column_right getExtensions 1732339914-1732339914

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732339914-1732339915

NHỮNG PHÚT XAO LÒNG

NHỮNG PHÚT XAO LÒNG

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:07-04-2023

Đến với bài thơ hay

NHỮNG PHÚT XAO LÒNG

Có thể vợ mình ngày xưa cũng có một người yêu

(Người ấy gọi vợ mình là người yêu cũ)

Cũng như mình thôi, mình ngày xưa cũng thế

Yêu một cô giờ cô ấy đã có chồng

Có thể vợ mình vì những phút mềm lòng

Nên giấu kín những suy tư, không kể về giấc mộng

Người yêu cũ vợ mình có những điều mình không có được

Cô ấy không nói ra vì sợ mình buồn

 

Mình cũng có những phút giây cảm thấy xao lòng

Khi gặp người yêu xưa với những điều vợ mình không có được

Nghĩ về cái đã qua nhiều khi như nuối tiếc

Mình cũng chẳng nói ra vì sợ vợ buồn

Sau những lần nghĩ đâu đâu mình thương vợ mình hơn

Và cảm thấy mình như người có lỗi

Chắc vợ mình hiểu điều mình không nói

Cô ấy cũng thương yêu và chăm chút mình hơn

 

Mà có trách chi những phút xao lòng

Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ

Ai cũng có những phút giây ngoài chồng ngoài vợ

 

Đừng trách chi những phút xao lòng!

THUẬN HỮU

Rút trong tuyển tập “Đường về xứ Nghệ”, Nxb Văn học, H.2011
Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Bài thơ được viết vào những năm đầu thập niên 80 (thế kỷ XX) khi Thuận Hữu mới chân ướt, chân ráo về nhận công tác ở cơ quan thường trú báo Nhân Dân tại Đà Nẵng. Mặc dầu nó sớm lọt vào “mắt xanh” của Xuân Diệu và được ông hoàng thơ tình Việt Nam nhiệt thành giới thiệu, thậm chí là đứng ra bảo lãnh cho nhiều tờ báo, tạp chí. Có điều, dẫu các tờ báo đều rất thích “Những phút xao lòng” và thừa nhận đây là bài thơ hay, nhưng để đăng đàn thì hãy đợi đấy. Cũng chả biết trách ai, bởi không khí của văn nghệ thời chưa “cởi trói” khiến người ta dè dặt, ngại ngần, bởi đăng lên “rằng hay thì thật là hay” nhưng không khéo lại mang tiếng cổ súy cho những “phút giây ngoài chồng, ngoài vợ”, chuyện tình cảm ngoài luồng… rất dễ bị quy chụp, rồi phải hứng chịu “lời ong tiếng ve” thì buồn. Vì vậy mà buổi đầu bài thơ phải chịu một “số phận” khá long đong.

Bước vào thời đổi mới, bản thảo đến tay một nhà văn, nhà thơ tài danh từng khoác áo lính trở về đầu quân cho Hội văn nghệ Quảng Nam - Đà Nẵng. Vững tin ở lẽ phải và trước tiên là vẻ đẹp thi ca, ông cho in nguyên vẹn bài thơ trên tờ tạp chí văn nghệ của tỉnh. Nhờ sự “dũng cảm xé rào” đó mà “Những phút xao lòng” đã đến được với bạn đọc một cách đường hoàng, nhiều người mến mộ tiếp nhận và chép tay chuyền nhau. Bên tách cà phê đậm, những mái đầu chụm lại xuýt xoa: Hay, rất đời! Có điều, cái tên Thuận Hữu cứ khiến tôi cứ ngờ ngợ mãi, bởi nó nhắc tôi nhớ về một người từng quen biết. Cho đến một ngày nọ, khi báo Nhân Dân khai trương văn phòng thường trú tại Nha Trang, tôi bất ngờ gặp lại tác giả bài thơ. Tưởng ai xa lạ, hóa ra đấy là bút danh của Nguyễn Hữu Thuận, một người đồng hương của tôi.

Thuận Hữu chào đời đúng ngày kỷ niệm 28 năm Xô-viết Nghệ Tĩnh (12-9-1958) tại xã Xuân Liên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Tôi quen Hữu Thuận từ thời anh còn là sinh viên khoa Ngữ văn khóa 21, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Vài lần, tôi vào ký túc xá ở Thanh Xuân nghỉ lại và cùng anh trò chuyện tới tận khuya. Ngày ấy, Hữu Thuận thuộc típ người ưa hài hước, dí dỏm, thậm chí rất tinh nghịch. Bởi vậy, khi biết anh làm thơ, quả thật tôi có chút bất ngờ. Ra trường, anh được báo Nhân Dân chọn về làm phóng viên. Công việc làm báo bận bịu, song anh vẫn dành một góc cho thơ và kịp cho ra mắt các tập thơ: Những phút xao lòng, Ngọn đèn ban ngày, Biển gọi

Không chỉ là một nhà báo, nhà thơ, Thuận Hữu còn là một chính khách. Ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng các khóa XI, XII; giữ chức Tổng Biên tập báo Nhân Dân (2011-2021); Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; đại biểu Quốc hội các khóa XIII, XIV. Tháng 12-2017, ông được Bộ Chính trị phân công kiêm giữ chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương.

