NGƯỜI GÓP VÀO “SUẤT ĂN DÃ NGOẠI”
Người góp vào “Suất ăn dã ngoại”
Bài và ảnh: BÙI BÌNH
Thao trường diễn tập của Trung đoàn 174, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) cách khá xa nơi đóng quân. Việc đảm bảo ăn uống cho cán bộ, chiến sĩ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đã có một giải pháp không cần nấu mà bộ đội vẫn được ăn những món ngon, đủ dưỡng chất và mang tính truyền thống, gần như một bữa ăn tĩnh tại. Việc nghiên cứu thành công suất ăn ấy có sự đóng góp quan trọng của một nữ nghiên cứu viên khoa học.
Xuất phát từ thực tế huấn luyện của bộ đội, đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Suất ăn dã ngoại” được triển khai. Thiếu tá Nguyễn Thị Phương Lan, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu Khoa học Hậu cần Quân sự (Học viện Hậu cần) là thành viên Ban đề tài với nhiều đóng góp tích cực. Với mong muốn bộ đội được ăn ngon, ăn đủ dinh dưỡng như bữa ăn truyền thống, chị Phương Lan chia sẻ: “Tham gia đề tài này, tôi muốn làm sao chế biến được những món ăn phù hợp với điều kiện huấn luyện sẵn sàng chiến đấu. Nhưng suất ăn phải bảo quản được thời gian dài cũng như thuận tiện khi vận chuyển”.
Và chị cùng nhóm nghiên cứu đề tài trải qua rất nhiều khâu, nhiều giai đoạn thử nghiệm. Yêu cầu đặt ra là phải đáp ứng được công tác nuôi dưỡng bộ đội trong điều kiện huấn luyện với cường độ cao, liên tục, thời tiết phức tạp, nhất là trong hành quân, dã ngoại. Suất ăn dã ngoại phải gần giống như suất ăn ở điều kiện thường ngày, để bộ đội khi diễn tập được ăn giống như ở đơn vị, ăn ngon, ăn hết tiêu chuẩn. Do vậy, việc xử lý nguyên liệu đóng vai trò quan trọng và được thực hiện thông qua kiểm soát các yếu tố nồng độ, thời gian, nhiệt độ của quá trình tẩm ướp Enzyme với các loại thực phẩm thịt, cá. Nhiều lần thí nghiệm thất bại, nhưng điều đó không làm chị Lan và các đồng nghiệp nản chí. Có thời điểm chị bám phòng thí nghiệm nhiều hơn ở nhà và kết quả là đề tài đã thành công.
“Suất ăn dã ngoại” với 4 món ăn khác nhau cho từng bữa, gồm 3 suất dùng cho diễn tập, hành quân, chiến đấu và 3 suất dùng trong huấn luyện, dã ngoại. Tất cả được tiệt trùng ở nhiệt độ cao, có thể bảo quản 6 tháng ở điều kiện bình thường, riêng cơm ăn liền sử dụng trong 3 tháng. Đặc biệt, món canh vừa giàu dinh dưỡng vừa mang tính truyền thống như canh dưa chua thịt băm, canh chua dọc mùng thịt băm, canh rau cải... Với món canh đậu tương lên men, nhóm nghiên cứu đã dày công thực hiện các thí nghiệm để làm sao vừa đảm bảo giá trị dinh dưỡng vừa hợp khẩu vị của người Việt Nam. Thật hạnh phúc khi đề tài nghiên cứu của chị Lan và đồng nghiệp thành công, được bộ đội đón nhận và phản hồi tích cực. Đó chính là động lực để nữ quân nhân này tiếp tục nỗ lực nghiên cứu những đề tài mang tính ứng dụng cao, phục vụ công tác huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu.
Tiếp nối thành công của đề tài, chị Phương Lan có thêm “Ứng dụng kỹ thuật chế biến và đóng gói thực phẩm chế biến sẵn” giúp cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn tàu ngầm 189 trong khẩu phần ăn. Với đề tài “Ứng dụng Enzyme trong sản xuất xúc xích tiệt trùng”, Thiếu tá Nguyễn Thị Phương Lan được nhận giải Nhì tại Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 23.
Với niềm đam mê và nỗ lực không ngừng, chị Lan là nhân tố điển hình của Viện Nghiên cứu Khoa học Hậu cần Quân sự. Nhiều năm là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; năm 2023, Thiếu tá Nguyễn Thị Phương Lan là chiến sĩ thi đua toàn quân; được nhận bằng khen của Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng và Học viện Hậu cần.
Cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học đã vất vả, phụ nữ làm công tác này chắc hẳn sẽ vất vả hơn nhiều bởi còn phải hoàn thành tốt thiên chức làm vợ, làm mẹ. Nhưng tình yêu, sự cảm thông của người bạn đời đã tiếp thêm động lực để chị vững tin trên con đường quân ngũ, hết mình với nghiên cứu khoa học.