column_right getExtensions 1750502553-1750502553

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1750502553-1750502553

NẾU KHÔNG CÓ NGÀY BA MƯƠI THÁNG TƯ

NẾU KHÔNG CÓ NGÀY BA MƯƠI THÁNG TƯ

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:01-05-2025

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY

Nếu không có ngày ba mươi tháng Tư

Đừng trách gì nhé anh, hãy nghe em kể hết

Những nghĩ suy nông nổi của một thời

Những trống trải không cách gì xua đuổi

Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư.

 

Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư

Em giờ vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất

Sẽ không biết tự khuyên mình những lời khuyên nghiêm khắc

Không một lần dám sống hy sinh.

 

Và giữa dòng người cuộc sống gấp bon chen

Em đâu biết tin một ai một điều gì tuyệt đối

Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối

Còn nửa tim kia đành giữ lại… để nghi ngờ.

 

Em sẽ không hề nghĩ đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa

Có thể rồi sẽ quên cả mầu của lúa

Quên bài địa lý quê hương, những miền nào đất đen đất đỏ

Sẽ nhọc nhằn khi định nghĩa “dòng kinh”.

 

Sẽ… rất nhiều, Anh hiểu phải không anh

Ngày tháng trước, em là con ốc nhỏ

Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp vỏ

Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh.

 

Anh có lạ lùng khi em nói em ghen

Với quá khứ anh, những tháng ngày đánh Mỹ

Em ghen với mắt nhìn tự tin, với nói cười thoải mái

Ghen với những say mê em chưa có một lần

Em ghen với bạn bè anh - Ghen với những tâm hồn

Từ dạo ấy, Tháng Tư giải phóng

Để rồi anh đi, cái vỏ ốc bỗng vỡ tan dễ dàng như bong bóng

Những khát vọng, tin yêu em đã gặp chính nơi mình.

 

Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm

Lòng vẫn nghĩ: Tháng Tư làm nhân chứng

Ôi nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn

Làm thế nào em có thể đền ơn!

Tháng Tư ơi, xin đẹp mãi tâm hồn.

Long An, 30-4-1981

ĐINH THỊ THU VÂN

(Rút trong “Thơ 1980-1985”, Nxb Tác phẩm mới, H.1985)
Lời bình của nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Tác giả, nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, một người con của quê hương bưng biền, nơi có những cánh đồng tít tắp, thẳng cánh cò bay, mảnh đất “Trung dũng kiên cường” thời đánh Mỹ. Cầm bút từ khá sớm, chị xuất hiện trên thi đàn và thơ chị nhanh chóng được neo lại trong lòng bạn đọc, với tất cả sự yêu mến, đồng cảm. Là tác giả của nhiều bài thơ đặc sắc trong đó có bài “Con tem quân đội” của chị, đã được giới thiệu trên Phụ nữ Quân đội từ hơn 2 năm về trước.

Xuất thân từ một nhà giáo, trong gần nửa thế kỷ cầm bút, Đinh Thị Thu Vân chỉ cho xuất bản có vài tập thơ, nhưng thơ chị không lẫn với bất kỳ ai. Một dòng thi ca đầy cảm hứng với những phát hiện mới mẻ, nhưng trước tiên vẫn là trách nhiệm công dân sâu lắng và giản dị tựa như hơi thở cuộc sống.

Bài thơ ra đời 6 năm sau ngày non sông liền một dải, thời điểm không dễ viết với những người cầm bút chân chính. Bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nền kinh tế còn chưa kịp hồi phục, thì “lụt Bắc, lụt Nam, máu đầm biên giới”. Đất nước bị bao vây, cấm vận. Cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp đã khiến cho cuộc sống của người dân cả hai miền gặp muôn vàn khó khăn, vất vả. Niềm tin đổ vỡ. Nhân tâm ly tán. Trong bối cảnh ấy, để viết được “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư”, quả thật là một sự dũng cảm hiếm thấy của tác giả nữ khi chị hãy còn khá trẻ. Bởi, ranh giới giữa cảm hứng nghệ thuật và sự bộn bề của cuộc sống thường nhật rất mong manh, chỉ cần nói vống lên một chút là bạn đọc đã khó chấp nhận, chứ nói gì được mến yêu và trân trọng.

