column_right getExtensions 1732326010-1732326010

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732326010-1732326010

ĐẬM SẮC HOA VÀ NGÁT THƠM HƯƠNG…

ĐẬM SẮC HOA VÀ NGÁT THƠM HƯƠNG…

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:11-03-2023

ĐẬM SẮC HOA VÀ NGÁT THƠM HƯƠNG…

Tự ngàn xưa, khi loài người xuất hiện, phụ nữ đã là một nửa hết sức quan trọng của nhân loại. Kế thừa truyền thống hiên ngang, quật khởi của tổ tiên từ thời Bà Trưng, Bà Triệu anh hùng, phụ nữ Việt Nam luôn xứng danh với các bậc tiền bối. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930) và lãnh đạo cách mạng, phụ nữ trong cả nước đã hăng hái dấn bước dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, họ sớm có mặt trong hàng ngũ tự vệ công nông, tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước.

Cách mạng Tháng Tám 1945 đã lật nhào ách đô hộ non một thế kỷ của thực dân, đế quốc, chặt đứt xích xiềng hàng ngàn năm của chế độ phong kiến thối nát, giải phóng con người; đem lại quyền sống, quyền tự do, bình đẳng cho phụ nữ. Bất chấp vận nước đương lúc ngặt nghèo bởi giặc đói, giặc dốt hoành hành và thù trong, giặc ngoài lăm le trở lại xâm lược, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều quyết sách lãnh đạo, nâng vị thế của nữ giới lên ngang hàng nam giới. Từ thân phận tôi đòi, tủi nhục, phụ nữ Việt Nam thực sự “rũ bùn” đứng dậy chói lòa.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với nữ dân quân tự vệ, du kích ở các địa phương, số lượng nữ giới gia nhập các đơn vị bộ đội tập trung ngày càng tăng. Phụ nữ làm cấp dưỡng, nuôi quân, quân y, giáo viên; trong các binh công xưởng đầy hiểm nguy, họ là những công nhân thông minh và sáng tạo. Hàng vạn nữ dân công hỏa tuyến, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược ra mặt trận… Chị em đã góp phần to lớn cùng với toàn quân, toàn dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy địa cầu.

“Cầu người”, tất cả cho chiến thắng (Mậu Thân 1968)

Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hậu phương lớn miền Bắc sôi nổi phong trào phụ nữ “Ba đảm đang”; chị em tay cày, tay súng, thay chồng con, đánh giặc bảo vệ quê hương. Không chỉ có vậy, đông đảo nữ thanh niên hăng hái tòng quân đánh giặc, cùng nam giới “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.

Trên tiền tuyến lớn, phụ nữ miền Nam nổi danh với “Đội quân tóc dài”, không nề hy sinh gian khổ, không ngại tù đày, các má, các chị đi đầu trong đấu tranh chính trị và cả hoạt động vũ trang. Những trận đánh thông minh, gan góc của nữ biệt động Sài Gòn đã làm rung chuyển cả nước Mỹ, được truyền thông quốc tế ca ngợi như một biểu tượng sinh động của lòng yêu nước và căm thù quân xâm lược. Nhân loại không chỉ biết đến uy danh của bà Nguyễn Thị Định, nữ tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, người trực tiếp cầm quân trên chiến trường miền Nam ác liệt, mà còn ngưỡng mộ và khâm phục tài năng của nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình trên bàn hội nghị Paris. Đó là những hình ảnh lung linh ngời sáng của phụ nữ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình và nữ tướng Nguyễn Thị Định

