column_right getExtensions 1722061566-1722061566

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1722061566-1722061566

MÙA CÁ CHẠCH

MÙA CÁ CHẠCH

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:08-06-2024

MÙA CÁ CHẠCH

Năm nào cũng thế, cứ sau vụ gặt, đợi cho mặt ruộng se se, lũ trẻ chúng tôi được nghỉ hè, cha lại cho ba chị em về quê ngoại. Đưa các con về quê là để cha giúp ông bà cày mấy chân ruộng khu Thung Nắng, Thung Nham, Thung Gió, Thung Mây. Vùng quê mỗi bước đi gặp núi, gặp thung. Nơi xám đá mà xanh cây vàng ruộng, ngan ngát hương rừng thoảng trong gió ngàn vi vút. Dòng sông Hệ Dưỡng lững lờ uốn lượn xanh như dải yếm các nàng tiên xuống tắm quên cả thời gian, khi vua cha gọi giật mình đánh rơi bên sườn núi.

Vùng Ninh Hải tuy không hay bị ngập lụt như Nho Quan nhưng sau vụ gặt, vẫn lình sình nước nên phải đợi ruộng se lại mới có thể làm đất vụ sau. Việc cho chúng tôi về theo cũng là để có thời gian chơi với ông bà, các cô dì, chú bác. Trẻ con phố thị, chỉ biết ăn với học, giờ nghỉ hè, như chim sổ lồng, được về thăm quê hương bản quán, thích lắm. Phần nữa, mặc dù cha không nói ra nhưng tôi biết, ông cũng muốn chúng tôi làm quen với cuộc sống lam lũ, vất vả của người nông dân. Có lần, trong bữa ăn, mẹ kể chuyện vui. Nhà nọ, dân thành phố, về thăm cố đô Hoa Lư, trên đường, gặp chú bê gặm cỏ bên sườn núi, cậu con trai reo lên: “Mẹ ơi! Con chó vàng to quá”. Mấy chị em cười sặc cả cơm. Lúc ấy cha không nói gì mà chỉ khẽ lắc đầu. Nhưng cũng từ đó, vào dịp nghỉ hè, nhất định cha đưa cả nhà về quê. Tôi hiểu, cha không muốn các con mình giống như chú bé trong câu chuyện dở khóc dở cười kia, mà còn biết được tên các loài cây và gia súc, gia cầm cùng những món ăn dân dã từ đồng đất làng quê.

Tung chài bắt cá

Sáng sớm, khi những làn sương mỏng mảnh, mờ mờ còn lãng đãng bên sườn núi đá, cha đã gọi chúng tôi dậy. Vai vác cày, tay dắt trâu, ông giục mấy chị em cầm theo cái giỏ treo sẵn nơi cửa bếp. Khi đường cày mở, chúng tôi lón xón chạy sau để bắt những con cá chạch dài gần gang tay, to như ngón tay cái, vàng ươm, lưng lốm đốm hoa. Lần đầu, bắt mãi không được. Cứ nắm vào cá chạch nó lại tuột ra rơi xuống. Cha dừng cày, gọi chúng tôi lại gần giảng giải:

- Đây là loài có nhớt nên rất trơn, muốn bắt, ngón trỏ và ngón áp út phải hơi cong khum vào lòng bàn tay, đồng thời ngón giữa mở ra rồi bất ngờ kẹp ngang cá chạch. Cá chạch bị kẹp giữa ba ngón tay, không thoát ra được.

Làm theo lời cha, những con cá chạch lộ ra sau mỗi luống cày, chúng tôi chộp một cái là được ngay. Cá chạch mang về, dốc giỏ đổ vào chiếc rổ mắt dầy, rắc nắm tro bếp thêm ít muối rồi chà xát làm sạch nhớt và khử mùi tanh rồi đem ra ao rửa lại cho sạch là đã xong công đoạn sơ chế. Cá chạch kho mẻ, nấu dưa chua, hoặc om chuối xanh với đậu là món ăn thường nhật của người dân vùng chiêm trũng. Lắm hôm chị em tôi bắt được cả giỏ đầy, mẹ làm món cá chạch kho khô với khế.

