column_right getExtensions 1732315683-1732315683

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732315683-1732315683

CỔ TÍCH GIỮA ĐỜI THƯỜNG

CỔ TÍCH GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:01-01-2024

CỔ TÍCH GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Đó là câu chuyện về Bác sĩ chuyên khoa II, Thầy thuốc Nhân dân Đoàn Võ Kim Ánh, người con Đất Quảng. Thân phụ chị là ông Đoàn Viết Sửu (thường gọi Đoàn Sơ) ở thôn Nghi Sơn, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Còn thân mẫu là bà Đinh Thị Nhiều, người cùng quê.

Bìa cuốn sách nhỏ

 

Từ cái nôi cách mạng

Thuở trước, Nghi Sơn có tên là ấp Khe Mun, còn xã Quế Hiệp thì phải qua nhiều lần tách nhập mới có. Trên địa bàn xã có núi Hòn Tàu, một nhánh của dãy Trường Sơn chạy xuống phía Nam với nhiều hang động, lắm khe suối và sông. Đầu thập niên 40 (thế kỷ XX), Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Quảng Nam đã về đây gây dựng phong trào cách mạng. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, vùng Hòn Tàu trở thành căn cứ địa của Mặt trận 4 và của Đặc khu ủy Quảng Đà. Địa danh này đi vào văn học qua tập truyện ngắn “Vùng chân Hòn Tàu” của nhà văn Thái Bá Lợi, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân (Nxb QĐND) ấn hành năm 1978.

Từ năm 1941, ngôi nhà hai cụ Đoàn Quệ và Phạm Thị Mực, song thân của ông Đoàn Viết Sửu, được chọn làm nơi ở của các cán bộ cách mạng. Tỉnh ủy và các cơ quan Tỉnh ủy Quảng Nam đóng trong nhà cụ Quệ một thời gian khá dài. Nhà có vườn tược, có ruộng, hai cụ sớm giác ngộ, luôn hướng lòng mình về cách mạng. Chẳng những lo nuôi giấu và bảo bọc cán bộ, mà các cụ còn hướng con cháu đi theo con đường sáng. Trong số những cán bộ lãnh đạo thường lui tới hoạt động, có ông Võ Toàn (bí danh Võ Chí Công) - Xứ ủy viên kiêm Bí thư Tỉnh ủy Quang Nam; ông Nguyễn Sắc Kim - Thường vụ Tỉnh ủy; các Tỉnh ủy viên: Lê Chưởng, Trương An, Trương Hoàn…

Là bí thư chi bộ xã, cuối năm 1942, ông Đoàn Viết Sửu bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà lao Hội An cùng một số người khác. Bọn cai ngục phát hiện ra ông Sửu miệt mài học chữ Quốc ngữ trên sàn nhà lao, chúng đánh đập và đày ông lên Buôn Ma Thuột. Tại đây, ông được gặp nhiều bạn tù cùng hoạt động trước đây, bị địch bắt giam, những người đồng chí: Võ Toàn, Trương Kiểm, Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, v.v… Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ông Sửu được trả tự do. Cấp trên điều ông về tăng cường cho Tỉnh ủy Phú Yên, lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền, tháng 8-1945. Ngày ấy, cao nguyên Vân Hòa thuộc huyện miền núi Sơn Hòa, là nơi trú đóng các cơ quan lãnh đạo của tỉnh Phú Yên. Để giúp chồng chuyên tâm lo công tác cách mạng, năm 1948, bà Nhiều rời quê nhà vào đây sinh sống. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước sang giai đoạn mới, bộn bề cam go, thiếu thốn. Ông Sửu lui vào hoạt động bí mật, nên vợ chồng thi thoảng mới có dịp gặp nhau. Hạnh phúc đơm hoa, kết trái. Đầu tháng 10-1953, tại Sơn Hòa, bà Nhiều sinh hạ con gái đầu lòng, đặt tên là Đoàn Kim Anh.

