column_right getExtensions 1732204383-1732204383

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732204383-1732204383

THƠ GỬI MỘT NGƯỜI KHÔNG QUEN

THƠ GỬI MỘT NGƯỜI KHÔNG QUEN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:17-07-2022

Đến với bài thơ hay
THƠ GỬI MỘT NGƯỜI KHÔNG QUEN

Cho thơ tôi được tìm về

tuổi hai mươi, sáng mùa hè đạn bom

ngồi trên mâm pháo quay tròn

bị thương, tôi ngỡ chẳng còn về đây…

 

Có ai chợt đến, ghé vai

cõng tôi, bước núi bước mây chập chùng

tiếng bom lay đất, lạ lùng

người cõng tôi, bỗng hóa vùng chở che

 

Là khi chợt tỉnh cơn mê

nhận ra mái tóc bộn bề ngực tôi

là khi tim đập bồi hồi

nhận ra gương mặt của người… không quen

 

Cho thơ tôi được gọi Em

và tôi xin được đi tìm người yêu

qua bao buổi sớm buổi chiều

qua bao trận đánh rất nhiều nhớ thương

hẳn là tôi đã tơ vương

người không quen… biết hỏi đường về đâu?

 

Cho tôi xây những nhịp cầu

để em chẳng phải sông sâu lụy đò

tôi xây phố rộng, nhà to

để em đến ở, chẳng chờ đợi lâu

tôi về đồng cạn, đồng sâu

may ra tát nước chung gầu cùng em

 

Và bao công việc không tên

tôi say như thể có em đến gần

như là tôi đã một lần

nói yêu em

dọc mùa xuân

hai người…

 

Cho thơ tôi được nói lời

tình - yêu - tôi, gửi tới người - tôi – yêu

bởi tôi tin những sớm chiều:

người không quen… sống rất nhiều cho tôi

NGUYỄN TRỌNG TẠO

(Nguyễn Trọng Tạo: Thơ và trường ca, Nxb Hội Nhà văn, H.2011)

Lời bình của nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Là một văn nhân tài danh nổi bật bởi “cầm kỳ thi họa” đủ cả, Nguyễn Trọng Tạo chào đời vào mùa thu năm Đinh Hợi 1947, tại làng Tràng Khê (nay thuộc xã Diên Hoa, huyện Diễn Châu, Nghệ An) và nhập ngũ năm 1969. Khi tôi về Trung đoàn 22B, thuộc Sư đoàn 341 vào đầu năm 1975 thì anh Tạo đã là Đội trưởng Đội tuyên văn của Trung đoàn. Đây là trung đoàn chuyên huấn luyện tân binh để bổ sung cho các chiến trường, với hàng chục tiểu đoàn trực thuộc. Ngày ấy, ghé đơn vị nào cũng nghe lính hát những ca khúc sôi động, trẻ trung. Hỏi mới biết nhạc của Nguyễn Trong Tạo, người mầy mò tự học chứ không hề được theo trường lớp chính quy nào.

Đương học dang dở trường viết văn Nguyễn Du (khóa I) thì Nguyễn Trọng Tạo ra quân, chuyển công tác. Sức lao động sáng tạo của anh thật đáng ngưỡng mộ. Đến nay, đã có vài trăm bài thơ được bạn đọc yêu mến; xuất bản 11 tập thơ (không kể in chung) trong đó có 01 tập in song ngữ Việt - Anh; 02 trường ca; 03 tập truyện ngắn và 01 tập lý luận phê bình. Một thời gian, anh là Trưởng ban biên tập báo Thơ (thuộc báo Văn nghệ, sau là Tạp chí Thơ) và là Ủy viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam (khóa VI). Tài năng độc đáo, với những đóng góp nhiều mặt, Nguyễn Trọng Tạo đã có hàng chục giải thưởng danh giá từ trung ương đến địa phương; năm 2012, ông nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt III (Tập thơ “Đồng dao cho người lớn” và Trường ca “Con đường của những vì sao” viết về Đồng Lộc anh hùng). Nguyễn Trọng Tạo còn là một họa sĩ rất có gu và đầy cá tính, nhiều năm phụ trách mỹ thuật, chuyên minh họa cho nhiều tờ báo và tạp chí danh giá. Ông thiết kế nhiều măng set có tiếng cho một số tạp chí văn nghệ được đánh giá cao, đồng thời còn là một họa sĩ làm bìa sách rất được ưa chuộng.

