column_right getExtensions 1732363921-1732363921

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732363921-1732363921

CÂU CHUYỆN TỪ MỘT TẤM BIA

CÂU CHUYỆN TỪ MỘT TẤM BIA

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:31-05-2023

CÂU CHUYỆN TỪ MỘT TẤM BIA

Vào năm 1998, nhân kỷ niệm 30 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Thành phố Hồ Chí Minh đã cho lập một số bia lưu niệm các sự kiện, như là một cách “giữ lửa” cho hiện tại và tương lai. Tại hẻm 83 Đề Thám, phường Cô Giang, quận 1, có tấm bia về trận đánh ở khu vực Cầu Muối, diễn ra vào sáng 5-5-1968 của lực lượng biệt động Sài Gòn. Trên tấm bia màu huyết dụ có đoạn ghi: ... “Nơi đây, đồng chí Lê Thị Bạch Cát (tức Sáu Xuân) Bí thư Quận đoàn thanh niên, đồng chí Tiết công nhân xưởng Ba Son đã chiến đấu và anh dũng hy sinh”.

Chân dung liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát

Lần theo tấm bia, đi tìm mới hay chị Lê Thị Bạch Cát là một người con gái xứ Nghệ. Chị chào đời tháng 10-1940 tại xóm Mai Đông, xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc, (nay là khối 4, phường Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò), tỉnh Nghệ An. Là con út trong một gia đình nghèo có 5 anh chị em, thừa hưởng tố chất của người cha dạy chữ Nho, nên ngay từ thuở bé, Bạch Cát đã siêng năng làm lụng và chăm chỉ học hành. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chị là cán bộ Đội thiếu niên, rồi Đoàn thanh niên cứu quốc ở địa phương.

Tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp III, chị Bạch Cát làm công tác bình dân học vụ, tham gia xóa nạn mù chữ ở địa phương. Là giáo viên ở trường cấp I xã Nghi Tân, chị được cử đi học Trường trung cấp Thể dục Thể thao Trung ương (nay là Trường ĐH sư phạm TDTT Hà Nội). Được giữ lại trường làm giáo viên, Bạch Cát chịu khó học hỏi các chuyên gia Liên Xô, để truyền đạt kiến thức cho người học. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, cô giáo Bạch Cát đã tận dụng cả ngày nghỉ để kèm cặp ngoại khóa cho sinh viên.

Trước yêu cầu cấp bách chi viện cho tiền tuyến lớn, cô giáo trẻ đã viết đơn tình nguyện vào miền Nam. Ngày 28-9-1964, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên ký quyết định chuyển giáo viên Lê Thị Bạch Cát đến nhận công tác tại Ủy ban Thống nhất Trung ương.

Trong thời gian tập trung tại Trường bổ túc công nông Phú Thọ, cùng với việc học chính trị, các học viên còn được huấn luyện về quân sự và công tác địch vận. Ban ngày thì học tập, huấn luyện; ban đêm tập hành quân mang vác, rèn thể lực, luyện sức khỏe dẻo dai. Tháng 10-1964, chị Bạch Cát được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Ngày 22-12-1964, nhà trường làm lễ xuất quân. Đoàn chi viện cho chiến trường B có mật danh là đoàn K33. Ngay sau lễ tuyên thệ, các học viên hối hả chuẩn bị lên đường. Để giữ bí mật, tất cả giấy tờ tùy thân và các kỷ vật liên quan đến miền Bắc đều phải gửi lại. Từ đây, mỗi người đều có danh xưng mới, cô giáo Bạch Cát ngày nào lấy tên là Lê Liên Xuân. Bằng nhiều phương tiện khác nhau, anh chị em trong đoàn được chuyển vào địa điểm tập kết ở làng Ho, miền tây Quảng Bình. Hơn 300 người trèo đèo, vượt suối sang phía đất Lào rồi men theo dãy Trường Sơn băng về Nam.

Dọc hành trình dặc dài, gian khổ, tinh thần căng thẳng, sức khỏe suy giảm, con người ta rất dễ bộc lộ “tư tưởng”. Vốn lạc quan, cởi mở, lại có sức khỏe tốt, chị Lê Liên Xuân thường đảm nhận việc nấu cơm, đun nước, giúp đỡ các thành viên trong đoàn từ mắc võng, đến căng nilon che mưa gió… Vừa làm, chị vừa khe khẽ cất tiếng hát. Được nghe những ca khúc cách mạng giữa thăm thẳm đại ngàn, đã khiến nhiều người cảm thấy ấm lòng và có thêm nghị lực.

