column_right getExtensions 1732190097-1732190097

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732190097-1732190097

NHỮNG NÀNG XUÂN ĐẾN TRƯỜNG SA

NHỮNG NÀNG XUÂN ĐẾN TRƯỜNG SA

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:07-04-2023

NHỮNG NÀNG XUÂN ĐẾN TRƯỜNG SA

Hàng chục năm qua, hầu như năm nào cũng có nhiều đoàn công tác được cử ra thăm và động viên bộ đội Trường Sa, ngoại trừ 2 năm bị Covid-19 hoành hành, năm 2022, kế hoạch mới được nối lại. Thành phần các đoàn công tác ra thăm quần đảo Bão Tố và Nhà giàn DK trong thềm lục địa, bao giờ cũng rất phong phú. Ngoài các cán bộ lãnh đạo, chỉ huy thì hầu như đoàn nào cũng đều có văn công và phái đẹp được lựa chọn từ nhiều bộ, ban ngành, đoàn thể ở cả Trung ương và các địa phương. Có phụ nữ trong các chuyến hải trình luôn là điều đặc biệt, bởi lẽ, sự hiện diện của chị em khiến cho cánh mày râu phải tự điều chỉnh ứng xử sao cho đúng chuẩn văn hóa. Nhưng quan trọng nhất, phụ nữ là hình ảnh thân thương nhất của đất liền, gợi cho những người lính đảo nhớ về mẹ, về chị hay em gái của mình với nhiều kỷ niệm. Mặc dầu, đó chính là những bông hoa muôn sắc, song các chị em đã không hề làm nền hay tham gia đoàn công tác theo kiểu “du ngoạn”, mà họ trở thành những “chiến sĩ Trường Sa” thực thụ, đến từ đất mẹ.

Tốp ca nam nữ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương hát mừng sinh nhật Bác Hồ

Đoàn công tác số 8 của các cơ quan Trung ương, gồm nhiều đoàn nhỏ, đoàn nào cũng có phái đẹp, không nhiều thì ít. Lên tàu, ổn định nơi ăn chốn ở, mọi người bắt đầu tìm hiểu xung quanh và tìm bạn bè. Con tàu Trường Sa 571 như một tòa nhà đồ sộ, theo sự phân công của Ban tổ chức, hầu hết phụ nữ đều được ưu tiên ở tầng D kín đáo, tiện sinh hoạt cho các chị em, các phòng đều nằm dưới mớn nước, nên chừng như đằm hơn khi tàu chạy, yên tĩnh hơn và giảm thiểu sự rung lắc… Tại đây, nữ giới được bố trí ở mỗi phòng từ 7-10 người, giường tầng hệt như ký túc xá sinh viên, do Ban tổ chức cắt đặt trước lúc lên tàu. Các đại biểu chỉ cần nói số phòng, lập tức hành lý được các chiến sĩ giúp đỡ đưa về tận nơi chu đáo.

Thu Hà và Thanh Thủy trên đường băng sân bay Trường Sa

 

