column_right getExtensions 1732363778-1732363778

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732363778-1732363778

HƯƠNG MÙA GẶT

HƯƠNG MÙA GẶT

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:07-08-2023

HƯƠNG MÙA GẶT

Thế là đã lại vào mùa gặt mới. Cả một không gian làng quê từ dòng Hệ Dưỡng kéo dài vào sát chân núi Tam Cốc, màu vàng miên man như dải lụa tơ tằm ai đem rải trên đồng. Ngày mùa, đồng làng sực nức mùi rơm rạ. Hương thơm ngọt của đám cỏ mật vừa “chín”, mùi ngai ngái của thân lúa mới cắt, hòa với vị bùi bùi ngầy ngậy của muồm muỗm nướng khiến ta bồi hồi nghĩ về một thời chưa xa nhưng một đi không trở lại.

Mùa vàng ấm no

Ngày ấy chúng tôi mới bước vào phổ thông trung học. Mấy hôm liền, mẹ theo dõi dự báo thời tiết trên truyền hình. Cứ xem xong, mẹ lại thở dài. “Thời tiết nắng nóng thế này. Chắc lại sắp trở trời. Lúc này mà mưa thì khổ. Cả năm chỉ trông vào mấy ngày thu hoạch”. Mẹ không nói thì chúng tôi cũng hiểu. Tất cả mọi chi tiêu trong nhà đều trông chờ vào hạt thóc. Vùng đất quê tôi, bán sơn địa, chẳng có thêm nguồn thu nhập nào ngoài lúa, khoai. Đến ngày lúa chín, gặp phải mưa bão, không kịp thu hoạch, cả cánh đồng ngập trong nước. Sau vài ngày, hạt thóc mọc mầm là cầm chắc cái đói.

Câu ca dao: “Trông trời trông đất trông mây. Trông mưa trông gió trông ngày trông đêm” nói về nỗi vất vả nhọc nhằn của nhà nông. Người trồng lúa phải theo dõi mọi sự diễn biến của thời tiết. Có những năm, tuy bông lúa mới đỏ đuôi, mẹ đã hối thúc cả nhà đi gặt. Bà bảo “xanh nhà hơn già đồng”, từ mai bắt đầu gặt. Mẹ thấy màu trời mấy hôm nay không bình thường, đoán sẽ có mưa to kéo dài. Mẹ là cây thời tiết sống. Lời nhắc của bà chẳng mấy khi sai.

Sáng hôm sau, mẹ khua chúng tôi dậy sớm hơn mọi ngày. Vừa mắt nhắm mắt mở bước ra cửa đã thấy một đống quang gánh, liềm hái để góc sân. Mẹ bưng rổ khoai luộc còn nóng từ trong bếp ra bảo:

- Khoai bãi năm nay bở lắm, các con vào ăn rồi đi sớm cho mát đến khi nắng gắt thì về.

Bố cũng thức dậy tự bao giờ. Ông mang điếu bát ra ngồi đầu hè, mồi thuốc, châm lửa rồi kéo một hơi dài. Tiếng rít điếu bát nghe lục ục chứ không xoe xóe như điếu cày. Lần đầu được bố mẹ cho đi gặt, chị em tôi thích lắm. Chỉ nghĩ đến những hạt thóc mẩy căng hình con thoi vàng ánh, bám vào những gié lúa mảnh như sợi chỉ xanh, nép mình vào sát những chiếc lá cũng một sắc vàng đã thích. Ở mấy thửa ruộng cao, mặt ruộng khô, bông lúa trĩu còng như người gánh nặng. Những đám cỏ viền hai bên bờ xanh mươn mướt. Sau mỗi bước chân người, cỏ ẹp xuống, chỉ vài ba ngọn vươn lên ngơ ngác. Những con châu chấu thấy động vội nhún mình, đá chân, bay ràn rạt. Lũ cào cào to xác, kềnh càng, chậm chạp cất mình lên như chiếc máy bay bà già, xòe đôi cánh xanh đỏ, lượn một đoạn ngắn rồi sà xuống nép mình vào đám lá lúa đang ngả màu vàng chanh.

Những chiếc liềm cong như vầng trăng khuyết, mấy ngày trước bố mang đi rẽ chấu giờ phát huy tác dụng. Cầm vầng trăng ấy, quơ tay trái vén gốc cho gọn, tay phải đưa liềm lướt qua, ngoặc vào gốc lúa giật mạnh. Khóm lúa ngả vào khuỷu tay người cắt. Cứ thế, khi nắm đầy lòng tay, thì thu gọn đầu bông, rồi nghiêng liềm, lướt lên cho thân lúa trượt trên chiếc vành trăng khuyết ấy, đặt thành hàng thẳng theo một hướng. Bố đi phía sau, dùng liềm xén, luồn xuống dưới mô lúa đã được chúng tôi cắt gốc, kéo mạnh, cắt thân lúa làm hai phần. Chiếc liềm xén phía đầu mũi được làm cong, cuối cán bẻ vuông góc giống hình chữ u mà ngày bé khi học viết chưa quen tay, tôi làm bụng chữ kéo dài nguệch ngoạc.

Vì làm chưa quen, lại vừa làm vừa nô nhau nên những khóm lúa cắt ra không gọn mà lộn xộn như gà bới. Mẹ nhìn thấy, luôn miệng nhắc nhưng cuối cùng chứng nào vẫn tật ấy. Chỉ vất vả cho bố, vừa phải thu lại cho gọn, vừa phải xén đống sản phẩm bất đắc dĩ của mấy cô con gái rượu. Khi bóng người không còn đổ dài trên mặt ruộng, mẹ giục về. Mặc bố, mẹ xếp lúa vào quang gánh, chúng tôi hò nhau đuổi bắt những chú châu chấu đầu vuông về buộc dây chơi trò xe kéo. Dưới mỗi bước chân, thân rạ vừa cắt, những ống rạ nổ lóp bóp.

Niềm vui được mùa

Dỡ xong lúa chất đống giữa sân cũng là lúc mặt trời đứng bóng. Mẹ đưa tay vào túi áo, dốc ngược, lấy ra một vốc những con muồm muỗm béo nung núc, chia cho mỗi đứa mấy con. Mùi muỗm nướng ngầy ngậy, bùi bùi thơm thơm khiến đứa nào đứa nấy ứa nước miếng. Nhưng có điều rất lạ. Trong mùi thơm của muỗm nướng bao giờ cũng có vị mằn mặn của giọt mồ hôi. Không lẽ, giọt mồ hôi của mẹ đã thấm vào con muồm muỗm để làm quà đồng cho chúng tôi một thời thơ trẻ.

Vựa vàng Tam Cốc ngày xưa là như thế. Tôi đã nhận về biết bao hương mùa, quà đồng qua mùi cỏ, hương lúa và vị mặn từ những con muồm muỗm nướng ngày nào. Đó là hương mùa gặt. Như ai đó vẫn bảo “năm tháng rồi sẽ qua đi, nhưng hương quà đồng sẽ còn lại mãi với người”.

THƯƠNG THƯƠNG
Ảnh minh họa: Internet

BÀI VIẾT NỔI BẬT