column_right getExtensions 1732310100-1732310100

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732310100-1732310100

CHIỀU TẤT NIÊN

CHIỀU TẤT NIÊN

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:23-01-2023

CHIỀU TẤT NIÊN

Ngược cơn gió tận cùng của năm, tháng, tôi đi về phía cất giấu những kỷ niệm thuở thiếu thời của mình. Đường phố Hà Nội ngày ba mươi Tết rộng thênh. Mọi ngả đường không hối hả người nối người, xe nối xe như mọi ngày. Khi rong xe qua cánh đồng đào, tôi cứ nao nao về những ngày áp tết bên những luống đào thắm, đào phai của ông bà ngày trước. Cánh đồng đào, người xưa vẫn gọi là: “Vườn Thượng uyển của Kinh Thành Thăng Long” không còn nữa. Tôi trút vào hư vô tiếng thở dài. Không hiểu rặng liễu ven Hồ Tây có cộng hưởng với tiếng thở dài của tôi hay không mà thoảng như trong gió có tiếng đàn Hồ Cầm từ ngàn xưa thao thiết vọng về.

Chợ hoa ngày tết

Con đường vào làng hoa bây giờ thưa hẳn bóng cây cổ thụ và cũng không còn những khóm tre xanh mướt uốn cong mình rủ bóng xuống ao đầm như ngày trước nữa. Thay vào đấy là những vila, biệt thự sang trọng. Người ta nói, cái làng trồng hoa quanh năm bán mặt cho đất bán cật cho trời, giờ thành “làng tây” rồi. Họ nói cũng chẳng ngoa. Hơn một nửa số dân hiện đang cư ngụ ở đấy là người nước ngoài.

Nhớ hình bóng ông bà tết năm nao

Chầm chậm, tôi rẽ vào ngõ nhỏ thân quen. Một tốp nam thanh nữ tú trang phục rất mốt, từ trong ngõ ríu rít nói cười ùa qua tôi. Những gương mặt vô tư tươi rói kia đã xua cái rét cuối đông ra ngoài tuổi trẻ của họ. Nhìn theo, tôi mới thấy thời gian trôi nhanh quá, chưa làm nên tấm nên món gì đã truội đi mất nửa cuộc đời. Mới chiều tất niên năm nao, tôi với bạn bè cùng trang lứa bổi hổi trước xuân, cũng trống giong cờ mở, nói cười ríu ran như đám trẻ bây giờ. Vậy mà thoáng chốc tôi đã thành thiếu phụ bận bịu, đăm chiêu mọi nhẽ về cuộc sống đời thường. Mải suy nghĩ miên man, khi con vện mừng quýnh sủa váng sân nhà, tôi mới sực tỉnh trở về hiện tại.

*

Vào những năm cuối của thế kỷ trước, nhà nào cũng bán bớt đất lấy tiền xây biệt thự cho thuê. Riêng bà tôi vẫn giữ nguyên ngôi nhà và mảnh vườn trồng hoa từ nhiều đời trước. Bà quyết không bán hương hỏa của tổ tiên để lại, chỉ mong hậu sinh không quên nguồn cội từ nếp nhà này. Bởi vậy, tôi chẳng bao giờ quên kể cả những kỷ niệm nhỏ nhất. Mỗi khi tết đến, ký ức lại đưa tôi trở về với tuổi thơ, về với không khí tất niên của gia đình mình.

Rực rỡ sắc hoa thược dược

Hồi bà tôi chưa về với tiên tổ, ngoài những luống hoa được bà hãm để bán đúng vào sáng ba mươi Tết, bao giờ bà cũng dành một khoảnh đất để trồng một luống mùi, sả và hương nhu. Nhà làm nghề trồng hoa nên tất bật cho đến tận giao thừa, nhưng dù bận đến mấy, từ hai chín tết, bà tôi cũng phân công mỗi người một việc trong ngày tất niên thật rành rọt. Người quét dọn nhà cửa, người lau đồ thờ, người đãi đỗ rửa lá dong lá chuối, người gói bánh chưng bánh tẻ, người chở hoa ra chợ, còn bà đi mua đồ lễ tổ tiên. Mọi việc phải xong từ trưa ba mươi để buổi chiều cả nhà tề tựu dọn cỗ cúng tất niên.

