NGƯỜI CON CỦA QUÊ HƯƠNG ĐỒNG KHỞI
NGƯỜI CON CỦA QUÊ HƯƠNG ĐỒNG KHỞI
Từ sau ngày Hiệp định Giơnevơ (7-1954) có hiệu lực, đất nước ta tạm thời chia làm hai miền. Trong khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, bắt đầu hàn gắn vết thương chiến tranh, từng bước khôi phục và phát triển kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì nhân dân miền Nam bước vào cuộc đấu tranh mới đầy gian khổ, hy sinh. Thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”, thực thi luật 10/59, Ngô Đình Diệm cho lê máy chém về tận xã, ấp. Khắp miền Nam, từ nông thôn đến thành thị ngút trời một không khí đau thương, tang tóc. Lòng dân uất nghẹn căm hờn.
Giữa lúc ấy, Nghị quyết 15 của Đảng (khóa II) ra đời, như một luồng gió mới, khơi dậy những tiềm năng cách mạng đang bị dồn nén, thổi bùng ngọn lửa đấu tranh của nhân dân miền Nam. Những người phụ nữ yêu nước được tập hợp thành đội quân “tóc dài”, và trở thành lực lượng chính trị hùng hậu của cách mạng. Vượt lên thời kỳ đen tối, Đảng chủ trương tổ chức lực lượng đấu tranh chính trị trực diện của quần chúng. Vận động các gia đình, tổ chức thành lực lượng tấn công binh vận; móc nối lại cơ sở nội tuyến trong các đồn bót, để phối hợp hành động. Đồng thời, ta cũng tổ chức lực lượng tự vệ, phát triển các tổ hành động. Đây là hình thức ban đầu của lực lượng vũ trang cách mạng thời kỳ ấy nhằm yểm trợ cho đấu tranh chính trị và binh vận.
Triển khai tinh thần Nghị quyết 15, để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy, Tỉnh ủy Bến Tre chọn huyện Mỏ Cày và 3 xã Định Thủy, Phước Hiệp, Bình Khánh làm điểm cuộc Đồng khởi nổ ra ngày 17-1-1960. Tại đây, ta sử dụng những tổ, đội xung kích có cả nam lẫn nữ được luyện tập võ nghệ, đánh chiếm đồn bảo an của địch. Với 3 mũi giáp công (quân sự, binh vận, chính trị), ngày đầu tiên của Đồng khởi ở Bến Tre, ta giành được 2 trận thắng giòn giã.
Trong “đội quân tóc dài” của huyện Mỏ Cày có chị Tạ Thị Kiều, tên thân mật là Mười Lý, sinh năm 1938 tại ấp An Phong, xã An Thạnh. Sớm được giác ngộ cách mạng, từ năm 20 tuổi, chị tham gia hoạt động trong vùng địch tạm chiếm. Sau nhiều tháng kiên trì, tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chính trị với địch, chị đã vận động được 13 gia đình binh sĩ quân đội Sài Gòn, tuyên truyền được 4 lính địch quay về với nhân dân. Chị cùng tiểu đội du kích hoạt động rải truyền đơn, phá hàng rào ấp chiến lược, gài mìn, phá đường, đốt chòi canh và diệt ác ôn, hỗ trợ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng.
Trận phục kích trên đường từ Mỏ Cày đi Thom (10-1961), Tạ Thị Kiều chỉ huy du kích bắn cháy 1 xe quân sự địch. Nhưng do lực lượng địch khá đông, chúng ỷ thế mạnh nên phản kích quyết liệt. Thấy tình thế bất lợi, chị Mười Lý một mình ở lại cản hậu, để đồng đội đưa thương binh rút lui an toàn. Trong năm này, chị vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Nổi tiếng gan dạ, chị Mười Lý nhiều lần tay không lấy đồn giặc. Bót An Bình cách nhà chị chừng vài trăm thước, nằm án ngữ trên tuyến giao thông từ Mỏ Cày đi ấp chiến lược Thành Thới. Từng bị ta đánh một lần, ít lâu sau địch cho 7 tên ác ôn về trấn giữ bót An Bình. Tụi này thường tác oai tác quái, cưỡng hiếp phụ nữ, đánh đập người dân rất dã man. Cấp trên phân công chị Mười Lý điều nghiên, chuẩn bị đánh bót, hỗ trợ đồng bào đấu tranh. Nhận lệnh, chị len lỏi vào ấp chiến lược Thành Thới, gây dựng cơ sở, phát động quần chúng.
