column_right getExtensions 1732311340-1732311340

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732311340-1732311340

NGÀY XUÂN, NGHĨ VỤN

NGÀY XUÂN, NGHĨ VỤN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:26-01-2023

NGÀY XUÂN, NGHĨ VỤN

Tùy bút: NGUYỄN MINH NGỌC

Mùa xuân đang đến rất gần, gần đến nỗi ngỡ như lắng nghe được cả từng hơi thở của đất trời, của cỏ cây hoa lá. Giá sương lạnh lẽo của mùa đông đã không thể nào cản nỗi bước chân thoăn thoắt của nàng Xuân. Hằng đêm nhìn lên tấm bản đồ dự báo thời tiết lòng bỗng thấy xốn xang, hoá ra cái dải đất hình chữ S này luôn phải hứng chịu nhiều cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Nắng lắm mưa nhiều, hạn hán rồi bão lụt triền miên dường như đã trui rèn cho người Việt có một sức chịu đựng bền bỉ, dẻo dai đến kỳ lạ. Đại dịch Covid-19 hoành hành, rồi bão lụt, lũ ống, lũ quét, cùng hùa nhau tác oai tác quái, cứ ngỡ đất này một sớm một chiều… điêu đứng. Ấy vậy mà lạ thay, sức sống Việt Nam vẫn cứ cuồn cuộn dâng trào, không ngừng không nghỉ sinh sôi, bất chấp mọi trở lực.

Rước quốc kỳ làm lễ thượng cờ

Ngồi nhâm nhi bên chén trà, ly rượu, trong cái khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ bước sang năm mới, lòng những rưng rưng ngược dòng lịch sử lên tận thời gian của những năm đầu thế kỷ XX, khi mà đất nước còn đắm chìm trong đêm trường nô lệ, cả dân tộc rên xiết trước đường hầm đen tối tưởng chừng không có lối thoát. Quyết không cam chịu kiếp ngựa trâu, các bậc sĩ phu yêu nước đã hâm bầu máu nóng dựng cờ tụ nghĩa, chiêu nạp anh hào tập hợp lực lượng chống quân xâm lược. Xiết bao máu chảy đầu rơi. Người trước ngã, người sau đứng dậy, con lớn lên bước tiếp thay cha… Tiếc thay, do chưa có được một bộ tham mưu đủ tầm vạch ra đường hướng chiến lược cho nên tất cả những phong trào quật khởi ấy cuối cùng đều bị dìm trong biển máu. Những khúc bi tráng đẫm máu và nước mắt của các thế hệ người yêu nước, mãi vẫn còn đó như một lời thức tỉnh giống nòi. Đau thương và uất hận ngút trời hẳn sẽ còn tiếp diễn dài dài nếu như mùa xuân Canh Ngọ (1930), chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam chưa ra đời. Được soi rọi bởi ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, và được chèo lái bởi lãnh tụ thiên tài Nguyễn Ái Quốc, kể từ đây, con thuyền cách mạng Việt Nam vững vàng vượt qua mọi thác ghềnh hiểm trở, hướng tới bến bờ vinh quang.

Có lẽ ngay cả những người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó có thể nghĩ tới chuyện một dân tộc vừa kiệt quệ bởi nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu (1945) cướp đi hơn 2 triệu sinh mạng lại có thể chỉ trong một thời gian ngắn ngủi đã nhất tề vùng dậy làm một cuộc cách mạng long trời lở đất, đập tan xích xiềng nô lệ, lật nhào ách thống trị của đế quốc, phát xít và phong kiến, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đảng Cộng sản Việt Nam đã làm hồi sinh cả một dân tộc và thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh đòi quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc cho con người. Và sức mạnh ấy lại được nhân lên gấp bội khi lời hiệu triệu toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh được truyền đi: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”.

