column_right getExtensions 1714191550-1714191550

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714191550-1714191551

CHỊ LÀ ĐOÀN LÊ HƯƠNG

CHỊ LÀ ĐOÀN LÊ HƯƠNG

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:17-03-2023

CHỊ LÀ ĐOÀN LÊ HƯƠNG

Chủ tịch Hội LHPN Thành phố Hồ Chí Minh - Đoàn Lê Hương, nhiệm kỳ 1991-1996

Trung tuần tháng 4-1975, trong không khí hối hả chuẩn bị mọi mặt tiến về giải phóng Sài Gòn, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định cử một đoàn cán bộ về Quận 10 làm công tác chỉ đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền. Đoàn gồm ba nữ cựu tù: Phạm Thị Sứ (Năm Bắc), Nguyễn Thị Châu (Ba Châu) và Đoàn Lê Hương (Chín Dân). Đây là sự kiện đặc biệt, chỉ riêng có ở một quận đặc biệt của một thành phố lớn.

Đoàn cán bộ về tiếp quản Quận 10, chị Đoàn Lê Hương, ngoài cùng bên phải (4-1975)

Trong số ba cán bộ, thì Đoàn Lê Hương nhỏ tuổi nhất, chị chào đời ngày 24-3-1947 tại Sài Gòn, nhưng gốc gác ở xã Hương Mỹ, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre. Chị là con thứ hai của nhà cách mạng Đoàn Văn Bơ (1917-1958), bí danh Tư Đông. Thưở nhỏ, ông Bơ học trường làng, từ 1936-1939, lên Sài Gòn học Trường Bá nghệ do người Pháp thành lập từ đầu thế kỷ XX, có tên là Trường Cơ khí Á châu (L’ecole des Mécaniciens Asiatiques).

Là một công nhân thực thụ, ông Đoàn Văn Bơ tham gia Công hội và lập gia đình với bà Lê Thị Ba người cùng tuổi, cùng làng Hương Mỹ. Sống ở Sài Gòn, ông là đảng viên hoạt động bí mật, còn bà làm nghề thợ may. Các con sinh ra đều được lấy họ cha ghép với họ mẹ thành “Đoàn Lê”. Thời bấy giờ, đây là điều mới mẻ ở người có vốn Tây học, chứ không theo kiểu truyền thống “trai văn, gái thị” xưa nay.

Từ cuối tháng 8-1950, ông Đoàn Văn Bơ có chân trong Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, do ông Nguyễn Văn Cúc (Mười Cúc, Nguyễn Văn Linh) làm Bí thư. Theo sự phân công của Đảng, ông Tư Đông không đi tập kết mà ở lại hoạt động nội thành. Tháng 9-1954, ông là Khu ủy viên Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong thời kỳ Ngô Đình Diệm ráo riết thực hiện quốc sách “tố cộng, diệt cộng”, khi giữ chức Thường vụ Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách Công vận, ông bị mật vụ địch theo dõi và ập đến bắt tại nhà riêng vào ban đêm (10-1958). Ba ngày sau, vợ ông cũng bị bắt nốt, khi ấy bà Lê Thị Ba đương có bầu 3 tháng. Hai vợ chồng cùng bị giam ở Đề lao Gia Định.