Lúc này, quân Pháp tuy bị co kéo và phân tán lực lượng trên nhiều mặt trận, nhưng biết Sơn Hòa là nơi trú ngụ của Việt Minh tỉnh Phú Yên, nên địch gia tăng đánh phá, càn quét vào khu căn cứ. Tình thế khiến các cán bộ lãnh đạo của tỉnh và huyện phải liên tục thay đổi địa bàn hoạt động. Vì lẽ đó, bà Nhiều đem con về cố hương nương nhờ bên ngoại. Nhờ sự giúp đỡ của anh chị em và bà con lối xóm, một nếp nhà tranh tre được dựng làm chỗ cho hai mẹ con tá túc, trong khi người chồng vẫn biền biệt xa nhà.

 

Đến tuổi thơ dữ dội

Từ sau Hiệp định Gèneve 1954, tổ chức phân công ông Sửu ở lại Phú Yên hoạt động với cương vị Tỉnh ủy viên. Nhằm độc chiếm miền Nam, Mỹ hất cẳng Pháp, dựng nên chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, thực thi chính sách “tố cộng, diệt cộng” tàn ác, chúng thẳng tay đàn áp những người cách mạng và kháng chiến cũ.

Hằng ngày, bà Nhiều phải quần quật làm lụng để nuôi con. Năm tháng đằng đẵng, hai mẹ con bặt tin tức về ông Sửu. Không chỉ đối xử tàn bạo, kẻ thù còn có chủ trương thâm độc là phá hoại gia đình các cán bộ cách mạng, chúng truy bức o ép vợ con họ, nhằm lung lạc tinh thần… Dưới cặp mắt cú vọ của tụi ác ôn, thì bà Nhiều là “gái một con” có vẻ ngoài ưa nhìn, nhưng vợ một cộng sản gộc, nên chúng quyết không để yên. Tình thế chẳng đặng đừng, không còn cách nào khác, bà Nhiều đành gá nghĩa với một người đàn ông trong làng, để tránh sự dòm ngó. Kim Anh sống với ông bà ngoại, đến khi ông bà mất, thì quay về ở với mẹ. Lên 6 tuổi, cô bé được mẹ cho đi học, trường chỉ cách nhà dăm cây số. Cứ một buổi học, một buổi chăn bò thuê, phụ giúp mẹ.

Một lần, chính quyền bắt học trò tập văn nghệ. Khi đám trẻ đang hát múa thì bất thình lình một quả đạn pháo của địch từ quận lỵ Quế Sơn rót trúng vào chỗ tập, làm nhà đổ sụp. Kim Anh ngất lịm, hai bạn gái chết tại chỗ, bạn khác bị cụt một chân. Sau đó, tuy vẫn cho con đến trường, nhưng lòng người mẹ đầy hoang mang. Lúc này, bà Nhiều có thêm hai đứa con với người chồng sau. Là chị lớn trong nhà, Kim Anh càng thêm vất vả. Người cha dượng mất sớm, mấy mẹ con lần hồi rau cháo nuôi nhau.

Những năm 1964-1965, vùng quê nghèo có nhiều nơi được giải phóng. Cách mạng cho mở trường trung học Quế Sơn, đặt ở xã Phú Diên (nay là xã Quế Phú, huyện Quế Sơn). Máy bay Mỹ đến dội bom, trong làng nhiều nhà cửa bị thiêu trụi. Nhờ có hầm trú ẩn, nên thầy trò may mắn sống sót. Sau hai lần con bị chết hụt, bà Nhiều không cho Kim Anh đi học nữa.

Vào năm 1966, bỗng một hôm có người đến tìm mẹ con bà Nhiều. Đó là chú Tương, cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, được Bí thư Tỉnh ủy Võ Trọng Hoàng (Bốn Hương) cử về chắp nối với gia đình. Hồi hoạt động bí mật, ông Bốn Hương từng ở trong nhà cụ Đoàn Quệ. Chú Tương nói rõ ý định của Tỉnh ủy, muốn bà Nhiều cho con gái lên căn cứ, biết đâu có thể gặp được người cha của mình. Đầu năm 1956, ông Sửu có tạt về quê được một lát, nhưng ngặt kẻ thù đang săn lùng ráo riết, nên ông chỉ dám nhìn vợ con từ xa rồi vội vã đi ngay. Nỗi khao khát mong được gặp cha, thèm tiếng gọi: “Ba ơi” đã khiến Kim Anh đồng ý.

