column_right getExtensions 1732327260-1732327260

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732327260-1732327260

GẶP GỠ ĐẦU XUÂN

GẶP GỠ ĐẦU XUÂN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:18-03-2023

GẶP GỠ ĐẦU XUÂN

LTS: Ngày 10-3-1993, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 102/QĐ-QP thành lập Ban Công tác Phụ nữ Quân đội (gọi tắt là Ban Phụ nữ Quân đội) trực thuộc Tổng cục Chính trị (TCCT). Thoáng chốc đã 30 năm, những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, phóng viên Thông tin Phụ nữ Quân đội đã có cuộc trò chuyện thú vị với 3 đồng chí nguyên Trưởng ban Phụ nữ tại nhà riêng. Trải qua 7 kỳ Đại hội Phụ nữ toàn quân, với 4 Trưởng ban, trong đó có 1 nhà văn Việt Nam, 2 vị tướng (có 1 TS), 1 Đại tá TS. Các chị đều là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam.

*

Căn hộ của Đại tá Nhà văn Vũ Thị Hồng ở trong một chung cư cao tầng. Từ phòng khách của gia đình chị ngó ra mé phải, ngỡ với tay sẽ đụng nóc cây cầu Long Biên (Pau Doumer) như một chứng nhân lịch sử vắt qua hai thế kỷ, liếc sang trái là cầu Chương Dương vững chãi… Bên dưới, sông Hồng cong mềm như một dải lụa. Một cái view quá đẹp và thơ mộng cho người lao động sáng tạo.

Đại tá Nhà văn Vũ Thị Hồng - Trưởng ban PNQĐ (4-1993 – 6-2007)

• Phóng viên (PV): Năm 1970, đang học năm thứ 3 Khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, tuổi 20, chị xung phong vào chiến trường làm phóng viên Tạp chí Quân Giải phóng Trung Trung bộ. Sau hòa bình, chị trở ra Bắc và có hàng chục năm làm cán bộ biên tập của Nhà xuất bản (Nxb) Quân đội nhân dân, xin hỏi, cơ duyên nào đưa chị về Ban Phụ nữ Quân đội?

• Nhà văn Vũ Thị Hồng (V.T.H): Vâng, chính xác là 17 năm làm nghề “cạo giấy”. Nghe nói cấp trên chọn mãi, rồi đặt niềm tin ở một người làm trên lĩnh vực văn hóa, từng kinh qua lửa đạn, nên dày dạn kinh nghiệm và đầy bản lĩnh chăng? Thú thực, mới nghe gợi ý, tôi đã chối đây đẩy, vì công việc ở Nxb đang ổn định, trong trẻo, với lại là nhà văn, tôi không thích làm quản lý. Nhưng rồi, các anh lãnh đạo đến tận nhà vận động thuyết phục và nêu trách nhiệm của cán bộ, đảng viên thì tôi chịu.

Có mặt dự Đại hội Phụ nữ toàn quân lần thứ I (5-1992), đến tháng 4-1993, tôi được TCCT bổ nhiệm làm Trưởng ban Công tác Phụ nữ Quân đội (PNQĐ). Rất mới mẻ.

Nhận nhiệm vụ rồi mới thấy bộn bề gian khó. Cơ sở vật chất thiếu thốn, nơi làm việc tạm bợ, người ít, việc nhiều, mọi thứ đều bỡ ngỡ. Mới đầu chỉ có hai cô cháu, sau cấp trên mới điều động bổ sung thêm người. Được cái, chị em bảo ban nhau vừa làm, vừa học, chưa biết thì hỏi. Cái thuở ban đầu ấy thật khó quên!

• PV: Trong 14 năm trên cương vị Trưởng ban PNQĐ, chị ấn tượng nhất về những sự kiện gì?

• Nhà văn V.T.H: Chuẩn bị cho Đại hội Phụ nữ toàn quân lần II, nghĩ cần phải có một bài hát xứng tầm, tôi đến gặp Nhạc sĩ An Thuyên, đặt vấn đề. Anh bảo, chị làm bài thơ đưa tôi phổ nhạc. Tôi cười, bảo viết văn thì được, chứ thơ phú… thì chào thua. Thú thực tôi đã nản, đành nói “cầu âu” hai đức tính nổi bật của phụ nữ Việt Nam và PNQĐ, rồi về. Vậy mà không ngờ anh An Thuyên có được “BÀI CA PHỤ NỮ QUÂN ĐỘI” tâm huyết. Thật tài tình. Vị tướng nhạc sĩ ấy nay đã mất, nhưng ca khúc của anh vẫn ngân vang như một giai điệu tự hào.

