MÓN DƯA HÀNH CỦA MẸ
MÓN DƯA HÀNH CỦA MẸ
Năm nào cũng vậy, vào giữa tháng Chạp, bận kiểu gì mẹ tôi vẫn dành thời gian để muối dưa hành! Cho dù đã có các món truyền thống rồi nhưng nếu mâm cỗ Tết vắng dưa hành thì coi như vẫn còn thiếu. Câu đối cũ: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, khẳng định dưa hành là một trong số các món ăn ngày Tết cổ truyền.
Cho đến tận bây giờ, tôi chưa bao giờ thấy thiếu món dưa hành trong mâm cỗ cúng Tết của gia đình. Nhà tôi thường rất ít khi phải mua hành, bởi mẹ tôi luôn dành một đám đất nhỏ sau vườn để trồng. Ngoài việc dùng trong nhà, lắm khi trúng mùa, mẹ tôi còn bán bớt để lấy tiền chi tiêu việc khác.
Việc muối dưa hành thường do phụ nữ đảm trách, trước kia bà nội lo, nay đến lượt mẹ tôi. Công việc tưởng đơn giản, bởi không quá vất vả, nhưng phải có kinh nghiệm, khéo tay thì món dưa hành mới đúng độ, mới ngon chuẩn vị. Chẳng vậy mà ở một số gia đình, khi muối thường bị ủng, bị hăng, hoặc nhạt quá, hay mặn quá… đều do người làm thiếu kinh nghiệm, không thật chú tâm!
Có lần tôi hỏi, làm sao mẹ muối hành ngon y như bà nội hồi trước vậy? Mẹ tôi cười, bà nội đâu có bày dạy gì, chẳng qua, mẹ quan sát bà làm rồi học lóm thôi! Làm nhiều rồi quen, đúc rút kinh nghiệm, nắm vững công thức nêm, nếm… cứ thế mà làm thì món dưa hành sẽ ngon đều.
Hành củ được ngâm với nước tro bếp hòa tan trong vài ngày, cho bớt hăng. Sau đó, vớt ra gọt rễ, cắt cuống, bóc lớp vỏ khô bao quanh, rửa qua nước ấm có pha muối loãng, cho vào rổ để thật ráo nước, mới đem muối. Nước muối hành là nước lã pha muối, thêm chút đường. Muối, đường (tùy lượng) được cho vào xoong nước đun sôi lên, sau đó để nguội mới đổ vào vại, lon chứa củ hành. Có thể cho một chút gừng, riềng giã nhuyễn cho thơm. Trong khoảng 10 ngày trở ra thì hành chín, còn nếu trời nóng, muốn ăn xổi, chỉ độ 3-4 ngày thì đổ thêm một ít dấm gạo để tạo chua nhanh…
Ba ngày Tết, nhiều người thường bị ngấy chán bởi thịt mỡ, giò chả, nem cuốn… Món dưa hành giúp cân bằng khẩu vị. Theo các bác sĩ dinh dưỡng thì dưa hành muối lên men tạo nhiều lợi khuẩn giúp phá vỡ cellulose khó tiêu hóa trong thực phẩm, cũng như một số loại đường tự nhiên. Bên cạnh đó, dưa hành còn có các chất chống oxy hóa, có tác dụng chống lại các gốc tự do, khi các gốc tự do là những hóa chất không ổn định được hình thành tự nhiên trong cơ thể, có thể làm tổn thương tế bào và dẫn đến các vấn đề về bệnh tim mạch, ung thư và lão hóa cơ thể…
Mùa xuân đang tới rất gần. Trong tôi hình ảnh mâm cỗ Tết với thịt mỡ, dưa hành… đã ắp đầy tâm trí.
TRỊNH VIẾT HIỆP
Ảnh minh họa: Internet