column_right getExtensions 1734786878-1734786878

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1734786878-1734786878

DẤU ẤN CỦA GIÁO DỤC MẦM NON TRONG QUÂN ĐỘI

DẤU ẤN CỦA GIÁO DỤC MẦM NON TRONG QUÂN ĐỘI

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:23-07-2024

DẤU ẤN CỦA GIÁO DỤC MẦM NON TRONG QUÂN ĐỘI

Bài và ảnh: PHAN LÊ – NGUYỄN TUẤN

Khi kết quả được công bố, giải xuất sắc Hội thi giáo viên dạy giỏi bậc học mầm non trong Quân đội lần thứ VII năm 2024 thuộc về cô giáo Hà Thị Khánh Hòa thì cả hội trường vỡ òa xúc động. Đây là hội thi đánh dấu bước phát triển của công tác giáo dục mầm non (GDMN) toàn quân; khẳng định chất lượng của đội ngũ giáo viên Trường Mầm non (MN) Hoa Hồng, Nhà máy Z121, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (CNQP), đơn vị lần thứ hai đăng cai.

Trung tướng Nguyễn Văn Gấu - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm TCCT và bà Cù Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trao bằng khen cho cô giáo Hà Thị Khánh Hòa, giải xuất sắc

 

Từ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp

Hội thi giáo viên dạy giỏi mầm non cấp toàn quân được Tổng cục Chính trị (TCCT) tổ chức định kỳ 3 năm một lần. Qua mỗi lần tổ chức, chất lượng đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất của các trường mầm non được nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Việc tổ chức Hội thi từ cơ sở đến cấp trực thuộc Bộ Quốc phòng được lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị quan tâm, đầu tư trang thiết bị và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh tham gia thi đạt kết quả tốt nhất. Ban Giám khảo là những cán bộ, chuyên gia GDMN uy tín, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, làm việc với tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan, trung thực, phản ánh chính xác kết quả của các thí sinh ở từng nội dung thi. Có 38/1.286 cán bộ quản lý, giáo viên mầm non được lựa chọn từ các trường MN, nhà trẻ, nhóm trẻ ở nhiều vùng miền khác nhau tham dự hội thi. Họ là những gương mặt đã qua các vòng thi từ cấp cơ sở đến cấp đầu mối trực thuộc.

Trung tướng Lê Quang Minh - Phó Chủ nhiệm TCCT tặng cờ lưu niệm cho đại diện các đơn vị có thí sinh dự thi

Là đơn vị có các điểm trường chủ yếu là vùng sâu, giáp khu vực biên giới; vùng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn nên nhiều cô giáo của Binh đoàn 15, 16 mang tâm lý e ngại trước các đồng nghiệp ở đô thị được cập nhật các phương pháp giảng dạy hiện đại, có sự đầu tư công phu… Tuy nhiên, với mục tiêu để giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, các đơn vị đã tạo mọi điều kiện tốt nhất, khuyến khích các thí sinh mạnh dạn, vững tin. Trung tá Ngô Thị Hương - Trợ lý Phụ nữ Binh đoàn 15 và Trung úy Đồng Thị Hương - Trợ lý Phụ nữ Binh đoàn 16, luôn đồng hành cùng các thí sinh, kịp thời xử lý những khó khăn phát sinh giúp các cô giáo yên tâm tham gia dự thi đạt kết quả tốt. Quân khu 5 tuy chỉ có một điểm trường MN của Công ty TNHH MTV Cà phê 15 nhưng Cục Chính trị Quân khu cũng như đơn vị chủ quản đã tạo mọi điều kiện để Thiếu tá QNCN Huỳnh Thị Khánh Ly - Hiệu trưởng Trường MN 18-4 dự thi. Đồng hành với cô giáo Ly không chỉ có các đồng nghiệp mà còn có Đại tá Bùi Xuân Tiến - Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công ty và Trung tá Lê Thị Hồng Vân - Trợ lý Phụ nữ Quân khu. Đó là nguồn động viên giúp thí sinh Huỳnh Thị Khánh Ly nỗ lực hết mình, giành được giải Ba tại Hội thi.