Đáp lại lời hịch non sông, hàng triệu người Việt Nam từ thành thị đến thôn quê đã đứng lên với gậy tầy, giáo nhọn, trong Nam là ngọn tầm vông, tất cả đều thể hiện tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, sát cánh bên nhau chiến đấu giữ gìn nền độc lập của nước nhà. Những bờ tre gốc rạ hiền hòa bỗng chốc trở thành trận địa tiêu diệt quân xâm lược. Cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp kết thúc với chiến thắng Điện Biên “chấn động địa cầu” đã khiến cho bạn bè quốc tế đi từ kinh ngạc đến cảm phục. Hai tiếng Việt Nam đã trở thành biểu tượng chói ngời đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới, cổ vũ họ đứng lên tranh đấu tự quyết định lấy vận mệnh của mình. Có lẽ trên thế giới chưa có một dân tộc nào phải đối mặt với những thử thách mất còn nghèo ngặt như dân tộc Việt Nam. “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!”. Phải mất thêm hai chục năm anh dũng chiến đấu và hy sinh gan góc, đến mùa Xuân năm1975 chúng ta mới đi trọn con đường. Đất nước sạch bóng quân xâm lược, non sông gấm vóc thu về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Giống như một lò than hồng nồng đượm được ấp iu và gìn giữ, văn hoá giữ nước luôn thấm đượm trong tâm khảm và sôi sục trong huyết quản mỗi người dân đất Việt thương yêu giống nòi.

Vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh dằng dai, cả dân tộc bắt tay ngay vào công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng kinh tế từ đống tro tàn đổ nát. Trong hào quang chiến thắng quả thật không tránh khỏi có lúc con người rơi vào bốc đồng, ảo tưởng, thậm chí tự huyễn hoặc mình. Rồi chiến tranh hai đầu biên giới, lụt Bắc lụt Nam, trong hoàn cảnh bị bao vây cấm vận, đất nước đứng trước những thử thách vô cùng nghiệt ngã, không ít người đã nản lòng, nhụt chí. Nhưng cũng chính vào thời điểm khó khăn cùng cực nhất thì luồng gió đổi mới của Đảng đã kịp thức tỉnh nguồn nội lực lớn lao và khơi dậy sức sáng tạo vô biên của cả một dân tộc. Nhưng rồi khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã, trong mỗi người chúng ta không sao tránh khỏi những giây phút buồn đau, thậm chí hoang mang, dao động. Các thế lực thù địch hí hửng chắc mẩm phen này sẽ xoá sổ nốt tiền đồn của phe cộng sản, hy vọng sẽ tạo nên một “chiến thắng không cần chiến tranh” như quan thầy chúng hằng mộng tưởng. Lạ kỳ thay, Việt Nam vẫn vững như bàn thạch trước phong ba bão táp, từng bước lột xác và cất cánh. Từ chỗ thiếu đói, Việt Nam trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng nhất nhì trong khu vực. Điều thần diệu ấy cứ ngỡ như là chuyện cổ tích của thời hiện đại.

Chặng đường 93 năm qua là cả một chặng đường đầy chông gai, sóng gió, với những chiến công huy hoàng gắn liền với tên gọi Việt Nam. Mỗi khi nghĩ đến vận nước tôi vụt nhớ đến câu thơ đầy sức khái quát của Tố Hữu: “Đâu phải đường xanh. Đường qua máu chảy/ Năm mươi năm, máu đỏ thành hoa/Cuộc sinh nở nào đau đớn vậy?/ Rất tự hào, mà xót tận trong da”. Dường như lịch sử thường có những khúc quanh co và cả những bước ngoặt không ngờ? Có lẽ đây là giai đoạn bi thương và hào hùng nhất, song cũng là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Hãy nhớ lấy và truyền lại cho con cháu mai sau: Không bao giờ được phép vong ân với Tổ quốc và giống nòi!

Trong những dịp “hành phương Nam” tôi có chuyến xuyên Việt suốt dọc dài các tỉnh cực Nam Trung Bộ, băng qua mảnh đất miền Đông “gian lao mà anh dũng”, bơi xuồng ba lá trong bạt ngàn rừng tràm Đồng Tháp, men theo biên giới Tây Nam của Tổ quốc lên tận cửa khẩu Tịnh Biên và đáp tàu cao tốc ra Phú Quốc, nơi được mệnh danh là hòn Đảo Ngọc. Bắt gặp những miệt vườn sum suê, được thả hồn trong khung cảnh sông nước miên man, nghe câu vọng cổ không khỏi bùi ngùi nhớ tới công lao của các bậc tiền hiền đã có công mở cõi. Lần đầu tiên trong đời khi đặt chân đến những địa danh như Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá… lòng không khỏi bồi hồi, xúc động bởi đất nước mình đâu cũng đẹp như tranh.

