column_right getExtensions 1732363702-1732363702

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732363702-1732363702

NỮ TƯỚNG ĐẦU TIÊN CỦA NGÀNH QUÂN Y

NỮ TƯỚNG ĐẦU TIÊN CỦA NGÀNH QUÂN Y

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:21-06-2023

NỮ TƯỚNG ĐẦU TIÊN CỦA NGÀNH QUÂN Y

Sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống cách mạng, thân phụ của bác sĩ Nguyễn Hồng Giang là cụ Nguyễn Hải Thanh, nguyên Chính ủy Cục Quân y. Thuở nhỏ, bà thường được nghe cha mình kể về những tấm gương chiến đấu dũng cảm của các Anh hùng La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên... Đặc biệt là chuyện về bác sĩ Vũ Văn Cẩn - Cục trưởng Cục Quân y đầu tiên, sau này là bố chồng của Nguyễn Hồng Giang. Bà kể, hồi đó, hai nhà cùng ngụ tại khu gia đình ở số 3 Lý Nam Đế, Hà Nội. Vì vậy, ngoài chuyện nghe kể, bà còn được trực tiếp chứng kiến tác phong làm việc và tinh thần “say nghề” của bác sĩ Vũ Văn Cẩn. Bà vẫn nhớ như in chuyện bác sĩ Vũ Văn Cẩn quyết định chọn chuyên khoa mắt bởi những điều trăn trở. Khi tiếp xúc với nhân dân, thấy bà con bị mù lòa do đau mắt hột quá nhiều chỉ vì tắm rửa, giặt giũ bằng nước ao tù và vệ sinh không đúng cách nên ông muốn làm việc gì để thay đổi hiện trạng đó. Sau khi được gặp Bác Hồ, rồi được các cán bộ lãnh đạo cách mạng giác ngộ thêm thì bác sĩ Cẩn càng hiểu ngọn nguồn của bệnh tật là do đói nghèo, thất học gắn liền với chế độ nô lệ mất nước mà ra. Từ đó, ông muốn được cống hiến nhiều hơn cho cách mạng.

Chính câu chuyện về sự lựa chọn chuyên ngành vì người bệnh của Cục trưởng Cục Quân y đã khiến Nguyễn Hồng Giang ấp ủ mơ ước trở thành bác sĩ phục vụ nhân dân. “Cứ nghĩ đến việc có thể chữa được nhiều người mù nhìn thấy ánh sáng là mình thấy sung sướng rồi” - Bà tâm sự. Năm 1966, đang là chiến sĩ thông tin, Nguyễn Hồng Giang thi đỗ Đại học Quân y (nay là Học viện Quân y). Năm 1972, sau khi tốt nghiệp, nữ bác sĩ trẻ về công tác tại Bệnh viện Quân đội 108. Lúc này, chiến dịch Quảng Trị đang diễn ra nên thương bệnh binh từ tuyến dưới về viện rất nhiều. Ban đầu do yêu cầu nhiệm vụ, bà làm việc như tất cả các bác sĩ mới ra trường khác, thậm chí còn cáng đáng thêm việc như một y tá thực thụ trực tiếp chăm sóc thương bệnh binh, các bệnh nhân tại buồng bệnh. Bà thấy vui vì học hỏi và tích lũy được kinh nghiệm.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang phát biểu tại Chiến dịch ra quân tình nguyện hè 2008 tại Học viện Kỹ thuật Quân sự

Là bác sĩ, làm công việc của một y tá điều dưỡng trong nửa năm trời là điều khá hiếm, nhưng đến tận bây giờ bà vẫn cho rằng đó là việc rất đỗi tự nhiên. Bà cần mẫn hoàn thành công việc của mình, với một suy nghĩ: chỉ cần người bệnh khỏe lại là vui rồi. Chính vì vậy, bà đã không ngừng học tập, rèn luyện. Nhờ sự nỗ lực của bản thân và sự quan tâm của lãnh đạo, bà trở thành bác sĩ điều trị trực tiếp. Từ Phó chủ nhiệm, Chủ nhiệm khoa Mắt rồi lên lãnh đạo chỉ huy bệnh viện.

Trưởng thành từ bác sĩ đa khoa đến bác sĩ chuyên khoa sâu rồi bảo vệ luận án tiến sĩ chuyên ngành mắt, được Nhà nước công nhận học hàm Phó giáo sư khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng cơ bản nhất ở Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang vẫn là tấm lòng nhân ái vị tha, hết lòng vì người bệnh và vì cộng đồng. Ngoài công tác chuyên môn trực tiếp tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bà còn là một bác sĩ đầu ngành về mắt, được chọn giao trực tiếp phục vụ cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang và lãnh đạo Bệnh viện đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng phu nhân thăm Bệnh viện TWQĐ 108 năm 2006

Công việc nhiều là thế nhưng bà luôn dành thời gian cho công tác đào tạo, kèm cặp lớp cán bộ kế cận thay thế đủ tài đủ đức vươn lên. Có lẽ chính vì vậy ngay thời điểm công tác tại khoa Mắt, Chủ nhiệm khoa Nguyễn Hồng Giang đã chủ động sắp xếp, đề nghị cấp trên giải quyết luân phiên cho các bác sĩ đi học tập nâng cao. “Tôi vẫn nói với anh em, ở bên ngoài người ta đi bộ thì chúng ta phải chạy mới theo kịp những bước tiến của khoa học kỹ thuật. Thời chiến, quân y mạnh vì chúng ta thường xuyên tiếp xúc với các loại bệnh. Sang thời bình, nếu chúng ta không chịu khó học tập, bám thực tế thì sẽ bị tụt hậu với bên ngoài ngay. Không dám khẳng định rộng ở toàn viện, nhưng riêng ở khoa Mắt, tôi có thể tự tin khẳng định đã chuẩn bị cơ ngơi về nhân sự cho viện trong thời gian khoảng 10 năm”.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích tốt trong đợt huấn luyện quân sự bắn đạn thật năm 2007

Quá trình công tác, bà luôn gương mẫu và nhận được sự tín nhiệm cao của tập thể. Sau hàng chục năm là Đảng ủy viên, Chủ nhiệm khoa bà trở thành Chính ủy Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 năm 2003 và được phong quân hàm cấp tướng năm 2007. Thành công trong sự nghiệp, được xã hội tôn trọng, đồng nghiệp nể phục, nhưng khi trở về với cuộc sống đời thường, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Giang vẫn là một người phụ nữ giản dị, người vợ đảm đang, chăm lo vun vén hạnh phúc gia đình và là người mẹ mẫu mực cho các con noi theo.

Bài và ảnh: Song Thanh – Văn Giang

BÀI VIẾT NỔI BẬT