HAI NỮ KIỆN TƯỚNG GÙI HÀNG
HAI NỮ KIỆN TƯỚNG GÙI HÀNG
Tiểu đoàn vận tải 232 (Cục Hậu cần Quân khu 5) được thành lập ngày 8-3-1968, với biên chế hơn 600 cô gái, do chị Phạm Thị Thao làm Tiểu đoàn trưởng, được nhân dân đất Quảng và Khu 5 yêu mến gọi bằng tên “Tiểu đoàn bà Thao”. Hằng năm, các nữ cựu quân nhân một thời “vai trăm cân, chân vạn dặm” cùng nhau ôn lại những kỷ niệm vận chuyển lương thực, đạn dược trên dải đất miền Trung khói lửa. Ngày ấy, nếu như mức gùi hàng bình quân của mỗi người từ 60 - 80kg, thì hai nữ kiện tướng đất Quảng là Trần Thị Lâu và Nguyễn Thị Huấn thường xuyên duy trì ở mức hơn 100kg.
Chị Trần Thị Lâu - Chính trị viên phó Đại đội 3. Người con vùng đèo Răm của đồng đất Quế Sơn (Quảng Nam) với đức tính cần mẫn, vượt khó vươn lên, luôn được đồng đội yêu mến, tin cậy. Xung kích đi đầu, riêng năm 1969, chị đạt 274 ngày công vận chuyển với 19 tấn 760kg hàng. Năm 1972, bắt đầu vào mùa mưa rừng Trường Sơn, đại đội của chị trên đường gùi hàng phải vượt qua suối Nước Chè ở huyện Phước Sơn. Nước suối lớn, chảy mạnh, nhiều chị em sức yếu không dám cõng hàng vượt qua. Bằng sự gương mẫu, dũng cảm của mình, chị Lâu xung phong đi trước sang bờ bên kia để buộc dây rừng hỗ trợ cho đồng đội đi sau. Song, phần vì đuối sức, phần vì gùi hàng rất nặng, khi chị vừa ra giữa suối thì một dòng nước lũ bất ngờ ập đến cuốn phăng cả người lẫn hàng… Chị Lâu vĩnh viễn ra đi khi mới ngoài hai mươi tuổi. Đồng đội đứng trên bờ gào thét, nhưng tất cả đều bất lực. Mãi đến ngày thứ ba, đơn vị mới tìm thấy chị cùng gùi hàng còn dây mang trên vai, bên vách đá cách bến lội không xa. Và chị yên nghỉ bên bờ suối Nước Chè. Từ bấy, mỗi lần cõng hàng ngang qua đây, đồng đội lại đặt lên mộ chị nhánh hoa rừng, với lòng tiếc thương. Những cựu quân nhân Tiểu đoàn 232 vẫn còn nhớ những câu thơ dành tặng chị: “Lâu ơi có thấy rộn ràng/ Là xe mình đó, chở hàng thay em…”.
Còn chị Nguyễn Thị Huấn - Chính trị viên phó Đại đội 2, quê ở Đông Hòa, xã Điện Thọ (Điện Bàn, Quảng Nam). Người con gái vóc dáng mảnh mai, đã mang vác lượng hàng nặng gấp hơn hai lần trọng lượng cơ thể. Đầu năm 1972, đơn vị được giao vận chuyển nhiều loại vũ khí, trong đó có súng cối 120mm vừa nặng, vừa cồng kềnh, gùi cá nhân không nổi mà hai người khiêng leo dốc cao không bảo đảm an toàn. Nhận trách nhiệm về mình, suốt đêm chị Huấn thức trắng, tìm mọi cách buộc dây, gùi thử. Lúc đầu chị đứng không nổi vì đế súng nặng 125kg, chân đế đưa ra ngoài rất vướng. Gần sáng, chị mới tìm ra cách chèn thêm gỗ vào. Hôm sau, đơn vị bố trí 2 chiến sĩ đi trước phát cây dọn đường, chị đã gùi đế cối vượt qua khe Chín Khúc, leo qua ngọn đồi Thanh Sơn đến được điểm giao hàng đúng thời gian quy định. Lần khác, chị gùi nòng súng ĐKZ 75 mm rất dài, vừa đi vừa cầm dao phát dây leo trên đầu, có lúc bị vấp ngã, cả người lẫn hàng lăn tòm xuống dốc… Chị Huấn tâm sự, ngày ấy, ai cũng dồn sức để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sớm được đoàn tụ cùng gia đình. Chị em đều tâm niệm, không tính khối lượng, không tính chỉ tiêu, có sức bao nhiêu cống hiến tất cả.
Các nữ cựu quân nhân Tiểu đoàn 232 chia sẻ, với những chuyến hàng đặc biệt rất nặng, đòi hỏi nhanh, có Huấn đi, chị em rất tin tưởng. Thử nhẩm tính trong 4 năm (1968-1972), mỗi năm chị Huấn mang trên vai gần 20 tấn hàng, liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Năm 2010, Chính trị viên phó Đại đội 2 Nguyễn Thị Huấn cùng Tiểu đoàn trưởng Phạm Thị Thao và tập thể đơn vị được Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND). Trong cuốn sách sơ thảo truyền thống Tổng cục Hậu cần, có ảnh chị Nguyễn Thị Huấn đầu đội mũ tai bèo, trên lưng gùi hai thân ĐKB đi chiến dịch tập kích sân bay Chu Lai (1970).
Hai nữ kiện tướng gùi hàng đất Quảng của Tiểu đoàn 232 một thuở sẽ mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ noi theo.
ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP
Ảnh: Tư liệu