column_right getExtensions 1750503864-1750503864

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1750503864-1750503864

NGƯỜI NGHỆ SĨ MANG TÊN MỘT DÒNG SÔNG

NGƯỜI NGHỆ SĨ MANG TÊN MỘT DÒNG SÔNG

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:24-04-2025

NGƯỜI NGHỆ SĨ
MANG TÊN MỘT DÒNG SÔNG

NGUYỄN MINH NGỌC

Đó là Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Trà Giang. Chị tuổi Nhâm Ngọ, quê nội ở Quảng Ngãi, lừng lững với núi Ấn sông Trà, miền đất có nhiều bậc danh nhân nổi tiếng gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc.

Bác Hồ với diễn viên Trà Giang (12-1962)

Thời học phổ thông, khi đội chiếu bóng lưu động của huyện về làng, lần đầu tiên tôi được xem bộ phim màn ảnh rộng “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” ở ngoài bãi. Cảm xúc choáng ngợp, bởi hình ảnh cuộc chiến đấu đầy cam go, khốc liệt của nhân dân miền Nam hiện lên trong từng thước phim. Đáp ứng nguyện vọng của dân làng, lần ấy đội chiếu bóng phá lệ trình chiếu liền ba đêm, chỉ độc bộ phim này. Nhiều người đấm ngực và lau nước mắt vì uất ức và đồng cảm. Các nhân vật trong phim, mỗi người đều có một số phận riêng, nhưng ấn tượng nhất vẫn là người phụ nữ tên Dịu (do Trà Giang thủ vai) có chồng tập kết ra Bắc. Ánh mắt của chị Dịu nhìn gã cảnh sát Trần Sùng (Lâm Tới đóng) cười nhăn nhở, chị nói: “Chồng ta áo rách ta thương. Chồng người áo gấm xông hương mặc người”, câu ấy cứ mãi ám ảnh khán giả khôn nguôi.

Ngưỡng mộ người nghệ sĩ tài năng, nhưng quả thật tôi chưa có duyên được tiếp cận. Những năm đầu thập niên 80 (thế kỷ XX), khi vào học ở Trường Sĩ quan Không quân (Nha Trang) tôi thường nghe nói là dịp hè, chị Trà Giang về phố biển thăm ba mẹ. Thì ra, sau ngày đất nước hòa bình, hai cụ chuyển vào định cư ở xứ thùy dương này. Biết vậy, nhưng đành ao ước thầm vậy thôi, chứ tôi không dám đường đột tới gặp chị?

Ngờ đâu, phải đợi hơn bốn mươi năm sau, một ngày cuối tháng 3-2025, tôi mới có dịp diện kiến và hỏi chuyện NSND Trà Giang tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM). Là một nghệ sĩ lớn của màn bạc, với sự nghiệp lẫy lừng, nhưng chị vẫn dành cho tôi cuộc trò chuyện thân tình, cởi mở và hết sức bình dị.

Với tác giả bài viết

 

Nghiệp điện ảnh chọn người

Chị Trà Giang sinh năm 1942 trong một gia đình có truyền thống văn hóa nghệ thuật. Thân phụ là NSƯT Nguyễn Văn Khánh, Đạo diễn sân khấu, một cán bộ văn nghệ nổi tiếng ở Liên khu 5 từ thời kháng chiến chống Pháp. Về sau, ông chọn tên núi, tên sông ở Quảng Ngãi để đặt tên cho ba người con chào đời ở quê ngoại Phan Thiết (Bình Thuận), đó là: Ấn Sơn, Trà Giang, Bình Lâm. Sau này, ra Hà Nội, ông bà có thêm ba người con nữa, đặt tên: Hồng Hà, Thạch Bích, Bút Sơn. Và nhạc sĩ hướng các con mình theo con đường nghệ thuật.

Lên 12 tuổi, chị Trà Giang được má dẫn đi tập kết. Còn ba chị mải lo công tác văn nghệ, nên không đi cùng chuyến. Từ vùng nông thôn thuộc huyện Ninh Giang (Hải Dương) sau một thời gian, chị Trà Giang được chuyển xuống Hải Phòng vào Trường học sinh miền Nam số 13, rồi số 6. Nữ nghệ sĩ trầm ngâm, rằng đến tận bây giờ, chị vẫn nhớ ơn đồng bào miền Bắc đã hết lòng thương yêu con em miền Nam tập kết, xa quê hương, xa cha mẹ. Tôi nhắc bài thơ “Chú đi tuần” của Trần Ngọc trong chương trình học phổ thông cấp 1 vào những năm 60, chị lặng đi trong giây lát.