Trong số các phòng của phái đẹp, thì phòng D11 khá đặc biệt, 9 thành viên đến từ 9 cơ quan, đơn vị khác nhau, hầu hết đều trực thuộc Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Vừa nhận phòng xong, chị em liền tổ chức “hội nghị” chớp nhoáng để thống nhất một số quy định và chọn các loài cá để đặt biệt danh cho từng người. Lấy biểu quyết, 100% giơ tay tán thành và cười nghiêng ngả. Theo đó, “Cá ngừ” dành cho chị cả Hà Thị Bích Thủy (Ngân hàng Vietin Bank). “Cá thu” là biệt danh của Nguyễn Thị Nhung (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). “Cá đuối” gắn với Nguyễn Thị Mai Anh (Vụ Văn hóa xã hội, Tạp chí Cộng sản). Tạ Thị Thanh Thủy (Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH & ĐT) là “Cá bống”. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Bộ NN & PTNT, Nguyễn Thị Hải Yến chả biết có “cánh” hay không, nhưng được nhận “Cá chuồn”. Cô nàng mỏng mày hay hạt Nguyễn Thị Thu Hà - Trưởng phòng Tuyên truyền báo chí, Ban Tuyên giáo, Đảng ủy Khối, là “Cá bò giáp” đầy khí thế. Chánh Văn phòng Đảng ủy Bộ VH-TT&DL Nguyễn Thị Hạnh là “Cá kìm”. Áp út là cô gái tuổi Mậu Thìn mảnh mai, xinh đẹp Nguyễn Thị Bình Minh, công tác ở Trung ương Hội LHPN Việt Nam, có biệt danh “Cá heo”. Vẻ như “lạc đàn” và nhỏ tuổi nhất ấy là Đại úy Phan Mai Hương, nghiên cứu viên Trung tâm Quan trắc - Phân tích môi trường biển Hải quân, có biệt danh “Cá nhám”.

Hải Yến (trái) thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ Nhà giàn DK

Trong số 9 chị em, thì Thu Hà, Thanh Thủy, Mai Anh, Hải Yến và Nhung, từng tham gia Đoàn công tác năm 2021 ra Trường Sa, nhưng do tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, sau một thời gian cách ly chờ đợi ở Cam Ranh, kế hoạch bị hủy bỏ, họ trở về Hà Nội. Và không bỏ cuộc, lần này chị em thể hiện rõ quyết tâm cưỡi sóng vượt trùng khơi. Nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của bố mẹ chồng và nhất là sự động viên khích lệ của ông xã Tuấn Anh (công tác bên Sở Xây dựng Hà Nội) cùng hai quý tử, Nguyễn Thị Thu Hà càng có thêm động lực. Tình cảm của các chị em dành cho quần đảo Trường Sa cùng Nhà giàn DK1 dường như được nhân lên bội phần. Một số chị cấp hàm Vụ trưởng, Vụ phó hoặc chuyên viên ở các cơ quan Đảng, nhưng dọc hải trình trên con tàu Trường Sa 571, họ đều như chị em trong một nhà, trân quý và hỗ trợ nhau.

*

Háo hức vậy, nhưng sau khoảng 3 tiếng đồng hồ, con tàu khỏi cửa vịnh Cam Ranh. Sóng lừng khiến ngồi trong buồng thấy lắc lư như đưa võng. Tiếng cười nói dần tắt lặng, nhường chỗ cho những âm thanh khác lạ. Hầu khắp các buồng đều có người nằm ngồi ngổn ngang, mặt héo rũ như tàu lá chuối giang nắng, kè bên mình chiếc túi chống nôn. Trong phòng D11, Nguyễn Thị Bình Minh đi lần đầu nhưng không hề bị say sóng chút nào. Rõ là “Cá heo” ngon cơm nhất. Nhờ vậy, mà Bình Minh không nề hà, chăm sóc cho chị em, lấy cơm nước, di chuyển thoăn thoắt. Sau hơn một ngày đêm, cơ địa của mọi người đã dần thích nghi. Suốt hơn ngàn hải lý, ban ngày, thời gian không lên đảo, chị em thay nhau leo cầu thang đến tầng C phụ giúp Tổ phục vụ. Mỗi người một tay, nhặt rau, gọt củ, thái khoai, làm cá… họ vừa làm vừa trò chuyện, khiến cho khu vực nhà bếp rộn rã tiếng cười đùa. Sự dịu dàng, siêng năng, đầy nữ tính của phái đẹp đã giúp các “Lê anh nuôi” phấn chấn, quên hết mệt nhọc khi phục vụ gần 300 con người, với ngày 3 bữa chính, 1 bữa phụ, đâu ra đấy.

