column_right getExtensions 1732407454-1732407454

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732407454-1732407454

SÁNG DANH “NỮ KIỆT MIỀN ĐÔNG”

SÁNG DANH “NỮ KIỆT MIỀN ĐÔNG”

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:24-06-2023

SÁNG DANH “NỮ KIỆT MIỀN ĐÔNG”

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ở Nam Bộ có một nữ chỉ huy du kích cực kỳ dũng cảm, biết dựa hẳn vào dân, mưu trí đánh giặc, khiến kẻ thù khiếp sợ, đó là bà Hồ Thị Bi (Năm Bi), người con ưu tú của vùng đất Mười tám thôn Vườn Trầu và của miền Đông “gian lao mà anh dũng”. Bà là một trong hai nữ chỉ huy quân sự xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chân dung bà Hồ Thị Bi

Tuổi trẻ và kháng chiến

Sinh trưởng tại làng Tân Hiệp, quận Hóc Môn, tỉnh Gia Định (nay là xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh), tên thật của bà là Hồ Thị Hoa. Tham gia hoạt động từ rất sớm, được kết nạp Đảng năm 1936, khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, bà là Đoàn phó Phụ nữ cứu quốc quận Hóc Môn, rồi làm Trưởng ban tiếp tế của quận. Người chồng bị quân Pháp sát hại cùng với em trai bà. Vì vướng con mọn, nên Quận ủy quyết định cho bà trở về nhà. Nghĩ đến công việc cách mạng buổi đầu gặp muôn vàn gian khó, lại thêm nợ nước và thù nhà, người mẹ trẻ nuốt nước mắt gửi ba con (đứa nhỏ nhất đang bú) về bên ngoại để rảnh tay công tác. Hằng ngày bầu sữa căng nhức, ướt đầm cả vạt áo, thương con đứt ruột, song bà vẫn cố giấu cấp trên vì sợ bị “giải ngũ” một lần nữa!

Nhìn vóc dáng bà, không ai hình dung nổi người phụ nữ của Hóc Môn - Bà Điểm, một trong những cái nôi của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), lấy đâu ra sức lực và lòng can đảm phi thường để đi theo cách mạng trong bối cảnh như thế? Khi giặc Pháp đánh chiếm Hóc Môn, các cơ quan của ta đều rút ra ngoài. Thấy địch lộng hành, Hồ Thị Bi bàn với anh em phải gây tiếng nổ, đánh vài trận để củng cố lòng tin cho đồng bào, nếu không sẽ bị mất hết dân. Nhưng tay không thì hỏi lấy gì chọi địch? Những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến, ta thiếu thốn đủ thứ, vũ khí phổ biến là gậy tầm vông vạt nhọn. Nhưng cái khó ló cái khôn! Bà xông xáo khắp nơi tìm kiếm và nài nỉ xin được 6 trái lựu đạn.

Ngày 12-12-1945, tổ của bà bí mật đánh địch mà không báo với cấp trên. Ta diệt 1 tiểu đội địch, phá hủy 1 khẩu súng tại chùa Ông. Trận đánh giữa quận lỵ Hóc Môn đã khiến bọn Việt gian phản động hoảng sợ, còn người dân thì nức lòng phấn khởi. Đồng chí Trần Văn Trà, Chính trị ủy viên (Chính ủy) Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa kiểm tra thấy không có lực lượng nào về, hỏi sao lại có tiếng nổ và địch bị diệt? Nghe bà Năm Bi báo cáo, đồng chí Trần Văn Trà hỏi “súng đâu chị đánh?”. Bà trả lời “Dạ, tôi đi xin”. Quá đỗi ngạc nhiên, đồng chí Trà tặng bà 1 khẩu súng ngắn 7,65ly với 24 viên đạn, đồng thời công nhận đơn vị của Hồ Thị Bi thuộc liên quân. Đó cũng là ngày bà chính thức đứng trong hàng ngũ Vệ quốc đoàn, lực lượng vũ trang của Đảng.

