column_right getExtensions 1732350823-1732350823

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732350823-1732350824

CON TEM QUÂN ĐỘI

CON TEM QUÂN ĐỘI

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:22-05-2023

Đến với thơ hay

CON TEM QUÂN ĐỘI

Anh về từ chiến trường xa

Con tem quân đội làm quà trao em

Tay em năm ngón dẫu mềm

Vẫn e chưa đủ dịu êm khi cầm

 

Miền Nam không có mùa đông

Vẫn e se lạnh sắc hồng trong tay

E rằng chỉ thoáng gió lay

Màu tem lẫn giữa màu mây đồng bằng

 

Hiểu giùm em phút bâng khuâng

Giấu trong câu nói nửa chừng lặng im

Nói thương người lính trong tem

Chính là thương lắm người bên cạnh mình!

 

Chốc rồi anh lại lên đường

Con tem ở lại hậu phương, nhớ thầm

Xin cho em được ân cần

Phong thư nhỏ, dán tem gần tên anh

 

Nếu em viết vội thư thăm

Chẳng vì em, chỉ vì tem đó mà!

Mong con tem gặp người xa

Cho màu hồng mãi không pha chút buồn

 

Dấu bưu điện sẽ in tròn

Con tem chắp cánh tâm hồn, nó bay

Thư em quen viết không dài<

Xin anh nhớ hiểu những lời... phía sau.

 

Cũng như em đã hiểu sâu

Tình anh, khi nhận quà trao ngập ngừng

8-1980
ĐINH THỊ THU VÂN

Lời bình của Nhà văn NGUYỄN MINH NGỌC

Bài thơ xuất hiện lần đầu trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội ngày tôi đang học năm thứ nhất Trường sĩ quan Không quân ở Nha Trang. Vào những năm đầu thập niên 80 (thế kỷ XX) sách báo chưa nhiều ê hề như bây giờ, kinh tế lại quá khó khăn, nên hễ vớ được cuốn sách hay tờ tạp chí nào thì người nọ chuyền tay người kia đọc nhầu nhĩ. “Con tem quân đội” được đông đảo bạn đọc yêu thích, bởi ngày ấy, hầu như gia đình nào chẳng có một hai người ở trong quân ngũ. Vả lại, chuyện các nữ sinh sư phạm yêu bộ đội bấy giờ đang rất phổ biến. Bởi một điều, giáo viên thì nghèo, còn lính thì gian nan, vất vả, thậm chí ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh, nhất là khi ở cả hai đầu đất nước đều đang có chiến sự, ấy là cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Như lời bài hát “Hành khúc ngày và đêm” nổi tiếng của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu rất được lớp trẻ mến mộ và ưa chuộng: “Ngày và đêm xa nhau. Đâu chỉ dài và nhớ. Thời gian trong cách trở. Đốt cháy ngời tình yêu”.

Sinh trưởng ở xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa, Long An, người con gái của quê hương “trung dũng kiên cường” thời đánh Mỹ, từng học nghề sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, thay vì đi dạy học, chị lại chuyển sang cầm bút. Có điều, thời nào cũng vậy, số người xếp hàng đến với văn chương bao giờ cũng dằng dặc dài, nhưng nào có mấy ai được “nghiệp” chọn? Số này thường rất ít và thi sĩ Đinh Thị Thu Vân là một trong số đó. Yêu và viết, cả hai với chị đều đắm đuối.

Làm thơ từ khá sớm, vừa xuất hiện đã lóe sáng, chị từng làm biên tập thơ, rồi Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Long An. Nổi bật với những bài thơ đầy nữ tính và đậm chất Nam Bộ, sâu lắng và thiết tha, rất đỗi chân thành, chị đã gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá. Đó là giải C cuộc thi thơ do Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) tổ chức 1980-1981 với bài “Nếu không có ngày Ba mươi tháng Tư”. Cũng trong năm 1981, chị Đinh Thị Thu Vân được Tạp chí Văn nghệ Quân đội tặng thưởng chùm thơ 3 bài “Áo người yêu”, “Con tem quân đội” và “Bài thơ lục bát của anh”. Tiếp đó, chị được nhận tặng thưởng văn học của Bộ Quốc phòng (1984-1989) cho tập thơ “Thay lời hát ru anh”. Thơ chị được đông đảo bạn đọc, đặc biệt là những người lính từ hậu phương ra tới tuyến đầu chép vào sổ tay và chuyền cho nhau đọc vì tác giả nói trúng, nói đúng, nói giùm họ rất nhiều điều. Luôn thủy chung với mảng đề tài chiến tranh cách mạng và người lính nhưng càng lúc hồn thơ Đinh Thị Thu Vân thêm thấm đẫm tình người, tình đời. Rất sâu đậm.

