích nấu ăn, may vá, thêu thùa, cả ngày chỉ thích ca hát, mọi việc trong nhà chỉ có mẹ làm. Người mẹ thương con nhưng nói năng không khéo, hay cáu bẳn. Rồi một ngày, mẹ ốm nặng, cô gái phải cáng đáng mọi việc trong gia đình. Vì thường ngày lêu lổng, nên lúc vào bếp, cô không biết phải làm như thế nào. Đụng việc gì cũng hỏi ồi ồi. Đang ốm, thấy con hỏi nhiều quá, người mẹ bực mình. Bà ước gì con mình có thật nhiều mắt để tìm những đồ dùng không phải hỏi như vậy nữa. Vừa dứt lời, người mẹ bỗng nghe tiếng nói từ trên cao dội xuống, lời ước của nhà ngươi sẽ thành sự thật.

Nghe thế, người mẹ hoảng quá, nhìn trước ngó sau không thấy cô con gái đâu. Bà cất tiếng gọi. Tiếng lọt thỏm giữa không gian mênh mông. Người mẹ gắng gượng đứng dậy, vừa dò dẫm từng bước, vừa cất tiếng gọi: Con ơi! Con ở đâu? Cứ sau mỗi tiếng gọi, bà lại thấy có một làn hương rất thơm tràn đến. Bà đi theo mùi hương, đến cuối vườn, bỗng thấy đôi hài của con gái bên cạnh một bụi cây vừa trổ ra một trái rất kỳ lạ, thân dài, tròn, có nhiều mắt xung quanh, tỏa mùi thơm thoang thoảng. Bà vội đưa tay, nắm lấy đôi hài, rồi sờ vào trái lạ. Giọng bà đẫm nước mắt: Con ơi! Mẹ đã sai rồi. Mẹ yêu con mà.

Sau tiếng than của bà, có tiếng khóc nỉ non từ trong trái lạ vọng ra. Nước mắt bà rơi xuống, ướt cả trái cây. Vỏ trái cây đang xanh ửng lên, vàng dần, vàng dần. Hương thơm từ trái cây mỗi lúc một thơm hơn, ngào ngạt hơn, quấn lấy người mẹ. Thương con, ân hận những điều trót nói, người mẹ hóa thành những chiếc lá, trên lá có nhiều gai, bao bọc bảo vệ đứa con bé bỏng và vụng dại, chuộc lại lỗi lầm khi nóng giận. Để nhắc nhở mọi người về ứng xử trong cuộc sống, dân làng gọi trái lạ là trái ân hận. Sau rồi, trải qua năm tháng, không muốn nhắc lại câu chuyện buồn khi giận dỗi của người mẹ, người làng gọi trái đưa, ý là hương thơm đưa dẫn con người tìm đến. Sau rồi người ta nói chệch thành dứa.

Tôi đứng thẫn thờ nhớ lời bố kể câu chuyện năm nào bên những đống dứa vừa cắt về. Trên bộ áo bảo hộ lao động của những người công nhân còn loang vệt mồ hôi. Những người công nhân đang phân loại dứa. Cô bạn cầm lên trái dứa. Ôi thơm quá. Rồi bất giác cô bạn hỏi bâng quơ:

- Làm thế nào mà dứa thơm thế nhỉ?

Có một bác công nhân già cười hiền:

- Các cô muốn biết vì sao dứa thơm không?

Giọng bác công nhân già chậm rãi. Ngày xưa, Tam Điệp là vùng đất nghèo khó, khô cằn, dân tình bỏ xứ mà đi, chỉ còn đôi vợ chồng trẻ. Một hôm, có ông cụ mang tới giống cây, lá cứng, có gai hai bên. Cụ bảo, các cháu trồng thử xem. Và cây càng thấm nhiều mồ hôi người rơi xuống thì trái càng thơm, vị trái càng ngọt. Tiếng lành đồn xa, hương thơm vẫy gọi người xa quê trở về lập nghiệp, làm nên vùng đất dứa Tam Điệp ngày nay.

Thu hoạch dứa

Bác công nhân bổ đưa tôi miếng dứa. Trên gương mặt bác, những giọt mồ hôi rơi xuống, giọt mật dứa thơm chảy tràn trên lòng tay. Hương dứa thơm quyện lòng người, tình người thơm thảo.

HOÀN NGUYỄN
Ảnh minh họa: Internet

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:2
Trong ngày:49
Trong tuần:118458
Trong tháng:49
Cả năm:825831
Tổng lượt xem:5136269