Kế thừa truyền thống bất khuất, quật cường của dân tộc, “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, các thế hệ phụ nữ Việt Nam kế tiếp nhau, trong đó có phụ nữ quân đội, luôn xứng đáng với các bậc tiên hiền, tiên liệt. Trải qua hai cuộc kháng chiến, cùng với toàn dân và toàn quân ta, phụ nữ cả nước thật xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ kính yêu: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Sau ngày 30-4-1975, non sông liền một dải, đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Từ thời chiến chuyển sang thời bình, quân đội ta thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược: huấn luyện sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và tham gia xây dựng kinh tế trong thời bình. Tuy nhiên, “cây muốn lặng, gió chẳng đừng!”. Vừa ra khỏi cuộc trường chinh giành độc lập tự do, đầy hy sinh mất mát và đau thương, dân tộc ta lại đối diện với những thử thách cực kỳ khốc liệt. Thiên tai, địch họa triền miên. Chiến tranh nổ ra ở cả hai đầu biên giới phía Tây Nam và phía Bắc, đất nước bị bao vây, cấm vận... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước vượt qua bão dông, trụ vững và hướng tới tương lai. Phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp xứng tầm vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Khép lại 10 năm thực hiện phong trào “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (1978-1988) do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động và thực hiện Chỉ thị 44/CT-TW (7-6-1984) của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ”, Nghị quyết 176a/HĐBT (24-12-1984) của Hội đồng Bộ trưởng về việc “Phát huy vai trò và năng lực của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, phong trào phụ nữ và công tác phụ nữ trong Quân đội có bước phát triển mới. Tháng 11-1989, Tổng cục Chính trị (TCCT) phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong phụ nữ toàn quân.

Một sự kiện đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự định hình công tác tổ chức phụ nữ, đó là Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quân lần thứ I được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Hà Nội vào đầu tháng 5-1992. Với gần 5 vạn nữ, trong đó 23% quân nhân và 77% công nhân viên chức quốc phòng (CNVCQP), chị em có mặt trên nhiều lĩnh vực công tác và trở thành một lực lượng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng quân đội và củng cố quốc phòng. Ngày càng xuất hiện nhiều các nhà khoa học nữ mặc áo lính; các chị không chỉ có học hàm, học vị cao, mà còn đảm nhận cương vị lãnh đạo tại một số cơ sở nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện...

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) và TCCT cho lập hệ thống cơ quan công tác phụ nữ để chỉ đạo hoạt động thống nhất trong toàn quân. Ngày 10-3-1993, Bộ Quốc phòng ban hành Quyết định số 102/QĐ-QP thành lập Ban Công tác Phụ nữ Quân đội (gọi tắt là Ban Phụ nữ Quân đội) trực thuộc TCCT. Ban có chức năng nghiên cứu, tham mưu, đề xuất giúp Chủ nhiệm TCCT tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, về chủ trương, nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phụ nữ và phong trào phụ nữ, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, công tác giáo dục mầm non trong Quân đội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đoàn đại biểu phụ nữ toàn quân dự Đại hội PNQĐ lần thứ V (12-2011)

Vượt qua những bỡ ngỡ của buổi đầu, Ban PNQĐ nỗ lực khắc phục khó khăn, từng bước tự khẳng định vị thế của mình, là tổ chức quần chúng không thể thiếu trong QĐND Việt Nam. Hệ thống công tác phụ nữ được hình thành đến tận cơ sở, công tác phụ nữ trong toàn quân đi vào nền nếp và hoạt động nhịp nhàng, có hiệu quả. Nhờ vậy, lực lượng phụ nữ toàn quân đã phát huy được tiềm năng chủ động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Đại tướng Phùng Quang Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư QUTƯ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao biểu trưng cho PNQĐ tiêu biểu (3-2012)

Từ đó trở đi, hằng năm, sau ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, toàn quân có thêm ngày Phụ nữ Quân đội 10-3, ngày hội tôn vinh sự cống hiến của phụ nữ lực lượng vũ trang, thể hiện sinh động sự bình đẳng giới, tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” cao quý. Phụ nữ Quân đội là một bộ phận cấu thành của Phụ nữ Việt Nam, một lực lượng quan trọng của xã hội. Đặc biệt, Nghị quyết 04/NQ-TW ngày 12-7-1993 của Bộ Chính trị, về “Đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới”, khẳng định quan điểm: Phụ nữ Việt Nam có truyền thống lịch sử vẻ vang, có những tiềm năng to lớn, là một động lực quan trọng của công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Phụ nữ vừa là người lao động, người công dân, vừa là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người…” mở ra một bước ngoặt mới.

