HIỂU THÊM VỀ O HUẾ ANH HÙNG
HIỂU THÊM VỀ O HUẾ ANH HÙNG
Tính theo tuổi ta thì năm nay nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế đã sang tuổi 80, nhưng mọi người vẫn quen gọi bà là “O Huế” như thuở nào. O là nữ chiến sĩ Thanh niên xung phong của tuyến đường 12A rực lửa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. O Huế chính là cô gái xinh tươi ôm bó hoa rực rỡ đứng bên Bác Hồ đang tươi cười trìu mến, trong bức ảnh “Bác Hồ với TNXP” từng được in trên nhiều sách báo, được lưu giữ trong nhiều nhà bảo tàng, phòng truyền thống của nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương...
O Huế sinh ra và lớn lên ở xã Cảnh Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Năm 1965, đế quốc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc ngày càng ác liệt, đặc biệt trên các tuyến giao thông vận tải trọng yếu chi viện cho chiến trường miền Nam. Bấy giờ, tỉnh Quảng Bình chủ trương mỗi huyện thành lập một đại đội TNXP địa phương để bảo đảm mạch máu giao thông tại chỗ, vì lúc đó khắp tỉnh nhà ở đâu cũng là tuyến lửa. Huyện Tuyên Hóa thành lập Đại đội TNXP 759, thường được gọi là “Xê Chín”, bảo vệ tuyến đường 12A nối quốc lộ 1A từ cảng Gianh với tuyến đường Trường Sơn Tây bên đất bạn Lào. Lúc đó O Huế đã có chồng nhưng vẫn tình nguyện đi TNXP, được cử làm tiểu đội trưởng tiểu đội 6, phụ trách đoạn La Trọng - Bãi Dinh là một trong những trọng điểm ác liệt nhất trên đường 12A. Khi chiến sự trên mặt đường ác liệt hơn, “Xê Chín” thành lập trung đội cảm tử, O được cử làm trung đội trưởng...
Kể sao xiết những khốc liệt của đường 12A với những trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ, như: Khe Ve, La Trọng, Bãi Dinh, Cổng Trời, Cha Lo, Mụ Dạ... Nói sao hết những gian khổ, hy sinh và tinh thần chiến đấu ngoan cường của bộ đội, TNXP trên tuyến đường này; như trận địa pháo cao xạ của anh hùng Nguyễn Viết Xuân với khẩu hiệu nổi tiếng “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”; như sự tích “Đồi Ba Bảy”, nơi 7 TNXP của Xê Chín và 10 chiến sĩ công binh đã hy sinh để kịp thông đường cho đoàn xe vượt trọng điểm an toàn. Năm 1967, Đại đội TNXP 759 và Nguyễn Thị Kim Huế được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Sau ngày đất nước thống nhất, O Huế công tác trong ngành Giao thông của tỉnh nhà. Năm 1995, nghỉ hưu, O rời Đồng Hới về quê, dựng một nếp nhà nhỏ ven đường 12A, con đường đã gắn bó với tuổi thanh xuân của O và những người đồng đội thân yêu. Chồng mất sớm, bản thân là thương binh 2/4, nhưng O vẫn gương mẫu trong cuộc sống, giữ vững phẩm chất người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa. Hai con trai của O tiếp tục công tác trong ngành GTVT, trong đó một người đang ở công ty quản lý đường 12A, con đường máu lửa năm xưa, nay là đường Xuyên Á, đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa...
Tháng 5-2019, nhân kỷ niệm 60 năm truyền thống Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh, tôi ghé thăm O Huế tại nhà riêng. Biết tôi có ý định “viết lại” những sự tích oanh liệt của Xê Chín anh hùng, O nhắc nhở: Những sự kiện trên đường 12A hồi đó đã được báo chí, sử sách viết khá tường tận. Đó là những tư liệu chính xác, các cháu cần tham khảo nghiêm túc, chớ để “tam sao thất bản”. Chẳng hạn như bức ảnh “Bác Hồ với TNXP”, gần đây có một số bài báo chú thích “Nữ anh hùng TNXP Nguyễn Thị Kim Huế tặng hoa cho Bác Hồ” là không đúng. Sự kiện này là tại Đại hội TNXP toàn quốc lần thứ tư, tháng 7-1967, đã được báo Tiền phong ngày đó tường thuật chính xác: “Khi bản báo cáo đọc đến thành tích của nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế, Bác bảo Huế đứng dậy để mọi người trông rõ. Bác trao lại cho Huế bó hoa tươi thắm mà Đại hội vừa tặng Bác…”.
Tôi nói, được tặng hoa Bác Hồ là niềm vinh dự lớn. Còn được Bác Hồ tặng hoa thì vinh dự gấp bội phần. Đặc biệt, nữ Anh hùng Nguyễn Thị Kim Huế lại còn được 5 lần gặp Bác Hồ kính yêu thì quả là hiếm người có được... Trầm ngâm một lúc, O Huế nói: “Đó là vinh dự của Xê Chín, của lực lượng TNXP trên đường 12A mà O được thay mặt thôi. Trước năm 1967 chưa có đường 20 Quyết Thắng, 12A là tuyến cơ giới vượt khẩu duy nhất để sang Lào, theo tuyến Tây Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam, nên Đảng và Bác Hồ rất quan tâm đến con đường và các lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên con đường này...
Giọng O trầm xuống, ở Xê Chín ngày đó, ai cũng xứng đáng được vinh danh Anh hùng. Như chị Trần Thị Thành, cán bộ đại đội, người mảnh mai nhỏ nhắn nhưng là chỗ dựa tinh thần cho toàn đơn vị; kể cả khi nhận được tin chồng hy sinh ở chiến trường, chị vẫn giấu đau buồn để không ảnh hưởng đến chị em, trong đó có cô em ruột cũng đang là chiến sĩ của đơn vị. Chị là người đã đứng trên quả bom nổ chậm để động viên đơn vị yên tâm sửa đường kịp thông xe trước giờ cao điểm đấy! Nếu có điều kiện, cháu nên vô Đồng Hới hỏi chuyện chị Thành...”.
Những lời tâm sự của O Huế giúp tôi hiểu thêm một nét phẩm chất người chiến sĩ anh hùng của Trường Sơn năm xưa...
MAI NAM THẮNG