CHA VÀ CON VÀ…
CHA VÀ CON VÀ…
Nhớ hồi con lên 5 tuổi, bố tặng con 1 cái radio, để ở đầu giường. Bố đi công tác xa, biền biệt tận biên giới. Thời gian trôi đi, cho đến một lần, chiếc Uoát của đơn vị đỗ xịch trước cửa nhà, bố mặc quân phục từ trên xe bước xuống mang theo một cành đào rừng to. Cả nhà rộn ràng được vài bữa rồi bố lại đi... Chiếc radio thời kỳ đó là thứ quý, của bố được cấp phát. Những buổi chiều hè dài lê thê, những đêm đông rét mướt, con cứ thế ôm đài nghe tất tần tật các chương trình phát thanh. Những vùng trời cả bố và con chưa bao giờ đặt chân tới được mở ra từ cánh cửa đầy thanh âm ấy.
Năm con 6 tuổi, bố chuyển công tác về đơn vị gần nhà. Bố chăm chút con bù những tháng ngày mẹ vất vả và bố xa cách. Bố để tóc dài cho con và buộc túm đuôi gà, ngoe nguẩy như con cún nhỏ. Bố mua cả chục cái kẹp đá, tết tóc cho con và khen, xinh.
Con 7 tuổi, bố bắt đầu dạy, con gái đi phải thẳng lưng, bước nhẹ nhàng không được lê dép; ăn xem nồi, ngồi xem hướng, khi ăn không được phát ra tiếng, không cắm đũa lên bát cơm, muỗng canh phải úp xuống khi để trên bát. Rồi bố dạy con nấu cơm trên bếp củi, bày cho con nấu món canh tập tàng. Bố còn dạy khi quét nhà phải đưa từng nhát chổi thật khéo. Còn rửa bát cứ phải kin kít mới sạch, lau bàn phải đưa nhẹ một lượt, sau đó mới lau từ từ và dùng lực.
Năm con 8 tuổi. Bố dẫn con ra chợ và dạy con chọn rau, chọn thịt, chọn cá. Lên 9 tuổi, con được bố dạy cách trồng cây, khu vườn nhà mình bốn mùa hoa trái. Khóm đồng tiền và hoa hồng trước ngõ, hàng cau sát hiên nhà, sau vườn là bụi chuối. Mé tây, mé đông: na, mít, ổi. Bố dạy cách chăm ao cá, thả bè rau muống xanh um.
Mười tuổi, con được bố cho lên thăm Tây Bắc, nơi bố đã gắn bó nhiều năm trong quãng thời gian công tác của mình. Vùng đất ấy đã ám ảnh con khôn nguôi về những em bé miền núi với đôi mắt ngác ngơ và nụ cười hiền hậu; bắp ngô nóng hổi bên bếp lửa hồng, dưới mái tranh nghèo... Về sau, khi đã lớn khôn con mới hiểu vì sao bố luôn day dứt khi nói về Tây Bắc, khi nghĩ đến Mã Pì Lèng với những đèo dốc heo hút và những số phận mong manh.
Mùa hè đầu tiên con được ngồi lên cabin xe bố đi dọc miền đất nước, ấy là năm con 11 tuổi. Con được đi từ Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, Quảng Trị... được nghe kể về những năm tháng bố cùng đồng đội trên đường mòn Hồ Chí Minh vận chuyển vũ khí vào Nam. Rồi quãng thời gian nếm mật nằm gai ở chiến trường Campuchia, chiến trường Lào. Bố đã trưởng thành như thế nào? Thời thanh xuân của bố đẹp đẽ ra sao. Bố kể về ông nội - một người thương binh đã để lại phần thân thể của mình trong kháng chiến chống Pháp, trở về quê hương với cánh tay tàn phế.
Rồi con thành thiếu nữ, tóc chấm ngang vai, làm việc nhà thoăn thoắt. Con vẫn giữ nếp nghe đài, đọc sách của các nhà văn Tô Hoài, Phùng Quán, Victo Hugo, Macxim Gorki...
Năm 14 tuổi, con rời vòng tay bố mẹ đi học trường chuyên của tỉnh, cách nhà cả trăm km, đi mãi, biền biệt những năm cấp 3, lên đại học rồi đi làm, vơi cạn thanh xuân, đứt đoạn những tháng ngày ấm êm trong căn nhà nhỏ nơi phố huyện. Hành trang mang theo là tất cả những bài học bố dạy từ ngày còn tấm bé và nỗi nhớ nhà dài thăm thẳm. Từ đó đến giờ con vẫn giữ dáng đi thẳng bố dạy, giữ nết ăn của con nhà gia giáo, nếp nhà tinh tươm, căn bếp sạch sẽ. Nếu có vườn, vườn sẽ đầy hoa trái. Nếu có ban công thì ban công sẽ ngan ngát hương đưa. Biết yêu thương, sẻ chia bằng tấm lòng chân tình. Nếu chẳng may va vấp, thị phi, hoặc tủi hờn thì ngay lập tức về nhà - nơi có bố mẹ, ăn một bữa cơm nhà, ngủ yên trên cái giường cũ kĩ và êm đềm.
Nửa năm rồi, từ ngày bố đi xa, con mới dám viết nên những dòng này trong nghẹn ngào thương nhớ. Mỗi lần con về nhà, trái tim như nghẹn lại, bởi nhìn đâu cũng thấy trống trải, nước mắt vòng quanh. Dẫu biết rằng bố vẫn luôn dặn, con gái của một người lính thì phải luôn mạnh mẽ. Bố đã “chiến đấu” với căn bệnh quái ác 6 năm ròng rã, trải qua nhiều lần mổ với nụ cười thường trực trên môi.
Tháng 4 này, ở Hà Nội hoa Bách Hợp đã lại nở trên đường phố rồi, bố ạ! Cũng tháng tư, năm ngoái từ Hà Nội về, bố mua tặng con một bó hoa này. Người cười nụ: Phụ nữ phải luôn yêu cái đẹp con nhé! Biết yêu cái đẹp sẽ biết trân quý cuộc sống.
Thời gian trôi đi... mỗi sáng mang quân phục đi làm, con hằng tâm niệm, bố đang ở đâu đây, gần lắm, bên con. Thưa bố yêu kính của con!
THANH HỒNG