NGÔI NHÀ NHỎ CỦA NỮ TƯỚNG, ANH HÙNG
NGÔI NHÀ NHỎ CỦA NỮ TƯỚNG, ANH HÙNG
NGUYỄN MINH TUÂN
Giữa những ngày tháng 3 náo nức, từ phía Mỹ Tho, vượt cầu Rạch Miễu vắt qua sông Tiền đã thấy khắp xứ dừa đỏ dậy màu cờ và giăng mắc nhiều loài hoa khoe sắc khắp mọi ngả đường vào thành phố Bến Tre. Cùng với cả nước thi đua lập nhiều thành tích hướng về 50 năm ngày non sông liền một dải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bến Tre long trọng kỷ niệm 65 năm Đồng khởi oanh liệt; mừng 105 năm ngày sinh Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND), Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Bởi bà không chỉ là một người con ưu tú của Nam bộ Thành đồng và của dân tộc, mà còn là một vị chỉ huy tầm cỡ của Quân đội nhân dân Việt Nam, một nhà lãnh đạo xuất sắc. Trong 72 năm cuộc đời, bà có 56 năm hoạt động cách mạng đầy gian khổ và hy sinh, kiên trung và mẫu mực. Trọn đời, bà Nguyễn Thị Định phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, với đức tính khiêm nhường, vị tha, nhân hậu, giản dị và luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Bởi vậy, cán bộ, chiến sĩ Quân giải phóng miền Nam và nhân dân cả nước ta quen gọi bà bằng những danh xưng như: chị Ba, cô Ba, v.v… trìu mến.
Cô Ba Định chào đời ngày 15-3-1920 trong một gia đình nông dân giàu truyền thống yêu nước, thương nòi, tại ấp Hòa Thạnh A, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Thân phụ là cụ Nguyễn Văn Tiên, còn thân mẫu là cụ Trương Thị Tình, một bà đỡ nổi tiếng khắp trong vùng. Tuy nhiên, người có công lớn đưa cả gia tộc họ Nguyễn neo đậu ở đất Lương Hòa nước ngọt, dừa xanh, là cụ Nguyễn Văn Âu (1825-1887), ông nội cô Ba.
Thuở tiền nhân đi mở cõi đất phương Nam thì xứ cù lao Bến Tre hãy còn là rừng rậm hoang vu. Ngày ấy, người Khmer gọi vùng này là Sóc Treay (Sóc Tre, nghĩa là xứ cá). Vâng mệnh triều đình, lưu dân từ các tỉnh miền Trung theo nhau vào khẩn hoang, lập ấp, dựng làng, mưu cầu cơ nghiệp lâu dài. Lãnh chức Đại Nam đội trưởng, cụ Nguyễn Văn Âu dẫn theo hơn 50 dân binh, thả thuyền trôi theo sông, thấy chỗ nào địa thế thuận lợi thì tấp lên bờ xem xét. Tới vàm Ba Vông, thấy rậm rạp cây rừng và lắm cọp beo, thoạt đầu nhiều tráng đinh lắc đầu ngán ngẩm. Nhưng với tầm nhìn sâu, người Đội trưởng quả quyết cắm sào, lập ấp. Hỏi lý do, thì cụ gật gù… đất vượng. Địa linh sinh nhân kiệt, nơi này ắt sẽ có người tài ra giúp nước.
Chẳng phải đợi lâu. Lời cụ Nguyễn Văn Âu sớm ứng nghiệm. Các cháu nội của cụ đều tham gia cách mạng, trong đó nổi bật nhất là cô út Nguyễn Thị Định, con thứ mười của ông Nguyễn Văn Tiên. Cô được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà nhỏ này, kế thừa truyền thống của gia đình Nguyễn tộc, sớm giác ngộ và đi theo lý tưởng cách mạng. Quan trọng hơn, đây là điểm lui tới hội họp của nhiều cán bộ và đảng viên cộng sản trong vùng. Có thể nói ngôi nhà là một trong những nơi nhen nhóm ngọn lửa cách mạng, góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 ở địa phương.