Tài năng thiên phú đâu chỉ có văn chương và hội họa, mà ở lĩnh vực âm nhạc cũng rất phong phú. Nguyễn Trọng Tạo là tác giả của nhiều ca khúc “đi cùng năm tháng”, như: “Làng quan họ quê tôi” (thơ Nguyễn Phan Hách), “Đôi mắt đò ngang”, “Khúc hát sông quê” (thơ Lê Huy Mậu), “Bản tình ca bên một dòng sông”… Đặc biệt, ca khúc “Ngợi ca đất nước”, nhạc và lời Nguyễn Trọng Tạo được Ban tổ chức cuộc thi sáng tác Quốc ca (1982) chọn vào vòng chung khảo, sánh vai cùng với 16 tác phẩm khác của các nhạc sĩ lừng danh, hạng “cây đa, cây đề” như: Đỗ Nhuận, Huy Du, Chu Minh, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân…

Thơ gửi một người không quen” xuất hiện lần đầu trên Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) vào giữa những năm 80 (thế kỷ XX). Ấy là một bài thơ tình đích thực khiến cho bạn đọc háo hức chuyền nhau đọc và chép vào sổ tay. Cũng vào quãng thời gian này, tôi có dịp tái ngộ cùng anh tại Nha Trang sau hơn chục năm xa cách. Nguyễn Trong Tạo kể, anh sinh trưởng trong một gia đình có mẹ là nông dân, cha là cụ đồ Nho nhưng lại thông thạo tiếng Pháp. Tuy ở làng quê, nhưng trong nhà anh có một tủ sách. Bởi vậy, từ nhỏ anh đã ham mê đọc sách và thật sự bị ám ảnh bởi thơ Hàn Mặc Tử (1912-1940), một tên tuổi nổi bật của phong trào “Thơ mới”. Đây là một tài năng lớn, độc đáo, với hồn thơ mãnh liệt, kỳ dị. Và chàng thi sĩ của tương lai đã coi Hàn như người thầy đầu tiên của thơ mình.

Trở lại với “Thơ gửi một người không quen”, tác giả mở ra như một hồi ức, một hoài niệm không thể nào quên trong cuộc đời chiến trận. Cho thơ tôi được tìm về/ tuổi hai mươi, sáng mùa hè đạn bom/ ngồi trên mâm pháo quay tròn/ bị thương, tôi ngỡ chẳng còn về đây… Hiện thực chiến tranh được khơi gợi rất đỗi sinh động, tự nhiên, không chút màu mè.

Vẫn là một lời kể. Và nỗi nhớ được trình bày thật gọn, thật gợi. Có ai chợt đến, ghé vai/ cõng tôi, bước núi bước mây chập chùng/ tiếng bom lay đất, lạ lùng/ người cõng tôi, bỗng hóa vùng chở che. Câu cuối trong khổ thơ này, lần đầu in báo Văn nghệ, nguyên bản là “cõng tôi, người hóa một vùng chở che”, nghe rất thuận, có điều nó lại trùng với câu thứ hai, nên khi đưa in thành tập thơ, thì tác giả đã chỉnh lại như trên.

Nỗi niềm bổi hổi khi tác giả hồi tưởng cảnh sống chết giữa bom đạn tơi bời khói lửa. Cái tình quân dân mới thật thắm thiết làm sao! Ngất lịm đi, chàng pháo thủ đâu biết mình còn được sống. Tỉnh lại, mới biết người đang cõng mình về tuyến sau là một cô gái. Là khi chợt tỉnh cơn mê/ nhận ra mái tóc bộn bề ngực tôi/ là khi tim đập bồi hồi/ nhận ra gương mặt của người… không quen.

Giữa chiến trận mịt mù, người lính “tuổi hai mươi” chỉ mong chóng bình phục để trở về bên mâm pháo cùng đồng đội. Còn người con gái, đâu chỉ tải thương không mà nhiệm vụ của cô còn nặng nề hơn gấp bội, đó là tiếp đạn cho bộ đội đánh giặc. Bởi thế, họ không đủ thì giờ để hỏi tên nhau chứ đừng nói bắt quen. Thế nên, sau chiến tranh, chàng mới có điều kiện cất công đi tìm kiếm ân nhân. Thương nhớ đã khiến cho tác giả nâng cấp độ tình cảm, từ “người không quen” chuyển sang “em” và “người yêu” ngọt ngào. Cho thơ tôi được gọi Em/ và tôi xin được đi tìm người yêu/ qua bao buổi sớm buổi chiều/qua bao trận đánh rất nhiều nhớ thương. Nhưng núi thì rộng, sông thì dài, còn người rất đông đảo, biết tìm hỏi ai bây giờ? Nhưng bởi trong thẳm sâu lòng mình, hẳn là tôi đã tơ vương/ người không quen… biết hỏi đường về đâu? Dẫu biết là cắc cớ và rất có thể là vô vọng, nhưng người lính không thể không trở lại chốn xưa.