“Từ Bà Triệu Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, tới ngày nay vẹn toàn đất nước. Hàng triệu chị em xông lên, đồng lòng cùng trang nam nhi chiến đấu hy sinh vì tự do độc lập.

… Đi lên đi lên chị em, phụ nữ quân đội nhân dân. Ngôi sao trên mũ sáng ngời, rộn vang nhịp bước quân hành…”.

Khi duyệt, ngồi nghe dàn trống, thú thực tôi “sởn” da gà. Ca từ thôi thúc phụ nữ toàn quân đi lên. Hôm khai mạc Đại hội, bài hát được trình diễn, gây một không khí náo nức, đặc biệt. Thật sự tự hào bởi chỉ trong một thời gian gấp gáp, mà có được một bản “phụ nữ ca” xứng tầm.

Lần đầu tổ chức “Liên hoan hát ru, hát dân ca” thành công ngoài mong đợi. Khơi nguồn cho dòng chảy mạch nguồn dân ca, PNQĐ góp phần tích cực bảo tồn và phát triển vốn quý của dân tộc. Tiếp đến, các cuộc thi viết về đề tài người lính, người phụ nữ quân đội trong hai cuộc kháng chiến, gặt hái nhiều kết quả, dấy lên phong trào sáng tác rộng khắp…

Đáng chú ý, lần đầu tiên, Ban PNQĐ đề xuất vay được 300 triệu, giúp cán bộ, hội viên khó khăn phát triển kinh tế gia đình. Nhiều người nói, toàn quân, đi tới đâu cũng thấy dấu ấn của PNQĐ. Kỷ niệm 10 năm ngày truyền thống, Ban PNQĐ được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì.

• PV: Khó có thể kể hết những việc mà Ban PNQĐ đã làm được, chị có muốn nhắn gửi điều gì với các thế hệ phụ nữ kế tiếp?

• Nhà văn V.T.H: Thành tích là sự phấn đấu của tập thể, tuy vai trò cá nhân rất quan trọng. Nếu mình yêu công việc, tâm huyết, biết đoàn kết và coi trọng con người, tất sẽ thành công. Chúc chị em phụ nữ toàn quân, giữ vẹn sức xuân, một lòng phấn đấu dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương (QUTƯ) và Bộ Quốc phòng, tiếp tục giành nhiều thắng lợi mới.

Ban PNQĐ gặp mặt cán bộ nghỉ hưu đầu xuân Kỷ Hợi 2019

*

Thiếu tướng, TS Nguyễn Thị Thanh Hà (N.T.T.H) là ái nữ của vị tướng Anh hùng LLVTND, Liệt sĩ Kim Tuấn (1927-1979), nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3. Sau thành công của Đại hội Phụ nữ Quân đội lần thứ III, tháng 6-2007, chị được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm giữ chức Trưởng ban PNQĐ.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Thị Thanh Hà - Trưởng ban PNQĐ (6-2007 – 6-2013)

• PV: Nếu nhà văn Vũ Thị Hồng là người đặt nền móng cho PNQĐ, thì chị là người kế tục và phát triển công việc của người tiền nhiệm. Chị có thể cho biết những điều tâm đắc?

• Thiếu tướng, TS N.T.T.H: Tháng 9-2006, đang là Phó chủ nhiệm Chính trị Học viện Quân y, tôi được điều về làm Phó trưởng Ban PNQĐ. Gần một năm sau, chị Hồng được nghỉ chế độ, thì tôi thay chị. Dẫu đã có thời gian ngắn làm quen với công việc, nhưng tôi vẫn rất lo lắng. Bởi sau 4 kỳ Đại hội, mặc dù phong trào phụ nữ toàn quân đã khởi sắc và thực sự có bước phát triển, nhưng tình hình chung vẫn còn lắm khó khăn. Thiếu hụt từ cơ sở vật chất, trang bị, đến nhân sự. Nhưng chị em luôn yêu thương nhau, quyết tâm dấn bước, chứ không bàn lùi.

