TÂM SỰ CỦA NGƯỜI LÍNH THỜI BÌNH
TÂM SỰ CỦA NGƯỜI LÍNH THỜI BÌNH
Chiều nay anh nhận được thư em. Trong thư em nói nhiều đến việc không muốn con vào trường quân sự. Hơn ai hết, là người lính, anh hiểu nỗi lo của em. Thời gian gần đây, sự hy sinh của Thiếu tá Vi Văn Nhất trong đấu tranh chống tội phạm ma túy ở đồn Biên phòng Bát Mọt, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa. Rồi sự việc máy bay gặp nạn trong khi bay huấn luyện của Trường Sĩ quan Không quân. Thiếu tá Lê Xuân Trường và Thiếu úy Đào Văn Long hy sinh. Trước đó, ở chỗ này chỗ khác, trong thời bình, máu người lính đã đổ, vẫn đổ. Làm vợ lính, em lo lắng là tất yếu. Đó là nỗi lo của tình yêu mà cuộc sống đã gắn kết chúng ta thành một gia đình.
Anh hiểu tâm sự, nỗi lo của em. Nhưng em ạ. Trong thời bình, người lính có biết sẽ xảy ra những điều ấy không? Có. Bọn anh đều biết có thể sẽ xảy ra. Biết mà sao bọn anh vẫn chọn con đường quân ngũ? Bởi, đất nước cần những người lính. Sự toàn vẹn lãnh thổ, sự bình yên của đất nước cần có người lính. Có được độc lập tự do, có được một dân tộc Việt Nam trọn vẹn trên bản đồ thế giới. Hơn bất cứ dân tộc nào, người dân Việt Nam đều hiểu cái giá mà biết bao thế hệ phải hy sinh để có được. Nền độc lập tự do của một dân tộc, một đất nước không bao giờ tự có được. Nó phải trả bằng sự hy sinh của biết bao con người.
Em. Hãy thử hình dung xem. Nếu bây giờ không có người lính, sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước liệu có còn không? Chắc chắn không? Nếu không có sự hy sinh của người lính, an ninh chính trị và các loại tội phạm có giảm đi không? Hay khi đó, ra khỏi nhà là đã thấy tội phạm ngoài ngõ. Biết là có thể sẽ hy sinh nhưng người lính luôn sẵn sàng đón nhận. Sự hy sinh của người lính chính là đang mang lại hạnh phúc cho mọi nhà, cho đất nước, trong đó có hạnh phúc của gia đình họ. Vẫn biết, sự mất mát hy sinh nào cũng đều là nỗi đau, không gì có thể bù đắp. Nhưng em ạ. Nỗi đau của sự mất mát hy sinh này còn là niềm tự hào. Bố của Thiếu tá Lê Xuân Trường, khi đón nhận tin con trai hy sinh, ông rất đau xót nhưng ông đã nói: “Tôi run rẩy, khóc không nổi nữa. Con tôi hy sinh vì Tổ quốc. Tôi tự hào về Trường lắm”.
Anh biết khi em nhận thông tin về sự hy sinh của người lính thời bình, lòng em như lửa đốt. Nhưng em ơi. Hạnh phúc của gia đình không chỉ “đựng trong một tà áo đẹp”. Hạnh phúc ấy nó phải là của muôn nhà, muôn người trên dải đất liền hình chữ S. Ngày em yêu anh. Em đâu chỉ yêu con người anh mà em còn yêu cả sắc xanh áo lính, cả sự chấp nhận hy sinh mà em vẫn nói là đức hy sinh của người lính khi đất nước cần. Tình yêu ấy đã cho ta có nhau. Và bây giờ. Khi con đã lớn. Con cũng muốn theo con đường quân ngũ. Đó là truyền thống nhà binh, “lớp cha trước, lớp con sau” nhà ta có được. Em có thấy thế không?
Mọi vất vả sẽ qua, mọi lo lắng sẽ qua, khi em biết đặt niềm tin và tình yêu vào người lính. Như người lính, dẫu là thời bình, bọn anh luôn sẵn sàng chấp nhận hy sinh khi Tổ quốc cần. Như em. Người vợ lính, biết gắn bó, yêu thương người lính bọn anh. Nỗi vất vả ấy, kể cả nỗi niềm lo lắng như em viết trong thư. Thì em ơi. Người lính bọn anh gọi đó là hạnh phúc. Hạnh phúc của vợ lính thời bình em nhỉ.
PHẠM THANH KHƯƠNG