Xe tăng Quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975

Nhưng đây hoàn toàn không phải là phương cách của một người diễn thơ, hay cố sức làm thơ hoặc chơi thơ như thiên hạ, mà đây là một tiếng lòng hết sức chân thực và xúc động. Một cách mềm mại đầy nữ tính, chị mở đầu với giọng điệu nhỏ nhẹ, cứ như là đương thủ thỉ với người mình yêu, chứ không hề lạm diễn ngôn từ khi nói về điều lớn lao của dân tộc và của đất nước.

Nhập đề tự nhiên, với một chút gì như là nũng nịu. “Đừng trách gì nhé anh, hãy nghe em kể hết/ Những nghĩ suy nông nổi của một thời”. Nhà thơ đã không hề giấu giếm sự dại khờ của một thời con gái, giãi bày sự nhận thức về xã hội và nhân quần. Không đáng báo động sao khi mà cuộc sống con người đã xuất hiện “Những trống trải không cách gì xua đuổi”. Sự trống trải ngự trị tâm hồn, đáng sợ và khó san lấp. Chị khẳng định, tất cả những chuyện u buồn sẽ còn tiếp diễn lâu. “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư”.

Điệp khúc ấy, được tác giả dẫn nhập, nối vào với khổ thơ thứ hai. Vẫn là những bộc bạch nhẹ nhàng, sâu lắng, chứ không hề gượng gạo, gân cốt. “Em giờ vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất/ Sẽ không biết tự khuyên mình những lời khuyên nghiêm khắc/ Không một lần dám sống hy sinh.

Rõ ràng, cuộc kháng chiến lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc vừa kết thúc thắng lợi, chấm dứt ách thống trị của đội quân xâm lược nhà nghề, chôn vùi cái ảo vọng của họ định biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, thành căn cứ quân sự tiền đồn, ngăn chặn ảnh hưởng của phe cộng sản tràn xuống các nước Đông Nam Á. Không chỉ có vậy, cách mạng đã cuốn phăng những lầy bùn, rác đọng, đem lại cuộc sống mới cho người dân, thay đổi lối sống gấp, thực dụng, quen xài xể và hưởng thụ, nhưng quan trọng hơn là cho lớp trẻ cả một tương lai tươi sáng, giúp họ được đứng lên bằng chính đôi chân của mình. Xa rời sự dựa dẫm và không trông chờ, ỉ lại, mới đầu chắc hẳn lạ lẫm, nhưng rồi con người sẽ dần quen thôi.

Và giữa dòng người cuộc sống gấp bon chen/ Em đâu biết tin một ai một điều gì tuyệt đối”. Ấy là sự thật trần trụi trong một cuộc sống hoàn toàn lệ thuộc vào ngoại bang, vào viện trợ chiến tranh. Mọi thứ trong xã hội đều có thể bán mua, đổi chác bằng tiền và cả bằng sự mượn vay, tráo trở. Thì cuộc đời mỗi cá nhân đâu có thể khác được. Điều tất yếu là: “Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối/ Còn nửa tim kia đành giữ lại… để nghi ngờ”, chứ không thể khác.

Người con gái trong thơ, bản tính rụt rè, vốn quen sống “cuộn mình trong chăn. Như con sâu làm tổ trong trái vải cô liêu” trong lời một bài hát xưa, cũ. Bằng vào sự trải nghiệm rất riêng, từ chân trời của một cá nhân, Đinh Thị Thu Vân đã khái quát chân thực hoàn cảnh của số đông. Rằng, ngày ấy, nếu có yêu chăng thì cũng chỉ mới yêu có một nửa, còn nửa kia dành cho sự hoài nghi.