Năm 1987, chị được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam khi vừa tròn 32 tuổi. Đằm thắm, lành hiền đến mức gần như rụt rè, thi sĩ luôn tránh né mọi sự lao xao, ồn ĩ, để tĩnh tâm dồn sức cho ngòi bút. Vài năm nay, nhà thơ Đinh Thị Thu Vân chuyển về cư ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện tại, chị là Ủy viên Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Thành phố mang tên Bác.

Tôi đọc và yêu “Con tem quân đội” từ hơn 40 năm trước. Nhưng chỉ mới quen và chơi thân với chị chừng hơn chục năm nay. Để khỏi bị “tam sao thất bản”, nhà thơ Đinh Thị Thu Vân đã gửi cho tôi bản gốc của bài thơ này. Như chị từng giãi bày, bài thơ lưu dấu những rung động đầu đời của một thời thiếu nữ trong ngần. Điều khiến bạn đọc hết sức ngạc nhiên bởi ngày ấy con tem binh sĩ là vật hết sức bình thường và bé mọn, những người lính được cấp phát hằng tháng, thay vì phải mua tem bưu chính thông thường dán mỗi khi gửi thư, vậy mà nó vào thơ một người con gái thật hay, thật xúc động. Hóa ra đâu cứ phải viết về những đề tài lớn mới nên tác phẩm hay. Cái chính nằm ở phẩm chất của một tài năng và tấm lòng rộng lượng, bao dung.

Từ khi mạng internet xuất hiện, nhiều người, đặc biệt là giới trẻ không còn phải cặm cụi ngồi biên chép nữa, viết rồi bỏ phong bao, dán tem, chạy ra bưu điện bỏ vô thùng thư, ngóng, xem ra mất thời gian và tốn nhiều công đoạn quá. Ấy là chưa kể người chữ đẹp không sao, kẻ viết ngổn ngang như tre đổ bão thì quả ngại ngùng lắm thay. Thư điện tử vừa nhanh chóng, lại vừa nhẹ nhàng, tiện lợi. Vậy nên thử hỏi ngày nay còn mấy ai biết đến con tem nhỉnh hơn hai ngón tay, có hình răng cưa, dán lên bì thư nữa, đặc biệt là nhớ những con tem binh sĩ thân thương một thời?

Mở ra thực giản dị, bài thơ tự nhiên như cách của những người lính trận về hậu phương thăm người yêu, không cần vòng vo hay rào đón. Anh về từ chiến trường xa/ Con tem quân đội làm quà trao em. Trời đất, “quà” gì mà giản đơn vậy? Không hoa tươi, cũng không vải vóc, hay nhẫn vàng, mà là những con tem binh sĩ. Người con gái không chành chọe, chẳng ồ à, nhưng cũng không cảm thán mà biểu lộ tình cảm theo cách riêng rất mực khiêm nhường, nền nếp. Tay em năm ngón dẫu mềm/ Vẫn e chưa đủ dịu êm khi cầm. Trước tình cảm lớn của người lính, cô gái vẫn e ngại rằng có khi mình còn chưa xứng đáng. Mà đấy chỉ là món quà trong đáy ba lô của người lính nào hồi ấy chả có, làm sao có thể sánh được với giá trị vật chất khác? Gia tài lép kẹp của người lính chẳng có gì đáng giá, chỉ có tấm lòng… Nàng trân trọng.

Miền Nam không có mùa đông/ Vẫn e se lạnh sắc hồng trong tay/ E rằng chỉ gió thoáng lay/ Màu tem lẫn giữa màu mây đồng bằng. Trong hai khổ thơ liền nhau, tác giả ba lần sử dụng chữ “e” với cấp độ khác nhau để biểu lộ sự gì đó không rõ hình hài, thật mong manh nên chưa thấy yên lòng. Xứ này chẳng có mùa đông thì đã hẳn, nhưng sao người con gái “Vẫn e se lạnh sắc hồng trong tay”? Là bởi em vẫn chưa đủ tự tin mình xứng đáng với tình cảm ấm nồng đó thôi. Cái sự khiêm nhường hết mực, thật đáng trân trọng. “E rằng chỉ gió thoáng lay”, con tem mỏng mảnh, nhỏ bé lắm thay. Nhưng đến câu “Màu tem lẫn giữa màu mây đồng bằng” thì thật tài hoa. Vậy “màu mây đồng bằng” thì nào khác chi màu mây ngoài nơi biên ải? Có chăng là nó gợi một không gian khoáng đãng của đồng bằng châu thổ thẳng cánh cò bay và không bị núi non khuất lấp. Còn “màu tem” ở đây đâu chỉ đơn thuần là sắc màu của con tem bưu chính, mà ấy là bóng hình người lính giữa chốn đông người…

