HÀ NỘI - TỪ TÌNH YÊU CỦA PHÚ QUANG!
HÀ NỘI - TỪ TÌNH YÊU CỦA PHÚ QUANG!
Phố chớm thu, từ khung cửa sổ nhà bên vang lên ca từ trong bài hát quen thuộc của nhạc sỹ Phú Quang.
Nhạc của ông, đưa đến một cái nhìn về Hà Nội trọn vẹn những yêu thương mà không nơi đâu có thể đem đến sự đồng cảm ấy.
Với tôi, Phú Quang là hiện thân cho tình yêu Hà Nội và tôi nghe nhạc của ông, để nhìn về một Hà Nội với trọn vẹn những yêu thương mà không nơi đâu có thể cho tôi sự đồng cảm ấy. Chỉ là ở mỗi nốt nhạc đó, mỗi lời ca đó - là tất cả những điều tôi đã tìm thấy trong tình yêu Hà Nội của ông để có một chiều mưa bão nhiều cảm xúc thế này, tôi có thể ngồi lại và đắm mình trong giai điệu.
Nhạc sĩ Phú Quang rất tinh tế, ông có một trái tim biết rung cảm với cái đẹp bình thường, nhỏ bé của cuộc đời. Những sáng tác của ông vì vậy mà rất trữ tình, rất nhân văn và giàu tình yêu. Mỗi một chiếc lá, một viên sỏi, một vết nứt, một góc phố… đều đã đi vào tác phẩm của người bằng sự rung động đẹp đẽ giàu yêu thương.
Nếu như nhạc Trịnh nhiều triết lý, nếu như Ngô Thuỵ Miên rất tình, thì Phú Quang là tình và đời, là ở đâu đó một khoảng trời tự sự thật thơ: “Một mình sẽ một mình thôi. Tìm câu ca cũ hát chơi một mình”. Cho dù những câu hát của ông đôi khi vang lên vẫn làm người ta không khỏi day dứt: “Mênh mông quá, khoảng trống này ai lấp? Khi thanh âm cũng bất lực như lời”.
Trong suốt sự nghiệp âm nhạc của mình, nhạc sĩ Phú Quang không ngừng sáng tác những bản tình ca, những ca khúc trữ tình viết về Hà Nội, được rất nhiều người yêu thích, đã trở thành một phần của Hà Nội. Nhưng tất cả đều là những bản tình buồn, phảng phất một nỗi buồn “đá núi tật nguyền, vết sẹo thời gian” của một người nhiều mơ mộng mà cô đơn, mang những khát vọng, ám ảnh về tận cùng của tình yêu. Thật ra không có gì ngạc nhiên, nỗi buồn với người viết là một chất liệu đẹp.
Tuy vậy, tình yêu trong âm nhạc Phú Quang không chỉ là cuộc tình của con người, mà là những giai điệu để tình tự với Hà Nội, như một tri kỷ ngàn năm, là yêu, là thấu hiểu cả một đời. Là một người con Hà Nội, ông đã gửi vào những câu hát của mình một Hà Nội đầy đủ những trầm bổng, thanh âm. Cái trầm lắng và cổ xưa của Hà Nội, nếu nông nổi và vội vàng sẽ chẳng thể cảm nhận được, cũng giống như khoảnh khắc đổi mùa của Hà Nội, chỉ những ai thật sự yêu Hà Nội mới nhận ra. Hà Nội đã thay áo qua mỗi gánh hàng hoa, một sắc màu mới, một hương thơm mới, cái khoảnh khắc khẽ khàng ấy, mỏng manh đến độ chúng ta phải đằm mình lại mà đón nhận, mà đối diện. Và thật tiếc nếu trong phút giây chuyển mùa, chúng ta không thể chứng kiến một Hà Nội đẹp đến nhường nào.
Cũng như những ngày mưa bão này, tôi không thể nghe nhạc của Phú Quang để mà trải lòng hơn cho một Hà Nội tôi yêu thì thật là đáng tiếc. Có một ngày, lạc lõng giữa bao ngày, bên ban công nhỏ, ngồi co ro trước gió, nghe Quang Lý nồng nàn trong từng giai điệu của Phú Quang. Chợt đau đáu một tiếng thở dài ơi Hà Nội ơi! Có nhiều người nói với tôi về nỗi nhớ, họ bảo rằng trước mỗi chuyến đi xa họ đã thấy nỗi nhớ âm thầm len lỏi trong tim mình thành một cảm giác nằng nặc giống như nước mắt làm nặng đôi hàng mi. Và sự xa cách sẽ làm cho Hà Nội đẹp thêm, bởi trong cái khoảnh khắc cô đơn, vắng lặng, Hà Nội cứ trải dài sau những hàng sấu dài bất tận như một nỗi nhớ người xa. Sau một chiều mưa rào của mùa hè Hà Nội, mọi thứ dẫu có nhạt nhòa thế nào, thì cơn mưa rồi sẽ dứt và Hà Nội vẫn cứ trong ngần nguyên vẹn trong màu của nỗi nhớ.
Nhạc Phú Quang là thế, là ngọt ngào và chới với, là day dứt và nhớ thương, là bồi hồi và khắc khoải. Là như gói cả Hà Nội vào trái tim nhỏ bé này, để yêu với căng tràn máu đỏ, cho dẫu đôi lúc cũng nhiều giận hờn.
Tôi quen biết một người sinh ra, lớn lên trên phố Trần Hưng Đạo, gần ga Hàng Cỏ với bao hoài niệm, anh ấy kể về những ngày tháng cũ và tôi bị cuốn vào hồi ức đẹp đẽ ấy. Một người Hà Nội đích thực chỉ cho tôi cách yêu Hà Nội để mỗi lần nghe nhạc Phú Quang, Hà Nội như thấm đẫm trong tim!
Lê Thị Thanh Hồng
Học viện Hậu cần