Chú đi tuần đêm nay/ Hải Phòng yên giấc ngủ say/ Cây rung theo gió, lá bay xuống đường/ Chú đi qua cổng trường/ Của các cháu miền Nam yêu mến/ Nhìn ánh điện qua khe phòng lưu luyến/ Các cháu ơi, giấc ngủ có ngon không?”.

Học hết phổ thông, chị Trà Giang thi vào trường múa. Tuổi mười bảy, chị sở hữu một gương mặt thánh thiện và đôi mắt với ánh nhìn thăm thẳm như mặt nước hồ thu. Thật may là nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh đã kịp biết và ông gợi ý, con có một gương mặt đẹp, tại sao không thi vào trường điện ảnh? Vâng lời cha, chị đổi ý.

Vào trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội), chị Trà Giang học khóa đầu tiên, cùng với Phi Nga, Thụy Vân, Tuệ Minh, Lâm Tới,… Tốt nghiệp ra trường, chị về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam.

Và chị Trà Giang có vai diễn đầu tay với bộ phim truyện “Một ngày đầu thu” của hai đạo diễn Huy Vân, Hải Ninh. Chị đóng chung với Tuệ Minh, bạn cùng khóa. Bộ phim này chưa để lại dấu ấn gì đặc biệt, nhưng đến khi đạo diễn Phạm Kỳ Nam cất công lựa chọn diễn viên vào vai chính trong phim “Chị Tư Hậu” thì ông nhớ tới gương mặt của Trà Giang trong “Một ngày đầu thu”, mang nét điển hình của phụ nữ Nam bộ. Kịch bản “Chị Tư Hậu” được chuyển thể từ tác phẩm “Một chuyện chép ở bệnh viện” của Bùi Đức Ái (nhà văn Anh Đức), xuất bản 1958. Nguyên mẫu của chị Tư Hậu là bà Nguyễn Thị Huỳnh, vợ ông Mai Dương, một cán bộ lãnh đạo Tỉnh ủy Phú Yên và Khánh Hòa trong kháng chiến.

Khi nhận lời vào vai chị Tư Hậu, Trà Giang vừa tròn 20 tuổi. Trước một vai diễn rất khó, chị phải đối diện với một áp lực không hề nhỏ. Nhân vật trong phim có tuổi đời lớn hơn diễn viên, câu chuyện lại xảy ra trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Khu 5… Vậy làm thế nào để nhập vai cho tốt? May thay, từ dạo ở Trường học sinh miền Nam, chị Trà Giang đã đọc cuốn sách của Bùi Đức Ái và hết sức ấn tượng với thân phận chị Tư Hậu. Thời niên thiếu, chị từng sống trong vùng địch kiểm soát, hứng chịu nhiều sự tàn phá của chiến tranh, những trải nghiệm tuy không nhiều, song cũng giúp Trà Giang hình dung ra bối cảnh. Thêm vào đó, các thành viên trong đoàn làm phim, có nhiều anh chị quê ở Nam bộ, nhiệt tình giúp cho nữ diễn viên trẻ nhanh chóng nắm bắt tính cách nhân vật, và đặc biệt là nhập cốt cách văn hóa vùng miền. Nhờ được học hành bài bản, nên chị biết nghiền ngẫm và phân tích nhân vật để hóa thân vào vai diễn ngon lành.

Bộ phim “Chị Tư Hậu” được chiếu rộng rãi trên màn ảnh khắp các địa phương ở miền Bắc, gây được tiếng vang lớn. Tháng 12-1962, tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, là đại biểu trẻ nhất, chị Trà Giang vinh dự được mang hoa tặng Bác Hồ. Bức ảnh đẹp của Người chụp với nữ diễn viên điện ảnh trở thành một biểu tượng lung linh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ. Và hơn cả mọi lời, đây còn là tấm lòng của vị Cha già dân tộc với đứa con của miền Nam tập kết. Trong đời, nghệ sĩ Trà Giang còn vinh dự được nhiều lần gặp Bác Hồ, nhất là mỗi khi mang phim mới vào Phủ Chủ tịch trình chiếu cho Bác, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước xem.

Tại Liên hoan phim Quốc tế Moscow năm 1963, nghệ sĩ Trà Giang được trao Huy chương Bạc, và chị trở thành nữ diễn viên đầu tiên của Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế danh giá. Quãng thời gian lưu lại ở Liên Xô dự Liên hoan phim, chị được xem nhiều bộ phim thuộc hàng kinh điển của điện ảnh thế giới; được học thầy, học bạn, được vun bồi kinh nghiệm và kiến thức, quan trọng là được mở rộng thêm tầm nhìn về nghiệp diễn. Chưa dừng lại ở đó, phim “Chị Tư Hậu” còn giành được giải Bông Sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2.