Đắm mình trong vốn văn hóa dân gian, thi sĩ Nguyễn Trọng Tạo được ví như người bước ra từ ca dao, tục ngữ. Những là “sông sâu lụy đò”, rồi “đồng cạn, đồng sâu”, gầu “tát nước” vào thơ anh hết sức nhuần nhị tựa mạch nguồn trong trẻo và khí trời tự nhiên vậy. Vẫn biết là không biết bấu víu vào đâu và gần như vô vọng, song người lính vẫn không thôi ao ước, những ao ước rất đời thường: Cho tôi xây những nhịp cầu/ để em chẳng phải sông sâu lụy đò/ tôi xây phố rộng, nhà to/ để em đến ở, chẳng chờ đợi lâu/tôi về đồng cạn, đồng sâu/ may ra tát nước chung gầu cùng em.

Nhà thơ cựu binh dấn thêm một nhịp, tô đậm thêm về sự thủy chung cho dẫu là tình yêu đơn phương. Điều đó càng khiến cho bạn đọc thêm đắm đuối. Bao người ở vào cảnh ngộ của tác giả trong chiến tranh, đã được ký thác rất rõ rành. Và bao công viêc không tên/ tôi say như thể có em đến gần/ như là tôi đã một lần/ nói yêu em/ dọc mùa xuân/ hai người… Câu cuối của khổ thơ này nguyên là một câu “tám” chuẩn, nhưng bất ngờ được tác giả ngắt xuống bậc thang. Đó là một dụng ý sáng tạo, nhấn nhá, như là cách thêm một dấu lặng trong bản nhạc của mình, để lại dư âm lắng sâu, tha thiết.

Tài thơ lục bát của Nguyễn Trọng Tạo bộc lộ ở nhiều khía cạnh. Tứ sâu, vần chỉnh, nhạc điệu giàu, ngôn ngữ chuốt trau. Khổ cuối, tác giả khép lại cuộc kiếm tìm bằng tình cảm chân thành, da diết. Cho thơ tôi được nói lời/ tình - yêu - tôi, gửi tới người - tôi - yêu/ bởi tôi tin những sớm chiều/ người không quen… sống rất nhiều cho tôi. Người con gái trong bài thơ dường như không có hình hài cụ thể, ngoài “mái tóc bộn bề” dài, mượt, và sự dũng cảm cõng thương binh vượt qua lửa đạn, vậy mà vẫn đáng yêu một cách lạ lùng. Đi tìm “người không quen”, nên tác giả chỉ gói gọn trong đại từ “Em” mềm mại đến nao lòng. Chính cái nghịch lý ấy làm nên vẻ đẹp, sự chung thủy và tình yêu cao cả của người lính. Vâng, ân sâu, nghĩa nặng đã làm nên hồn vía “Thơ gửi một người không quen” lắng đọng.

Sinh thời, Nguyễn Trọng Tạo từng bộc bạch, “thơ gần với nước mắt hơn là tiếng cười, gần với khổ đau hơn là reo hát, gần với sẻ chia...”. Đa tài, đậm tình và rất tốt bụng. Sống quảng giao, anh có rất nhiều bằng hữu ở khắp nơi, ai cũng thương mến và quý chuộng tài năng của anh. Sinh thời, nhiều người vẫn coi sự phóng túng, lang bang là tố chất làm nên một nghệ sĩ lớn, còn thi sĩ khiêm nhường tự nhận mình là kẻ “ham chơi”. Anh và tôi từng “ủ mưu” làm một chuyến “Hai người trở lại trung đoàn” về thăm nơi chốn huấn luyện cũ ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, nhưng vẫn chưa kịp thực hiện.

Trong chuyến ra Hà Nội họp đầu năm 2019, may mắn là tôi còn kịp đến thăm anh Tạo điều trị trong Bệnh viện Bạch Mai. Đương thiêm thiếp trên giường bệnh, nhận ra tôi, anh đưa tay lên nắm, mắt trân trối nhìn và nghẹn lời. Một tuần sau thì người nghệ sĩ tài hoa rời cõi tạm. Đành vậy, nhưng tôi biết gia tài thơ đồ sộ, đắm đuối của Nguyễn Trọng Tạo sẽ còn được người đời trân trọng và lưu giữ; ở một khía cạnh nào đó có thể nói thơ anh sẽ trở thành tài sản chung.

BÀI VIẾT NỔI BẬT