column_right getExtensions 1713509753-1713509753

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1713509753-1713509754

HƯƠNG VỊ QUÊ NHÀ

HƯƠNG VỊ QUÊ NHÀ

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:16-12-2022

HƯƠNG VỊ QUÊ NHÀ

Quê hương thanh bình

Hôm nay nhà có khách, em trai mẹ về chơi. Cậu đi bộ đội nhiều năm đóng quân trên biên giới, đưa cả vợ con lên đó, năm thì mười họa mới về thăm. Nhà có hai chị em, lâu lâu không thấy cậu về, nhớ cậu, mẹ cứ nhắc suốt. Những lúc như thế, bố tôi lại bảo:

- Chuyện nhà binh mà bà cứ làm như chuyện ra đồng cấy lúa, trồng khoai, thích ra lúc nào thì ra.

Mẹ chép miệng:

-Thì ông tính, làm đến cán bộ cao cấp mà chả nhẽ không về thăm anh chị với các cháu được lấy một ngày sao?

Bố lắc đầu:

- Đúng là cái bà này. Cán bộ càng to thì trách nhiệm càng lớn. Bây giờ, người ta cho con đi bộ đội là gửi gắm vào nơi tin cậy để rèn giũa thành nhân. Quản lý không tốt, để xảy ra chuyện, chả quá bằng phụ lòng tin của dân à?

Nghe vậy, mẹ tôi lặng im. Lâu ngày cậu về thăm nên mẹ cứ tất bật lo chuyện bếp núc. Biết tính mẹ tôi, cậu bảo:

- Chị không phải cơm gà, cá gỡ gì đâu. Em chỉ xin đĩa rau muống luộc với bát nước dầm sấu chua là được.

Mẹ tôi lắc đầu:

- Chả nhẽ cậu về chơi mà anh chị không lo nổi bữa ăn tử tế à?

Cậu cười:

- Bây giờ quân đội được nhà nước lo chu đáo, không còn kham khổ như trước kia. Khác hẳn lúc ở quê, có con gà bị cúm chết còn làm thịt đem rang.

Bố tôi tán đồng:

- Đất nước phát triển, dân giàu nước mạnh thì cuộc sống của bộ đội cũng được cải thiện. Đến giờ mà bà cứ nghĩ như ngày xưa…

Cậu bộc bạch thêm:

- Bếp ăn tập thể bộ đội, giờ khá tốt. Nhưng món rau muống luộc thì chị thử nghĩ xem. Người đông như thế, sấu lấy đâu ra mà dầm cho đủ. Có muốn cũng chả làm được. Nhiều khi chỉ thèm bát nước rau muống luộc dầm chua chan cơm xì xụp cho mát ruột.

Rồi cậu nhìn mẹ tôi:

- Thì chị cứ chiều em đi.

Bố tôi vui vẻ:

- Đúng là cậu. Xa nhà bao năm, làm cán bộ mà vẫn không quên được hương vị dân dã quê nhà. Những người như cậu bây giờ thành của hiếm rồi.

Tôi nhớ có lần cùng bố mẹ về thăm ông bà ngoại. Ngay trước cổng có cây sấu to lắm, lá xanh ngăn ngắt, bóng trùm cả một khoảng đất rộng, trên cây lúc lỉu quả chín ngả màu vàng chanh. Thấy thế mẹ tôi hỏi:

- Năm nay không có ai hái sấu cho ông bà à mà để chín hết thế kia?

Nghe mẹ hỏi, ông ngoại bảo:

- Ngày trước, em nó còn ở nhà, thì nó trèo lên hái. Nó đi bộ đội lại nhờ mấy đứa thanh niên trong xóm hái hộ. Bây giờ, chúng đi làm ăn trên thành phố, chả còn được mấy người ở quê. Cây sấu mỗi năm một cao vóng lên, vì thế không dám nhờ lũ trẻ con, nhỡ trượt chân, rơi xuống thì… phiền. Thôi thì đành để chín rụng xuống, ra nhặt về rửa sạch ngâm đường làm nước giải khát vậy.

