CHẠM HƯƠNG THU
CHẠM HƯƠNG THU
Thế là thu đã về. Nơi đầm sen, sắc xanh ngằn ngặt bắt đầu chuyển ánh vàng của nắng trên những cánh lá sen. Bề mặt đầm ngả màu trầm xem xém nâu nâu. Hương sen dường như vẫn gửi cả vào với đất và man mác trong không khí. Khiến cho cả một vùng ngan ngát như được tẩm ướp bởi mùi thanh khiết của hương sen. Hơi lạnh từ đá, chút nồng ấm từ hoa, nét mờ mờ từ hơi nước mỏng mảnh phơ phất làm nên nét riêng cho vùng cánh bãi ven sông. Năm ấy, cũng vào độ chuyển thu, trên đường về quê, qua đầm sen, bố dừng xe đạp. Hai bố con vừa dắt xe tản bộ, vừa trò chuyện.
Rồi bố dừng chân bên bờ đầm, đón một làn hương thoang thoảng trong gió lướt qua. Hương nhẹ mà say, dịu mà ấm, thoảng mà đằm, cứ như giọt nước thu rơi nhẹ trên tán lá rồi cứ thế, nhẹ nhàng loang thấm, thấm dần qua lớp diệp lục để vào sâu mãi nuôi cây. Tôi hít hà một hơi rồi thốt lên: Ôi thơm quá!
Bố nhìn tôi rồi lặng lẽ cầm tay kéo ra sát mép đầm. Bố chỉ tay vào những lớp lá đã mang màu nâu nâu của đất bên mép, phía trong vẫn còn chút xanh đậm làm nổi lên những đường gân trắng mờ trên mặt lá.
- Ngó vậy chứ trong đầm, không chỉ có sen thôi đâu, con. Nếu tinh ý, con sẽ thấy trong thoảng nhẹ của hương sen có chút thơm nồng hơi gắt. Ấy chính là mùi của sen quỳ.
Từ thuở nhỏ, tôi đã theo bố mẹ lên thành phố. Mỗi khi nghe các bạn của bố đến chơi đàm đạo thưởng trà nói nhớ hương phù sa, vị chua phèn của bãi sông quê, tôi không thể hình dung ra được. Mùi đất, mùi phèn có gì mà làm các bác với bố nhớ đến thế? Tôi tự hỏi và nhớ lại. Mỗi lần về quê, khi đi qua cánh đồng có đầm sen, bố thường dừng xe đi bộ. Bố lặng lẽ nắm tay tôi. Bố muốn chia sẻ cùng con gái, cảm nhận đến tận cùng của hương đất, vị quê, những thứ luôn in sâu trong tâm khảm của bố và các bác bạn cùng trang lứa nhớ đến nao lòng. Theo chân bố, qua vạt cỏ chân đê, tôi thấy mùi ngai ngái, hăng hắc; khi bước chân chạm đất bờ đầm, chỉ còn mùi thơm ngòn ngọt của sen, xen lẫn mùi ngầy ngậy của lúa.
- Cây cỏ cũng như con người. Thật giả chỉ như trở bàn tay. Như đầm sen này, con ạ…
Hoa sen quỳ là hoa gì? Tôi thường nghe nói đầm sen chứ có ai nhắc đến sen quỳ? Và chỉ thấy loài cây mọc lên từ bùn đất, hoa nở như hai bàn tay úp. Cái búp tay ấy ngay từ đầu đã phơn phớt hồng. Uống khí trời và hớp sương đêm, khi lớn bằng hai bàn tay người khum khum, búp sen từ từ bung cánh. Cả một vùng đầm, bãi, hương thơm phủ la đà. Hương quấn quýt, thoa nhẹ lên má, lên tóc, len qua từng sợi vải, ấp lên người dìu dịu, man mát dễ chịu.
Thấy tôi ngơ ngác, bố cười cười, gõ nhẹ lên trán.
- Chắc là con ngạc nhiên lắm đúng không? Thực ra quỳ cũng là một trong hơn trăm loại hoa sen. Quỳ người ta trồng để lấy hạt là chủ yếu, vì hạt to. Còn sen trồng để lấy hoa và lấy lá chữa bệnh. Sen có hương thơm nhẹ, thoảng, đằm và rất sâu. Quỳ cũng thơm nhưng có mùi nồng hơn. Người không tiếp xúc thường rất khó phân biệt được đâu là sen và đâu là quỳ.
