column_right getExtensions 1732204292-1732204292

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732204292-1732204292

NGƯỜI VỀ “BÊN RỪNG THỐT NỐT”

NGƯỜI VỀ “BÊN RỪNG THỐT NỐT”

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:28-08-2023

NGƯỜI VỀ “BÊN RỪNG THỐT NỐT”

Thân hình gày gò mỏng mảnh, dong dỏng cao, nước da tái xạm, môi đen như kẻ chì, dáng đi hơi chúi về phía trước, ấy là nhà văn Nguyễn Quốc Trung. Chúng tôi suýt soát tuổi nhau, nên coi như cùng trang lứa, lại đều là dân “áo tơi” cả, nên dễ gần. Tôi gặp anh lần đầu ở 103 Đê La Thành, trong một phòng trệt thuộc ký túc xá của Trường viết văn Nguyễn Du. Bấy giờ, Nguyễn Quốc Trung đương theo học khóa 3 (1986-1989) cùng lớp với Bảo Ninh, Đỗ Văn Nhâm, Nguyễn Khắc Thạch. Mấy chục năm vùn vụt trôi đi. Và tôi đọc thơ của anh trước khi biết những trang văn xuôi. Ấy là những vần thơ Nguyễn Quốc Trung viết về những người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Điều đó lý giải vì sao, anh còn có các bút danh khác như Nguyễn Tình Nguyện, Nguyễn Anh Đường.

Nhà văn Đại tá Nguyễn Quốc Trung (1956-2021)

Trò chuyện mới hay, Nguyễn Quốc Trung sinh trưởng ở xã Sơn Ninh, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh. Tháng 4-1975, từ sân vận động huyện Đức Thọ, đám tân binh chúng tôi, hàng trăm gã trai trẻ rồng rắn đi “xe của bộ” dọc theo quốc lộ số 8, vượt phà Linh Cảm về nơi huấn luyện của Trung đoàn 22B, Sư đoàn 341B. Ngược lên tới Nầm, rẽ phải, nhìn băng qua sông Ngàn Phố là xã Sơn Ninh. Một vùng quê sơn thủy hữu tình. Ở quê tôi, bà con vẫn thường quang gánh sang bên Hương Sơn, đến chợ Choi, chợ Gôi. Tính theo đường chim bay, từ nhà tôi đến làng quê của Nguyễn Quốc Trung cũng chỉ tròm trèm hơn chục cây số.

Tuổi Bính Thân (1956), Nguyễn Quốc Trung nhập ngũ năm 1974, trước tôi một năm. Sau này tôi mới biết anh cũng là lính của Sư đoàn 341. Vào chiến trường miền Nam, tôi không rõ Quốc Trung có dự trận nào không, nhưng biết anh kịp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, rồi ở lại Sài Gòn làm nhiệm vụ quân quản thành phố những ngày đầu giải phóng trong đội hình Quân đoàn 4. Khi quân Khmer Đỏ tràn sang biên giới xâm lấn và cướp bóc, anh cùng đồng đội hành quân lên Tây Ninh, có mặt ở tuyến đầu chiến đấu bảo vệ biên cương. Rồi khi Binh đoàn Cửu Long được lệnh sang giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, người lính trẻ lại có tên. Trong đội quân tình nguyện căng mình ở trên đất nước Chùa Tháp, hiện thực khốc liệt của cuộc chiến đấu đầy gian nan và thử thách đã thôi thúc Nguyễn Quốc Trung cầm bút. Anh viết báo, làm thơ, viết truyện, rồi tiểu thuyết. Từ chiến trường Campuchia, anh khoác ba lô về nước, ra Hà Nội nhập học Trường viết văn Nguyễn Du, với “gia tài” xông xênh là 3 cuốn tiểu thuyết. Học xong, vào đúng thời điểm cuộc chiến chống tàn quân Polpot đang vào giai đoạn cuối, một bộ phận quân tình nguyện bắt đầu rút khỏi Campuchia. Trong nước, những năm đầu của công cuộc đổi mới tình hình có nhiều khởi sắc, nhưng do bị bao vây cấm vận nên đời sống vẫn rất khó khăn, nhân tâm ly tán. Không hề kén cá chọn canh, cũng không chạy chọt xin xỏ để kiếm một chỗ an nhàn, là một người lính thực thụ, Nguyễn Quốc Trung tiếp tục trở lại chiến trường K. Những năm tháng lăn lộn đã để lại nơi anh một thân hình không thể khô gầy hơn với nhiều bệnh nền. Sau đó, anh được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội (VNQĐ) ở phía Nam. Cơ quan đại diện nhiều lần thay đổi địa điểm, từ 63 Lý Tự Trọng, về số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1) rồi dạt qua số 1 Kỳ Đồng, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh. Nguyễn Quốc Trung được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 1996, khi anh tròn 40 tuổi.