Hôm trước, bố có làm cái sào, hái được mấy chùm chỗ cành thấp. Chúng mày có muốn dầm nước chua, lát nói mẹ đưa cho mang về bỏ tủ ngăn đá dùng dần.

Thấy ông ngoại nói thế, mẹ tôi bảo:

- Con hỏi vậy chứ đến mùa, người ta cũng bán ngoài chợ. Con mua mấy cân, cạo vỏ bỏ ngăn đá rồi.

Khi luộc rau muống, mẹ tôi thường cho vào dăm quả sấu, sau khi vớt rau, mẹ dầm mấy quả đó trong nước luộc, nêm ít muối, đó chính là món ăn dân dã có từ ông bà truyền lại. Khi chan cơm, nước sấu có mùi thơm thơm dìu dịu của lá cây, vị chua chua man mát của quả chứ không còn cái chan chát, hơi nhằng nhặng của nhựa rau muống nữa. Không chỉ thích sấu dầm nước luộc rau mà bố tôi thường nhắc mẹ khi om cá hay nấu món chua bỏ thêm quả sấu vào.

Có lần mẹ nói vui:

- Ông cứ như người nghiện sấu không bằng.

Rau muống luộc với cà dầm tương, món ăn đậm tình quê

Có lẽ thế mà nhà tôi lúc nào cũng có bình sấu ngâm đường để pha nước uống mùa hè và lọ sấu ngâm mật ong phòng những lúc bị ho, mất tiếng. Trong tủ lạnh, ngăn đá, bao giờ cũng có túi nilon đựng sấu đã cạo vỏ để dành. Nghe bố khen cậu giữ được chất quê vì còn nhớ vị sấu dầm nước luộc rau, mẹ nhìn bố, rồi nhìn sang cậu đùa:

- Gớm, anh em nhà ông chỉ được cái nết giống nhau. Thiên hạ thích cao lương mỹ vị, còn mình thì…

Nghe thế, bố tôi cả cười:

- Ừ, thì anh em tôi lạc hậu, chỉ thích món dân dã thôi. Ta cứ món quê cho lành, cậu nhỉ. Chả lo ngâm tẩm, sao ướp hay có hóa chất, chả phải lo bệnh nọ tật kia. Thế chả sướng sao.

Mẹ mát mẻ:

- Vâng. Tôi làm sao bằng anh em nhà ông được. Anh em nhà ông nhớ quê, còn tôi thì chỉ bám quê mà sống thôi.

Bố cười, nói với vào trong:

- Bà còn nhớ câu ca dao: “Anh đi anh nhớ quê nhà. Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương. Nhớ ai dãi nắng dầm sương. Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao”.

Cây sấu vườn quê

Ngồi phụ giúp mẹ làm cơm, tôi nghe chuyện về bát canh rau muống luộc dầm sấu bỗng giật mình. Tôi đang sống ở quê, hằng ngày uống nước sông quê, ăn bát gạo quê, thực phẩm đất quê đến cây trái, gia vị cũng từ quê mà sao như chuyện cổ tích ở thời nào xa lắm. Có lẽ, cái làm nên nỗi nhớ quê từ chính những điều đơn giản ấy. Từ vị chua chua trong bát canh rau luộc, từ hương dìu dịu, ngòn ngọt ngay trong cây trái vườn nhà. Có phải không? Từ những điều đơn giản và rất đỗi gần gũi, thân thuộc ấy đã làm nên nỗi nhớ quê trong mỗi bước người xa. Nỗi nhớ hương vị quê nhà.

THƯƠNG THƯƠNG
Ảnh minh họa: Internet

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:1309
Trong tuần:5135
Trong tháng:5135
Cả năm:5135
Tổng lượt xem:5135