Liên quân phát triển thành Chi đội 12, rồi Trung đoàn 312. Ban công tác số 12 do Hồ Thị Bi chỉ huy, ngoài nhiệm vụ đánh địch, trừ gian, diệt tề, còn làm kinh tế tự túc để nuôi bộ đội. Đơn vị được đồng bào Hóc Môn nhiệt tình ủng hộ và đùm bọc. Công việc kiếm nguồn tiếp tế lương thực, thực phẩm, thuốc men, áo quần, tiền bạc cho Giải phóng quân, là việc làm xuất sắc. Ban công tác số 12 huy động được lòng yêu nước của mọi giới đồng bào từ ngoại thành tới nội thành, giúp đỡ kháng chiến. Ngoài việc tự nuôi quân, đơn vị còn góp cho Trung đoàn 312 mỗi tháng từ 20.000 đến 30.000 đồng tiền Đông Dương. Mỗi mùa ruộng, nộp 1.000 giạ (thùng) lúa.

Ban công tác 12, Chi đội 12. Bà Năm Bi (áo trắng) đứng giữa (1947)

Thực hiện chỉ thị của đồng chí Trần Văn Trà, Ban công tác 12 đã lo cho bộ đội liên quân được ăn cái Tết với đầy đủ vật chất và tinh thần. Với thành tích xuất sắc ấy, Ban được thưởng 20 trái lựu đạn. Có vũ khí, anh chị em hết sức phấn khởi. Mọi người bàn nhau hãy ra quân một trận chào mừng Tết đầu tiên kháng chiến đánh Tây. Tuy nhiên, do chưa thạo cách sử dụng nên lựu đạn không nổ, trận đánh thất bại. Không nản chí, với khẩu súng 7,65 ly được thưởng và mượn thêm khẩu ru-lô, trưa mùng một Tết, anh chị em dùng dao găm và mã tấu đột nhập quận lỵ diệt nhiều tên Việt gian khét tiếng. Chiều hôm ấy, bà Năm Bi mới tổ chức cho đơn vị ăn Tết, mừng chiến công đầu xuân.

Ban chỉ huy Trung đoàn 312 đề nghị Khu 7 cho thành lập Đại đội độc lập Hóc Môn. Ngày 24-4-1948, Trung tướng Nguyễn Bình ký Quyết định số 406/NS Khu 7, Tổng hành dinh chấp nhận: Chị Hồ Thị Bi, Trưởng ban công tác số 12, Đại đội trưởng Đại đội 2804, kiêm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 935, Trung đoàn 312 Gia Định. Hình ảnh các nữ chiến sĩ đại đội 2804 là con em nông dân Hóc Môn, phần lớn ở các xã Tân Hiệp, Tân Mỹ, Bình Lý… tuổi còn rất trẻ, tóc cắt ngắn, đầu đội mũ hình bánh tiêu, trang bị súng nhẹ và lựu đạn, nom rất hùng dũng. Đơn vị đã gieo nỗi kinh hoàng cho giặc Pháp và bọn tay sai trên địa bàn Hóc Môn.

Những biệt danh và niềm vinh dự

Quá nghèo khổ, nên từ nhỏ Hồ Thị Bi không được đi học. Gác tình riêng, bà lao vào cuộc chiến đấu, sát cánh cùng đồng chí, đồng đội lo gánh vác việc dân, việc Đảng. Vì không biết chữ, nên trong các bản án diệt ác, trừ gian, bà thường ký chữ Bi nét rời giống như con số 131. Do không luận ra, nên quân Pháp ở Hóc Môn thường gọi bà là Madame 131, hay Capitaine 131 với nỗi khiếp hãi. Từ năm 1949-1951, bà Năm Bi được giao nhiệm vụ xây dựng Chiến khu Dương Minh Châu, mở rộng vùng giáp biên giới Việt Nam - Campuchia. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, bà được người dân Khơme kính trọng gọi là Lục thum Bi.