Luồn rừng và trèo đèo, sau mấy ngày thì hai chú cháu về đến nơi Tỉnh ủy đóng bên bờ suối thuộc xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Mới đầu, lắm khi nhớ mẹ, nhớ các em, cô bé một mình ra bờ suối ngồi khóc. Là người nhỏ tuổi nhất, được phân công học đánh máy chữ, Kim Anh cố gắng chăm chỉ. Ở cơ quan, ai cũng thương mến. Riêng chú Bốn Hương thì chăm sóc và coi như con gái, chú nói rõ là muốn cháu Anh đi theo con đường cách mạng mà ông bà, cha mẹ và các cô chú đã chọn. Vượt qua được những thử thách đói cơm, lạt muối và cả những trận sốt rét, Kim Anh dần hiểu được mục tiêu và lý tưởng cách mạng. Tới hồi chiến sự bớt căng thẳng, cô được phép về thăm nhà ba ngày, nhưng thực tế là chỉ ở với mẹ và em một đêm trong hầm tránh pháo. Không ngờ đây là lần cuối, Kim Anh được gặp mẹ.

Đầu năm Đinh Mùi 1967, có một vị thượng cấp đến làm việc với Tỉnh ủy Quảng Nam. Vừa nhác thấy Kim Anh, ông liền hỏi Bí thư Võ Trọng Hoàng. Biết là con gái của anh bạn Đoàn Viết Sửu, ông lặng lẽ không nói gì. Đến bữa, ông cho gọi cô bé vào cùng ăn cơm. Qua câu chuyện, mới biết đó là ông Võ Chí Công (Năm Công), người giữ cương vị Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Thời hoạt động bí mật, nhà lãnh đạo này từng được ông bà nội của Kim Anh nuôi giấu. Cô bé khóc nghẹn không nuốt nổi miếng cơm khi nghe bác Năm Công cho biết cha cô đã hy sinh. Trong bữa ăn, ông Võ Chí Công ân cần nói sẽ lo cho Kim Anh ăn học nên người. Để bảo đảm tính pháp lý, ông nhắc Văn phòng Tỉnh ủy hoàn tất các thủ tục nhận Kim Anh làm con nuôi. Tình cảm cách mạng sáng trong, ân nghĩa lớn lao và sự thủy chung hiếm có giữa những người đồng chí, anh em cùng chung lý tưởng. Từ đây, trong giấy tờ, cô bé được mang thêm họ Võ của cha nuôi và cải tên mới thành Đoàn Võ Kim Ánh.

Ngày ông Năm Công rời Tỉnh ủy về Văn phòng Khu ủy, có cô con gái nuôi đi cùng. Đến nơi mới, Kim Ánh được gặp nhiều chú bác từng biết cha mình, nên ai cũng quan tâm. Ấm áp nhất là khi được về ra mắt gia đình cha mẹ nuôi. Phu nhân Phan Thị Nễ là một cán bộ cách mạng hoạt động từ thời tiền khởi nghĩa, bấy giờ bà đang làm Phó ban Nông hội Khu 5. Ba mẹ nuôi có hai người con trai, nên ông bà thương quý Kim Ánh như con gái ruột.

Với gia đình ba mẹ nuôi tại Hà Nội, 1971 (Kim Ánh ngoài cùng, bên phải)

Mùa thu năm 1967, khi ông Võ Chí Công ra báo cáo tình hình với Trung ương, Kim Ánh cũng được bố trí theo đường giao liên ra Bắc vào trường học sinh miền Nam. Khoảng giữa năm 1971, cô muốn xin trở về Nam, nhưng ba nuôi không đồng ý. Ông khuyên con gái phải học để có một nghề. Thế là Kim Ánh được gửi lên Sơn Tây học trung cấp quân y. Là học viên dân sự duy nhất ở một trường quân sự, vượt khó, chị học tập và phấn đấu tốt. Ngày 5-10-1972, Đoàn Võ Kim Ánh được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Tốt nghiệp ra trường, chị xin vào Khu 5 công tác. Về quê, chưa kịp vui thì nhận tin mẹ ruột, bà Đinh Thị Nhiều hy sinh năm 1969, để lại hai đứa em côi cút. Đau xé ruột gan…

Sau khi giúp đưa hai em ra Bắc học tập, năm 1974, chị Kim Ánh được ba nuôi gợi ý, con phải học lên để phát triển chứ không thể làm y sĩ mãi được. Nghĩ mình đã chọn đúng nghề, chị ưng thuận ngay. Nhân có đoàn cán bộ Khu ủy Khu 5 ra Hà Nội, ông Năm Công gửi con gái đi cùng.

