NGÀY EM TÔI RA TRẬN
NGÀY EM TÔI RA TRẬN
Sợ mẹ lo lắng nên em trai chỉ hé riêng cho tôi biết, nó đã tình nguyện nhập ngũ. Lúc ấy tôi không dám tin, vì chỉ còn hơn một tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp cấp 3, tiếp đó là thi đại học nữa. Nhưng nếu đúng như em nói, tôi vẫn không tin em mình sẽ trúng tuyển. Bởi nó mới mười bảy tuổi, mặt búng ra sữa, mép trên còn chưa có lông măng, chân tay vẫn lều khều khẳng khiu, hơn nữa nó là học sinh giỏi, bỏ học lúc này tiếc quá. Tôi nói, tới chừng em vác nổi mười lăm cân gạo nhà mình được mua hàng tháng chạy băng băng dọc phố, lúc ấy chị mới tin em thành bộ đội. Đi đánh giặc thật chứ không phải chơi trận giả như lũ trẻ choai choai ngoài phố. Em chỉ cười. Trước mắt tôi vẫn là nụ cười của một đứa trai còn trẻ dại.
Chiều ấy, đi làm về mẹ tôi chẳng xuống bếp hay vào trong nhà như mọi ngày, mà buông nón ngồi bệt ngay trước thềm. Mẹ lặng im, đôi mắt đăm đắm nhìn vào vô định. Thấy mẹ ngồi thừ như thế rất lâu, tôi không chịu nổi. Mẹ biết rồi ạ. Ừ mẹ biết rồi. Mẹ tôi vẫn ngồi nguyên tư thế cũ. Bà trả lời con gái đang bước đến gần mình mà như nói với ai đó ở một nơi xa lắm. Giọng mẹ lẫn tiếng gió lào xào luồn qua những tàu lá chuối rách tã tướp trong trận mưa giông đêm trước. Tôi nhẹ ngồi xuống bên cạnh, nhẹ vuốt những sợi tóc đã sớm điểm bạc của mẹ lòa xòa ngang hai bên thái dương. Tôi muốn nói một điều gì đó để trấn an mẹ, cũng là để trấn an mình, nhưng không hiểu sao mọi ý nghĩ cứ quánh lại.
Lặng đi rất lâu mẹ mới nói bằng một giọng trầm hẳn. Mẹ không nghĩ em con lại có nghị lực như thế. Mẹ không cản quyết định này của nó đâu, nhưng người ra trận phải có sức lực. Mẹ chỉ lo chân nó chưa cứng mà đá lại chẳng mềm. Mẹ thường nói mỗi khi răn dạy chúng tôi, nhưng những lời ví von về thể trạng hiện tại của em, nghe xót quá. Lúc ấy tôi chỉ thầm mong em bị loại. Nhưng chẳng những không bị loại mà tên nó còn nằm trong danh sách nhập ngũ đầu tiên của đợt tình nguyện ấy.
*
Chi đoàn trường tổ chức đi gặt lúa chống úng giúp dân, tôi tham gia mấy ngày sau mới về đến nhà. Nhìn quanh, chẳng thấy em lớn em bé đâu, chỉ thấy mẹ đang khom lưng nghiêng thùng tôn đựng gạo. Từ trong cái thùng rỗng vọng ra tiếng bàn tay mẹ cào cào, vét vét. Sau này, mỗi khi nhớ lại giây phút ấy lồng ngực tôi lại nặng trĩu. Mẹ rầu rầu lững thững từ trong nhà đi ra, trên tay cầm cái rá đựng một vốc gạo tẻ. Mẹ nhìn tôi nửa như thông báo, nửa như tự trách mình. Mai em con lên đường rồi, mẹ muốn cho nó ăn một bữa cơm không độn thật no, nhưng gạo chỉ còn ngần này, trong kia chỉ toàn hạt bo bo thôi.
