NGƯỜI MẸ NGHỆ SĨ… RA TRẬN
NGƯỜI MẸ NGHỆ SĨ… RA TRẬN
Mùa khô năm 1967, Mặt trận Tây Nguyên gian khổ và ác liệt chưa từng thấy. Nhiều đơn vị chủ lực được đưa vào chiến trường. Một bộ phận của Đoàn ca múa Quân đội cũng lên đường. Trong đoàn quân ấy, có một đôi, vợ là ca sĩ Nguyệt Ánh, chồng là nhạc sĩ Doãn Nho. Họ có một con gái nhỏ. Trước ngày đi, anh chị bế con sang gửi cô em ruột của chị, cũng là một ca sĩ trong đoàn, với lời dặn: Cũng phải một năm là ít... Nếu chị có làm sao, thì sau này em thay chị làm mẹ nhé.
Hôm sau, sáng tinh mơ, ngay cả những người lính ra trận cũng không ai được biết có một cánh quân nghệ thuật cùng đồng hành với họ. Duy nhất chỉ có người đoàn trưởng ra tiễn, ông hút thuốc lặng lẽ nhìn theo anh em, cho đến lúc xe khuất vào cuối con đường... Bắt đầu những ngày hành quân bộ. Những suối sâu, đèo cao, rồi ngút ngàn đỉnh núi đã sừng sững ngay trước mặt. Ngước nhìn, lòng ai cũng thoáng ngại ngần. “Ta vượt trên triền núi cao Trường Sơn, đá mòn mà đôi gót không mòn”. Hát nhạc Vũ Trọng Hối, lời thơ Đăng Thục mãi rồi, còn ngại ngần gì nữa? Thế là cắn chặt răng, vác ba lô gắng từng bước leo núi. Người chồng quay lại nhìn vợ và đưa tay cho chị nắm. Sắp tới đỉnh rồi. Gắng thêm chút nữa thôi, em. Trạm giao liên ở sườn núi bên kia kìa...
Tối đến, ở trạm giao liên, không ít người mệt quá đã thiếp đi, nhạc sĩ bỗng nghe có tiếng thút thít. Hình như tiếng khóc của vợ mình. Bấm đèn pin lần tới võng vợ nằm, thì đúng là chị đang khóc thật. “Em nhớ con quá!”, chị thốt lên. Anh không biết dỗ dành thế nào cho chị nguôi ngoai, bởi chính anh cũng đang rất nhớ con. Anh chỉ biết ngồi bên, cầm lấy bàn tay chị. Bấy giờ anh mới chợt hiểu rằng, không phải núi cao vực sâu, mà với người mẹ ra trận, đáng sợ nhất lại là nỗi nhớ con thăm thẳm mà mình phải vượt qua...
Rồi những cơn mưa xối xả, những trận bom B52, chất độc hóa học tàu bay Mỹ thả xuống trắng xóa đường đi. Những bữa ăn giữa rừng sâu càng thấy thèm đến thế một đĩa rau luộc, một bữa măng xào. Bởi rừng đã trơ trụi rồi, chỉ có nắm cơm vắt ăn với muối vừng và những thỏi lương khô 701, 702 càng ăn càng cồn cào khát nước. Và những trận sốt rét li bì. Doãn Nho thường bón cháo cho vợ, dỗ dành chị như ngày ở nhà dỗ dành đút cơm cho con gái nhỏ, trong khi người anh cũng đang sốt run bần bật, miệng đắng ngắt. Chỉ là người sốt ít chăm người sốt nhiều hơn mà thôi... Nhưng đến một ngày, nhạc sĩ bỗng phát hiện ra vợ mình, cùng nhiều nữ diễn viên khác, có chung một nỗi sợ là... phai tàn nhan sắc. Những nữ nghệ sĩ quân đội vốn xinh đẹp là thế, như vợ anh ngày xưa nổi tiếng là hoa khôi, bỗng một ngày khi soi mình vào gương, soi xuống lòng suối, soi vào mắt nhau, ai cũng phát hoảng, muốn khóc bởi không còn nhận ra nổi mình. Là bởi những cơn sốt rừng, là bởi những ngày đêm trèo đèo lội suối, là bởi những thỏi son mang từ hậu phương vào đến mặt trận này cũng đã hết. Ra sân khấu bỗng thấy thiếu tự tin hẳn, thậm chí còn thấy tủi thân. Và chỉ khi nhìn xuống bên dưới, thấy những chiến sĩ còn xanh xao hơn mình, có người còn băng đầu, chống nạng... mới thấy xót thương anh em nhiều hơn, muốn phục vụ họ nhiều hơn mà quên đi nỗi xót thương thân mình. Có lần, trước một buổi diễn, dù đã son phấn hóa trang rồi, Nguyệt Ánh nói với chồng: “Em cứ như con ma đói thế này. Còn hát với hò gì nữa!”. Anh vẫn nhẹ nhàng động viên chị.
Một buổi chiều, khi các nữ diễn viên đang ở ngoài suối, bỗng nghe cậu nuôi quân hét toáng lên: “Các chị ơi, anh Nho về rồi! Anh Nho về rồi!”. Mấy chị em cùng kéo tay Nguyệt Ánh chạy như phát rồ. Thì ra mấy ngày trước, nhạc sĩ Doãn Nho được cử đi tiền trạm cùng một đoàn xe vận tải vũ khí, đoàn xe này bị B52 rải thảm. Trong số những người hy sinh có một chiến sĩ lái xe cũng tên là Nho, nhưng khi báo cáo về, mọi người nhầm tưởng nhạc sĩ Doãn Nho. Tin đồn loang ra, ai cũng thương anh mà nước mắt đầm đìa, chỉ có chị là không biết gì. Là bởi trong khi chưa thể xác minh, đoàn trưởng yêu cầu phải giữ kín không để cho Nguyệt Ánh biết... Chỉ đến buổi chiều này, khi nhạc sĩ đeo ba lô trở về thì mọi người mới tin là anh còn sống.
Rồi cũng đến lúc cặp đôi hoàn thành nhiệm vụ và trở về hậu phương. Những tháng năm ấy, anh hoàn thành một chùm ca khúc mới về Tây Nguyên, ký tên con gái ở hậu phương: Ánh Quyên. Và chính những ngày tháng lửa đạn Trường Sơn - Tây Nguyên ấy, đã hoài thai cho anh chị một đứa con trai. Họ đặt tên con là Doãn Trường Nguyên... Giờ đây, bạn có nghe những bản nhạc vang lên dưới cánh tay chỉ huy của người nhạc trưởng mang tên Doãn Nguyên, hay nghe những bài hát vang lên của Doãn Nguyên, thì đó chính là đứa con của hai nghệ sĩ - chiến sĩ ra trận; đứa con của đại ngàn Trường Sơn và Tây Nguyên hùng vĩ. Vâng, người mẹ ấy, ca sĩ Nguyệt Ánh đã đi xa.
CHÂU LA VIỆT
Ảnh: Gia đình cung cấp