Sau nhiều tháng bền bỉ hành quân, đoàn K33 về tới “Ông Cụ” (mật danh của Trung ương Cục) ở miền Đông Nam Bộ. Tại căn cứ R, chị Liên Xuân được phân công về Tiểu ban Giáo dục thuộc Trung ương Cục. Sống trong vùng “Tam giác sắt”, cùng với công việc thường ngày, chị tham gia đào địa đạo, làm hầm tránh bom pháo địch. Ngoài ra, chị còn đi vận chuyển lương thực, thực phẩm, nấu ăn và đón tiếp sinh viên từ nội thành Sài Gòn ra dự các lớp tập huấn. Được phép của tổ chức, chị Liên Xuân đi tìm người anh cả Lê Viết Nghinh phiêu bạt vào Đà Lạt kiếm sống từ năm 1942. May mắn tìm gặp được anh trai, chị đã vận động và giác ngộ người cháu ruột của mình là Lê Thành Dũng đi theo cách mạng.

Ít lâu sau, chị Liên Xuân được chuyển sang công tác Thanh vận. Khi tham gia lực lượng vũ trang Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định, chị lấy bí danh là Sáu Xuân. Về nội đô Sài Gòn, thông qua mối quan hệ của người anh cả, chị Sáu Xuân được giới thiệu đến tá túc tại nhà ông Tô Thanh ở Khánh Hội (nay là quận 4, TP.HCM). Từ đây, chị móc nối được với một số cơ sở có cảm tình với cách mạng trên địa bàn quận Nhì (nay thuộc quận 1). Nhằm tạo vỏ bọc hợp pháp để che mắt địch và hoạt động lâu dài, Sáu Xuân phải làm nhiều nghề như thợ may, buôn bán rau quả ngoài chợ… vừa để mưu sinh, vừa thu thập tin tức và gây dựng cơ sở. Cùng với việc giúp Tô Liên, con trai chủ nhà tham gia cách mạng, chị còn vận động được một người đồng hương là tài xế trở thành cơ sở mật. Sáu Xuân cũng xây dựng được một số cơ sở tin cậy làm nơi cất giấu vũ khí.

Tháng 12-1967, Bộ Chính trị Trung ương Đảng họp và ra nghị quyết lịch sử “chuyển cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”. Với tinh thần ấy, Trung ương Cục miền Nam có nghị quyết về tổng công kích - tổng khởi nghĩa, với tên gọi “Nghị quyết Quang Trung”, lấy miền Đông Nam Bộ và Sài Gòn làm trọng điểm, quyết tâm xóa bỏ chính quyền tay sai, lập chính quyền cách mạng…

Giờ “G”, ngày “N” được quy định là từ 00 giờ đến 2 giờ ngày 31-1-1968 (tức đêm mùng 1, sáng mùng 2 Tết Mậu Thân). Khi tiếng súng tổng tiến công của quân ta rung chuyển cả Sài Gòn, thì chị Sáu Xuân chỉ huy tổ vũ trang tuyên truyền của Liên quận 2-4, phát động quần chúng nổi dậy, đánh địch chốt tại hẻm Hiệp Thành, bến Vân Đồn…

Gần 2 tuần lễ chiến đấu cực kỳ anh dũng, các lực lượng của ta lần lượt rút ra vùng ven. Mỹ - ngụy xốc lại binh lực và phản kích rất ác liệt. Tháng 3-1968, chị Sáu Xuân là Quận ủy viên, Bí thư Quận đoàn thuộc Liên quận 2-4. Chị được gọi ra căn cứ Phước Vân để huấn luyện kỹ thuật cá nhân chiến đấu, luyện tập võ nghệ và bắn ứng dụng. Nhờ vậy, chị Sáu Xuân có thể sử dụng súng thành thạo cả hai tay. Chị cũng phối hợp với đội biệt động cánh Phụ vận có tên nghi binh là “Tiểu đoàn Lê Thị Riêng”, cùng ém quân, tránh bộc lộ sớm lực lượng.

Hạ tuần tháng 4-1968, mặc dù yếu tố bí mật không còn, do sự đầu hàng phản bội của một cán bộ Phân khu 1, song Trung ương Cục và Quân ủy Miền vẫn giữ quyết tâm về mục tiêu chiến lược, cũng như thời gian nổ súng. Càng cận ngày, địch càng tăng cường lùng sục, bố ráp, nhằm kiểm soát tình hình. Đêm 4-5-1968, các chiến sĩ biệt động chia nhau ém tại chợ Cầu Muối, rạch Bến Nghé - cầu Ông Lãnh, đường Nguyễn Cư Trinh, đường Bùi Viện, lô nhà Kiến Thiết giữa đường Cô Bắc và Cô Giang… Một số chị em trà trộn vào gia đình cơ sở, giả cách như người buôn bán trên vỉa hè.

