column_right getExtensions 1732363724-1732363724

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732363724-1732363724

NỖI NIỀM “HAI NỬA VẦNG TRĂNG”

NỖI NIỀM “HAI NỬA VẦNG TRĂNG”

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:26-07-2023

Đến với bài thơ hay

NỖI NIỀM
“HAI NỬA VẦNG TRĂNG”

 

Tình cờ anh gặp lại vầng trăng

một nửa vầng trăng thôi, một nửa

Trăng vẫn đấy mà em xa quá

nơi cuối trời em có ngóng trăng lên?

 

Nắng đã tắt lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm

Trăng đầu tháng có lần em ví

chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa

tên anh như nửa trăng mờ tỏ

Ai bỏ quên lặng lẽ bên trời.

 

Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi

trăng say đắm dào trên cỏ ướt

trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được

trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết

em đã khóc

trăng từng giọt tan vào anh mặn chát

em đã khóc

nhưng làm sao tới được

bến bờ anh tim dội sóng không cùng.

 

Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh

cứ một nửa như đời anh, một nửa

nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ…

 

Trăng viên mãn cuối trời, đêm đêm em có nhớ

Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau.

8-1981

HOÀNG HỮU

(Rút trong tuyển “Thơ 1980 - 1985”, Nxb Tác phẩm mới, H.1985)

Lời bình của nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Bài thơ xuất hiện trên tờ Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) trong mục thơ dự thi vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ XX. Một bài thơ tình mà lạ sao âm hưởng của nó cứ dào dạt và xoáy mãi vào lòng, khiến người đọc cứ phải bồi hồi, xao xuyến.

“Vầng trăng ai xẻ làm đôi” trong ca dao và cả trong thơ Nguyễn Du thì hẳn nhiều người chẳng lạ, vậy mà “Hai nửa vầng trăng” của Hoàng Hữu vẫn cứ tươi rói, cứ lạ và có chút gì như là bí ẩn. Với những người ở xa chưa hề quen biết với tác giả, hẳn không tránh khỏi thắc thỏm tự hỏi. Đã đành vầng trăng trong thơ nó vừa thực lại vừa ảo, nhưng khi Hoàng Hữu viết “chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa” thì rốt cuộc là gì vậy? Hơn 20 năm sau khi bài thơ ra đời và neo lại trong lòng bạn đọc, trong một lần trò chuyện với nhà thơ Phạm Tiến Duật, một người đồng hương thân thiết với Hoàng Hữu, thì tôi mới vỡ ra cái điều băn khoăn ấy.

Hoàng Hữu là bút danh của Nguyễn Hữu Dũng, quê ở Phú Thọ. Ngoài tài thơ, anh còn là một họa sĩ vẽ bìa sách có tiếng và rất được mến mộ. Ngày ấy, nhiều nhà xuất bản ở Hà Nội muốn có cái bìa sách ưng ý vẫn cứ ngược trung du tìm đến với Hoàng Hữu. Trở lại với bài thơ, khi biết tên khai sinh của tác giả thì có nghĩa đã lần ra nửa điều bí ẩn đằng sau “chữ D hoa” rồi.

Hai nửa vầng trăng” đoạt giải Nhì cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm ấy, (Trần Đăng Khoa, giải Nhất), nhưng Hoàng Hữu đã không kịp nhìn thấy đứa con tinh thần của mình lên ngôi á khoa. Người thi sĩ tài hoa ấy đột ngột từ giã cõi đời sau một cơn bạo bệnh.

Tình cờ anh gặp lại vầng trăng/ một nửa vầng trăng thôi, một nửa. Mở đầu bài thơ là một hoàn cảnh trớ trêu, sự nhung nhớ dường như là vô vọng. Anh chỉ được gặp lại một nửa vầng trăng thôi, còn cái nửa kia anh kiếm tìm thì dường như hãy còn xa lắm. Xin hãy chú ý câu này: Trăng vẫn đấy mà em xa quá/ nơi cuối trời em có ngóng trăng lên? Da diết lắm và cũng mong manh lắm. Thế nên cái sự “tình cờ” ở ngay đầu bài thơ lại không thể và không bao giờ là tình cờ cho được. Chỉ biết rằng bóng hình người con gái “nơi cuối trời” ấy cũng có một cái tên bắt đầu bằng “chữ D hoa”, một nửa vầng trăng. Hai “chữ D hoa” cùng ghép lại sẽ có được một vầng trăng tròn đầy, viên mãn.

Ấy là tâm trạng của người đang yêu, lúc nào cũng tơ tưởng đến cái “vầng trăng xẻ nửa”. Nhưng chẳng thể nào khác được một khi cuộc sống đã an bài với những bổn phận và nghĩa vụ. Khát vọng thì vẫn cứ là khát vọng, nào có thay đổi được gì đâu kia chứ. Ngôn ngữ thơ mới thật mềm mại và thấm đẫm làm sao. Tên anh như nửa trăng mờ tỏ/ Ai bỏ quên lặng lẽ bên trời. Một chút gì ngỡ như là yếm thế, nhưng thực ra không phải vậy. Chả qua chỉ là cách nói nhún nhường của một người rất trải đời và rất hiểu người mà thôi.

Hai nửa của vầng trăng luôn đầy vơi trong tâm tưởng của hai người, luôn thu hút lẫn nhau. Trăng và nước tựa như hai kẻ đương tình tự. Bởi có trăng mà sóng nước dạt đào, trăng duyên dáng soi mình trong bóng nước. Trăng cũng như con nước, hết đầy lại vơi, theo quy luật thời gian. Nhưng “trăng say đắm dào lên cỏ ướt” thì chao ôi… tuyệt quá, run rẩy quá. Chữ “dào” được dùng thật tài tình và chính xác, nó gợi mở rất nhiều liên tưởng.

Cái lõi của bài thơ là nỗi buồn thẳm sâu, khôn cùng trước một mối tình ngang trái “không làm sao tới được”. Nửa “vầng trăng” kia đớn đau thì cũng có nghĩa là nửa còn lại bên này trái tim đang rỉ máu. Vầng trăng non đầu tháng cứ tròn đầy, để rồi lại hao khuyết dần vào cuối tháng cho đến khi mất hút giữa trời đêm. Dường như khi những vần thơ này tuôn chảy lên trang giấy, cơ hồ thi sĩ đã tiên cảm được điều gì đó đang đến với mình. Anh đau đớn nhận ra từng giọt trăng “tan vào anh mặn chát”, biết rằng em đã khóc, nên “bến bờ anh tim dội sóng không cùng”. Giông bão tình yêu cũng có sắc màu riêng vậy.

Muôn thuở, tình yêu chẳng tuân theo một quy luật nào cả, bởi vậy dạng thức thơ tự do là phù hợp. Hai khổ cuối khép lại nỗi niềm như một lời nguyện ước, hy vọng. Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh/ cứ một nửa như đời anh một nửa/ nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ

Trăng trên trời và “trăng” dưới đất, khi em là nửa nọ và anh là nửa kia. Ta tìm nhau, ta trông ngóng mà chẳng hề tới được với nhau. Một nỗi buồn đẹp và sáng trong, nên “Hai nửa vầng trăng” cứ rưng rưng mà xao xuyến lạ lùng là bởi vậy.

BÀI VIẾT NỔI BẬT