 

Tình duyên và sự nghiệp

Năm 1970, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5 Võ Chí Công ra Hà Nội họp. Dọc đường đi, ông dừng chân ở một đơn vị thuộc Đoàn 559, cạnh bờ sông Sê Pôn. Sắp sẵn ý định sẽ cho cậu y sĩ bấy lâu vẫn chăm sóc sức khỏe cho mình đi học, vì vậy, ông Năm Công liền nhắm kiếm người thay thế. Trong lúc nằm võng nghỉ ngơi, ông để ý thấy một chàng trai trạc 19, 20 tuổi cứ đến bữa thì nhanh nhẹn bê cơm về cho đơn vị. Hỏi chuyện, thì biết đó là chiến sĩ quân y Nguyễn Thành Đức, quê ở Điện Thọ, Điện Bàn, Quảng Nam. Thế là ông quyết định rút người lính - đảng viên trẻ nhập vào đoàn công tác tháp tùng mình ra Bắc. Hoàn thành nhiệm vụ, anh Đức được cử đi học tại Trường văn hóa Lạng Sơn của quân đội.

Trong lần ông Võ Chí Công xuống nghỉ tại Đồ Sơn, tình cờ anh Đức cũng được đơn vị cho đi an dưỡng. Ông cho gọi chàng trai vào hỏi han tình hình học tập, công tác. Sau khi giới thiệu Thành Đức với Kim Ánh, thấy gia cảnh giống nhau, lại cùng quê, nên ông Năm Công đã tác thành đôi lứa. Và tình cảm đến thật tự nhiên. Họ hẹn ước và tiến tới hôn nhân. Được ba mẹ nuôi ủng hộ, đám cưới đời sống mới hết sức giản dị diễn ra mùa thu năm 1974 tại Nhà khách Văn phòng Trung ương Đảng (số 8 Chu Văn An, Hà Nội). Cưới xong, hai vợ chồng tiếp tục đi học.

Kim Ánh tại Khu 5, năm 1974

Đầu tháng 5-1975, chị Kim Ánh một mình “vượt cạn” khi chồng bận học xa, cha mẹ nuôi đã chuyển vào Đà Nẵng. Con gái mới 3 tháng tuổi, chị nhận được giấy gọi của Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên. Xa xót thương con, ngổn ngang trong đầu chị câu hỏi “đi học hay không đi?”. Đấu tranh dữ lắm, cuối cùng chị bấm bụng dù cực đến mấy cũng phải ráng học, bởi đây chính là tương lai của mình, dẫu biết ôm con đi học là cả một sự bầm trầy khôn xiết.

Vượt lên bao nỗi gian truân, cuối tháng 9-1980, Đoàn Võ Kim Ánh tốt nghiệp bác sĩ đa khoa. Trở về, góp sức xây dựng quê hương, chị nhận công tác ở Bệnh viện quận Nhất (nay là quận Hải Châu) thành phố Đà Nẵng. Đi lên bằng chính đôi chân của mình, năm 1986, chị Kim Ánh làm Giám đốc Bệnh viện này. Khó khăn vây bủa, nhưng bằng nghị lực và cả tấm lòng, chị cùng tập thể vực dậy một cơ sở y tế xuống cấp trầm trọng. Chồng bộ đội, vợ thầy thuốc, đồng lương không đủ nuôi con. Chị nhận việc để làm ngoài giờ, từ tuyển lựa hạt cà phê, đến cắt giấy báo cũ dán làm túi đựng áo comple, rồi xoay ra nuôi heo, trồng rau… kiếm thêm thu nhập. Tuy đứng đầu một bệnh viện lớn, nhưng kinh tế còn rất khó khăn, thế nên chị vẫn duy trì việc chăn nuôi, đàn heo trong chuồng lúc nào cũng có từ 5 con trở lên. Địa phương tín nhiệm bầu bác sĩ Kim Ánh là điển hình tiên tiến về chăn nuôi của quận Nhất và cử đi báo cáo thành tích cấp thành phố. Chẳng những không hề phật ý mà chị còn thấy vui vì lao động chân chính được tôn vinh. Nhờ chăn nuôi, mà cuộc sống gia đình chị được cải thiện nhiều.

