column_right getExtensions 1714490897-1714490897

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714490897-1714490897

LÀNG VẼ NHỚ THƯƠNG

LÀNG VẼ NHỚ THƯƠNG

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:02-09-2023

LÀNG VẼ NHỚ THƯƠNG

Tôi được sinh ra và lớn lên trong một làng nhỏ, ven sông Hồng ngờm ngợp phù sa. Một ngôi làng cổ mang đậm nét của một vùng đồng bằng châu thổ có tuổi hàng trăm năm. Ấy là làng Vẽ (hay Kẻ Vẽ) nay thuộc hai phường Đông Ngạc và Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Nếu có dịp về đây, được ngồi giữa những gian nhà cổ, nhâm nhi một tách trà, thong thả ngồi ngắm cảnh vật xung quanh, thấy giếng nước, sân gạch, hàng trầu xanh mơn mởn… lòng thư thái, an nhiên, biết mấy.

Nét xưa cũ được lưu giữ ở làng Vẽ

Làng gần bến sông, giao thông thủy thuận lợi, có chợ Vẽ dập dìu buôn bán đông đúc. Ngoài làm ruộng, dân làng có thêm nghề thủ công như bện song quang (quang gánh), bàn ghế mây, làm mũ nan bằng giang…

Cần cù, tỉ mẩn, khéo tay… các nghệ nhân làng tôi đã đưa nghề thủ công đi vào ca dao, tục ngữ: “Mũ nan làng Vẽ”. Những chiếc mũ nan được làm từ cây giang, khai thác từ thượng nguồn đưa về. Và sản phẩm mũ nan quê tôi vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Từ mạn Tuyên Quang, Phú Thọ, giang được thợ sơn tràng kết bè xuôi sông Hồng về cập bến Chèm. Mỗi khi nghe những âm thanh quen thuộc: “giang về, giang về …”, dân làng vui như trẩy hội. Già trẻ, gái trai kéo nhau ra bến mua giang chở về sơ chế ban đầu rồi cho lên gác bếp để sản xuất dần quanh năm. Một công việc phù hợp với mọi lứa tuổi. Cũng có khi giang được chuyển bằng ô tô theo đường quốc lộ về làng. Mỗi chiếc mũ nan là cả một tâm huyết và sự sáng tạo. Mũ nan làng Vẽ không chỉ bền mà còn đẹp. Sản phẩm phong phú về chủng loại, hợp mốt, từ kiểu dáng đến màu sắc, sự khác biệt giữa mũ người lớn với mũ trẻ em, giữa thanh niên nam nữ và các bậc cao niên.

Khung cảnh nên thơ khó quên ở làng cổ Kẻ Vẽ

Nguyên liệu mua về, chị em tôi được bố mẹ giao cạo lớp tinh giang bên ngoài. Bố tôi dùng dao chặt khọc (mấu, mắt) rồi tùy ống giang to nhỏ mà pha thành ba bốn thanh. Sau đó, giang được xếp vào thùng phi đổ ngập nước, đậy kín, dùng củi luộc chín để lấy độ dẻo. Trong quá trình luộc phải giữ sao cho những thanh giang luôn ngập nước. Rồi đem ra phơi mỏng giữa nắng, có vậy, những sợi nan mới bóng, bền, nếu để giang thấm mưa, bị mốc, thì hỏng. Sau khi tắm nắng cả ngày, giang được quây thành đống để hấp diêm sinh (bột lưu huỳnh). Sợi giang sáng bóng thì sản phẩm mũ càng đẹp.

Nhà tôi thường luộc giang cả đêm, để nguyên liệu có cơ phơi nắng dài hơn. Chị em tôi cùng nhau đan lát, học bài. Ánh đèn mờ tỏ trong màn sương lạnh, tiếng bút thước lao xao, những câu chuyện xua đi bao vất vả nhọc nhằn…

Trước khi lót, giang sẽ được ngâm trong nước ba ngày tăng độ dẻo rồi vớt lên cọ rửa sạch, để ráo nước. Sau đó xếp vào một cái chum sành hấp trắng. Trong tất cả các công đoạn để làm nên chiếc mũ thì lột nan là khó và nguy hiểm nhất. Nan giang phải được lột bằng con dao lưỡi mỏng thật sắc. Người thợ phải khéo và tập trung cao độ, chỉ sơ ý chút là đứt tay, chảy máu…

Cũng chẳng biết nghề làm mũ nan có từ bao giờ, nhưng trẻ con vào lớp 1 là đã biết đan. Mỗi tối thứ bảy, cả nhà tôi lại quây quần bên nhau. Người lột nan, tước nan, đan nan, sửa nan, mài nan, cùng nhau nghe chuyện cảnh giác, sân khấu truyền thanh bên chiếc radio nhỏ. Hào hứng và sôi nổi. Làm việc đến tận khuya, nhưng ai nấy đều cố gắng.

Giếng nước cổ còn được tìm thấy ở làng Kẻ Vẽ

Những nhà làm công đoạn may mũ thường có máy khâu. Người ta lắp mô tơ vào máy để làm cho nhanh. Phom chóp mũ dành cho người lớn, trẻ con, phụ nữ, nam giới đều phải sử dụng bằng khuôn gỗ. Những khuôn gỗ được dùng nhiều lần đến mức cái nào cũng bóng loáng nhìn xa xa như cái đầu thật ấy. Từng lớp nan được may chồng lên nhau, các thợ may khéo léo tạo hình thỉnh thoảng lấy ra khỏi máy khâu, úp lên cái khuôn gỗ rồi điều chỉnh, may tiếp. Loại mũ vành to, vành nhỏ sau khi may xong được xếp chồng lên ở góc trong nhà trông rất đẹp mắt.

Cây giang không bỏ đi thứ gì. Khọc giang được chẻ nhỏ phơi khô làm củi, tướp nan được bện chặt làm dây thừng, phần cật nan được nhuộm xanh đỏ đan rồi may thành mũ đem bán cho người bình dân, thu nhập thấp. Nan xuất biên - phần giữa thanh giang được máy thành những chiếc mũ nan bền đẹp để xuất khẩu.

Người dân ở đây vẫn sống một cuộc sống mộc mạc, thân quen

Nghề làm mũ nan nay không còn nữa. Sự tảo tần của người dân đem lại cho làng quê hôm nay một diện mạo mới. Những vết sẹo trên tay tôi là dấu tích của nhiều lần đứt tay do lột nan bị cắt rất đau, nhưng lại đẹp trong tâm trí. Đó là dấu vết của sự sẻ chia, của yêu thương và gắn bó…

Mảnh làng xưa vẫn hiển hiện trong tôi.

NGUYỄN LAN PHƯƠNG
Ảnh minh họa: Internet

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:9135
Trong tuần:118141
Trong tháng:224332
Cả năm:825514
Tổng lượt xem:5135952