Toàn đội biệt động có 6 nữ, 7 nam, gồm Trần Thị Viễn, Phan Văn Phê (Chiến), Nguyễn Hữu Phước, Võ Thị Thu (Chín Thu), Hà Văn Tiết (công nhân Ba Son), em Quang liên lạc (15 tuổi)… do chị Sáu Xuân và Lê Hồng Quân chỉ huy. Với trang bị AK-47, súng ngắn và lựu đạn, toàn đội đẩy lui nhiều đợt phản kích của địch. 5 giờ sáng, địch tăng viện. Con hẻm chỉ rộng chừng 2 thước, nên các chiến sĩ ta khó bề cơ động lợi dụng địa hình để chiến đấu. Từ chung cư Cô Giang, cảnh sát dã chiến và cảnh sát quận Nhì vây cả hai mặt. Đạn trên cao rót xuống, đạn bên ngoài bắn vào xối xả. Địch dùng súng phóng lựu M79 nã vào con hẻm. Tiếng đạn nổ dậy như bắp rang, đinh tai. Lúc này, chị Hồng Quân và em Quang bị thương, anh Tiết hy sinh. Tay phải bị dính đạn, chị Sáu Xuân chuyển súng ngắn qua tay trái bắn trả.

Cuộc chiến không cân sức đã khiến nhiều chiến sĩ biệt động bị thương vong. Trước tình thế vô cùng nguy ngập, chị Sáu Xuân lệnh cho toàn đội rút lui. Riêng chị và Hồng Quân ở lại tựa vào nhau thu hút, kềm chân địch. Bà con trong hẻm 83 Đề Thám bất chấp hiểm nguy bày cách cho các chiến sĩ ta thoát vây. Có bà mẹ đưa cả đứa con nhỏ cho nữ biệt động bế ẵm để qua mắt địch, lẩn vào đám đông đang sơ tán khỏi khu vực chiến sự.

Trước khi rút đi, Võ Thị Thu trao lại cho hai chỉ huy, mỗi người một trái lựu đạn da láng. Vòng vây của bọn cảnh sát dã chiến càng lúc càng xiết chặt. Vừa thoát khỏi con hẻm, Chín Thu chợt nghe một tiếng nổ chát chúa. Người con gái xứ Nghệ đã chia đôi trái lựu đạn với kẻ thù. Chị Hồng Quân và em Quang sa vào tay giặc.

Sau ngày đất nước thống nhất, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký bằng Tổ quốc ghi công Liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát (28-5-1976). Tháng 1-1985, Hội đồng Nhà nước truy tặng chị Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Để ghi nhớ tấm gương chiến đấu và hy sinh oanh liệt của nhà giáo - chiến sĩ Lê Thị Bạch Cát, một trường THCS tại quận 8 Thành phố Hồ Chí Minh và một trường THPT ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) được mang tên chị. Ở quận 11 (TP. HCM) và thị xã Cửa Lò, đều có đường Lê Thị Bạch Cát.

Bia tưởng niệm tại hẻm 83 Đề Thám
Những dòng văn bia

Ngày 8-3-2012, Ban thường vụ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh quận 1 đã ban hành Quy chế “Giải thưởng Lê Thị Bạch Cát” dành cho cán bộ Đoàn, đoàn viên là cán bộ, công chức có sáng kiến, giải pháp tích cực, nổi bật, trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị. Tất cả là sự tôn vinh xứng đáng dành cho người con gái xứ Nghệ anh hùng.

Là một nhà giáo trẻ, tình nguyện chi viện cho miền Nam, trên các cương vị công tác, chị Lê Thị Bạch Cát đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Khi đối mặt với kẻ thù, chị chiến đấu kiên cường và dũng cảm, dâng hiến trọn tuổi thanh xuân đẹp nhất cho độc lập tự do của Tổ quốc. Nửa thế kỷ đã trôi qua, những sự tích oai hùng về cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân cũng như sự hy sinh vô bờ bến của các anh hùng, liệt sĩ, sẽ bất tử cùng non sông đất nước.

NGUYỄN MINH NGỌC

BÀI VIẾT NỔI BẬT