Tôi hít thật sâu rồi thở ra cho vợi nỗi xót mẹ, nỗi thương em. Lí nhí, tôi nói lỗi tại con mẹ ạ. Mấy bữa trước, nhẽ con phải tăng độn, bớt gạo lại để dành khi nhà có việc hay ai ốm đau còn nấu cháo như mẹ dặn. Nhưng thấy hai đứa em nhai trệu trạo, con thương quá, nên đong gạo hơi nặng tay. Mẹ tôi chẳng nói gì, chỉ bặm môi suy nghĩ. Bỗng tôi nhớ ra, nhà cái Thảo bạn tôi vừa mua gạo. Kỳ này được độn bột mì chứ không phải sắn khô hay hạt bo bo như đợt trước. Tôi reo lên. Con sang nhà Thảo vay ít bột mì về trộn với chỗ gạo này, mẹ nhé. Con sẽ làm như mẹ bày. Rẩy nước vào bột xoa đều tay, khi bột se gần giống như hạt gạo mới rắc vào nồi cơm đã rút tổ ong, cơm chín tới mới trộn đều. Chao ôi. Ngon như xôi vò. Bọn con khoái ăn như thế lắm. Tôi nói liến thoắng, còn mẹ chỉ nhách môi cố nở một nụ cười tán đồng với con gái.
Thằng út theo anh đi chào hàng xóm. Hai đứa về tới nhà vừa lúc cơm chín tới. Bữa cơm của gia đình tôi hôm ấy như một bữa tiệc. Ngoài món sườn lợn bằm nhỏ trộn hành khô rang cùng muối hạt quen thuộc và đĩa rau lang luộc, còn thêm đĩa trứng rán đầy ắp vàng ươm. Con gà mái nâu mẹ nuôi đã đẻ gần chục trứng. Tôi biết mẹ tính dành trứng cho nó ấp thành đàn để cải thiện dần. Nhưng ngày mai con của mẹ ra trận, mẹ chẳng tiếc gì nữa. Cả con gà lẫn ổ trứng mẹ làm đãi các con tất.
Hai thằng em của tôi trước sự chia ly bỗng dưng lớn hẳn. Mọi khi hễ chúng chành chọe với nhau, là tôi phải đứng ra phân xử. Thế mà hôm ấy hai chàng dính rịt bên nhau, cu út cứ tiếp thức ăn cho thằng anh. Bất chợt quay sang, tôi thấy mẹ chẳng ăn gì chỉ chống đũa nhìn các con, đôi mắt mẹ đỏ hoe rân rấn nước.
Tối, mẹ lặng lẽ khấn trước bàn thờ bố. Tự nhiên, tôi thấy mẹ bình thản lạ thường. Mẹ cười ấm lòng đứa con sắp xa nhà, riêng tôi vẫn cảm nhận trong nụ cười ấy sắp có ngọn gió bấc tràn qua.
Ba chị em tôi đều cảm thấy sự mất thăng bằng nơi mẹ. Em tôi đến gần ôm lấy bờ vai mẹ. Giọng nó đang vỡ ra như một người đàn ông thực thụ. Mẹ đừng buồn, ở chiến trường mà nghe tin mẹ ốm là con không cầm vững súng được đâu. Ngừng một lát giọng nó nhỏ dần. Mong là sau con, cu út nhà mình không biết đến chiến tranh nữa. Tôi rùng mình. Hai đứa em tôi cách nhau chỉ có hai tuổi. Tự nhiên, sống mũi cay nghẹt, tôi tránh không dám nhìn vào mắt mẹ.
*
Mới tinh mơ, phía chân trời đã hực lên màu nắng. Mẹ lập cập chạy theo dúi vào tay tôi mấy nắm mì không người lái. (Ngày ấy, chúng tôi quen gọi mì luộc là mì không người lái.) Con ơi. Em chẳng chịu ăn gì, đến nơi tập trung con cố ép nó ăn cho đỡ lả nhé. Vâng ạ. Tôi cố rượt theo đoàn tân binh sóng hàng đôi thật nhanh để thoát khỏi hình ảnh bịn rịn của mẹ mình.
Hàng phượng vĩ năm ấy chừng như nở sớm hơn thường lệ. Mới đầu hè, tán phượng cứ nở bung cái màu hoa học trò rực đỏ trước tầm mắt những chàng trai ra trận. Chắc vừa ngập trong nắng mới, hai má em tôi chín dừ. Tôi vẫn sóng bước bên em trai mình, cảm thấy mỗi bước em đi là một bước xa dần, xa dần. Lúc ấy, tôi thầm hỏi mình. Chẳng biết bao giờ đứa em thân yêu của tôi trở về?
Quanh những chiếc xe tải ngụy trang lá cây xanh mướt, chàng tân binh nào cũng chưa ra khỏi lứa tuổi dại khờ, chắc cũng như em tôi, chưa hề biết hơi ấm từ bờ môi của một người con gái. Rồi khi đoàn xe lăn bánh, cánh tay vẫy của em tôi đã hút trong sóng tay của đồng đội. Tôi mãi nhìn theo…
NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ
Ảnh minh họa: Internet