column_right getExtensions 1732190520-1732190520

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732190520-1732190520

NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐẢO XA…

NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐẢO XA…

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:18-08-2024

Những khoảnh khắc đảo xa…

CAO THỊ HỒNG HẠNH

Là thành viên của phụ nữ Quân đội (PNQĐ), chúng tôi tham gia Đoàn công tác số 3 đi thăm quần đảo Trường Sa. Sáng ngày 13-4-2024, tàu KN 290 rời cảng Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân. Mang theo những món quà đong đầy tình cảm của PNQĐ gửi đến những người lính biển can trường, cả đoàn lên tàu, bắt đầu hành trình 8 ngày đêm với hơn 1.200 hải lý…

Trên tàu KN 290

Con tàu hiện đại, được bố trí như một khách sạn nổi. Chúng tôi cảm nhận sự nồng ấm từ Ban tổ chức, thuyền trưởng, các cán bộ tàu, đến tổ phục vụ. Các “nữ nhi” lần đầu tiên đi biển, được hướng dẫn ngồi dọc thân tàu và chỉ cách chống say sóng. Lại được nhắc phải ráng ăn uống đủ bốn bữa. Có thêm nồi cháo nóng dành cho những người bị say sóng… Các anh làm việc với cường độ thật đáng nể, nhưng nụ cười luôn nở trên môi, lúc nào cũng vui vẻ. Chứng kiến các “anh nuôi” trên tàu thức khuya dậy sớm, miệt mài lo cơm, nước trong điều kiện sóng gió, thật ngưỡng mộ.

Gần 200 thành viên được chia làm 8 tổ. Phút lạ lẫm ban đầu qua nhanh, để rồi mau chóng thân quen và sẻ chia dọc hải trình, tất cả gắn kết như một đại gia đình. Theo lịch, Đoàn công tác sẽ thăm và làm việc tại 10 điểm đảo, gồm: Đá Lớn, Nam Yết, Tiên Nữ B, Tốc Tan B, Núi Le C, Phan Vinh B, Thuyền Chài B, An Bang, Trường Sa Đông, Đá Lát. Nhưng không phải ai cũng được đến tất cả, bởi điều kiện thời tiết, vì sức khỏe và có những đảo chỉ có thể bố trí số ít người lên, còn thì phải ở lại trên tàu theo sự phân công.

Vào bếp cùng chiến sĩ Trường Sa Đông

Tàu cập đảo Đá Lớn B đầu tiên. Cả đoàn đều nôn nao, mường tượng về một đảo chìm, sẽ như thế nào. Ngồi xuồng, chạy khoảng 10 phút, từ xa đã thấy đảo hiện lên sừng sững, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, người chiến sĩ nghiêm trang bồng súng trước bia chủ quyền… Ôi, xúc động biết bao, những hình ảnh mà trước đến giờ chỉ biết qua sách báo, truyền hình đang hiển hiện trước mắt, thật hào hùng.

Ở các đảo khác, cấu trúc hầu hết na ná nhau, trung tâm là một nhà 3 tầng kiên cố, các phòng ốc được bài trí ngăn nắp, gọn gàng. Phía sau là “vườn rau” nhỏ được che chắn kỹ, ngăn nắng gió và chuột bọ. Từ rau cải, rau muống, mồng tơi đến cả ớt và húng chó, lá lốt… đều mượt mà. Biết bao công sức và tình cảm của người lính gửi vào, chăm bón.

Sau những cái bắt tay “rụt rè” của lính chỉ vì lâu lắm rồi không có phụ nữ tới thăm đảo, được nghe trò chuyện, nhìn gương mặt rám nắng, chúng tôi cảm nhận được anh em đã phải trải qua những tháng ngày khó khăn, vất vả cỡ nào. Nhưng trong ánh mắt của cán bộ, chiến sĩ luôn ánh lên niềm tự hào. “Được đóng quân ở quần đảo Trường Sa, là vinh dự tự hào, các chị ạ”.