Nhưng đến khổ thơ thứ ba thì dường như mọi sự đã rõ. Người con gái dám can đảm vượt lên để tỏ bày tình cảm của mình, bởi thời gian đâu có nhiều nhặn gì cho cam. Hiểu giùm em phút bâng khuâng/ Giấu trong câu nói nửa chừng lặng im. Ca dao cũ có câu “Người khôn ăn nói nửa chừng”. Nhưng chỗ này không phải nói chuyện dại khôn, mà là sự ngập ngừng e lệ của người con gái. Hai chữ “bâng khuâng” tuy không mới nhưng đặt trong cảnh huống này giúp diễn tả sự rung động, khiến cho câu thơ có thêm trọng lượng. Nói thương người lính trong tem/ Chính là thương lắm người bên cạnh mình. Một sự lý giải ngắn gọn, tròn đầy, trong tình yêu hỏi có người con trai nào mong được hơn thế? Hạnh phúc thay cho người lính trận trong thơ.

Bạn đọc hiểu rõ điều thầm kín mà nhà thơ gửi gắm. Thời gian của những người trai thời binh đao thường gập gội, lúc nào cũng vội vã. Chỉ về thăm nhà một thoáng chốc, gặp được người con gái mình yêu trong khoảnh khắc “giập bã trầu” chứ đâu có nhiều. Và may mắn thay, người con gái thấu hiểu và cảm thông, chứ không để cho hờn dỗi tầm thường lấn át. Như nén thật sâu một cái thở dài, câu thơ chợt trở nên se thắt: Chốc rồi anh lại lên đường/ Con tem ở lại hậu phương, nhớ thầm. Thương biết mấy tình cảm của người con gái: Xin cho em được ân cần/ Phong thư nhỏ, dán tem gần tên anh. Ở đây, tuy là con tem của anh tặng em đấy, nhưng khi nó được dán lên bì thư, thì đó chính là tấm lòng người ở lại, cho em được dán tem gần tên anh, để chúng mình có đôi, anh nhé.

Thật mềm lòng khi đọc những câu này: Nếu em viết vội thư thăm/ Chẳng vì em, chỉ vì tem đó mà! Ở hậu phương, em chả có gì đáng nói, chỉ lòng thương nhớ anh ở nơi xa. Cũng là con tem, nhưng ngữ nghĩa trong khổ thơ này có khác nhau. Nếu chữ “tem” trước gợi nhớ hình bóng của anh, vì thư em viết “chỉ vì tem đó mà”. Thì ở câu sau, “con tem” đã được đổi ngôi. Từ vai anh, đổi sang vai em. Bởi rằng “Con tem ở lại hậu phương, nhớ thầm” kia mà. Nó không còn là con tem thông thường nữa, mà là tấm tình của người con gái đấy thôi. Thế nên, tác giả mới chốt hạ: Mong con tem gặp người xa/ Cho màu hồng mãi không pha chút buồn. Bạn đọc tinh ý sẽ thấy thi sĩ dùng chữ “sắc hồng” ở khổ thơ thứ hai để nói về màu sắc của con tem quân đội, thì ở câu này, tác giả gói ghém vừa chân thật mà lại không kém phần kín đáo, tinh tế. Xin hãy tin ở tình yêu chung thủy của chúng mình, anh nhé.

Cứ ngỡ như bài thơ sẽ khép lại. Nhưng không, nhà thơ dấn thêm một nhịp đậm đà nữ tính. Dấu bưu điện sẽ in tròn/ Con tem chắp cánh tâm hồn, nó bay/ Thư em quen viết không dài/ Xin anh nhớ hiểu những lời… phía sau. Ấy là những lời không nói, mà ánh mắt của em đã trao cho anh tất cả. Dẫu hai đứa chúng mình chẳng có chuyện thề non hẹn biển. Nhưng nào có cần chi với một tình yêu đích thực, sự rung cảm của con tim thì thường là “ý tại ngôn ngoại”! Cũng như em đã hiểu sâu/ Tình anh, khi nhận quà trao ngập ngừng.

Một bài thơ lục bát thật hay, tứ sâu, hiệp vần chuẩn mực, mà nhuần nhị tự nhiên chứ không hề gò gẫm, bởi vậy nó đến thẳng với trái tim bạn đọc và ngự luôn trong đó. Ngày ấy, trong hoàn cảnh gian nan cơ cực bởi chiến tranh, nhân tâm ly tán, rất nhiều người lính đã tựa vào “Con tem quân đội” để tin và để yêu, các anh chợt nhận ra rằng mình có một hậu phương vững vàng như thế. Họ đã dấn thân và không ngần ngại xông lên phía trước, xả thân vì Tổ quốc. Sức sống lâu bền của bài thơ nằm ở chỗ đó. Ấy là một thời chưa xa, không thể nào quên. Xin được cảm ơn tấm lòng đôn hậu của nữ sĩ Đinh Thị Thu Vân!

BÀI VIẾT NỔI BẬT