column_right getExtensions 1714496020-1714496020

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714496020-1714496021

ĐÔI BẠN SONG SINH

ĐÔI BẠN SONG SINH

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:08-10-2023

ĐÔI BẠN SONG SINH

Đó là hai người bạn của tôi. Người anh tên Thuận, người em tên Hòa, họ giống nhau như hai giọt nước. Nhiều người khó nhận ra đâu là anh đâu là em, riêng tôi không bao giờ nhầm lẫn.

Ba của họ là sĩ quan quân đội. Quê gốc ở Đà Nẵng, tập kết. Ông vào chiến trường B năm 1967. Người mẹ làm ở xí nghiệp gỗ Bạch Đằng. Trong khu tập thể của xí nghiệp, mỗi gia đình chỉ có một gian nhà, bốn phía đều ghép kín bằng gỗ bìa, gỗ loại. Khoảng sân chung rộng chừng ba mét, chạy dài đến bến sông, nơi tập kết những bè gỗ của xí nghiệp. Sau mỗi trận mưa, khoảng sân ấy ẩm ướt, ốc sên bò lổm ngổm trên lối đi.

Chủ nhật, tôi thường xin bố mẹ ra nhà hai bạn chơi. Lần nào, Thuận, Hòa cũng dẫn tôi ra bến, leo lên bè gỗ của xí nghiệp. Bước lên những thân gỗ tròn bập bềnh trên mặt nước, sợ nhưng vẫn thích. Đứng ở đấy chúng tôi thấy được dọc bờ bên kia, được thả mắt theo những cánh buồm căng gió và những sà lan chở nặng chậm rãi trên sông. Sống trong phố cổ chật chội, thỉnh thoảng được đắm mình giữa thiên nhiên, dẫu chỉ một khúc sông Hồng cũng đầy thú vị với tuổi tôi thuở ấy.

Nhà không có con gái nên mỗi lần biết tôi đến chơi, mẹ của hai bạn ấy lại làm món gì đó ngon để ba đứa xì xụp. Biết tôi thích nhất món bánh rán, bà ngâm gạo nếp và xay thành bột, làm đỗ xanh, rang vừng (mè) từ tối hôm trước. Hôm sau mới đồ nhân, nắm từng nắm nhỏ để lên cái khay nhựa, rồi véo bột nặn bánh. Trước khi cho vào chảo mỡ đang sôi, thì lăn bánh qua vừng. Đôi tay bà cứ thoăn thoắt, thuần thục như các nhà chuyên bánh rán tại chợ Hàng Buồm. Thỉnh thoảng bà lại quay ra nhìn chúng tôi hồn nhiên tranh giành cãi cọ khóc cười như những đứa trẻ cùng giới. Lúc ấy tôi thấy bà cười, nụ cười thật hiền.

Năm tháng qua nhanh, đến nỗi tôi không nhận biết mình đã thành thiếu nữ. Cho đến một ngày tim tôi bỗng đập loạn, hai má nóng bừng, khi bối rối chạm phải ánh mắt Thuận, lúc lại bối rối trước đôi mắt Hòa đang đắm đuối nhìn mình. Chiến tranh đến hồi ác liệt. Cuộc sống của mọi người bị xáo trộn. Tôi với hai người bạn học ở hai trường đại học khác nhau, sơ tán cách nhau khá xa.

*

Chiến tranh phá hoại kết thúc, hơn một năm sau trường tôi mới chuyển về Hà Nội. Vừa về, tôi chạy đến nhà Thuận, Hòa ngay. Khu tập thể vẫn vậy, ngổn ngang chắp vá. Từng viên gạch vẫn cập kênh trên đất ẩm sau mưa. Vừa bước vào nơi chốn quen thuộc, tôi chợt thảng thốt. Nỗi đau nào đã tàn phá hình hài người mẹ của hai bạn trai tôi đến hốc hác thế kia? Mái tóc đen dày quấn thành búi to gọn sau gáy đã lấm tấm bạc, chỉ còn như củ tỏi, chỉ có đôi mắt là ánh lên niềm vui khi nhận ra bạn gái của các con mình.