Đầu năm 2005, tôi về Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (QĐND), bắt đầu gia nhập “quân khu Kỳ Đồng” mới có điều kiện ở gần Nguyễn Quốc Trung. Bấy giờ ba cơ quan, Nhà xuất bản, Tạp chí Quốc phòng toàn dân và Tạp chí VNQĐ ở liền một dãy, có chung khoảng sân và cùng đi cổng số 1 Kỳ Đồng. Còn cơ quan đại diện báo QĐND tựa lưng vào dãy 3 nhà bên này, và đi cổng bên 161 Trần Quốc Thảo. Ngoài phòng làm việc dưới tầng trệt, Tạp chí VNQĐ và Chi nhánh NXB QĐND mỗi cơ quan có thêm một phòng nhỏ non chục thước vuông trên lầu. Đi chung một cầu thang đúc, Quốc Trung ở bên trái cùng con và cháu gái, tôi ở bên phải. Con gái lớn của anh, cháu Nguyễn Thuận Ánh bấy giờ đang học năm cuối Trường Đại học KHXH & Nhân văn Thành phố, còn Nguyễn Thuận Yến là cháu gọi Nguyễn Quốc Trung bằng bác ruột. Hai chị em Ánh và Yến sàn sàn tuổi nhau. Hằng ngày, Ánh đi học, còn Yến kiếm việc làm thêm, trưa tối về hai chị em lo việc nấu nướng. Thoạt đầu, tôi hơi ngỡ ngàng, vì thấy sáng nào Trung cũng tất tả phóng xe ra chợ Lê Văn Sỹ ngay đầu cầu, cách cơ quan chừng vài trăm thước. Anh chọn mua thịt thà, cá mú và rau quả đem về. Tôi nghĩ thật là một ông bố, ông bác chỉn chu, biết chịu khó để dành thời gian cho con học hành, cho cháu đi làm. Nhưng rồi, dường như sự quan tâm có phần thái quá của Nguyễn Quốc Trung khiến cho nhiều người hiểu lầm, thậm chí thiên hạ nhân đó mà đàm tiếu, thêu dệt gán cho anh nhiều biệt danh và cả giai thoại nữa.

Ngoài việc đầu giờ mỗi ngày, “quân khu Kỳ Đồng” là nơi gặp gỡ, trò chuyện của cánh viết lách, hầu như chưa bao giờ tôi nghe Nguyễn Quốc Trung kể về những năm tháng mà anh đi qua, cũng như chuyện gia đình, vợ con, tất cả đều kín như bưng. Ngay cả khi tôi ở cận kề, anh cũng chưa bao giờ trải lòng hay cởi mở. Tối đến, cha con, bác cháu ở rịt trong căn phòng bé tẹo. Tất cả lặng im như tờ. Những người cũ ở số 1 Kỳ Đồng, mỗi người đồn một kiểu về Nguyễn Quốc Trung. Rằng tay này có nhà riêng trên đường Yên Thế (đất quân đội cấp gần sân bay TSN) nhưng đang cho thuê, rằng hiện nay ông ấy còn có một hai cái nhà khác nữa. Nghe thì biết vậy, chứ ngay cả Ban lãnh đạo Tạp chí VNQĐ trước đây, rồi anh em cùng cơ quan, cũng không một ai biết đích xác là Quốc Trung có nhà cửa ở những đâu và anh cư ngụ chỗ nào?

Nhưng tôi biết anh là một nhà văn đích thực, say nghề, một người không hề có mưu mô, mà chỉ chuyên tâm nghiệp chữ nghĩa. Nguyễn Quốc Trung chẳng ham quyền chức, cũng không chuộng hư danh. Ở cơ quan, anh luôn lùi lại phía sau, chẳng bao giờ thấy Trung lên mặt hay phách lối với bất kỳ ai. Cũng chưa khi nào tôi thấy anh nói trước sẽ viết cái này, sẽ viết cái nọ, dù to hay nhỏ. Cứ lặng lẽ vậy, anh thủy chung với ngòi bút. Cho đến trọn đời, Nguyễn Quốc Trung là một con người lương thiện. Lương thiện trong viết lách và lương thiện sống.