Nối tiếp thành công đáng tự hào, năm 1972, chị Trà Giang được đạo diễn Hải Ninh mời tham gia bộ phim truyện “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Không chỉ có mình chị, mà nhiều bạn đồng khóa đầu tiên của trường Điện ảnh Việt Nam như Lâm Tới, Tuệ Minh, Phi Nga, Đoàn Dũng… dàn diễn viên gạo cội, đã hợp sức cùng làm nên một bộ phim để đời. Phim không chỉ là một câu chuyện nghẹt thở giữa đôi bờ sông giới tuyến, mà đây thực sự là một thiên anh hùng ca về lòng yêu nước, về tinh thần đấu tranh bất khuất của các đảng viên cộng sản kiên trung, về những người mẹ, người chị đã lặng thầm giữ trọn tấm lòng trung trinh với Đảng, với đất nước; gieo niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng.

Đôi mắt biết nói. Cảnh phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”.

Với vai chính là chị Dịu trong phim, nghệ sĩ Trà Giang được vinh danh tại Liên hoan phim Quốc tế Moscow năm 1973. Bộ phim đoạt giải Nhất của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới và chị được nhận Huy chương Vàng với giải “Diễn viên nữ xuất sắc”. Quả thật, nghiệp điện ảnh đã chọn không nhầm người.

Đáng chú ý là tại Liên hoan phim lần này, đoàn Việt Nam tiếp xúc với nhiều bạn bè quốc tế. Trong đó có một nữ nhà báo Mỹ đã tới gặp chị Trà Giang. Nhà báo này xúc động nói lời xin lỗi vì cuộc chiến tàn khốc đã gây ra bao đau thương cho nhân dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ. Lại hỏi, những hình tượng những người phụ nữ trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” có thật không? Mỉm cười, nghệ sĩ Trà Giang dẫn câu ngạn ngữ nổi tiếng của Việt Nam “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Chị kể về các gương chiến đấu của phụ nữ miền Nam, như chị Út Tích, một người mẹ đông con, cầm súng đánh giặc, từng nói: “Còn cái lai quần, cũng đánh”… thì nhà báo Mỹ phục lắm. Ít lâu sau, khi về nước, chị Trà Giang nhận được tờ tạp chí từ bên Mỹ gửi sang, có bài viết của nhà báo đã phỏng vấn chị ở Moscow. Còn một nữ trí thức Nhật đã bật khóc và thốt lên, thật không thể ngờ phụ nữ Việt Nam lại tham gia vào công việc vĩ đại như thế! Qua bộ phim này, chúng tôi hiểu được phần nào lịch sử đấu tranh của Việt Nam!

Tiếng vang của “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” đã vượt ra ngoài biên giới, được bạn bè quốc tế đón nhận và ngợi ca nồng nhiệt. Sau ngày hòa bình, năm 1978, Nhật Bản đã chính thức mời Việt Nam mang bộ phim này sang giới thiệu với nhân dân nước họ.

Từ sau bộ phim danh giá này, chị Trà Giang còn tham gia nhiều bộ phim truyện nổi tiếng khác. Có thể kể đến: “Làng nổi”, “Lửa rừng”, “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn”, “Bài ca ra trận”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu”…

Năm 1984, chị Trà Giang là nữ diễn viên duy nhất được phong danh hiệu NSND trong đợt đầu tiên. Với bộ phim “Dòng sông hoa trắng” (1989) đã khép lại sự nghiệp diễn xuất vinh quang của chị.

Giải thưởng Mai Vàng

 

Một gia đình nghệ sĩ

Sở hữu một tài năng vượt trội và xinh đẹp, nhưng mải mê cống hiến cho điện ảnh, nên chị Trà Giang lập gia đình hơi muộn. Mãi đến năm 1967, chị kết hôn với NSƯT Nguyễn Bích Ngọc, gốc gác ở Quy Nhơn, Bình Định. Bản tính hiền lành, hào hoa và tế nhị, cây violon Bích Ngọc sinh trưởng trong một gia đình trí thức lớn, là em ruột của nhà văn Nguyễn Thành Long (1925-1991) một bậc thầy truyện ngắn Việt Nam đương đại, tác giả của những “Lặng lẽ Sa Pa”, “Lý Sơn mùa tỏi”, “Giữa trong xanh”... Tên tuổi Nguyễn Thành Long được định vị trong Từ điển Văn học (bộ mới), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, năm 2012.