Vợ chồng Tư Đông vào tù, nhưng mật vụ chìm vẫn rình rập quanh nhà hơn 2 tháng, hòng giăng lưới bắt thêm các cán bộ khác. May sao, trước lúc bị địch bắt, bà Ba còn kịp buộc chiếc khăn cũ trước cửa làm ám hiệu… Chị hai Đoàn Lê Dung tập kết ra miền Bắc, bấy giờ Đoàn Lê Hương mới 11 tuổi, cha hy sinh, mẹ ở tù. Hương cùng hai em Đoàn Lê Phong và Đoàn Công Nhân (còn nhỏ) cui cút chăm sóc nhau. Những ngày đầu, hai chị em đòi đi học, địch không cho, họ nại cớ đòi đi thi, cuối cùng chúng chịu. Nói là đi học, nhưng cốt để đem tài liệu của ba để lại chuyển cho người em bà con cùng học chung trường (Võ Tánh, Gia Định) đưa qua nhà người dì ruột cất giấu. Cũng may đó là những tập tài liệu viết bằng thứ mực đặc biệt, nên nhìn vào chỉ thấy toàn giấy trắng. Thấy mấy chị em nheo nhóc, lối xóm mỗi người mang cho một ít thức ăn. Ban đầu địch hoạnh họe, nhưng bà con bảo, ba má sắp nhỏ không có nhà, sợ tụi nó đói. Mấy ông không chịu thì tụi tui đem về. Cuối cùng địch chấp nhận.

Mấy tháng sau, địch về Bến Tre, kêu bà nội lên nhận cháu và thu dọn đồ đoàn. Thấy không còn sự rình rập, đêm đến, mấy bà cháu nhóm bếp đốt giấy tờ. Mỗi ngày một ít, đến cả tuần mới hết. May sao bọc tài liệu Tư Đông quấn áo mưa ném trên máng xối, địch không phát hiện được. Bà nội dọn gửi đồ đạc mỗi nơi một ít, rồi đem bé Công Nhân về quê, còn Hương và Phong thì gửi cho một người bà con. Căn nhà bị chính quyền Diệm tịch thu.

Biết rõ Đoàn Văn Bơ là một cán bộ gộc của Thành ủy, địch tra tấn dã man hòng moi bí mật của Đảng, không lấy được thứ gì, chúng đánh ông đến chết ngay trong Đề lao. Sinh con trong tù, ban đầu bà Ba tính đặt tên con là Gia Định để sau này con nhớ nơi mình chào đời, đồng thời ghi nhớ mối thù người cha bị địch sát hại. Nhưng ngẫm nghĩ, bà sửa lại tên con là Đoàn Lê Phương Định. Con trai được 1 tháng tuổi, địch phải thả hai mẹ con về. Không nhà cửa, tiền bạc, con út còn đỏ hỏn trên tay, các con lớn mỗi đứa một nơi. Về tá túc tại nhà người em ruột ở Phú Nhuận, hằng ngày bà Ba ôm con đến Công đoàn, Công an địch, đòi trả nhà. Sự đấu tranh của người phụ nữ ít nói, hiền lành, nhưng kiên quyết, buộc chúng phải giải quyết. Đòi lại được nhà, bà Ba liền gom các con về, cho đi học, rồi mở máy khâu may quần áo cho người trong xóm. Lưng vốn không có, nghề không theo kịp thời trang, co kéo lắm, mấy mẹ con bữa đói bữa no. Nhưng bà Ba vẫn không sờn lòng.

Nhớ lời chồng dặn trước lúc hy sinh: “Ráng sống, nuôi dạy con cái nên người”, bà Ba cắn răng vừa làm lụng chắt bóp nuôi đàn con ăn học, vừa tham gia công tác. Bà hoạt động bí mật và trở thành đảng viên cộng sản. Hai cô con gái đều thi đỗ vào Trường nữ sinh Gia Long danh tiếng (nay là trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai).

Đến năm 1964, nhờ sự chắp nối của tổ chức, Đoàn Công Nhân được gửi ra Bắc học tập. Cùng thời gian ấy, Đoàn Lê Hương tham gia hoạt động cách mạng. Ngày 12-2-1965, chị được kết nạp vào Đảng khi đang học lớp Đệ tam, chi bộ trực thuộc Đảng ủy Sinh viên học sinh Sài Gòn. Đúng một năm sau, chị được công nhận đảng viên chính thức. Từ đây, chị Hương thoát ly, tham gia Thành đoàn Sài Gòn - Gia Định, và là Ủy viên Ban chấp hành Phân khu đoàn Thủ Đức. Tuy nhiên, mọi hoạt động cách mạng trên địa bàn nội thành, dù bí mật vẫn bị địch theo dõi và lần ra manh mối.