Bài thơ “Những phút xao lòng” mở ra từ một sự phỏng đoán. Nỗi niềm sâu kín của một người đàn ông trưởng thành được tỏ bày chân thực, không chút màu mè, bóng bẩy. Có thể vợ mình ngày xưa cũng có một người yêu. Sao lại không kia chứ? Bởi trong cuộc đời mỗi con người chẳng có điều gì lại không thể xảy ra. Tác giả hỏi đấy rồi lại tự trả lời bằng sự lý giải. Cũng như mình thôi, mình ngày xưa cũng thế/ Yêu một cô giờ cô ấy đã có chồng. Mỗi người có một hoàn cảnh sống và một số phận riêng. Ai cũng có sau lưng mình một quá khứ cần phải được tôn trọng và gìn giữ. Song, cái điều giản dị ấy nào phải ai cũng hiểu và cảm thông cho được? Đôi khi con người ta vẫn không vượt nổi cái sự thường tình, cho nên cuộc sống mới sinh ra lắm chuyện rắc rối, thậm chí làm khổ nhau.

Ví thử cuộc đời quanh năm ngày tháng cứ bình lặng quẩn quanh như nước trong ao tù thì phỏng còn gì để nói. Nhưng rồi một ngày đẹp trời nào đó, bạn bất ngờ gặp lại người của ngày trước, như “Diễm xưa” chẳng hạn. Trong sâu thẳm cõi lòng sao tránh khỏi chút xao động, bối rối? Mặt hồ đã không còn giữ được vẻ yên bình bởi những cơn sóng ngầm đột nhiên xuất hiện. Bạn sẽ xử sự ra sao khi biết: Người yêu cũ vợ mình có những điều mình không có được/ Cô ấy không nói ra vì sợ mình buồn. Điềm tĩnh chấp nhận sự thật, chính là quan niệm sống. Rõ ràng ở đây đòi hỏi một bản lĩnh đàn ông, hay nói đúng hơn là một thái độ ứng xử. Thói thường, bao giờ cũng vậy, “con cá mất là con cá to”, nên khi hồi tưởng về quá khứ, người ta dễ nhìn qua lăng kính có phần phóng đại. Thuận Hữu đã rất tinh tế khi chỉ ra cái lẽ thường tình ấy. Mình cũng có những phút giây cảm thấy xao lòng/ Khi gặp người yêu xưa với những điều vợ mình không có được/ Nghĩ về cái đã qua nhiều khi như nuối tiếc. Đó chính là điểm nhấn của bài thơ. Đọc đến đây ta không khỏi giật mình, vậy nhưng khi đang ở trong cõi mê thì hỏi mấy ai mà tỉnh cho được?

Cuộc sống bao hàm những mối quan hệ, con người không thể là gỗ đá. Chỉ khi trái tim ngừng đập thì con người mới hết rung động trước ngoại cảnh, ngoại vật. Nếu người phụ nữ có thể “vì những phút mềm lòng” thì người đàn ông cũng khó tránh khỏi “những phút giây cảm thấy xao lòng” khi kỷ niệm bất ngờ trỗi dậy trong miền ký ức. Chỉ có sự cao thượng mới giúp con người biết cảm thông, biết sẻ chia. Bởi vậy, trung thực và trách nhiệm là phương cách nuôi dưỡng tình yêu và giữ gìn hạnh phúc. Sau những lần nghĩ đâu đâu mình thương vợ mình hơn/ Và cảm thấy mình như người có lỗi/ Chắc vợ mình hiểu điều mình không nói/Cô ấy cũng thương yêu và chăm chút mình hơn.

Bài thơ khép lại bằng lời nhắn gửi chân tình. Mà có trách chi những phút xao lòng/ Ai cũng có một thời để yêu và một thời để nhớ. Đó là thái độ sống của một người đàn ông trải đời, rất đỗi độ lượng và bao dung. Tác giả nhẹ nhàng: Ai cũng có những phút giây ngoài chồng, ngoài vợ/ Đừng trách chi những phút xao lòng!

Hai chữ “xao lòng” được sử dụng tới ba lần để chỉ các trạng huống. Sao không là xao động, xao xuyến mà lại “xao lòng”. Rõ ràng ở đây, Thuận Hữu đã dụng công tìm tòi và anh đã được đền đáp xứng đáng. Chữ “xao lòng” diễn tả cái động trong cái tĩnh rất thần tình. Dường như cánh đàn ông đã ký thác lòng mình nơi ngọn bút của Thuận Hữu. Chỉ ngần ấy thôi, anh đã là một thi sĩ đích thực rồi. Tiếc rằng một khi đã lãnh trọng trách trên vai, Thuận Hữu đành phải rẽ ngang.

Trong cuộc sống riêng tư, nào ai đã chẳng phải một lần gặp những cảnh huống éo le, khó xử, xin hãy bình tâm đọc những vần thơ trên. Đọc chậm và nhẩn nha suy ngẫm. Rất có thể sóng sẽ yên, biển sẽ lặng trở lại và con người sẽ biết cách sống vị tha hơn. Bài thơ đề xuất một thái độ ứng xử, một lối sống đẹp. Nó giản dị mà sâu thẳm tình đời, tình người. Thơ đứng được trong lòng bạn đọc quả là điều không phải dễ! Xin cảm ơn “Những phút xao lòng”. Cảm ơn Thuận Hữu!

BÀI VIẾT NỔI BẬT