column_right getExtensions 1732360836-1732360836

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732360836-1732360836

CHỊ “ÚT MỘT TAY”

CHỊ “ÚT MỘT TAY”

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:08-06-2023

CHỊ “ÚT MỘT TAY”

Bài và ảnh: NGUYỄN MINH NGỌC

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, xã Phú Mỹ Hưng (huyện Củ Chi) là nơi có phong trào du kích phát triển mạnh. Sinh trưởng trong một gia đình cách mạng, năm 13 tuổi, Võ Thị Trong (Tiệp, Sáu Trong) làm Đội trưởng Đội thiếu nhi ấp Phú Hòa. Khi giặc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam, chị gia nhập Đội du kích ấp.

Tháng 2-1966, giặc Mỹ đánh phá ác liệt vùng Củ Chi, chúng dồn dân vào ấp chiến lược. Sáu Trong tham gia chống càn. Một đoàn xe tăng Mỹ từ hướng Trảng Bàng (Tây Ninh) xông thẳng vào đội hình của ta. Sau hơn 40 phút đụng độ, 1 xe tăng bị bắn cháy, địch gọi pháo dập và cho máy bay ném bom. Buổi chiều, xe tăng lại càn vào khu rừng ấp Phú Hòa (xã Phú Mỹ Hưng). Tại đây, chỉ với súng trường gắn AT, du kích vẫn kìm chân và tiêu hao sinh lực địch. Đặc biệt, ta thu 1 chiếc xe tăng nguyên vẹn, 1 khẩu 12,7 ly...

17 tuổi, Võ Thị Trong trở thành “Dũng sĩ diệt Mỹ” và “Dũng sĩ diệt xe tăng”. Tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ hai (9-1967), chị được thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba; được chụp hình lưu niệm với cô Ba Định, Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam.

Chị Võ Thị Trong tại Đại hội Anh hùng CSTĐ và dũng sĩ các LLVT GP miền Nam lần thứ 2

Tháng 5-1968, Sáu Trong được phân công về xã Lộc Hưng (huyện Trảng Bàng) bám dân, tìm nguồn lương thực cho bộ đội và du kích. Công việc ban đêm chưa xong, nên chị ém lại và đem chôn giấu vũ khí, tài liệu. Sáng sớm, một tiểu đoàn Mỹ hành quân càn vào khu vực ấy. Khi chúng đào công sự thì khui trúng thùng đạn đại liên, bên trong có quả lựu đạn, cùng tài liệu và tấm hình một nữ du kích với bà Nguyễn Thị Định. Dồn hết phụ nữ trong ấp để nhận diện, địch bắt được Sáu Trong. Lính Mỹ trói chị rồi vứt lên trực thăng đưa về giam tại Đồng Dù, rồi Trảng Bàng, Hậu Nghĩa… Mặc dù bị đánh đập tàn bạo, nhưng Sáu Trong vẫn cắn răng giữ trọn khí tiết. Là đảng viên, chị biết ở bên ngoài lãnh đạo rất lo lắng. Nhân có người nhà vô thăm, chị cắt một món tóc gởi về, ngầm ý nhắn với tổ chức yên tâm. Không thể buộc tội, địch đành phải thả Sáu Trong. Chị lại lao vào hoạt động. Nhờ sự mưu trí, linh hoạt và dũng cảm, năm 1969, Võ Thị Trong được điều về Huyện đội Củ Chi, làm Trợ lý Tham mưu, nắm lực lượng du kích mật của huyện.

Sau ba lần bị địch bắt và tra tấn dã man, cánh tay trái của Sáu Trong bị nứt xương. Do không được chữa trị kịp thời, vết thương bị nhiễm trùng nặng. Chấp hành lệnh của Huyện đội (4-1972), chị xuống bệnh viện Bình Dân, Sài Gòn. Nhằm che mắt địch, trong hồ sơ chị khai “độc thân”. Bệnh án ghi: đi làm rẫy, bị té…

Bị cắt cụt cánh tay, lúc tỉnh lại, Sáu Trong choáng. Chưa bao giờ chị lại có những giây phút đau đớn cả về thể xác, đau cả tâm tư như vậy. Chỉ còn một cánh tay, nay mai ra công tác thế nào, rồi đời tư sẽ ra sao? Chỉ một ngày sau, chị đã xin ra viện, về lại vùng “Đất thép Thành đồng”. Từ đây, đồng đội đặt thêm cho chị biệt danh “Út một tay” thân thương.