Tháng 3-1969, cảnh sát đón lõng và bắt được chị Đoàn Lê Hương tại chợ Đakao (nay thuộc phường Đakao, Quận 1, TP. HCM). Chúng giải chị đến cái bót gần cầu Băng Ky, gặp nhiều người quen cùng hoạt động, nhưng tất cả đều ngó lơ, không ai nhận ai. Sau những trận đòn khảo tra, không khai thác được gì, địch giải chị về ở Đề lao Gia Định, nơi chúng từng đày ải ba má chị hơn 10 năm về trước… Vì cương quyết chống chào cờ, chị bị địch biệt giam và còng chân. Đuối sức, bị tống vào một xó vắng ngắt như chùa Bà Đanh. Một hôm tưởng mình sắp chết, bằng chút sức lực yếu ớt, chị ráng sức la lên: “Có ai ở đây không? Tôi sắp chết!”. Sau nhiều lần vậy, có hồi âm. Từ lỗ thông hơi, có tiếng ho. Sau đó, chị nhận được qua trật tự một lon canh cải, ít sữa với lời nhắn: “Ráng cố gắng!”. Đó chính là lời động viên giúp người nữ tù trẻ tuổi biết mình không đơn độc. Không moi được bí mật nào, từ khám Chí Hòa, địch đày chị ra chốn “địa ngục trần gian” Côn Đảo. Ở đây, chị gặp nhiều bạn tù như Trương Mỹ Hoa, Võ Thị Thắng…

Tháng 3-1974, chị Đoàn Lê Hương mới được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu tiến hành trao trả tại Lộc Ninh, thủ phủ của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Tại đây, chị tình cờ gặp người quen cũ, anh Nguyễn Ngọc Hóa, quê ở Trung Huyện (nay thuộc huyện Bình Chánh, TP. HCM) cùng công tác ở cánh Thành đoàn, hai người từng có những ngày hoạt động sôi nổi trong phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn (1963-1964). Tên thường gọi của anh là Tư Trung, anh bị địch bắn bị thương chân và bắt giam năm 1968. Sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27-1-1973), địch đưa Tư Trung cùng 10 anh em tù bị bại liệt từ Côn Đảo về thả tại tỉnh Long Khánh (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Bị tàn tật, họ lết về một ngôi chùa quen. Tuy thả tù, nhưng địch vẫn bí mật quản chế và cho người tìm cách đầu độc, hãm hại. Nhờ cảnh giác cao độ và tỉnh táo, mấy anh em mới thoát nạn. Đến khi thấy chúng lơi lỏng, các anh số tìm về gia đình, số còn lại liên lạc được với tổ chức.

Gặp lại người bạn gái cùng hoạt động, cùng cảnh ngộ vừa ra tù, anh Tư Trung để ý và đem lòng thương. Và anh chính thức ngỏ lời với chị. Hoàn tất các thủ tục về công tác tổ chức, chị Đoàn Lê Hương nhận nhiệm vụ ngay…

*

Ba nữ cán bộ về tới Quận 10 còn chưa kịp ấm chỗ thì các chị Phạm Thị Sứ và Nguyễn Thị Châu bị địch bắt. Còn lại một mình, chị Đoàn Lê Hương vẫn kiên trì chắp mối liên lạc, vận động cơ sở tích trữ lương thực, thuốc men, may cờ… Bấy giờ chiến dịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu. Trong giờ phút kẻ địch hấp hối và hoảng loạn, đêm 29-4-1975, hai chị Năm Bắc, Ba Châu được thả về. Cả ba chị em cùng lao vào công việc với tinh thần “một ngày bằng 20 năm”, tổ chức lãnh đạo nhân dân nổi dậy, đón đại quân ta tiến vào nội thành.