Bác sĩ Kim Ánh thời gian tu nghiệp ở Mỹ, 1994

Là cán bộ chính trị được đào tạo bài bản, anh Nguyễn Thành Đức làm Trưởng ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (QN-ĐN). Thời gian giữ chức Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 2, chẳng may anh bị tai nạn rồi thoát vị đĩa đệm, không đi lại được. Bệnh tình chồng còn đương nguy kịch thì tiếp đến con gái út bị bệnh do cơ sở y tế chẩn đoán sai. Đúng là “họa vô đơn chí”. Vừa gánh vác trọng trách ở cơ quan vừa đôn đáo tìm cách chạy chữa cho chồng, thuốc men cho con, có lúc chị Kim Ánh như bấn loạn. Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là người cha nuôi, bấy giờ là Phó Thủ tướng Võ Chí Công, dù rất bận bịu nhưng ông vẫn không quên động viên con gái, con rể, nhờ vậy mà bác sĩ Kim Ánh vững lòng “còn nước còn tát”.

Ông ngoại Võ Chí Công với gia đình Thành Đức - Kim Ánh, 1986

Sau hơn nửa năm điều trị đúng và kiên trì luyện tập, như có phép mầu, anh Đức bỏ nạng và đi lại được. Khi sức khỏe đã bình phục, cấp trên bố trí anh về công tác ở Bộ CHQS tỉnh QN-ĐN. Làm tốt chức trách được phân công, năm 1994, Nguyễn Thành Đức đảm nhiệm Trưởng phòng Chính sách Cục Chính trị Quân khu 5.

Năm 1997, Bệnh viện quận Nhất được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Giám đốc, Bí thư Đảng ủy Đoàn Võ Kim Ánh được nhận bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh QN-ĐN và bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; chị được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Là Thành ủy viên, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Đà Nẵng, chị còn là Quận ủy viên, đại biểu HĐND quận Nhất. Trong năm này, tỉnh QN-ĐN chia tách thành hai đơn vị hành chính, các quận nội thành đều được đổi tên. Bác sĩ Kim Ánh làm Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu. Đến năm 1999, chị được đề bạt làm Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng. Chị dự thi và trúng tuyển vào lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa II tại Đại học Y khoa Huế.

Ông bà Kim Ánh - Thành Đức sum vầy bên con, cháu, 2013

Từ cương vị Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 5, năm 2004, Nguyễn Thành Đức làm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu. Tháng 2-2006, anh nhận quân hàm Thiếu tướng, đến tháng 12-2007, được bổ nhiệm giữ chức Chính ủy Quân khu 5. Cùng năm, bác sĩ Đoàn Võ Kim Ánh làm quyền Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng. Hơn một năm sau, chị được nghỉ chế độ. Nhưng chỉ mới vài tháng, bác sĩ Kim Ánh được mời ra làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bình Dân, bệnh viện tư nhân đầu tiên của Đà Nẵng. Tiếp đó là Giám đốc Bệnh viện Tâm Trí…

Ngày 12-8-2009, Chính ủy Nguyễn Thành Đức được vinh thăng hàm Trung tướng. Năm 2012, bác sĩ Đoàn Võ Kim Ánh được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc Nhân dân”. Giờ đây, anh chị đều thảnh thơi vì những đóng góp hết mình cho tập thể, xuất phát từ tấm lòng chân thật, không dựa dẫm. Ba cô con gái đều đã phương trưởng: Nguyễn Quế Thu làm việc tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Nguyễn Hải Đà công tác trong quân đội; Nguyễn Đức Quỳnh Anh ở Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh.

Cặp đôi hoàn hảo (1-2023)

Ngày 5-10-2022, chị Đoàn Võ Kim Ánh được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng. Bước sang tuổi “thất thập nhi tòng tâm…” (Khổng Tử - Luận Ngữ), chị cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Qua những thăng trầm”, Nxb QĐND ấn hành 2023, ghi lại ký ức cuộc đời mình, sâu nặng ân tình với Đảng, với cách mạng.

NGUYỄN MINH NGỌC
Ảnh: NVCC

BÀI VIẾT NỔI BẬT