Tôi nghĩ, mấu chốt vẫn là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của thủ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp là TCCT; sự ủng hộ mạnh mẽ của lãnh đạo, chỉ huy và cơ quan chính trị các đơn vị trong toàn quân; sự giúp đỡ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, phong trào phụ nữ toàn quân có bước tiến vững chắc, mạnh mẽ. Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban PNQĐ gắn với nội dung thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí. Từ chương trình hành động của PNQĐ 5 năm, đến Quy chế công tác phụ nữ trong QĐND Việt Nam bổ sung, sửa đổi và được TCCT ban hành, mở hướng phát triển mới cho công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ toàn quân.

Đáng nhớ nhất là kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ, PNQĐ tổ chức đoàn cán bộ “về nguồn”, đi thăm và tặng quà cho hàng chục gia đình liệt sĩ, thăm một số đơn vị làm nhiệm vụ ở vùng sâu, vùng xa; viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, thăm Bệnh xá Đặng Thùy Trâm; vận động cán bộ, hội viên đóng góp ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, cùng nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Bên cạnh việc tập trung kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách công tác nữ và cán bộ hội ở cơ sở, Ban PNQĐ còn tổ chức được 2 đoàn đi tham quan, học tập kinh nghiệm ở Trung Quốc, Malaysia, Singapore, đạt kết quả tốt.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Thị Thanh Hà thăm Ban PNQĐ (2017)

• PV: Là người được đào tạo bài bản về tâm lý giáo dục, trên cương vị Trưởng ban PNQĐ, chị cảm nhận thế nào?

• Thiếu tướng, TS N.T.T.H: Tôi nghĩ học vấn luôn là nền tảng của mọi công việc, dù môi trường nào cũng vậy. Vấn đề nằm ở chỗ vận dụng kiến thức thế nào cho sáng tạo, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể. Nghị lực, tâm huyết, cộng với sự mềm dẻo, khéo léo… thường đem lại thành công.

Bên cạnh sự tin tưởng của cấp trên, tôi còn có niềm tự hào về gia tộc quân nhân của mình và của ông xã, nên bản thân luôn xác định phải sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cống hiến của gia đình hai bên. Được đứng vào đội ngũ để tiếp tục sự nghiệp của những người lính, tôi đã nỗ lực hết mình, học hành và phấn đấu.

• PV: Chị đã kế tục xuất sắc truyền thống gia đình và đi lên bằng chính đôi chân của mình. Sự kiện tháng 12-2013, chị được thăng quân hàm Thiếu tướng là một ví dụ.

• Thiếu tướng, TS N.T.T.H: Điều quan trọng là mình luôn ý thức được vinh dự và trách nhiệm để nhìn lên phía trước. Không tự mãn, ỉ lại, hoặc trông chờ vào sự “chiếu cố” của cấp trên. Nhưng tự đáy lòng, tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Quân đội đã tạo điều kiện cho mình được thử thách, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

6 năm trên cương vị Trưởng ban PNQĐ, tôi cùng với các chị em hòa đồng như trong một gia đình, luôn đặt nhiệm vụ lên trên hết. Ngay cả việc lựa chọn con người về làm việc cũng vậy, công tâm, vì lợi ích chung. Tròn 10 năm tôi rời Ban PNQĐ, nhận nhiệm vụ mới và giờ đây, trở về với đời thường, nhưng tôi vẫn được các chị em và các cháu ở Ban quý mến, trân trọng. Tôi nghĩ đó là một phần thưởng lớn. Với tôi, Ban PNQĐ là một nơi chốn đi về, sẻ chia, đồng cảm…

Thăm gia đình Thiếu tướng, TS Nguyễn Thị Thanh Hà

*

Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương (B.T.L.P) nguyên là Phó trưởng Phòng Phát hành phim và băng hình, Cục Tuyên huấn (TCCT). Tháng 6-2013, chị được Bộ Quốc phòng bổ nhiệm làm Trưởng ban PNQĐ thay cho TS Nguyễn Thị Thanh Hà được điều động giữ chức Chính ủy Viện Y học cổ truyền Quân đội.

Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương - Trưởng ban PNQĐ (6-2013 – 4-2018)

• PV: Là nữ tướng thứ hai đi lên từ cái “nôi” của Ban PNQĐ, chị vui lòng cho biết vài cảm nghĩ?

• Thiếu tướng B.T.L.P: Từ công việc đặc thù liên quan tới đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội trong toàn quân, khi được cấp trên giao nhiệm vụ mới, nói thật là tôi không có thời gian để “ngắm nghía” nữa, mà xắn tay vào cuộc luôn. Bởi lẽ, công tác phụ nữ là một nội dung trong công tác vận động quần chúng của Đảng; một mặt quan trọng của công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội, từng là một cán bộ Tuyên huấn nên với tôi không mấy xa lạ. Thế nên vào cuộc được ngay.

Là cơ quan thường trực Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Quốc phòng, Ban PNQĐ chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tham mưu giúp Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng ban hành các văn bản cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, nghị định của Chính phủ về công tác cán bộ nữ và bình đẳng giới (BĐG) phù hợp với đặc điểm tình hình quân đội.

Khép lại năm 2013, Ban PNQĐ vinh dự được tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất, được nhận cờ thi đua của TCCT và Trung ương Hội LHPN Việt Nam; đặc biệt là danh hiệu đơn vị Vững mạnh toàn diện của Bộ Quốc phòng.

• PV: Chủ trương của Ban PNQĐ lúc ấy là gì, thưa chị?

• Thiếu tướng B.T.L.P: Bám sát nhiệm vụ chính trị, thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của QUTU và Bộ Quốc phòng, trực tiếp là TCCT. Tập trung hướng về cơ sở, hỗ trợ, giúp cơ sở triển khai các phong trào phụ nữ và các cuộc vận động, xây dựng các mô hình, kịp thời rút kinh nghiệm và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Từ cuối năm 2013, sau khi được củng cố, kiện toàn biên chế tổ chức, Ban PNQĐ hoạt động ngày càng có hiệu quả hơn. Duy trì mối quan hệ rộng rãi với các cơ quan, đơn vị và nhận được sự đồng tình ủng hộ của các tổ chức quần chúng khác. Công tác truyền thông được chú trọng và thực hiện có nền nếp, mạnh dạn tổ chức bản thảo và cho ra mắt được một số tựa sách đáng chú ý, như: “Hoa nắng” (Nxb QĐND, 2015); “Ngọt ngào câu hát dân ca” (Nxb Thanh niên, 2015); “Sáng mãi niềm tin” (Nxb Thanh niên, 2016); “Những bông hoa bất tử” (Nxb Phụ nữ, 2016).

Tập san Thông tin Phụ nữ Quân đội phát hành đều đặn hằng quý, mỗi số 8.000 cuốn. Từ năm 2016, phát hành thêm 2 số đặc biệt chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 và ngày Phụ nữ Quân đội 20-10, đồng thời tăng số lượng phát hành lên 10.000 cuốn/ 1 số, đáp ứng nhu cầu của cán bộ, hội viên các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.

Đại tá Bùi Thị Lan Phương bàn giao chức vụ Trưởng ban PNQĐ cho Thượng tá Phùng Thị Phú (2018)

• PV: Đầu xuân, chị có muốn gửi gắm điều gì thêm?

• Thiếu tướng B.T.L.P: Vâng, trong nhiều điều tâm đắc, tôi chỉ muốn nói với các chị em tiếp nối công việc hôm nay, hãy luôn giữ ngọn lửa nhiệt tình và luôn nhớ mình là “Bộ đội Cụ Hồ” để phấn đấu. Vị thế và tầm cao của PNQĐ đã được khẳng định, đó là công lao và tâm trí của các thế hệ phụ nữ toàn quân, cần được tôn trọng và phát huy. Chúc cho Ban PNQĐ mãi là ngôi nhà chung ấm áp của tất cả chị em.

Thiếu tướng Bùi Thị Lan Phương với Ban PNQĐ (2021)

• PV: Xin được trân quý nói lời cám ơn 3 chị nguyên Trưởng ban PNQĐ. Kính chúc các chị mạnh giỏi, an nhiên!

HẢI VÂN - LAN CHI

BÀI VIẾT NỔI BẬT