Chị Đoàn Lê Hương (áo trắng) thăm các gia đình kinh tế mới

Tháng 6-1975, Thành ủy Sài Gòn - Gia Định chỉ định Ban chấp hành (BCH) Đảng bộ Quận 10 gồm 18 đồng chí, trong đó có Đoàn Lê Hương. Chị làm Bí thư Quận đoàn, tập hợp lực lượng thanh niên. Ở một thành phố đông dân vừa được giải phóng, chế độ cũ để lại vô số thứ phức tạp, Quận 10 cũng vậy, một khối lượng công việc bề bộn. Vừa tập trung xây dựng củng cố chính quyền cách mạng, vừa nghĩ cách lo cho dân khỏi bị đói. Ngay trong năm hòa bình đầu tiên, đám cưới của cặp đôi cựu tù Côn Đảo được tổ chức đơn giản, ấm áp.

Vào cuối tháng 5, đầu tháng 6-1977, bấy giờ chị Đoàn Lê Hương đang học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) tại Hà Nội, song Đại hội Đảng bộ Quận 10 lần thứ I vẫn tín nhiệm bầu chị vào BCH Đảng bộ khóa đầu tiên.

Phó bí thư Thường trực Quận ủy Quận 10, nhiệm kỳ 1986-1988

Tốt nghiệp trở về, năm 1978, là Quận ủy viên, chị Đoàn Lê Hương làm Phó ban Tuyên huấn Quận ủy. Với tính cách mềm mỏng, chị kiên trì vận động, thuyết phục, thực hiện nhiệm vụ cho bằng được! Đại hội Đảng bộ quận 10 lần II, chị Hương được bầu vào Ban Thường vụ Quận ủy, từ Bí thư Đảng ủy Phường 5, chị được phân công làm Trưởng ban Tuyên huấn Quận ủy, tiếp đó là Trưởng khối Dân vận. Tháng 7-1988, là Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Quận ủy, chị Đoàn Lê Hương được Thành ủy đề bạt giữ chức Phó bí thư thường trực Quận ủy Quận 10. Điều đáng nói là người em gái Đoàn Lê Phong của chị cũng phấn đấu trở thành Quận ủy viên Quận ủy 10 trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (khóa IV đến khóa VI).

Hai chị em Đoàn Lê Hương, Đoàn Lê Phong (12-2022)

Làm việc quên mình, hoàn thành xuất sắc các chức trách nhiệm vụ được phân công, năm 1989, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh quyết định điều động chị Đoàn Lê Hương sang giữ chức Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Thành phố. Đại hội đại biểu Phụ nữ Thành phố lần thứ V diễn ra trong 2 ngày 16 và 17-1-1991, chị Đoàn Lê Hương được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN Thành phố và là Thành ủy viên. Chưa hết nhiệm kỳ, tháng 8-1993, chị được điều động sang làm Trưởng ban Dân vận Thành ủy. Từ năm 1994, chị Đoàn Lê Hương là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, giữ chức Trưởng ban Dân vận liên tục trong 6 năm. Có nhiều đóng góp và cống hiến thầm lặng cho công tác dân vận của Đảng bộ Thành phố, chị được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X (1992-2002).

Tham dự Đại hội Phụ nữ thế giới lần thứ IV tại Bắc Kinh (Trung Quốc) 1995

Từ tháng 6-2000, chị Đoàn Lê Hương được phân công kiêm nhiệm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ Thành phố. Đến tháng 6-2006, chị mới được nghỉ công tác theo chế độ. Đầu năm 2020, chị Đoàn Lê Hương được nhận Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Tiếng là được nghỉ ngơi, song chị vẫn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội tại địa phương, làm đẹp hình ảnh của người cán bộ dân vận của Đảng. Hai con của anh chị (một trai, một gái) đều học hành tiến bộ và thành đạt, họ cùng ngụ trong một mái nhà đầm ấm gồm ba thế hệ.

NGUYỄN MINH NGỌC

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:2
Trong ngày:900
Trong tuần:7052
Trong tháng:7052
Cả năm:7052
Tổng lượt xem:7052