Lắm lúc tôi cũng thấy khó hiểu, bởi anh luôn dành cho tôi sự tôn trọng có phần hơi khách khí. Trong xưng hô, khi tôi gọi anh bằng tên thân mật, Quốc Trung vẫn đáp lại bằng từ “anh” xa cách. Vì gần gũi nhau, nên có lẽ ở “quân khu Kỳ Đồng” và khi quay lại số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng vậy, tôi với anh thường hay tranh luận với nhau về nhiều chuyện. Và quan điểm của chúng tôi lại rất vênh nhau. Tỷ như, hồi cháu Thuận Ánh có bạn trai là một cậu công an nghe đâu làm ở trại giam khá xa, chứ không phải ở thành phố. Thi thoảng cậu này mới tranh thủ tạt về thăm Ánh. Hai đứa quấn quýt nhau, tình cảm lắm. Quan sát thấy sự lạnh nhạt ra mặt của ông bạn, tôi liền nhẹ nhàng góp ý. Quốc Trung gạt đi và cự nự, rằng con mình học hành thế này, còn cậu kia… Tôi bảo, chúng mình phải học cách tôn trọng bọn trẻ, chứ không thể lấy quyền làm cha làm mẹ để can thiệp, ông ơi. Còn tấm bằng đại học cũng chỉ là một cấp học, ngay như các loại bằng cấp cao hơn nhan nhản thời nay, hỏi có gì đáng tự hào cơ chứ? Vấn đề là con người. Nhưng anh vẫn khăng khăng giữ thái độ có phần cực đoan. Tôi chọc, tôi mà như ông, tôi kiếm con heo mọi nướng lên mời anh em cả ba cơ quan nhậu một bữa túy lúy. Vì chuyện ấy, anh lạnh nhạt với tôi mất mấy hôm liền. Và rồi đâu lại vào đó, hình như Nguyễn Quốc Trung không giận ai lâu. Về sau, nhiều khi nổi nóng, hai chúng tôi cãi nhau tóe “lả”, nhưng xong rồi thôi, anh cũng chẳng để bụng. Hôm sau lại ngồi trà lá, bàn chuyện viết lách…

Có điều, mặc ai nói gì thì nói, nhìn vào sức lao động nhà văn đáng nể của Nguyễn Quốc Trung, tôi luôn quý mến và trân trọng bạn. Chẳng bận tâm thiên hạ nói gì, nghĩ gì về mình, anh cứ lầm lũi sống và viết và… cô độc. Năm 2012, khi tòa nhà hộp diêm ở 161-163 Trần Quốc Thảo (Quận 3) vừa khánh thành, tất cả các cơ quan báo chí, xuất bản đều dọn về đây. Nhưng lại mất số 1 Kỳ Đồng và cả khuôn viên đẹp. Ba cơ quan cũ lại cùng “ngự” ở lầu 9. Từ đây, dường như quanh năm suốt tháng, trừ những lúc đi thực tế, còn thì anh luôn có mặt ở cơ quan. Những ngày nghỉ, ngồi ở cơ quan đóng cửa viết là sướng nhất, chẳng ai quấy rầy! Và ông bạn tôi đã chọn cách ấy. Đến nay, nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã có 8 cuốn tiểu thuyết và 4 tập truyện ngắn. Lạ một điều, hiện anh chưa in một tập thơ nào cả. Anh đã nhận Giải thưởng Văn học sông Mê kông lần thứ nhất (2007) và Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Bộ Quốc phòng (2004-2009). Lao động miệt mài, với những trang viết đậm đà về mảng chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang của anh được bạn đọc đón nhận. Ghi nhận những đóng góp ấy, sáng 19-5-2023, Đại tá Nhà văn Nguyễn Quốc Trung được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật. Tại Nhà hát Lớn, Hà Nội, ái nữ Nguyễn Thuận Ánh lên nhận giải thay bố.

Nguyễn Thuận Ánh nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT thay bố

Tôi nghỉ trước anh, chỉ thi thoảng có cuộc gì đấy mới gặp nhau, cũng chỉ dăm câu ba điều, ai lo việc nấy. Mấy năm trước khi Nguyễn Quốc Trung vào mổ ở Bệnh viện Quân y 175, tôi chạy vào thăm. Đến khi, nghe tin anh dính Covid-19 và nhập viện điều trị hôm 31-8-2021, tôi vẫn nuôi hy vọng là rồi ông bạn sẽ chóng bình phục và trở về. Nhưng phôn cho anh mấy lần đều không được, thì tôi sợ. Rồi bàng hoàng khi nhận hung tin: Nhà văn Nguyễn Quốc Trung đã từ trần hồi 13 giờ 50 phút ngày 10-9-2021. Vậy là tròn một năm sau lễ truy điệu và tiễn biệt Văn Lê, giới cầm bút mất thêm nhiều người nữa, trong đó có Nguyễn Quốc Trung. Tôi gọi điện cho cháu Thuận Ánh, con gái lớn của anh ngụ bên Quận 2 cũ, nay là thành phố Thủ Đức. Cháu nghẹn ngào nói trong nước mắt, rằng gia đình có nguyện vọng muốn được giữ thi hài của bố cháu thêm ít hôm, chờ hết giãn cách, sẽ làm lễ chu đáo. Nhưng trong tình cảnh hiện nay thì điều ấy khó được chấp nhận, chú ạ. Chờ yên hàn, lấy được tro cốt của bố, chúng cháu sẽ rước ông về yên nghỉ tại quê nhà.

Ngậm ngùi, tôi bảo Thuận Ánh, cháu hãy tự hào về bố Nguyễn Quốc Trung. Rằng bố cháu không mất, mà ông lại lên “Biên giới”, lãng du về “Bên rừng thốt nốt”, kể chuyện “Thời chúng mình yêu nhau” và an ủi “Người đàn bà khóc mướn” đấy thôi. Nhưng vĩnh viễn “Đất không đổi màu”, cháu ạ.

NGUYỄN MINH NGỌC

BÀI VIẾT NỔI BẬT