Một góc biển trời Kiên Giang

Tôi lặng người đứng trước khu di tích hang Hòn, thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, nơi từng xảy ra trận giao tranh ác liệt thời chống Mỹ, được nhà văn Anh Đức tiểu thuyết hóa trong tác phẩm “Hòn Đất” nổi tiếng. Dâng nén hương trước quần thể tượng đài, rồi mộ phần liệt sĩ Phan Thị Ràng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên mẫu của nhân vật chị Sứ trong tiểu thuyết, thấy như cuộc chiến anh hùng và bi tráng vừa mới đâu đây, hãy còn nóng hôi hổi. Từ cuối năm 1966, tôi đọc cuốn tiểu thuyết này không biết bao lần, làu làu đến mức thầy giáo kêu đi kể chuyện “Hòn Đất” cho các anh chị lớp trên nghe, nên yêu lắm cảnh vật, đất trời và con người phương Nam. Giờ mới được lần đầu tiếp cận địa danh lịch sử, dường như tình yêu ấy được nhân lên bội phần.

Tên cũ của huyện Tri Tôn là Xà Tón. Cách huyện lỵ Tri Tôn chừng vài km có ngọn đồi Tức Dụp (Tuk Chup, tiếng Khmer có nghĩa là Nước Đêm) nằm ở phía tây nam chân núi Cô Tô, một căn cứ cách mạng khiến kẻ thù lồng lộn hòng xóa sổ cho bằng được. Một ngọn đồi đá thiên tạo với vô vàn tảng đá lớn nhỏ chồng chất lên nhau, như một thiên la địa võng. Tức Dụp rộng chưa tới 2.000 mét vuông, cao chừng hơn 200 mét. Sâu trong đồi là các lò ảng với chi chít hang động do các tầng đá kết thành tự nhiên, bền vững. Nghe nói các lò ảng tựa như một tổ ong vĩ đại mà các vòm thông nhau bởi vô số các ngõ ngách và kẹt đá. Một căn cứ trên cả tuyệt vời của cách mạng, một điểm đỏ trên bản đồ tác chiến của kẻ thù.

Chuyện kể rằng, giữa năm 1968, một viên tướng Mỹ đến dinh tỉnh trưởng Châu Đốc, y đau đầu thừa nhận: “Chiếm được vùng “Tam giác sắt” Củ Chi mà chưa thôn tính được Thất Sơn, trong đó có căn cứ quan trọng Tức Dụp, thì coi như người Mỹ chỉ mới đứng một chân…”. Thế nên, hàng vạn quân lính, với bạt ngàn bom, đạn địch trút xuống đây, hòng xóa sổ. Nhưng “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, bộ đội và du kích dựa vào các lò ảng ngoan cường bám trụ, giáng cho kẻ thù những đòn đích đáng, viết nên bản anh hùng ca bất diệt.

Những tên đất, tên người; những kênh rạch, vàm xáng chằng chịt ghe xuồng gợi lại không khí náo nức của một thời chiến trận. Ghé thăm Phú Quốc, hòn đảo nằm về phía Tây Nam một thời từng đựơc biết đến như một địa ngục trần gian đầy ải giam cầm hơn 40.000 chiến sĩ cách mạng. Giờ đây, với tiềm năng sẵn có của mình, Phú Quốc đang trở thành một hòn “đảo giấu vàng”.

Quần thể tượng đài hang Hòn

Tháng 12-2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quyết định thành lập thành phố Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Đây là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam, có miên man rừng, với bao la biển, có sân bay hiện đại. Nhưng từ lâu, các sản vật quý của xứ này đã vượt ra ngoài tầm biên giới, như: hồ tiêu, nước mắm; đặc biệt giống chó xoáy Phú Quốc được đưa vào Từ điển Larousse. Đất thanh bình đơm hoa kết trái quả ngọt hạnh phúc nhờ bởi các thế hệ cha anh đã không tiếc tuổi thanh xuân của mình dâng hiến để bảo vệ từng tấc đất của quê hương.

Đi xa cũng giống như cách lấy độ lùi để nghiền ngẫm, để nhìn lại cho thấu đáo và trầm tĩnh hơn, để yêu hơn xứ sở mình đang sống. Tự hào về đất nước, càng tự hào về một cõi giang sơn cẩm tú. Tự hào về Đảng quang vinh, giữa những ngày xuân càng dạt dào tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vị lãnh tụ thiên tài, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá thế giới.

“Một năm khởi đầu bằng mùa Xuân. Một đời khởi đầu bằng tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của Đất nước!”. Lời dạy của Người hằng vang vọng mãi đến muôn sau.

BÀI VIẾT NỔI BẬT