Ấm tình thân từ những chiếc bánh chưng xanh

Dạo ấy, lũ bé con chúng tôi chỉ lăng xăng quanh nồi bánh chưng để chờ được bà nội cho cái bánh tí con. Sau khi vớt bánh, nồi luộc bánh cũng là nồi nấu nước tắm cho cả nhà. Nước cùng cây mùi, cây sả, lá hương nhu, lá bưởi được tiếp vào liên tục cho đến người tắm cuối cùng. Hơi nước tỏa ra thơm ngào ngạt khắp nhà ngang nhà dọc. Bà tôi bảo tắm tất niên bằng các loại cây lá có hương thơm ấy để rũ hết mọi rủi ro muộn phiền của năm cũ, rũ sạch bụi trần sau một năm mưu sinh, xóa đi mọi khúc mắc, buông bỏ mọi oan nghiệt giận hờn cho thân thể thanh sạch, nhẹ nhàng, tâm hồn thư thái mà rước xuân vào nhà. Bà còn nói thêm, riêng cây mùi già là thứ cây vừa có hương thơm vừa trừ được ma tà lẩn quất quanh con người, nên có thể thiếu loại lá nào nhưng trong nồi nước tắm tất niên không thể thiếu cây mùi già.

Hương mùi già truyền thống

Đã thành cái lệ, dù sợ rét mấy cũng không ai tránh tắm gội vào chiều tất niên. Sau khi bà nội mất, mẹ tôi vẫn giữ nguyên nếp của ngày tất niên cũ. Mãi đến lớp chúng tôi lớn lên mỗi đứa một nghề nghiệp, phiêu dạt bốn phương. Từ đấy, hiếm có những chiều tất niên sum họp đông đủ như ngày trước.

*

Trước sân, cây bưởi bố tôi trồng ngày cưới mẹ, hằng Tết nó vẫn nở hoa trắng muốt nghinh xuân. Cây xoài chú Hai mang từ miền Nam ra trồng ở cuối vườn cũng đang trĩu quả. Tất cả khung cảnh vẫn như xưa thế mà ngoảnh lại chỉ còn mỗi chú Hai tôi với ngôi nhà trống trênh đầy gió.

Mâm cỗ Tết dâng lên tổ tiên

Từ độ bà thím về theo các cụ, chú tôi trông càng lão. Suốt ngày ông cặm cụi ngoài vườn hệt như bà nội, như mẹ tôi ngày trước. Nhìn chú vẫn tay cuốc vai đeo thùng tưới, từng bước chúi về phía trước, thân thể như bơi trong bộ đồ lính đã bạc màu, tôi nao lòng. Kỷ niệm đẹp bao nhiêu thì nỗi buồn lại dâng lên trong vắt bấy nhiêu. Nó như mạch nước ngầm, lúc nào cũng đầy ắp trong tâm tưởng tôi không dây gàu nào múc cạn. Lớp người già trong nhà lần lượt ra đi, bàn thờ tổ tiên có thêm bát hương. Tôi thắp một tuần nhang xin các cụ cho phép được làm cái công việc ngày xưa bà nội chỉ phân công cho bố tôi hay chú Hai, bởi chỉ có đàn ông mới được làm việc ấy. Nhưng năm nay chú Hai giao cho tôi. Đang treo cờ Tổ quốc ngoài cổng chú tôi nói vọng vào nhà. Cháu nhớ lấy rượu trắng chưa dùng để lau đồ thờ, lau hoành phi câu đối hai bên ban thờ, lau bằng Tổ quốc ghi công cùng chân dung của ông bà, của bố mẹ cháu và những người đã khuất đấy nhé.

*

Hơi nóng của từng cặp bánh chưng vừa vớt ra ấm cả chiều ba mươi Tết. Nén bánh xong chú tôi lặng lẽ ra mở toang hai cánh cổng. Tôi biết, chú đang mong ngóng con cháu cành trên cành dưới của ông bà về tụ họp. Chú đưa thêm cho tôi nắm lá thơm và bó cây mùi già rất to để tôi thả vào nồi nước tắm cho cả nhà. Đón từ tay chú cái hương thơm quen thuộc, tôi bỗng rưng rưng như đang ôm tất cả linh hồn của những chiều tất niên tận quá khứ vào lòng mình.

NGUYỄN THỊ NGỌC HÀ
Ảnh minh họa: Internet

BÀI VIẾT NỔI BẬT