column_right getExtensions 1714508699-1714508699

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714508699-1714508699

DƯ VỊ TRÀ

DƯ VỊ TRÀ

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:10-05-2023

DƯ VỊ TRÀ

Màu xanh bát ngát của đồi chè

Mặt trời vừa ló dạng, ánh rẻ quạt nhuộm vàng đầu núi, cả một vùng Tam Điệp mươn mướt xanh hiện ra. Màu xanh của những đồi dứa, đồi chè, xa xa trập trùng núi nối vào nhau làm nên tấm thảm với tông màu ấm áp và bình yên. Vòm trời lãng đãng dải mây phơ phất như nét cọ thoáng qua của người nghệ sĩ lãng tử, chẳng khác gì chiếc khăn choàng vai hờ hững của thiếu nữ bị gió cuốn lên cao. Điểm nhấn của bức tranh thanh bình ấy là những ngôi nhà mái ngói, mái tôn thấp thoáng dưới tán cây. Hừng đông, cả vùng đồi vươn vai bừng thức trong tiếng gà gáy hứng khởi lẫn với tiếng khe khẽ bật mầm của miên man đồi chè. Những chiếc mầm xanh nhu nhú, nõn nà đủ một tôm hai lá còn ngậm sương đêm ấy đang đợi tay người hái.

Búp trà trong nắng sớm

Tôi nhớ, vào mỗi buổi sáng, cha mang chiếc ấm cổ ra giếng lau rửa. Bộ ấm này có từ lâu lắm rồi. Chiếc ấm tựa như trái bí ngô vườn nhà nhưng chỉ nhỉnh hơn nắm tay một chút. Mấy cái chén mắt trâu, hình trái cau cắt chũm. Màu trầm của men sứ ánh lên bởi thời gian, bởi cao trà vương vấn và hơi ấm tay người qua năm tháng. Rửa sạch ấm chén, tráng nước nóng xong, cha dùng chiếc thìa gỗ, nhẹ nhàng xúc từng cánh chè bỏ vào. Tiếp theo đến thủ tục “đánh thức trà nở” bằng cách cho nước sôi xâm xấp rồi nhanh chóng đổ đi. Lúc này, cha mới chế nước sôi, hãm trà trong khoảng già một phút. Cha bảo đây là công đoạn quan trọng nhất, đảm bảo nhiệt độ nước cùng thời gian hãm phù hợp với từng loại trà. Vừa nói cha vừa nhấc quai ấm chuyên trà ra chiếc chén. Lượng trà rót ra cũng chỉ chiếm một phần ba chén. Tay trái cầm chén, cha đưa qua phía trước như để cảm nhận hương vị của trà tỏa vào trời đất. Từng động tác nhẹ nhàng và khoan thai, thân thiết mà vô cùng thanh tao. Sau khi chậm rãi nhấp ngụm trà, cha đặt chiếc chén mắt trâu vào khay làm bằng trúc trên chõng tre đầu hè. Thấy tôi cứ chăm chú theo dõi từng cử chỉ, động tác, cha kéo tôi lại gần nhỏ nhẹ bảo:

- Các cụ ta xưa uống trà cầu kỳ lắm. Ở phương Đông như Trung Quốc, Nhật Bản và cả xứ ta nữa, có cả một nền văn hóa trà đấy. Giá trị của mỗi chén trà không chỉ ở chỗ giải khát mà còn có triết lý nhân sinh nữa.

Nghệ thuật thưởng trà

Cha hỏi, thế con có hiểu thế nào là “trà tam tửu tứ” không?”. Rồi dường như biết tuổi con gái chưa đủ lớn, cha giảng giải: “Trà tam tửu tứ” có nguồn gốc từ câu thành ngữ Trung Quốc: “trà tam, tửu tứ, du hành nhị”, nghĩa là dùng trà nên có ba, rượu uống phải bốn, đi đường cần có đôi. Còn nếu hiểu theo thuyết âm dương, các nhà Nho xưa quan niệm, phương Đông thuộc âm, vì thế trà của người phương Đông thuộc số lẻ, phương Tây thuộc dương. Với thuyết ngũ hành, người xưa cũng cho rằng, trà chỉ rót ba phần năm chén, rượu chỉ rót bốn phần năm chén. Rót thế là có ý để cho mình một phần, trà hay rượu không bị tràn ra ngoài khi nâng chén mời khách. Uống trà nghĩa là thưởng trà, để luận bàn thế sự. Theo quan hệ “quân - sư - phụ”, với ba bậc bề trên này, hậu sinh có nghĩa vụ phải dâng trà…

Ngừng một lát, cha nâng chén ngang mày như để tận hưởng hương trà lan tỏa rồi nhìn xa xăm, trầm giọng.

- Để có được tách trà thơm, phải qua nhiều công đoạn vất vả. Từ chọn giống, chăm sóc, đến thu hái rồi sao sấy, thảy đều thấm đượm mồ hôi một nắng hai sương. Có lẽ bởi thế mà khi thưởng trà, lúc đầu là hương thơm, tiếp đến vị hơi chan chát, đăng đắng rồi sau đó mới thấy dư vị ngọt nơi cuống họng.

Giờ cha đã đi xa. Hương trà còn có như xưa? Đắng cay con đã qua, ngọt bùi con cũng trải. Nhưng cha ơi! Sao cứ phải có đắng, có cay mới có ngọt, có bùi?

Sóng sánh sắc vàng của nước trà

Ngoài kia, cả một cao nguyên Tam Điệp rờ rỡ trong nắng sớm. Những cánh đồi bát ngát màu xanh của chè, của dứa, của cỏ và trắng muốt bông tuyết từ những vạt cúc dại bên đường. Phảng phất đâu đây tiếng bò mẹ gọi bê con. Tiếng “ậm bò” vọng vào núi, len qua các vạt rừng chè, rừng vải, rừng đào. Tiếng gọi tràn lên mênh mang hoa cỏ, rung rung theo gió, làm rơi những hạt sương đọng trên cánh lá, ngấm vào đất, nuôi cây, nuôi người, nuôi đời, nuôi vị trà ngọt mãi với đời sau những chua chát, đắng cay và nắng lửa. Cứ thế, trải qua những thăng trầm, vất vả, đất chè ủ ngọt, lưu hương trong tâm trí con người.

THƯƠNG THƯƠNG
Ảnh minh họa: Internet

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:160
Trong tuần:118569
Trong tháng:160
Cả năm:825942
Tổng lượt xem:5136380