Năm 1973, sau khi dự lớp tập huấn quân sự ở Quân khu, trở về, chị Võ Thị Trong được Huyện đội cử làm Đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi. Việc đầu tiên của chị là củng cố tổ chức và thống nhất trong Ban chỉ huy, xây dựng các phương án tác chiến độc lập. Chị cùng toàn đội đánh hàng chục trận, tổ chức diệt ác phá kềm, làm nòng cốt trong phong trào đấu tranh trên địa bàn huyện.

Giữa tháng 4-1975, Trung đoàn Gia Định 2, danh hiệu là Trung đoàn Đất Thép được thành lập. Đội trưởng Võ Thị Trong cùng 11 nữ du kích Củ Chi được biên chế vào trung đoàn này. Đơn vị có nhiệm vụ đánh chiếm Tòa hành chánh tỉnh Gia Định, đồng thời hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành chính quyền.

Sau giải phóng, chị Sáu Trong về Tiểu đoàn 195, thuộc Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh. Người bạn đời của chị là một sĩ quan đặc công, quê ở Thái Bình, vẫn tại ngũ và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Nung nấu bởi ý nghĩ: hết chiến tranh rồi, phải ráng học, vậy nên, không quản ngại mưa nắng, ngày ngày chị vẫn kẽo kẹt đạp xe sang tận Thủ Đức học văn hóa. Trong vòng 4 năm, chị đã hoàn thành chương trình phổ thông trung học. Đến năm 1984, chị nghỉ mất sức với thương tật 2/4.

Không chỉ đánh giặc giỏi mà còn làm lụng và vén khéo. Đó là những phẩm chất ngời sáng của các nữ du kích Củ Chi, hôm qua và hôm nay. Trong hoàn cảnh hết sức gieo neo, chồng đi xa, một nách hai con nhỏ, nhưng chị Sáu Trong quyết không cam chịu đói nghèo. Mạnh dạn vay mượn đồng đội, bạn bè, chị mướn một khoảnh đất làm mô hình VAC. Một tay chị vừa gầy dựng nuôi heo, vừa trồng rau, rồi đào ao thả cá. Ban ngày, chị bươn bả kiếm thức ăn cho đàn heo. Tối đến, chị đốt đèn một mình kiên trì đào đất, lật cỏ. Với nghị lực phi thường, chị Sáu Trong đã biến khu đất cỏ cây rậm rạp thành một trang trại nhỏ. Nhờ tháo vát, biết dành dụm và căn cơ, làm ăn có kế hoạch, kinh tế gia đình chị ngày một khấm khá. Đến năm 1992, khi chồng chị nghỉ hưu, hai người tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, trồng rau, trồng cây cảnh… phát triển kinh tế gia đình. Bằng vào sức lao động của chính mình, từ chỗ tay trắng, chị đã tạo dựng được nhiều thứ khiến bao người phải mơ ước. Con gái lớn học xong Đại học Kinh tế, con trai tốt nghiệp Đại học Sư phạm. Gia đình, con cháu sum vầy…

Chị Sáu Trong và tác giả bài viết

Hiện nay, chị Võ Thị Trong ngụ tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12 (TP. Hồ Chí Minh). Tận mắt nhìn chị gói bánh chưng, bánh tét và làm các việc gọn hơ, đặc biệt ngắm cơ ngơi khang trang bề thế của anh chị, ai cũng phải trầm trồ, thán phục. Nhiều năm nay, chị là chi ủy viên và là tổ trưởng dân phố gương mẫu. Người cựu Đội trưởng Đội nữ du kích Củ Chi vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Chị luôn đi đầu trong các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, làm từ thiện, quyên góp ủng hộ các quỹ “Vì người nghèo”, “Vì Trường Sa”…

BÀI VIẾT NỔI BẬT