Gian nhà cửa trước thông cửa sau tới bếp chỉ heo hắt một bóng người. Không có gió bấc lùa vào mà toàn thân tôi ớn lạnh khi mẹ kéo tấm màn che ban thờ nhỏ treo ở giữa bức tường. Chân dung Thuận mặc quân phục với chiếc mũ tai bèo buông lửng ngang vai, đôi mắt ẩn chứa bao điều muốn nói của người trai có khuôn mặt thư sinh từ bức chân dung cứ đăm đắm nhìn mình. Hai chân tôi sắp khuỵu xuống khi gục vào vai người mẹ, giàn giụa. Nước mắt tôi tràn sang bà, hay nước mắt bà tràn sang tôi, lúc ấy thật khó phân định nổi, chỉ biết cả người hỏi lẫn người trả lời đều nghẹn lại. Tôi lịm vào ký ức…

Năm thứ hai Đại học Xây dựng, đôi bạn song sinh đều xung phong nhập ngũ, nhưng chỉ mình Thuận đủ sức khỏe. Nhận được tin, tôi về kịp gặp Thuận trước ngày anh lên đường.

Chiều cuối xuân năm ấy, tại bè gỗ nổi bập bềnh trên bến Bạch Đằng, Thuận nắm tay tôi nói chậm rãi từng lời. “Đằng ấy đợi tớ về nhé.” Hơi ấm từ đôi tay của Thuận khiến cơ thể tôi nóng ran. Tránh ánh mắt của người trai đang nhìn mình thay nhiều lời nói. Ngoảnh sang hướng khác, tôi chỉ im lặng gật đầu.

Đợi anh về

Sáng hôm sau, tôi cùng Hòa đi tiễn Thuận đến nơi tập trung tân binh. Khi đoàn xe đưa những chàng trai Hà Nội lên đường lẫn vào màn sương dày đặc dưới hàng cây cổ thụ, cảm giác trống trếnh ùa vào tâm hồn, khiến lòng tôi trĩu nặng.

Đứng cạnh, giọng Hòa trầm xuống. Đêm qua, hai anh em tớ cùng thú nhận đã rất yêu cậu. Tớ không chợp mắt nổi cho đến khi chuông báo thức. Lúc ấy mới hay anh Thuận cũng trắng đêm. Tớ ôm lấy anh ấy mà nói. Anh xứng đáng với cô ấy hơn em, hãy vững tâm lên đường nhé…

Nhìn tôi, người mẹ nén đau. Chưa đầy một tuổi quân, Thuận hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn. Sau khi biết tin dữ, Hòa xung phong nhập ngũ. Hiện giờ, nó vẫn ở trong chiến trường cháu ạ.

Gió từ ngoài sông Hồng lùa vào căn nhà lạnh vắng hơi ấm đàn ông, trống vắng tiếng nói, tiếng cười. Tôi như bị thôi miên theo ngọn gió lất phất tấm rèm mỏng che ô cửa, thoáng trong nắng, có bóng mũ tai bèo lướt nhẹ vào nhà…

*

Thời gian đã khoác lên Hà Nội những màu sắc tươi mới, nhưng trong tôi vẫn còn một nơi bất biến. Dẫu biết song thân hai bạn Thuận, Hòa đã chuyển vào Đà Nẵng, nhưng bước chân vô định cứ đưa tôi về khu tập thể của xí nghiệp gỗ, rồi lại đưa tôi ra bến sông ngày trước. Sông Hồng mùa này nước cạn, bãi giữa nổi lên một doi đất dài, mướt mát màu xanh rau quả. Đứng lặng trân trối nhìn ra bốn phía. Tôi ngỡ có thể ôm trọn vào mình tất cả hai đầu năm tháng, nhưng xòe lòng tay mình chỉ thấy đầy nắng gió.

Những con thuyền vẫn ngược xuôi trên sóng nước. Tôi thầm gọi. “Thuận ơi. Hòa ơi. Trải qua bấy nhiêu năm tháng, con thuyền trên dòng sông đời đã chở đầy ắp tuổi thơ của ta về đâu?”.

Từ hạ lưu, luồng gió thổi ngược đã kéo tôi về thực tại.

NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ
Ảnh minh họa: Internet

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:4
Trong ngày:9388
Trong tuần:118394
Trong tháng:224585
Cả năm:825767
Tổng lượt xem:5136205