Rồi chỉ vào một bông gần bờ, bố giảng giải:
- Như búp này chẳng hạn. Đây là sen. Hoa sen bao giờ màu cũng phớt hồng, búp hoa phía trên hơi bầu, cánh mềm, bên trong có nhiều lớp nhỏ ôm lấy đài. Quỳ búp dài hơn, cánh dày và bên trong chỉ có một lớp cánh ôm lấy nhụy, màu hoa đậm. Thân sen thẳng chứ không nhiều gai như thân quỳ. Sen mua về cắm trang trí trong nhà hay thắp lễ thường được lâu. Còn quỳ, thì ngắn hơn. Quỳ khi tàn là tất cả các cánh đều rơi. Không như sen, khi tàn cánh vẫn còn ôm lấy nhụy!
Bố nói kỹ, từ đặc tính, cách phân biệt và tác dụng của sen và quỳ. Ông kéo tôi ngồi lại bên cạnh, rồi đưa tay lên tóc âu yếm. Giọng của bố khác lắm, tựa như có tiếng thở dài nén trong từng lời khi thoát ra.
- Giá trị của mỗi con người không chỉ là hương thơm, cái tự thân tỏa ra mà còn là cách sống. Hãy sống như sen, dẫu có tàn vẫn cố kết không rời xa nguồn cội, vẫn cố bảo bọc, che chắn lấy nhụy để không vương vấn bụi đời. Quỳ không được vậy, hễ tàn là cánh rụng, để trơ nhụy phơi giữa nắng, gió, chỉ biết quãng đời mình đang sống.
Bố lặng nhìn tôi một lúc rồi bảo:
- Những điều bố nói hôm nay, có thể con chưa hiểu. Trong cuộc sống có rất nhiều cái tưởng giống nhau nhưng lại khác rất xa về bản chất. Sự nhầm lẫn sẽ không bao giờ định chính xác giá trị của sự vật và hiện tượng. Cái khó của con người chính là sự phân biệt được đâu là thực, đâu là giả, đâu là nét tương đồng. Thời gian và cuộc đời sẽ dạy con. Bố chỉ mong con hãy sống như sen, đừng như quỳ phải mượn hương và dáng của sen để sống.
Rồi những năm tháng theo chồng xa xứ, tôi không còn được gặp mùi ngai ngái của cây cỏ, sự nồng nàn của đất, hay nghèn nghẹn của váng phèn, chút thơm thoảng của sen, xen tôn thêm hương quỳ. Thay vào đó là mùi nhộn nhạo của phố thị. Nhưng hằng đêm tôi vẫn nhớ về mùi hương thoảng nhẹ mà quyến rũ, cứ dìu dịu mỗi khi qua đầm sen. Nhiều đêm, giật mình nghe như có tiếng ai đó nhẹ lắm, ới gọi trong làn gió ngan ngát hương đưa.
Chiều nay, một mình ngược thời gian tôi trở về quê. Theo lối cũ bố vẫn đi. Tôi gặp lại đầm sen đang vào cuối vụ. Chợt nhớ, mai ngày đầu tháng, tôi ghé vào quán tạm bên đường, nơi mấy hộ đấu đầm dựng lên để bán hoa. Nhặt lên một bó, tôi nhận ra trong đó có lẫn cả sen và quỳ.
- Chị ơi, em mua sen thôi. Chứ đây có lẫn quỳ.
Một thoáng như kinh ngạc, người phụ nữ nghiêng chiếc nón che đi quá nửa khuôn mặt. Giọng chị rất nhỏ chỉ đủ cho hai người nghe.
- Vâng, đây có lẫn quỳ. Nhưng sen tôi không bán được giá ấy đâu.
- Dạ, chị chọn cho em chục bông sen.
Chị nhấc bó lá dựa bên chân cột, đưa tay lấy cho tôi bó hoa sen để bên trong. Những búp hoa như hai bàn tay úp, cánh hồng, tỏa hương dịu, mỏng, phơ phất bay.
Tôi đặt bó sen lên giá, cho các búp ngả lên đầu xe. Theo mỗi vòng xe quay, hương sen cứ vấn vít. Thế là sau vài năm xa nhà, tôi đã lại được chạm vào hương thu, nơi quê cha đất tổ ướp mùi sen thơm, trong văn vắt, tinh khiết của cánh bãi bồi. Nhớ bố, tôi chợt thì thầm. Bố ơi, đến giờ thì con đã hiểu. Cây cỏ cũng luôn mang số phận con người.
THƯƠNG THƯƠNG