Mỗi chiến sĩ có một hoàn cảnh riêng, có người vừa cưới vợ được 6 tháng; lại có anh là con một, mồ côi cha, mẹ đau yếu… Tuy nhiên, ai nấy đều gác lại tình cảm cá nhân, hoàn cảnh riêng của mình để trụ vững nơi đầu sóng. Trân quý xiết bao. Chị em nhắc nhau lưu lại những tấm hình với lính đảo, để anh em gửi về cho người thân trong đất liền.

Bài hát “Khúc quân ca Trường Sa”

Đến với đảo nổi An Bang, thấy yêu hơn câu hát “Đẹp dịu dàng Tiên Nữ, An Bang…” trong bài hát “Bâng khuâng Trường Sa”. Đảo có nhiều cây xanh, chẳng khác mấy đất liền, nhưng là cây đặc trưng riêng như: bàng vuông, cây bão táp, cây phong ba. Lần đầu tiên tôi phân biệt được cây bàng vuông với cây bàng ta. Tán lá rộng đan xen hòa vào nhau kết thành mái lá che kín khu vực sân trung tâm, hai cây bàng đứng cạnh nhau. Mùa này, những trái bàng vuông xanh mướt, những chùm hoa trắng nhụy tím được các chiến sĩ hái tặng đoàn khiến chị em xúc động. Nhìn lính hòa nhịp theo lời ca tiếng hát, điệu nhảy của tốp Văn công Quân khu 4 thật dễ thương. Chia xa với những cái bắt tay thật chặt, những cái ôm nồng ấm thân thương. Từng chiếc xuồng lần lượt rời đảo, cánh tay các chàng trai vẫn cứ vẫy mãi, vẫy mãi…

Lên các đảo Đá Lát, An Bang, Nam Yết được ngắm những ngọn hải đăng sừng sững. Vào mùa mưa bão, biển động thì lính trực nhà đèn phải mặc áo phao đề phòng. Thấu hiểu sự vất vả gian nan của anh em, càng thêm cảm phục.

Rời tàu, lên xuồng vào đảo Đá Lát

Chặng cuối của hải trình, lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại thềm lục địa phía Nam và nhà giàn DK1 nghẹn ngào xúc động. Con tàu về điểm hẹn, Nhà giàn DK115. Nếu ở các đảo, lính thường trẻ măng, thì với nhà giàn hầu hết anh em đều dạn dày kinh nghiệm và gắn bó nhiều năm trên biển. Rất khó khăn để xuồng cập được vào chân nhà giàn, sau đó, phải leo hơn 30 bậc thang dựng đứng, chỉ cần sơ sểnh một chút là gặp nguy hiểm. Cuộc sống trên nhà giàn giữa biển, giữa sóng, giữa trời mây. Từ giàn thép bốn tầng, ngó xuống, đan qua sàn ô mắt lưới vẫn một màu biển thẳm. Ngắm những gương mặt sạm đen, làn da thô ráp, ánh mắt vời vợi man mác… Bất ngờ thấy sàn gạch nào ở nhà giàn cũng được lau chùi sạch bong để có thể tận dụng nước ngọt khi mưa tới. Ngạc nhiên, bởi các cánh cửa chỉ thiết kế ấn đẩy mà không phải mở đóng, đề phòng gió giật va đập… Thương lắm những cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Họ giấu nỗi nhớ nhà, kìm nén cảm xúc riêng tư vào tận đáy lòng, tất cả cho nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, để giữ mãi màu xanh cho từng luống rau, cho từng nụ hoa bàng vuông, cho từng cây phong ba, cho sức sống bền bỉ, mãnh liệt của những hòn đảo chìm, đảo nổi. Ráng thu vào tầm mắt những hình ảnh thân thương ấy…

Yêu lắm Tổ quốc ơi!

Nếu ai hỏi sẽ làm gì sau chuyến đi này, tôi chỉ có thể trả lời sẽ sống tích cực, nhiệt huyết và say mê hơn, cống hiến nhiều hơn và truyền cảm hứng sâu sắc nhất về lòng yêu nước được đắp bồi mạnh mẽ từ sau hải trình ấy đến với Trường Sa.

BÀI VIẾT NỔI BẬT