GS-TS Nguyễn Bích Ngọc và NSND Trà Giang

Sau ngày cưới, anh chị ngụ ở số 4 Thụy Khuê, Hà Nội, trong Hãng phim truyện Việt Nam. Đến năm 1973, họ đón con gái đầu lòng Bích Trà chào đời. Đất nước thống nhất, anh chị thu xếp chuyển vào định cư tại TP. HCM. Giáo sư, TS Nguyễn Bích Ngọc giữ chức Phó Giám đốc Nhạc viện Thành phố. Tiếc thay, ông qua đời ở tuổi 59 khi tài năng đang độ chín muồi. Trải lòng với bầu bạn, NSND Trà Giang bùi ngùi hồi tưởng, ngày ấy chị tuổi 25 còn anh Ngọc 27 tuổi. Chị bảo mình may mắn gặp được một người chồng là nghệ sĩ đích thực, rất bao dung, độ lượng và hết lòng thương yêu vợ con.

Nghệ sĩ violon Bích Ngọc là người sớm phát hiện ra khả năng âm nhạc của con gái và hướng Bích Trà theo con đường nghệ thuật, nhưng để con tự lập và đi bằng chính đôi chân của mình. Lên 10 tuổi, Bích Trà lần đầu tiên biểu diễn trước khán giả Nhà hát Lớn, Hà Nội. Và cô được chọn sang Nga học âm nhạc từ năm 14 tuổi, với sự khởi đầu đầy gian nan. Lấy bằng Thạc sĩ, nhận học bổng du học tại Anh và tốt nghiệp Học viện Hoàng gia Anh năm 1999. Bích Trà được NAXOS mời độc quyền thu và phát hành các đĩa nhạc thuộc tuyển tập âm nhạc cho piano của Joachim Raff cho nhãn đĩa Grand Piano (thuộc Hãng Naxos).

Năm 2002, cô được bình chọn là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu của thanh niên Việt Nam. Bích Trà là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng danh hiệu ARAM (Associate of the Royal Academy of Music, thành viên của Viện Âm nhạc Hoàng gia, Anh) cho những cống hiến âm nhạc nổi bật trong năm 2013. Sau hàng chục năm sinh sống và biểu diễn ở xứ sở sương mù, gần đây, nghệ sĩ piano Bích Trà quyết định chuyển về Hồng Kông để được gần mẹ nhất. Nhờ vậy, cô về Việt Nam được thường xuyên hơn, vừa tham gia biểu diễn, vừa giảng dạy các khóa ngắn hạn…

Mẹ con, NSND Trà Giang và nghệ sĩ piano Bích Trà

Là tấm gương lao động nghệ thuật suốt đời, nhưng NSND Trà Giang luôn tôn trọng sự lựa chọn và niềm đam mê âm nhạc vô bờ bến của con gái. Chị từng giữ cương vị Ủy viên Thường vụ Hội Điện ảnh và Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Chưa kể rất nhiều lần, nữ nghệ sĩ là thành viên Hội đồng Giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Một lần tới thăm TS Lê Thị Thoa, thấy phu nhân Thượng tướng Trần Văn Trà đắm đuối cầm cọ, thế là chị nảy ra ý định tiếp cận thế giới sắc màu. Tháng 1-2018, tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. HCM, chị Trà Giang đã có triển lãm tranh lần thứ ba với 30 bức sơn dầu về hoa, về tĩnh vật và phong cảnh đất nước với những cảm nhận tinh tế về con người và cuộc sống. Hội họa mang lại cho nữ nghệ sĩ niềm vui sống và lao động sáng tạo. Thật ngạc nhiên khi trong căn phòng nhỏ của chị, bên cạnh giá vẽ, có rất nhiều những bức tranh với nhiều kích thước khác nhau.

Bức tranh “Chiều Sơn Tây”

Tháng 9-2024, hay tin thiên tai tàn phá nặng nề, người dân chịu nhiều mất mát đau thương, NSND Trà Giang bồn chồn không yên. Và chị quyết định chọn bức tranh quý “Hồn quê” của mình, nhờ hỗ trợ bán đấu giá. Số tiền thu được 151 triệu đồng, chị gửi ủng hộ bà con vùng bão lũ miền Bắc. Trước đó, bức sơn dầu “Lau trên đèo Viôlắc” của chị cũng đấu giá, bán được 270 triệu đồng, gây quỹ thiện nguyện.

Một mảnh “Hồn quê”

Đầu tháng 1-2025, trong chương trình giao lưu âm nhạc lần thứ 4, hưởng ứng cuộc thi sáng tác ca khúc chào mừng 50 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tổ chức tại Tòa soạn báo Người Lao động TP.HCM, giải thưởng Mai Vàng “Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng” đã được trao cho NSND Trà Giang.

Ảnh: NVCC

BÀI VIẾT NỔI BẬT