Tham dự Đại hội Thi đua yêu nước Hội LHPN Việt Nam lần thứ III (2010 - 2015)

Trải qua 7 kỳ Đại hội, có thể nói về tổ chức, Phụ nữ Quân đội (PNQĐ) đã đi từ không đến có, với những bước tiến kỳ diệu. 5 lần Đại hội vinh dự được nhận các bức trướng do Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tặng, tuy câu chữ có khác nhau, song tựu trung lại, tất cả đều tô đậm phẩm chất “Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang” của PNQĐ.

Trong 30 năm qua, PNQĐ nổi bật với các phong trào thi đua tiêu biểu, từ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đến “PNQĐ tích cực công tác, lao động, học tập, thực hành tiết kiệm, xây dựng gia đình hạnh phúc”; tiếp nối là “PNQĐ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “PNQĐ tích cực học tập, lao động sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “PNQĐ đoàn kết - sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; và mới nhất là “PNQĐ trí tuệ - bản lĩnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới”.

Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư QUTƯ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng bức trướng: “Yêu nước, đoàn kết, sáng tạo, trung hậu, đảm đang” tại Đại hội Phụ nữ Quân đội lần thứ VII (12-2021)
Đại tướng Lương Cường - Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ QUTƯ, Chủ nhiệm TCCT và Thượng tướng Lê Huy Vịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng BQP, Trưởng ban VSTBPN Bộ Quốc phòng, trao thưởng cho phụ nữ tiêu biểu toàn quân (2012-2022)
Ký kết Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2022-2027 giữa Tổng cục Chính trị QĐND và Hội LHPN Việt Nam

Như ngọn lửa bắt đầu từ đốm lửa nhỏ, được phép của Tổng cục Chính trị, “Bản tin Phụ nữ Quân đội” ra số đầu tiên vào quý II năm 1993. Với sự nỗ lực cố gắng không mệt mỏi của các cán bộ lãnh đạo, biên tập viên, đăc biệt là sự nhiệt tình năng nổ của đội ngũ cộng tác viên, đến nay, tờ Thông tin Phụ nữ Quân đội không ngừng được cải tiến cả về nội dung lẫn hình thức, với hàng chục chuyên mục ổn định, có chiều sâu, nhiều tin bài có chất lượng... Tờ báo trở thành bạn đồng hành của cán bộ, hội viên phụ nữ toàn quân và được đông đảo bạn đọc đón nhận. Riêng năm 2022, xuất bản và phát hành 06 số “Thông tin Phụ nữ Quân đội” (60.000 cuốn)... góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp của phụ nữ toàn quân trong các lĩnh vực.

Đến năm 2022, toàn quân có 32 nữ quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (01 sĩ quan thực hiện nhiệm vụ độc lập; 10 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên tham gia đội hình Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 4 tại Nam Sudan; 21 nữ trong Đội công binh số 1 tại Nam Sudan và Abyei).

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, Ban PNQĐ vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba (2000), hạng Nhì (2003); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba (1998), hạng Nhì (2008), hạng Nhất (2013, 2018), hạng Nhì (2022) và nhiều cờ thi đua, bằng khen của Bộ Quốc phòng, TCCT, các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

Ban PNQĐ đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất (2018)
Vinh dự đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì (2023)

30 năm là một chặng đường không dài so với lịch sử dân tộc và lịch sử quân đội, nhưng Phụ nữ Quân đội đã dệt nên những mùa xuân đậm đà hương sắc.

Cán bộ, nhân viên Ban Phụ nữ Quân đội sum vầy bên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Phan Văn Giang (12-2021)
Các thế hệ cán bộ, nhân viên Ban PNQĐ tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày truyền thống Phụ nữ Quân đội và Ban PNQĐ (3-2023)

Tùy bút: NGUYỄN MINH TUÂN

BÀI VIẾT NỔI BẬT