Tham gia hoạt động từ rất sớm, 18 tuổi, cô Ba Định được kết nạp vào Đảng. Trải qua lao tù, bà hăng hái tham gia hoạt động và trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt của cuộc Đồng khởi ở Bến Tre, hình thành ba mũi giáp công, phát triển thành cao trào khắp miền Nam, mở ra bước ngoặt quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1965, khi đang làm Hội trưởng Hội phụ nữ Giải phóng, bà được cử giữ chức Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, và trở thành vị Nữ tướng đầu tiên trong thời đại Hồ Chí Minh. Những đóng góp của bà Nguyễn Thị Định đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của nhân dân ta rất to lớn.
Từ bên kia bán cầu, khâm phục cuộc chiến đấu quả cảm của nhân dân ta, từ cuối năm 1969, trên đất nước Cuba anh em, tại tỉnh Artemisa có một ngôi làng mang tên “Làng Bến Tre” nhằm biểu thị tình đoàn kết, ủng hộ và khích lệ miền Nam Việt Nam nói chung và tỉnh Bến Tre nói riêng, chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai bán nước. “Làng Bến Tre” có phiên bản Nhà sàn Bác Hồ, hằng năm tại đây bạn đều tổ chức đón Tết Âm lịch cổ truyền của Việt Nam và đặc biệt là hoạt động kỷ niệm ngày Đồng khởi (17-1). Đáp lại tấm chân tình của nhân dân Cuba, đầu năm 1984, tỉnh Bến Tre quyết định chọn xã Lương Hòa, quê bà Nguyễn Thị Định kết nghĩa với Cuba và đặt tên “Làng Moncada”.
Sau khi vị Nữ tướng Anh hùng qua đời, lãnh đạo tỉnh Bến Tre, Bảo tàng Bến Tre, Hội di sản văn hóa tỉnh, cũng như lãnh đạo huyện Giồng Trôm và xã Lương Hòa đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng khu tưởng niệm và tôn tạo các di tích lịch sử có liên quan đến cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Bà.
*
Từ khu lưu niệm Nguyễn Thị Định tọa lạc ở trung tâm xã Lương Hòa, về thăm ngôi nhà lưu dấu tuổi thơ và thời thanh niên sôi nổi của vị Nữ tướng, lòng tôi bổi hổi bồi hồi. Con đường bê tông lắt lẻo men theo dòng sông nhỏ ngầu đục phù sa, hai bên bờ ken dày những bụi dừa nước ong óng xanh. Nắng xiên kẽ lá rắc rây vàng ruộm. Cây trái sum suê nhoài ra tận đầu ngõ, níu bước chân người. Căn nhà nhỏ hiện ra thật đơn sơ, cột gỗ vuông, mái lợp ngói tây. Khoảnh sân nhỏ, rợp các loài hoa, từ hoa bông trang (mẫu đơn), hoa giấy, đến hoa pháo bông, xúm xít sắc màu.
Những năm chiến tranh, xóm ấp nơi này đã phải hứng chịu rất nhiều bom đạn ác liệt của kẻ thù. Trong số hàng chục hố bom của Mỹ gieo rắc xuống vườn nhà, hiện vẫn còn lại một hố khá rộng và sâu. Theo lời kể của thân nhân cô Ba Định, thì lúc sinh thời, bà căn dặn phải giữ nguyên hiện trạng hố bom này, không được san lấp, coi như một chứng tích của chiến tranh để con cháu cùng hậu thế chứng kiến và hiểu sâu thêm về lịch sử. Ngắm cảnh, bâng khuâng tưởng nhớ người xưa.

Nhận rõ tầm quan trọng của việc giữ gìn và bảo tồn các di tích lịch sử kháng chiến, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre và các ngành hữu quan đã tiến hành khảo sát và lập hồ sơ. Ngày 12-12-2024, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Bến Tre ban hành Quyết định số 2973/QĐ-UBND xếp hạng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh: Nơi sinh và lớn lên của Nữ tướng Nguyễn Thị Định - ấp Hòa Thạnh A, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm.

Huyện ủy, Hội đồng Nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Giồng Trôm đã phối hợp xã Lương Hòa và gia đình cô Ba Định tổ chức Lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan ban ngành của tỉnh Bến Tre, huyện Giồng Trôm cùng các đại biểu đã về dự và chia vui. Buổi lễ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh Anh hùng LLVTND, Nữ tướng Nguyễn Thị Định (15-3-1920 - 15-3-2025). Đây là một hoạt động hết sức có ý nghĩa, thể hiện tình cảm và sự tri ân sâu sắc của thế hệ đương thời, trong đó có Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bến Tre nói chung, huyện Giồng Trôm nói riêng đối với Nữ tướng, anh hùng Nguyễn Thị Định.

Thân nhân gia tộc, bày tỏ niềm vinh dự, tự hào, đề nghị các cấp chính quyền tiếp tục quảng bá di tích, kết nối với Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định, tạo thành quần thể không gian di sản văn hóa nhằm thu hút du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ, đến tìm hiểu về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của vị Nữ tướng Anh hùng, qua đó góp phần giáo dục truyền thống và lòng tự hào dân tộc cho hôm nay cũng như muôn sau. Mong muốn được góp phần xây dựng xã Lương Hòa - làng Moncada và huyện Giồng Trôm, cũng như tỉnh Bến Tre, quê hương Đồng khởi ngày càng “Giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về an ninh - quốc phòng và đẹp về văn hóa”.

Được biết, ngay sau lễ đón nhận bằng di tích, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Bến Tre phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Định”. Tham dự hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, nguyên Chủ tịch Quốc hội; nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa và Đặng Ngọc Thịnh; PGS - TS Huỳnh Thành Đạt, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; ngài Rogelio Polanco Fuentes, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa Cuba tại Việt Nam; đông đảo các nhà khoa học và các đại biểu, cùng đại diện thân nhân gia đình, dòng họ Nguyễn ở Lương Hòa. Các bản tham luận đều tập trung khẳng định tinh thần trọn đời cống hiến vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của Nữ tướng Nguyễn Thị Định, tấm gương sáng ngời cho các thế hệ kế tiếp nhau học tập, noi theo.