Đầu năm 1962, khi kế hoạch đánh bót An Bình vẫn chưa bàn xong thì bất ngờ đám lính dân vệ ở đây gây lộn, 3 tên bỏ đi. Chớp thời cơ thuận lợi, chị Tạ Thị Kiều quyết định đánh. 5 chiến sĩ du kích được chia làm 2 tổ. Buổi sáng, ngồi núp trong nhà dân, chị ngó qua vách theo dõi động tĩnh, mắt không rời bót giặc. Chờ lúc tên sếp bót lững thững đi vào trong xóm, chỉ còn một tên lính gác ngồi lì trên chòi canh, Mười Lý hạ quyết tâm đánh, sợ chần chừ vuột mất thời cơ. Một lúc sau, thấy tên lính gác từ trên chòi canh tụt xuống đất, hắn không mang theo súng, ngay lập tức, chị cùng một nam du kích cầm búa xông vào bót. Giằng co với tên lính gác cao lớn, chị cố nhào về phía chòi gác. Tên lính túm lấy tay, kéo chị rách vạt áo, chị la lớn để cả 2 tổ cùng nghe: “Các anh giải phóng nổ súng, tên này không chịu đầu hàng!”. Tên lính hốt hoảng buông chị ra. Lên tới chòi canh, chụp được khẩu súng, chị chĩa ngay vào mặt nó: “Hàng sống, chống chết!”. Việc lấy bót diễn ra trong 5 phút, ta thu được 12 khẩu súng với nhiều đạn dược. Như vậy, tuy vũ khí hiếm hoi và lực lượng rất mỏng, nhưng bằng mưu trí, sáng tạo, chị Tạ Thị Kiều vẫn giữ được thế hợp pháp, vừa làm tốt công tác binh vận, phân hóa và cô lập bọn ác ôn, chị vừa xây dựng được 2 cơ sở “nội tuyến” ngay trong lòng địch.
Trên đà thắng lợi, tổ du kích của chị Mười Lý lấy thêm bót Kinh Ngang đóng ở xã Đa Phước Hội. Sau khi nắm tình hình các cơ sở quần chúng quanh bót, chị báo cáo xin ý kiến Huyện ủy quyết định ngày đánh. Chị đã dụ được bọn lính ra bờ kinh, tạo cơ hội cho du kích xông vào lấy đồn không tốn một viên đạn. Trên đường giải tù binh về, tên sếp bót cay đắng thừa nhận: Trong đời tôi chưa thua ai, nhưng để thua mấy chị là tụi này hết thời rồi!.
Như cờ gặp gió, Mười Lý lao vào hoạt động. Chị tổ chức và tham gia hàng trăm cuộc đấu tranh chính trị trực diện với địch, chiến đấu 33 trận, diệt 7 tên địch, làm bị thương 11 tên, bắt 13 tên, thu 24 súng các loại. Chị được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì, 2 năm liền là Chiến sĩ thi đua.
Ngày 8-3-1965, tại căn cứ Dương Minh Châu (Tây Ninh), Đại hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam lần thứ nhất khai mạc. Cùng với nhiều nữ anh hùng, dũng sĩ tiêu biểu của miền Nam, chị Tạ Thị Kiều là đại biểu chính thức của Đại hội.
Được tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (5-5-1965), chị Mười Lý tham gia Đoàn các anh hùng dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc. Lần đầu tiên trong đời, chị được vinh dự gặp Bác Hồ kính yêu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Chị được sống trong tình thương yêu vô bờ bến của đồng bào miền Bắc ruột thịt và chị vinh hạnh được Bác Hồ đãi cơm. Từ đây, chị được đi thăm các nước Trung Quốc, Liên Xô, Tiệp Khắc, Hungari, Cuba… Chị Tạ Thị Kiều dẫn đầu đoàn đại biểu sang Cộng hòa Dân chủ Đức dự liên hoan Thanh niên thế giới. Đến nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, chị được Chủ tịch Kim Nhật Thành và phu nhân tiếp thân mật… Tháng 9-1973, chị được cùng đi trong đoàn của Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm vùng giải phóng Quảng Trị. Hơn 10 năm sau, thông qua đường ngoại giao, Fidel Castro mời chị qua thăm đất nước Cuba anh hùng.
Sau khi hoàn thành khóa đào tạo ở Học viện chính trị trên đất Bắc, cuối năm 1973, người nữ anh hùng vượt Trường Sơn về miền Nam tiếp tục chiến đấu. Lúc này, chị công tác tại Cục Chính trị Miền. Mãi đến năm 36 tuổi, chị mới có điều kiện lập gia đình. Đất nước thống nhất, từ năm 1984-1999, chị là Phó Giám đốc Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ (Quân khu 7). Tiếp đó, chị là Giám đốc Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ở cương vị công tác nào, chị cũng nỗ lực phấn đấu và nêu tấm gương tận tuy, trách nhiệm.
Người nữ anh hùng tay không lấy đồn bót giặc năm xưa, tạ thế vào tháng 10-2012, để lại niềm tiếc thương cho đồng chí, đồng đội và người thân. Tên chị được đặt cho một trường THCS ở quê hương Bến Tre và được dựng tượng trang trọng ngay trước sân trường. Đại tá Anh hùng LLVTND Tạ Thị Kiều được đưa vào Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, trở thành niềm tự hào của các thế hệ phụ nữ cả nước và Phụ nữ Quân đội.
NGUYỄN LAN CHI