 

“Lấy trẻ làm trung tâm”

Hội thi đánh dấu sự phát triển đồng đều của đội ngũ giáo viên MN ở các đơn vị. Hầu hết thí sinh đều có trình độ cử nhân, cá biệt có thí sinh là Thạc sĩ. Tất cả đều có chung nhiệt huyết, từ cô giáo trẻ mới vào nghề 3 năm như Phạm Quỳnh Trang, giáo viên Trường MN Hoa Mai (Cục Hậu cần, Quân chủng PK-KQ) đến Trần Minh Hằng, giáo viên Trường MN Hoa Phượng Đỏ (Học viện Quân y) đã gắn bó suốt 29 năm với con trẻ.

Những bông hoa sắc màu

Nội dung thi gồm 4 phần: Kiến thức, thực hành hoạt động giáo dục, năng khiếu và sáng kiến kinh nghiệm. Phần kiến thức được tổ chức thi tập trung với hình thức thi trắc nghiệm và tự luận, thời gian 60 phút. Các thí sinh trả lời và đưa ra các giải pháp xử lý tình huống thường gặp ở trường hiệu quả, nắm vững nội dung chương trình, các quy định của ngành và kinh nghiệm trong chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ tại cơ sở GDMN.

Phần thi kiến thức

Phần thi sáng kiến kinh nghiệm, mỗi thí sinh gửi 01 sáng kiến phục vụ cho công tác quản lý, chăm sóc giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non đã được Hội đồng cấp cơ sở trở lên xếp loại khá. Các kinh nghiệm được chia sẻ, như: Phát triển thể chất (đảm bảo an toàn cho trẻ, phòng tránh xâm hại, tai nạn thương tích...); phát triển ngôn ngữ (kỹ năng nghe, nói, đọc viết vốn từ, làm quen với chữ cái, tăng cường tiếng Việt...); phát triển trí tuệ (khám phá khoa học, khám phá xã hội); phát triển tình cảm - xã hội (giáo dục kỹ năng sống, hứng thú học tập... ); các sáng kiến đã đề cập đến các lứa tuổi khác nhau, từ nhà trẻ đến mẫu giáo. Đặc biệt, các vấn đề mới, cập nhật trong GDMN cũng được nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cải thiện hiệu quả như: Giáo dục trải nghiệm, giáo dục STEAM, ứng dụng phần mềm trong quản lý, tổ chức hoạt động giáo dục... Các sáng kiến áp dụng trong nhiều hoạt động khác nhau ở trường MN như ngoài trời, học tập, vui chơi, sinh hoạt từng ngày. Với kết quả tốt, các tác giả và nhà trường mong muốn chia sẻ với đồng nghiệp, trường bạn để góp phần nâng cao chất lượng GDMN.

Góc trưng bày đồ dùng đồ chơi tự tạo của Trường MN Hoa Hồng

Thực hành hoạt động giáo dục là phần thi đòi hỏi sự sáng tạo, linh hoạt, thể hiện năng lực nghề nghiệp thực tế của giáo viên. Với tiêu chí “Lấy trẻ làm trung tâm”, các cô giáo đã nỗ lực tìm tòi nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức hoạt động giáo dục mới cho trẻ em phù hợp với độ tuổi và khả năng tiếp nhận. Mỗi bài thi đều là những giải pháp đã được áp dụng và có kết quả tốt. Cô giáo Trần Thị Thu Hà, Trường MN Hoa Hồng, Nhà máy Z121, Tổng cục CNQP, nhiều năm phụ trách nhóm lớp 3-4 tuổi, nhận thấy ngôn ngữ có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển toàn diện của trẻ. Tiết dạy kể chuyện “Ai gõ cửa đấy?” cô Hà lựa chọn phương pháp sân khấu hóa Nhật Bản, là nghệ thuật giấu các nhân vật, khi cần nhân vật nào mới giới thiệu, đây là sự sáng tạo so với phương pháp truyền thống là bày sẵn. Với phương pháp này, trẻ sẽ tập trung vào nội dung cần học, không bị sao nhãng vào các chi tiết rườm rà khác. Đây là một phương pháp hoàn toàn mới. Trong quá trình giảng dạy và kinh nghiệm nhiều năm làm đồ dùng đồ chơi, cô đã nghiên cứu tìm tòi những nguyên vật liệu thay thế (nhiều thứ ở Nhật Bản mới có) phù hợp để có thể phổ biến nhân rộng cho giáo viên toàn trường. Sáng kiến “Một số biện pháp giúp trẻ 3-4 tuổi nâng cao khả năng cảm thụ văn học” là tâm huyết của quá trình không ngừng nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo, được đúc kết từ rất nhiều tiết dạy đem lại hiệu quả cao. Sáng kiến này của cô giáo Trần Thị Thu Hà được Ban Giám khảo đánh giá cao và đoạt giải Nhất.

