PHỤ NỮ VỚI KINH TẾ SỐ
PHỤ NỮ VỚI KINH TẾ SỐ
Chuyển đổi số mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam, với ba trụ cột chính là: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chính phủ số giúp Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn, giảm tham nhũng. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực được tối ưu, thông minh hóa hướng đến nâng cao trải nghiệm và chất lượng cuộc sống của người dân.
Chuyển đổi số là một sự thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện, từ Chính phủ, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, từng người dân, trong mọi lĩnh vực. Văn hóa của người Việt Nam là thích ứng nhanh với cái mới, ham học hỏi cái mới, sáng tạo trong ứng dụng cái mới. Nếu chúng ta cứ đi sau về cái mới thì sẽ mãi mãi là người đi sau, không bao giờ thay đổi được thứ hạng quốc gia. Chỉ có đi đầu về cái mới thì mới có cơ hội bứt phá vươn lên thành nước phát triển. Vì vậy, mỗi người cũng cần không ngừng học tập, thay đổi, thích nghi, nếu không sẽ bị bỏ lại ở phía sau.
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 17-4-2020 về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03-6-2020 về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020-2025 xác định: Đến năm 2025, kinh tế số đạt khoảng 20% GDP. Định hướng giai đoạn 2021-2030, Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước và quốc tế.
Bộ Quốc phòng đã có kế hoạch triển khai thực hiện nội dung này, tổ chức hội phụ nữ triển khai thực hiện theo hướng dẫn chung trong toàn quân phù hợp với đặc thù nhiệm vụ quân sự - quốc phòng. Nhiều đơn vị trong quân đội có quy định rất chặt chẽ về thời gian làm việc nên việc triển khai các phong trào, mô hình phát triển kinh tế trong cán bộ, hội viên phụ nữ quân đội trong những năm qua mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho nhiều hội viên phụ nữ; tuy nhiên, phần lớn các mô hình đều phát triển nhỏ, lẻ, hộ gia đình (trồng trọt hoặc chăn nuôi). Do bị chi phối bởi thời gian công tác của đơn vị nên việc phát triển, đầu tư cho kinh tế gia đình còn nhiều hạn chế (chỉ tranh thủ làm trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, ngoài giờ làm việc của cơ quan, đơn vị…,), khó khăn trong áp dụng khoa học công nghệ, phát triển kinh tế số do trình độ về công nghệ còn hạn chế.
Để tạo điều kiện cho các cấp Hội và phụ nữ tham gia mạnh hơn vào nền kinh tế số, mong Đảng và Nhà nước sớm hoàn thiện hệ thống chính sách, luật pháp về phát triển kinh tế số, trong đó có các chính sách ưu tiên hỗ trợ để phụ nữ có điều kiện được tham gia vào nền kinh tế số nói chung của đất nước, cũng như của từng tỉnh, thành cụ thể (vốn, kỹ thuật, công nghệ....). Nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển kinh tế số để từ đó có tư duy đầu tư về kiến thức, kỹ năng, công nghệ; hướng dẫn cụ thể về từng cấp độ, mức độ tham gia của doanh nghiệp và người dân (hộ kinh doanh cá thể…). Tập trung phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng viễn thông để phủ sóng điện thoại di động 4G, phổ cập điện thoại thông minh tới người dân. Thí điểm một số vùng chuyển đổi số gắn với mô hình xã, huyện nông thôn mới. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng tăng cường năng lực tiếp cận, tư duy sáng tạo và có khả năng thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi. Thường xuyên rà soát, phát hiện và khắc phục lỗ hổng bảo mật trên toàn hệ thống, bổ sung thiết bị, phần mềm chuyên dụng có khả năng kiểm tra, kiểm soát an ninh, an toàn thông tin trên môi trường mạng; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và áp dụng hiệu quả công nghệ số góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế. Ngoài ra, cần bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm và toàn diện. Tăng cường kết nối cộng đồng khoa học công nghệ giữa các quốc gia, khu vực để nâng cao trình độ kỹ năng số... Ðáng chú ý, để phát triển kinh tế số, Việt Nam cần tận dụng được những cơ hội của hội nhập quốc tế, nhất là những hiệp định về thương mại tự do thế hệ mới mà chúng ta đã ký kết.
Phụ nữ hòa nhập, phát huy trong nền kinh tế số đã trở thành vấn đề chung của toàn xã hội, về nâng cao trình độ, phát huy cao nhất năng lực của người lao động phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống chính trị, các tổ chức, doanh nghiệp, gia đình và mỗi thành viên trong xã hội đều có trách nhiệm tích cực thúc đẩy. Để góp phần thực hiện Chiến lược chuyển đổi số mà Chính phủ đã đề ra, với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới; Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm. Thành lập Ban chỉ đạo hoặc phân công một đồng chí lãnh đạo Trung ương (TƯ) Hội trực tiếp phụ trách vấn đề này. Nghiên cứu, rà roát, tổ chức hội thảo, xin ý kiến chuyên gia… về các vấn đề trọng tâm trong thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống tổ chức hội. Trên cơ sở đó, sớm xây dựng kế hoạch hoặc chương trình, đề án về chuyển đổi số trong hệ thống tổ chức hội (5 - 10 năm); xác định các vấn đề trọng tâm, ưu tiên thực hiện theo từng lộ trình cụ thể; trên cơ sở đó, nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả. Huy động nguồn lực triển khai thực hiện chương trình với sự giúp đỡ của tập đoàn công nghệ lớn (Viettel, FPT…), ưu tiên triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, trước hết là cho cán bộ lãnh đạo hội từ cấp TƯ xuống địa phương. Bởi rào cản lớn nhất để chuyển đổi số không phải là vốn, công nghệ mà chính là nhận thức của người lãnh đạo. Việc ứng dụng nền tảng số đồng nghĩa với việc chuyển đổi mô hình quản lý, chuyển đổi về con người. Cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ hội các cấp về vấn đề này. Triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số trong hoạt động của tổ chức hội, trọng tâm là xây dựng được phần mềm thống nhất trong công tác tổ chức của hội, báo cáo (hạn chế bằng văn bản), cung cấp, truyền tải số liệu, hội họp trực tuyến… có thể thí điểm xây dựng ở một vài tỉnh, thành theo vùng, miền gắn với việc tỉnh thành đó đã triển khai thực hiện tốt chính quyền số.
Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, các tổ chức và tổ chức hội, cán bộ hội viên, tin rằng Phụ nữ Việt Nam nói chung, Phụ nữ Quân đội nói riêng sẽ mau chóng hòa nhập, phát huy khả năng và gặt hái nhiều thành công trong nền kinh tế số.
Đại tá, TS PHÙNG THỊ PHÚ
Trưởng ban Phụ nữ Quân đội
Ảnh minh họa: CTV