Chưa dừng lại, tác giả dấn thêm một nhịp, nói rõ hơn về lối sống cũ. “Em sẽ không hề nghĩ đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa”. Ích kỷ đến mức thờ ơ với mọi thứ vốn dĩ quá thân thuộc trong cuộc sống thường nhật. “Có thể rồi sẽ quên cả mầu của lúa/ Quên bài địa lý quê hương, những miền nào đất đen đất đỏ”. Đến cả những thứ vốn rất thân thuộc với cuộc sống người dân vùng bưng biền, như “dòng kinh” chở nước êm đềm mà cũng trở nên xa lạ, thì thật sự không còn gì để luận bàn. Và người đọc dễ chấp nhận trước những lời tự bạch, lành hiền của nữ thi sĩ.

Sẽ… rất nhiều, Anh hiểu phải không anh/ Ngày tháng trước, em là con ốc nhỏ/ Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp vỏ”. Chị cũng không ngần ngại khi chỉ ra một thái độ sống, mà có lẽ nó khởi phát từ sự ngộ nhận, hoang tưởng về thời cuộc, về cá nhân. “Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh”. Thế đấy.

Trong bài thơ chỉ nhõn hai nhân vật, là Anh và Em thôi, họ cứ rủ rỉ tâm tình, vậy mà lạ thay, lại chuyển tải được cả một thông điệp lớn lao của kiếp nhân sinh. Tác giả xưng “Em” thì đã rõ, vậy còn “Anh” là ai? Không khó để đoán ra, đó chính là một người lính giải phóng từng xông pha chiến trận năm nào. Bởi đây chính là sự tiếp nối nguồn mạch đã khai mở trong một bài thơ nổi tiếng khác được chị viết từ trước đó. “Anh về từ chiến trường xa…”.

Vâng, chỉ với Anh thôi, thì Em đây mới thật sự tin cậy để giãi bày. “Anh có lạ lùng khi em nói em ghen/ Với quá khứ anh, những tháng ngày đánh Mỹ/ Em ghen với mắt nhìn tự tin, với nói cười thoải mái/ Ghen với những say mê em chưa có một lần/ Em ghen với bạn bè anh - Ghen với những tâm hồn”.

Cả đoạn thơ này dài gấp đôi những khổ khác trong bài. Dụng ý của tác giả, nhằm thể hiện cái điều lớn lao hơn mà nhân quần, trong đó có những người trẻ, thiếu từng trải như “Em” được cách mạng đem lại. “Từ dạo ấy, Tháng Tư giải phóng/ Để rồi anh đi, cái vỏ ốc bỗng vỡ tan dễ dàng như bong bóng”. Và điều kỳ diệu lớn lao hơn, là: “Những khát vọng, tin yêu em đã gặp chính nơi mình”, chứ không phải nhọc nhằn kiếm tìm ở đâu xa vời.

Khép lại bài thơ, Đinh Thị Thu Vân đẩy cảm xúc lên một nhịp mới, cao hơn, rõ hơn. “Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm/ Lòng vẫn nghĩ: Tháng Tư làm nhân chứng/ Ôi nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn”. Trong trường hợp này, nếu tác giả là một người thơ tầm tầm, thì ắt sẽ phải dùng ngoa ngôn để diễn đạt. Bất ngờ thay, thơ vừa đạt đến sự giản dị, lại vừa chân xác khi tác giả dùng cụm từ “nhân chứng vô cùng người lớn”. Người lớn, nghĩa là người đã trưởng thành, không cứ tầm vóc, hình thể.

Niềm hân hoan ngày đại lễ

Hơn cả mọi ngôn từ là tấm lòng chân thật, là ân tình trước cuộc sống mới. “Làm thế nào em có thể đền ơn!/ Tháng Tư ơi, xin đẹp mãi tâm hồn”. Gần nửa thế kỷ với bao biến động thăng trầm, nhưng bài thơ “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư” của một cây bút nữ dường như vẫn còn vẹn nguyên giá trị bởi xúc cảm và sức nghĩ, sự đồng điệu sẻ chia, giãi bầy. Thật lòng, khó mà viết về đề tài này với sự mềm mại nhưng đạt đến độ sáng trong và huyền diệu như thế. 

BÀI VIẾT NỔI BẬT