Cô giáo Nguyễn Thị Hằng, Trường MN Hoa Hồng, Công ty 74 (Binh đoàn 15) với tiết âm nhạc dạy hát “Inh Lả ơi” cho trẻ 4-5 tuổi

Hoạt động giáo dục âm nhạc của cô giáo Đặng Thùy Linh, Trường MN Z115/TCCNQP đã thực sự hiệu quả với hình thức sử dụng ngôn ngữ của cơ thể để truyền tải và hỗ trợ hướng dẫn trẻ trong các hoạt động; tiết vẽ tranh trên nền nước (tranh thủy ấn) của cô giáo Vũ Thị Hoàng Yến, Trường MN Hoa Hồng, Z121/TCCNQP đem lại sự hứng thú không chỉ cho trẻ mà cả Ban Giám khảo cũng hết sức bất ngờ. Việc ứng dụng phương pháp giáo dục tiên tiến STEAM cũng bước đầu được áp dụng trong các tiết học. Cô giáo Phạm Quỳnh Trang, Trường MN Hoa Mai (QC PK-KQ) lần đầu tiên dự thi đã mạnh dạn kết hợp hình thức giảng dạy mới là kết hợp dạy truyện thơ với âm nhạc. Bình thường trẻ sẽ học truyện kể kèm theo lời thoại. Với phương pháp mới này, có thể kết hợp đầy đủ các lĩnh vực phát triển cho trẻ trong một tiết dạy: ngôn ngữ, năng khiếu, vận động thể chất. Trẻ sẽ hứng thú và ghi nhớ nhanh hơn. Các nguyên vật liệu cũng được sử dụng triệt để trong tiết học.

Khai thác tốt các đặc trưng văn hóa địa phương, các cô giáo của Binh đoàn 15 đã sáng tạo nên nhiều tiết học đặc sắc, như: Tìm hiểu về cồng chiêng Tây Nguyên của cô giáo Đinh Thị Hồng Nga, Trường MN 20-2; Khám phá trang phục dân tộc Gia Rai của cô giáo Ngô Thị Huệ, Trường MN 18-4/Công ty 72; Khám phá quả điều của cô giáo Nguyễn Thị Phin, Trường MN công ty 715; hoạt động giáo dục thể chất của cô giáo Nguyễn Thị Quyền, Trường MN 20-2/Binh đoàn 15… Tìm nét đặc trưng riêng của vùng đất nắng gió, tạo sự mới lạ đã giúp trẻ hào hứng, tích cực tham gia vào các hoạt động học.

 

Mỗi giáo viên là một nghệ sĩ

Múa, nhảy hiện đại, vẽ tranh, ảo thuật, diễn kịch, độc tấu đàn T’rưng, hát xẩm…, phần thi năng khiếu như một bữa tiệc nghệ thuật đầy sắc màu, âm thanh và ánh sáng, đưa khán giả đến với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Trên sân khấu, các cô giáo bình dị thường ngày làm công việc chăm sóc, giáo dục con trẻ đã thăng hoa trở thành các nghệ sĩ. Những tiết mục mang sắc màu hiện đại đã tạo nên một không khí sôi động trong cả Hội trường như nhảy hiện đại Babymoster của cô giáo Vũ Thị Thu Hoài, Trường MN Z115; múa bóng “Bánh trôi nước” của cô giáo Hà Thị Khánh Hòa, Trường MN Hoa Hồng, Nhà máy Z121; múa dạ quang, vẽ kim tuyến… của các cô giáo Trường MN Hoa Hồng (TC CNQP). Nhiều tiết mục có phần tham gia của các cháu học sinh trong phần thi năng khiếu của các cô giáo, mang lại sự sinh động, cuốn hút người xem, như tiết mục ảo thuật của cô giáo Trần Thị Hương, Trường MN 28/10 (Học viện KTQS)…

“Em là cô giáo vùng cao” - tiết mục năng khiếu được công diễn tại bế mạc Hội thi của thí sinh Quách Thị Thanh, Trường MN Z151, TCKT

