column_right getExtensions 1734798168-1734798168

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1734798168-1734798168

ĐIỀU LƯU TÂM TỪ MỘT PHIÊN TÒA

ĐIỀU LƯU TÂM TỪ MỘT PHIÊN TÒA

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:21-12-2024

ĐIỀU LƯU TÂM TỪ MỘT PHIÊN TÒA

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có nhiều quy định ràng buộc chặt chẽ nghĩa vụ, trách nhiệm của vợ, chồng đối với tài sản chung và tài sản riêng

Ly hôn đã 5 năm, bỗng nhiên cách đây gần một năm, người phụ nữ bị ngân hàng khởi kiện yêu cầu phải trả khoản vay tín chấp “phục vụ nhu cầu cuộc sống” do một mình chồng đứng tên, ký nhận mà mình không hề hay biết. Vì sao lại có việc này? Để tránh những rắc rối tương tự sau khi ly hôn, vợ, chồng cần làm gì?

Trong thời gian hôn nhân (từ năm 2016 đến tháng 10-2018), chồng chị T.A là anh T.V có ký hợp đồng vay tín chấp với ngân hàng số tiền 264 triệu đồng (khoản vay 1), mục đích sử dụng vốn vay là “phục vụ nhu cầu cuộc sống”. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, anh T.V liên tục vi phạm cam kết trả nợ cho ngân hàng theo hợp đồng cho vay nên ngân hàng đã chuyển khoản vay này sang nợ quá hạn. Tính đến ngày 29-11-2021, tổng số tiền anh T.V nợ ngân hàng là hơn 270 triệu đồng.

Khoản vay 2 là từ hợp đồng phát hành thẻ tín dụng được ký ngày 8-3-2013 giữa anh T.V với ngân hàng, hạn mức 150 triệu đồng. Kể từ tháng 1-2019, anh T.V đã không thanh toán dư nợ các thẻ tín dụng trên theo quy định; tạm tính đến ngày 29-11-2021, tổng dư nợ thẻ là hơn 202 triệu đồng. Tính đến ngày 31-7-2023, tổng hai khoản nợ trên là hơn 529 triệu đồng. Ngày 1-8-2023, ngân hàng làm đơn khởi kiện gửi tòa án yêu cầu chị T.A và anh T.V phải trả khoản nợ trên.

Trình bày tại tòa, chị T.A cho biết: “Trong thời gian hôn nhân, tôi đã thế chấp căn hộ chung cư do bố mẹ đẻ mua tặng để làm tài sản bảo đảm cho khoản vay 2,6 tỷ đồng của anh T.V với cùng ngân hàng trên. Mặc dù ly hôn vào tháng 10-2018, nhưng với trách nhiệm của mình, tôi đã phải bán căn hộ trên để trả toàn bộ số nợ hơn 3 tỷ đồng cho ngân hàng từ khoản vay này với mong muốn được yên ổn. Tuy nhiên, với hai khoản vay trên, tôi không hề hay biết cho đến khi bị ngân hàng khởi kiện.

Bởi thời kỳ hôn nhân, tôi được bố mẹ đẻ cho nhà, xe ô tô, ti vi, tủ lạnh, giường, bàn, ghế đầy đủ và mỗi tháng tôi có thu nhập hơn 40 triệu đồng... nên hoàn toàn có đủ điều kiện để chi tiêu, không cần phải vay mượn. Hơn nữa, suốt thời kỳ hôn nhân và khi phát sinh hai khoản nợ trên, tôi không hề nhận được thông báo nào về khoản vay cũng như lãi quá hạn này từ phía ngân hàng. Trong thời gian tới, nếu có thêm một đơn vị nào khởi kiện, buộc anh T.V tiếp tục trả các khoản nợ khác cũng với lý do phát sinh trong thời kỳ hôn nhân thì tôi tiếp tục phải trả nợ hay sao?”.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 3-7 vừa qua, căn cứ Điều 37 “Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng”; Điều 45 “Nghĩa vụ riêng về tài sản của vợ, chồng”; khoản 20 Điều 3 “Giải thích từ ngữ” Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cùng các căn cứ khác, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội phán quyết chị T.A buộc phải trả cho ngân hàng số tiền hơn 150 triệu đồng (sau khi ngân hàng đã xem xét miễn một số chi phí từ tổng số nợ hơn 529 triệu đồng).

Trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trưởng ban Tư vấn và Phản biện chính sách, Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) xung quanh vụ việc này, ông cho biết, liên quan đến các khoản vay của vợ, chồng gồm có 4 trường hợp phát sinh như sau: Thứ nhất, nếu cả hai vợ chồng dùng tài sản để bảo đảm nghĩa vụ vay nợ mà người vay không trả được thì cả hai vợ chồng phải trả thay, nếu không sẽ bị phát mại tài sản để trả nợ, theo quy định tại các Điều 299, 317... của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Về lý thì vợ, chồng có thể đòi người vay phải hoàn trả lại số tiền mà mình đã phải trả thay. Thứ hai, nếu cả hai vợ chồng cùng vay hoặc một người vay nhưng nhằm “đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình” (sử dụng với mục đích chi tiêu chung của gia đình) thì cả hai vợ chồng cùng có nghĩa vụ trả nợ, theo quy định tại Điều 30 và khoản 2 Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích, “nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”. Thứ ba, nếu chỉ một cá nhân vợ hoặc chồng trực tiếp vay vốn để thực hiện việc kinh doanh chung (trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác) thì cả hai vợ chồng cùng chịu trách nhiệm trả nợ chung theo quy định tại Điều 25 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Thứ tư, nếu chỉ một cá nhân vợ hoặc chồng vay vốn dùng cho mục đích riêng (nằm ngoài trường hợp thứ hai nêu trên) hoặc để đầu tư kinh doanh riêng (nằm ngoài trường hợp thứ ba nêu trên) thì người còn lại không có nghĩa vụ phải trả nợ, kể cả khi chưa hoặc đã ly hôn.

Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh thêm: “Đối với trường hợp thứ hai, khi vợ chồng ly hôn, nếu không phân định rõ nghĩa vụ của từng người thì người không tham gia giao dịch vay vốn cũng vẫn có nghĩa vụ trả nợ cho đến khi khoản nợ đã được thanh toán hết. Vì thế, kinh nghiệm khi ly hôn là phải thỏa thuận rõ luôn nghĩa vụ của mỗi bên và tốt nhất là đề nghị tòa án công nhận, đừng nên tiếc án phí mà bỏ ngỏ vấn đề phân chia tài sản và nghĩa vụ. Tất nhiên, vẫn có những thứ phức tạp, không rõ ràng thì tòa án cũng không công nhận được mà các bên chỉ có thể thỏa thuận riêng với nhau. Và cuối cùng, còn liên quan đến nghĩa vụ liên đới của hai vợ chồng và quyền của chủ nợ mà không phải trường hợp nào cũng tự thỏa thuận được”.

ĐỨC TUẤN

BÀI VIẾT NỔI BẬT