column_right getExtensions 1732364828-1732364828

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732364828-1732364828

NHỚ “MÙA ĐÔNG BINH SĨ”

NHỚ “MÙA ĐÔNG BINH SĨ”

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:25-07-2023

NHỚ “MÙA ĐÔNG BINH SĨ”

Đại tá, ThS VŨ VĂN KHANH

Năm 1946, trong bối cảnh đất nước cực kỳ gian nan, bộ đội sinh hoạt trong điều kiện thiếu thốn về vật chất, ăn đói, mặc rét, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào may áo ấm cho chiến sĩ. Ngày 25-10-1946, Ủy ban vận động “Mùa đông binh sĩ” ở Trung ương và các tỉnh, thành phố được thành lập. Mở đầu phong trào là cuộc lễ do Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đem chiếc áo sợi duy nhất của mình và bộ quần áo do một hợp tác xã may mặc biếu, góp vào quỹ vận động “Mùa đông binh sĩ”.

Xúc động trước tình thương yêu chiến sĩ của vị Chủ tịch nước, nhiều người dân Hà Nội mong muốn mua chiếc áo đó để ủng hộ cách mạng và làm vật kỷ niệm. Nhằm giải quyết thỏa đáng nguyện vọng của quần chúng, Ủy ban vận động “Mùa đông binh sĩ” Trung ương đã tổ chức bán đấu giá. Và ông Trương Văn Thìn 30 tuổi, một chủ hiệu bánh ngọt đã thắng và mua được chiếc áo của Cụ Hồ với giá 3.500 đồng (tiền Đông Dương), tương đương với 100 cây vàng lúc bấy giờ. Với số tiền đó, Ủy ban “Mùa đông binh sĩ” đã mua vải may được hàng trăm chiếc áo ấm tặng Vệ quốc đoàn.

Ông Trương Văn Thìn với chiếc áo của Bác

Từ sự kiện đấu giá chiếc áo ấm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phong trào “Mùa đông binh sĩ” đã lan rộng ra cả nước và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của toàn dân, trong đó Hội phụ nữ có vai trò rất quan trọng. Hội kêu gọi chị em hăng hái tham gia cuộc vận động và coi đó là hoạt động yêu nước của phụ nữ.

Chỉ tính riêng trong hai ngày 16 và 17-11-1946, người dân Thủ đô đã quyên được trên 30 vạn đồng, cùng khối lượng len, bông đủ làm trên 50.000 lõi bông và vỏ áo trấn thủ. Phụ nữ liên đoàn thợ may Hà Nội đã xung phong đảm nhận khâu may hàng vạn bộ quần áo và áo trấn thủ không lấy tiền.

Ở nhiều địa phương, mặc dù cuộc sống của người dân nói chung và phụ nữ nói riêng còn nhiều cơ cực, song với tình cảm và trách nhiệm cao cả, nhân dân vẫn tích cực ủng hộ và quyên góp áo ấm cho bộ đội. Đặc biệt, hai huyện Thư Trì và Vũ Thư (Thái Bình), vừa mới trải qua nạn đói khủng khiếp năm 1945, phụ nữ vẫn quyên góp được 126 áo trấn thủ và hơn 100 chiếc chăn. Vật chất tuy không nhiều, song điều quan trọng là đã hình thành nên một tập quán tốt đẹp trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng bộ đội, dân quân du kích.

Áo trấn thủ có lớp bên ngoài bằng vải, trong lót bông; đường khâu hình ô quả trám, ngắn đến thắt lưng, cổ khoét tròn, không tay; gồm có hai mảnh trước và mảnh sau, nối liền nhau ở cạnh sườn và một bên vai, dùng khuy hay dây buộc ở vai trái và mạng sườn trái; may sát người, gọn nhẹ, dễ mặc, dễ cởi, phù hợp với sinh hoạt của bộ đội.

Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do nguyên liệu may rất hiếm, nhất là bông, nên các nữ công nhân đã dùng lông vịt, vỏ cây sui đập dập, phơi khô để thay bông. Khi thiếu cúc, dùng dây vải buộc hoặc cúc bằng giấy ép tẩm sơn để thay thế.

Bước sang năm 1947, cuộc kháng chiến của nhân dân ta chuyển sang một giai đoạn mới. Với mưu đồ “đánh nhanh, thắng nhanh”, thực dân Pháp điều quân ra miền Bắc hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến của ta. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ, cùng với việc xây dựng củng cố lực lượng, ta đẩy mạnh việc xây dựng căn cứ địa, phát triển cơ sở chính trị, ra sức tăng gia sản xuất, tích trữ lương thực, bảo đảm quân trang cho bộ đội. Để kịp thời có đủ áo ấm cho bộ đội khi mùa đông sắp đến, ngày 25-9-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa gửi thư cho Ủy ban Trung ương “Mùa đông binh sĩ”. Bức thư có đoạn: “…Ủy ban Trung ương mùa Đông kháng chiến giúp binh sĩ chỉ quyên vải vóc quần áo, hoặc công may. Nhưng tôi không biết may, không có vải mà do chỉ có hai bộ đã cũ. Vậy tôi xin quyên góp một tháng lương là 1.000 đồng, nhờ mua giùm vật liệu và may giùm mấy chiếc áo chiến sĩ gọi là chút lòng thành…”. Tiếp đó, Người kêu gọi đồng bào ra sức giúp đỡ cho chiến sĩ đủ ấm, để có sức diệt thù.

Tranh cổ động “May áo trấn thủ cho bộ đội” do Ty Thông tin tuyên truyền tỉnh Tuyên Quang phát hành năm 1946

Hưởng ứng lời kêu gọi và noi theo tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để kịp thời cung cấp đủ áo ấm cho bộ đội, Quân nhu Cục đã phối hợp với Hội nông dân cứu quốc, trong đó nòng cốt là phụ nữ, kêu gọi các tầng lớp nhân dân tiếp tục quyên góp, tổ chức các nhóm may quần áo, đóng giầy, dép, sản xuất một số mặt hàng bằng da cho bộ đội.

Tại nhiều địa phương, các giai tầng xã hội, các đoàn thể cứu quốc, nhất là giới phụ nữ đã tích cực vận động quyên góp được nhiều loại quần áo ấm, chăn màn, quần áo, vải, bít tất, giày và tiền. Nhiều chị em tự tay đan áo và thêu ngay trên áo những lời tỏ lòng kính mến và động viên chiến sĩ.

…Đông về nhớ bạn tòng chinh

Tự tay đan áo tỏ tình mến yêu

Ai ơi bàu bạn sớm chiều

Khuyên người chiến sĩ lập nhiều chiến công.

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lòng yêu nước nồng nàn của toàn thể người dân, nhất là chị em phụ nữ, mùa đông năm 1947, ngành Quân nhu Quân đội ta đã nhận được rất nhiều áo trấn thủ của các tầng lớp nhân dân ủng hộ, về cơ bản đủ trang bị cho bộ đội, góp phần quan trọng để Quân đội ta vừa chiến đấu, vừa xây dựng và phát triển nhanh chóng.

Cùng với mũ ca lô, dép cao su... áo trấn thủ góp phần tạo nên hình ảnh đẹp về “Bộ đội Cụ Hồ” trong chiến tranh, biểu tượng của tình quân dân cá nước, nét đẹp văn hóa trong truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc Việt Nam. Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 73 năm toàn quốc kháng chiến, ôn lại sự kiện “Mùa đông binh sĩ” để mãi biết ơn lòng Dân, mãi ghi nhớ tấm lòng cao cả của Phụ nữ Việt Nam, những bà mẹ, những người chị, người em… đã lặng thầm dệt thêu nên vẻ đẹp tôn vinh Tổ quốc!

BÀI VIẾT NỔI BẬT