Bình Minh (cười) và Nguyễn Thị Hạnh chia sẻ sự vất vả với Tổ phục vụ trên tàu

Phái đẹp đến Trường Sa, nói chung đều rất giàu năng lượng, họ không chỉ mang tình cảm ấm áp từ đất liền, tham gia các hoạt động tặng quà, thăm hỏi các hộ dân và chia sẻ với những người lính đảo, hầu hết các chị em đều yêu thích ca hát. Bên cạnh vai trò xung kích của nhóm đại diện của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội làm nòng cốt thì trong các buổi giao lưu trên tàu, hay khi đổ bộ lên các đảo chìm, đảo nổi, chị em D11 luôn nổi bật với tinh thần lạc quan, yêu đời, mang lời ca tiếng hát sôi nổi góp vào các chương trình văn nghệ. Đêm mừng sinh nhật Bác Hồ giữa đại dương, tốp ca nam nữ của Đảng ủy Khối gửi đến khán giả bài hát “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” hừng hực khí thế. Hà Thị Bích Thủy, cán bộ Văn phòng Công đoàn (Vietin Bank) từng có quãng thời gian học tập và làm việc ở xứ sở bạch dương. Chị trình bày ca khúc yêu thích có tên “Đôi bờ” bằng cả lời Nga và lời Việt. Chất giọng trầm ấm, thật cuốn hút:

Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới

Cây cỏ hoa như nói nên lời em hạnh phúc nhất đời

Lòng em riêng biết có yêu anh, giữa tình đôi lứa ta,

Một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa

… Mình em riêng thắm thiết yêu anh, với niềm tin thiết tha”.

Ca từ đẹp, người nghe không biết chán, dường như như tâm hồn Nga và tâm hồn Việt đương hòa quyện vào nhau, tình cảm lứa đôi, tình yêu cuộc sống đắm say. Gương mặt đầy đặn, nụ cười tươi rói, vầng trán lấm tấm mồ hôi của Bích Thủy đã nói lên tất cả. Rào rạt tiếng vỗ tay tán thưởng vang cùng sóng nước mênh mang.

Thắm tình quân dân trên đảo Sinh Tồn

Trước khi lên đảo, chỉ huy đoàn luôn nhắc nhở phải bảo đảm an toàn tuyệt đối, nên chị em D11 luôn gọn gàng trong trang phục đẹp và ấn tượng. Thường họ “diện” quần âu, áo đỏ sao vàng, mũ tai bèo. Ở những đảo có dân, có chùa, có trường học, bao giờ chị em cũng đến trước; đặc biệt là họ không quên tri ân các liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đó không chỉ là tâm linh, mà còn là văn hóa. Ngắm những tà áo dài tha thướt trên đường băng Trường Sa, nắng tươi rỡ ràng, ai nấy chợt ngỡ như mình vừa lạc vào một phố thị sầm uất trong đất liền vậy. Yêu quá, những nàng xuân rất đỗi dịu dàng!

Trường Sa trong tim ta

Đêm cuối, sau khi biểu diễn văn nghệ phục vụ quân dân ở thủ phủ quần đảo Trường Sa, 21 giờ, lệnh thu quân. Những người lính đảo và các hộ dân ra tận cầu cảng hát chào tiễn đoàn công tác. Trên boong, các đại biểu tựa vào nhau lưu luyến hát chào giã biệt, hẹn ngày trở lại. Nhìn những cánh tay đưa lên vẫy, vô số những giọt nước mắt thổn thức của chị em đã rơi khi con tàu nhổ neo rời cảng, tôi hiểu điều thiêng liêng: Trường Sa mãi mãi rực sáng trong tim đất mẹ Việt Nam. Chúc cán bộ, chiến sĩ “chân cứng đá mềm”, bảo vệ vẹn toàn chủ quyền biển đảo, xứng đáng dải phên dậu vững chãi phía Đông của Tổ quốc!

Bài và ảnh: NGUYỄN LAN CHI

BÀI VIẾT NỔI BẬT