Bản sắc văn hóa dân tộc cũng được nhiều thí sinh nghiên cứu đưa vào nội dung thi của mình với các hình thức thể hiện nghệ thuật mới đa dạng, phong phú như: Hát văn của cô giáo Nguyễn Thị Hòa, Trường MN X20, Công ty Cổ phần X20, Tổng cục Hậu cần (TCHC); Hát then của cô giáo Quách Như Quỳnh, Trường mầm non Hoa Thép, Nhà máy Z127/TCCNQP; múa cồng chiêng của cô giáo Ngô Thị Huệ, Trường MN 18/4, Công ty 72 (BĐ15); độc tấu đàn T’rưng của cô giáo Huỳnh Thị Khánh Ly, Trường MN 18/4, Công ty cà phê 15 (BĐ15); Nghệ thuật tuồng “Ông lão cõng vợ đi xem hội” của cô giáo Nguyễn Thị Ánh, Trường MN 59, Cục Hậu cần (BTTM).

 

Vẻ đẹp của tình yêu và sự sẻ chia

Trong các nội dung thi của các thí sinh đến từ TCHC, luôn luôn có mặt Trung tá QNCN Hà Thăng Bảy - Trợ lý Tuyên huấn Tổng cục. Đây là lần thứ hai vợ anh, cô giáo Bùi Thị Hương, Trường MN 22, Công ty cổ phần 22 dự thi cấp toàn quân. Dù chị Hương đã có kinh nghiệm từ Hội thi lần thứ V (2017), nhưng anh vẫn rất hồi hộp. Những hình ảnh minh họa trong các nội dung thi của chị đều có sự hỗ trợ của anh. Chắc hẳn tình yêu tỏa rạng trong ánh mắt của anh là sức mạnh tinh thần to lớn giúp chị hoàn thành tốt nội dung thi, giành giải thưởng xứng đáng. Những kỷ niệm đẹp cùng những hình ảnh “phóng viên” ghi tại Hội thi sẽ giúp cô giáo Bùi Thị Hương thêm yêu và đam mê với con đường mình đã chọn - ươm những mầm non cho tương lai.

Trung tá QNCN Hà Thăng Bảy, Trợ lý Tuyên huấn TCHC, “hậu phương vững chắc” của cô giáo Bùi Thị Hương, Trường MN 22, Công ty cổ phần 22

Dẫu cuộc thi có xếp thứ hạng, song tất cả các thí sinh không phân biệt đội mình hay trường bạn, không ganh đua thiệt hơn; các cô giáo Trường MN Hoa Hồng, đơn vị đăng cai cũng dốc lòng giúp đỡ về mọi mặt cho các đồng nghiệp đến từ các đơn vị trong toàn quân... Tất cả hướng tới sự thành công của một Hội thi mang đầy ý nghĩa.

 

Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng - Phó Chính ủy Tổng cục CNQP trao bằng khen của TCCT tặng các thí sinh đoạt giải Nhất
Đại tá Nguyễn Thị Thu Hiền - Trưởng ban PNQĐ, Trưởng ban Tổ chức trao thưởng cho 4 thí sinh xuất sắc trong 4 phần thi
Trung tướng Nguyễn Văn Gấu và ông Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD & ĐT) trao Giấy chứng nhận của TCCT cho các cá nhân đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp toàn quân năm 2024
Thượng tá QNCN Nguyễn Hải Vân - Hiệu trưởng Trường MN Hoa Hồng với những đóng góp xuất sắc trong phục vụ, hỗ trợ hội thi được TCCT tặng bằng khen

Hội thi khẳng định những thành quả mà công tác GDMN trong quân đội, mang đến sự tin yêu của các bậc phụ huynh và nhân dân đối với các trường mầm non trên địa bàn đứng chân; góp phần vào sự nghiệp giáo dục-đào tạo của đất nước; thực hiện tốt công tác dân vận, công tác chính sách và hậu phương quân đội, củng cố niềm tin và ấn tượng tốt đẹp của nhân dân về “Bộ đội Cụ Hồ”; cổ vũ, động viên cán bộ, nhân viên, chiến sĩ trong quân đội yên tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của mỗi cơ quan, đơn vị và toàn quân.

Thủ trưởng TCCT và các đại biểu chia vui với các thí sinh

BÀI VIẾT NỔI BẬT