KHÔNG DÙNG ĐIỆN THOẠI KHI SẠC PIN
Không dùng điện thoại khi sạc pin
Vừa qua, trên địa bàn phường 1, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, đã xảy ra vụ tai nạn thương tâm, làm 1 bé trai tử vong. Nguyên nhân ban đầu xác định nạn nhân bị điện giật khi sử dụng điện thoại trong lúc sạc pin.
Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn khi sạc điện thoại trong lúc dùng nhưng nhiều người vẫn chủ quan, chưa thực sự có ý thức cảnh giác đối với vấn đề này. Các vụ tai nạn liên quan đến việc dùng điện thoại trong lúc sạc vẫn xảy ra ở nhiều địa phương. Nạn nhân ở nhiều độ tuổi khác nhau và các tổn thương cũng đa dạng, thậm chí có trường hợp tử vong. Dù là do nguyên nhân nào, người dùng cũng nên hạn chế sử dụng điện thoại khi sạc để đề phòng những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Các chuyên gia còn cho rằng, nhiều nhà sử dụng bình đun nước siêu tốc nhưng không rút phích cắm, trong khi công tắc điện nằm trên thân ấm chứ không nằm ở bộ phận để tiếp đất. Rất nguy hiểm nếu điện rò rỉ ra ngoài hoặc trẻ em nghịch ngợm, chọc vào ổ điện thì có nguy cơ chết người. Hoặc thói quen cắm sạc điện thoại, sạc máy tính cũng cực kỳ nguy hiểm vì đa phần các thiết bị này có lớp sơn cách điện mỏng chỉ khoảng 1 micromet đến đầu cắm sạc. Chỉ cần sơ sảy để lớp sơn này bong ra, khả năng bị điện giật chết người từ việc sờ vào các đầu cắm sạc cũng rất lớn.
Để phòng tránh tai nạn khi dùng điện thoại, các chuyên gia lưu ý:
- Không sử dụng sạc, pin kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, dễ dẫn đến bị đứt gãy dây ở bên trong và khi cắm điện sẽ có nguy cơ gây chập điện.
- Không dùng điện thoại khi đang cắm sạc dù là sử dụng trực tiếp như nhắn tin, gọi điện, chơi điện tử... hay dùng tai nghe cắm vào điện thoại. Kể cả dùng đồ chính hãng, cháy nổ vẫn có thể xảy ra nếu dùng điện thoại trong lúc sạc. Một trong những lý do là việc sạc điện thoại làm pin nóng lên, cùng lúc đó sử dụng điện thoại làm dòng điện tăng càng làm điện thoại nóng lên. Khi đó, pin phồng to dẫn tới nổ pin.
- Sạc phải luôn được rút ra khỏi ổ cắm khi không sử dụng, ổ cắm điện phải có thiết bị bảo vệ vì đã có trường hợp bị điện giật vì sờ vào sạc đang "cắm chay". Các thiết bị sạc điện thoại thường có bộ phận đổi điện áp, có đầu ra điện áp rất thấp. Tuy nhiên, nếu dây cắm hở, đầu cắm bị lỗi thì vẫn có thể gây nguy hiểm. Việc rút sạc rất quan trọng, đặc biệt với vùng có khí hậu nồm ẩm vì có nguy cơ làm chập mạch điện, dễ xảy ra hỏa hoạn.
- Đặt điện thoại đang sạc ở xa tầm với của bé, bảo đảm dây sạc được đấu nối vào nguồn điện đúng quy cách. Nhà có trẻ nhỏ, phải luôn có người trông coi, theo dõi cẩn thận, tránh để bé vô tình cầm chơi điện thoại đang sạc hay dây cắm sạc vẫn cắm ở ổ điện.
- Nếu chẳng may gia đình có người bị chấn thương do điện thoại phát nổ khi sạc hoặc bị điện giật, cần nhanh chóng ngắt nguồn thiết bị để tránh điện giật. Sau đó, nhanh chóng băng bó vết thương, bất động vết thương và chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời.
Bảo Vy
(Theo Báo PNVN)