Cá chạch nấu dưa chua, nấu chuối đậu hay kho mẻ là phải ăn lúc còn nóng. Khi ăn, chỉ cần gắp chạch lên, một tay cầm đầu, tay kia dùng đũa, gạt theo thân từ phía đầu xuống đuôi lóc thịt rời khỏi xương. Thịt cá chạch thơm, không tanh, có vị bùi bùi pha chút ngòn ngọt chua chua của dưa hay chan chát của chuối xanh ngấm vào qua quá trình xào nấu. Riêng món cá chạch kho khô với khế có thể dùng làm thức ăn dự trữ dùng trong vài ba ngày sau. Đây cũng là món ăn mà tôi thích nhất nhưng làm được khá mất thời gian. May thay, mẹ tôi lại là một “chuyên gia” trong lĩnh vực này.

Chạch kho riềng, món ngon dân dã

Để có món cá chạch kho khô với khế, đầu tiên phải chuẩn bị nồi đất. Sau khi cọ rửa sạch, mẹ đặt xuống đáy nồi một lớp lá khế rồi xếp cá lên. Trên mỗi lớp cá lại đặt thêm vài miếng khế thái mỏng. Tiếp đến là bỏ muối, đổ ngập nước rồi bắc bếp đun sôi. Khi chiếc vung đất rung lên lạch cạch, mẹ vẫn giữ lửa, đun tiếp năm, bảy phút mới tắt bếp. Cùng lúc, bà gạt đám tro nóng nhấc nồi đặt vào rồi dùng rơm quấn quanh, tiếp tục châm lửa. Khi lửa bén hết vòng rơm cũng là lúc ủ trấu. Chỗ trấu mẹ đổ không thừa không thiếu, nên khi nó cháy hết cũng là lúc lượng nước trong nồi vừa cạn. Sức nóng của trấu đủ làm cá quánh lại mà không bị cháy.

Thấy chúng tôi ngơ ngác, mẹ bảo, đây là món cá kho ủ trấu. Cá kho thế này để được lâu mà ăn cũng ngon hơn kho mẻ hay nấu dưa chua, nấu chuối. Đến bữa ăn, mẹ gạt tro trên vung rồi bắc nồi ra cái rế. Mở nắp vung, nồi cá vẫn còn bốc hơi nóng. Những con cá chạch lúc này khô, giòn, đưa vào miệng cắn nghe rõ tiếng xạo từ thân cá vỡ ra. Thịt cá bùi bùi, ngầy ngậy, hơi chua chua vị khế lẫn trong mùi thơm thơm của lá khế khô.

Cha về với tiên tổ đã gần chục năm, mẹ giờ cũng đã như chuối chín cây. Mấy năm cuối cấp, các con lo việc học hành tôi cũng không có dịp về thăm quê ngoại. Những món ăn dân dã miền quê bên dòng Hệ Dưỡng có Thung Nham, Thung Nắng, Thung Gió, Thung Mây cũng dần xa theo năm tháng.

Chiều nay ghé qua chợ, thấy bên hàng cá có bán mớ chạch đồng. Ừ, lâu lắm rồi, tôi cũng không về quê ngoại và cũng lâu lắm rồi, những món ăn cá chạch kho mẻ, kho khô, nấu dưa chua hay chuối đậu đã trở thành hoài niệm. Bất giác, tự nhủ lòng, năm nay cho dù bọn trẻ bận học đến mấy, tôi sẽ đưa chúng về thăm quê. Nơi ấy giờ chắc đang mùa làm đất và cũng là mùa cá chạch. Những con cá chạch to bằng ngón tay, vàng ươm, nổi hoa văn lấm chấm đen trên lưng, sau mỗi đường cày như vẫn đợi tôi về…

THƯƠNG THƯƠNG
Ảnh minh họa: Internet

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:5
Trong ngày:1586
Trong tuần:794
Trong tháng:794
Cả năm:794
Tổng lượt xem:794