Hết lòng với công cuộc kháng chiến, bà Hồ Thị Bi không hề dám nghĩ đến việc mình được Bác Hồ và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng NhấtHuân chương Quân công hạng Ba. Trong hồ sơ Huân chương, kèm theo Sắc lệnh số 149-SL (30-12-1949), Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi: “Bà Hồ Thị Hoa, tức Hồ Thị Bi, tỉnh Gia Định - Nam Bộ, đã giúp đỡ việc tiếp tế cho bộ đội rất đắc lực, tỏ ra người có can đảm và tận tụy với chức vụ. Đã tự đứng ra tổ chức một đại đội đầy đủ thành phần gồm có thanh niên, phụ nữ, nhi đồng và có cả hàng binh người Âu, vũ trang đầy đủ. Đại đội này đã lập được nhiều thành tích trong công tác trừ gian, diệt tề, phục kích đánh xe địch trên đường Sài Gòn - Hóc Môn, chống khủng bố trong các vùng xung quanh quận lỵ Hóc Môn. Hiện nay là Đại đội trưởng Trung đoàn 312, đồng thời là Trưởng ban Kinh tế Trung đoàn ở Nam Bộ, bà được coi như một tấm gương sáng tích cực kháng chiến cho các chị em phụ nữ”.

Năm 1953, Hồ Thị Bi được cử tham gia trong đoàn công tác ra Việt Bắc. Lần đầu tiên trong đời, bà được gặp Bác Hồ và được Người đặt cho biệt danh “Nữ kiệt miền Đông”. Chưa kịp trở về Nam thì Hiệp định Giơnevơ được ký kết, bà Năm Bi được phân công ở lại đón tiếp đồng bào và cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc. Là ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN Việt Nam (khóa II), bà được bầu làm đại biểu Quốc hội của tỉnh Hòa Bình (khóa II, III).

Các đại biểu tại hội nghị thống nhất Hội LHPN Việt Nam toàn quốc (6-1976)

Vừa học vừa công tác, bà Hồ Thị Bi từng là cán bộ Cục Tổ chức, Cục Cán bộ, Cục Chính sách (Tổng cục Chính trị). Từ năm 1973-1974, bà là đặc phái viên của Cục Chính trị B2. Sau ngày đất nước thống nhất, bà về công tác trong lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy tuổi đã cao, song bà vẫn luôn tận tụy, hết mình vì công việc. Năm 1979, bà tham gia công tác bảo đảm hậu cần trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam. Với cương vị Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS Thành phố (nay là Bộ Tư lệnh Thành phố), bà có nhiều đóng góp cho công tác chính sách và hậu phương quân đội. Mọi người trân quý gọi bà là Bà Năm chính sách.

Đại tá Hồ Thị Bi dự hội thảo “Vai trò nữ đại biểu Quốc hội trong sự nghiệp 60 năm phát triển Quốc hội Việt Nam”

Trọn đời vì cách mạng

Với bầu nhiệt huyết và kinh nghiệm quý báu của mình, bà được cấp trên giữ lại công tác đến năm 65 tuổi (1980). Nghỉ hưu, bà vẫn hăng hái tham gia công tác xã hội, là một trong những sáng lập viên của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ. Là ủy viên Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, ngày 20-12-1994, Đại tá Hồ Thị Bi được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nói đến Đại tá Hồ Thị Bi (1915-2011) là nói đến sự trưởng thành của người phụ nữ nghèo dưới sự lãnh đạo của Đảng, được Quân đội đào luyện; một tấm gương và là biểu tượng ngời sáng của chí kiên trung và lòng tận tụy, để các thế hệ Phụ nữ Quân đội noi theo.

NGUYỄN MINH LAN CHI

BÀI VIẾT NỔI BẬT