BÔNG HUỆ TRẮNG
BÔNG HUỆ TRẮNG
Nằm về phía đông bắc Củ Chi, xã An Nhơn Tây là quê hương của chị Trương Thị Ngọc Anh (Trương Thị Huệ). Đây là một trong những địa phương có dân số vào loại đông nhất huyện Củ Chi, với những địa danh quen thuộc nổi tiếng khắp vùng như: Gót Chàng, Bến Mương, Bàu Đưng, Chợ Cũ, Xóm Thuốc, Xóm Chùa… Địa hình của xã chia làm hai vùng rõ rệt. Một bên là vùng đất thấp cặp theo sông Sài Gòn, có những con rạch nước trong lành tưới mát cho cánh ruộng màu mỡ và các vườn cây ăn trái sum suê. Phần còn lại thuộc vùng đất gò cao với những cụm rừng chồi, nơi bạt ngàn tre, trúc, tầm vông, xen kẽ từng vạt cây cao su ken dày.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, xã An Nhơn Tây là nơi đứng chân của các cơ quan Huyện ủy Hóc Môn, Huyện ủy Củ Chi, tỉnh Gia Định và Quân khu Sài Gòn-Gia Định. Vì vậy, đây là nơi địch tập trung càn quét đánh phá, hủy diệt. Nhân dân trong xã phải gánh chịu nhiều đau thương, mất mát. Bom đạn của kẻ thù làm đảo lộn cuộc sống của người dân, cảnh bắt bớ, tù đày diễn ra khắp nơi, song bà con luôn hướng lòng mình về Đảng và Bác Hồ, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Được soi sáng bởi Nghị quyết 15 của Đảng, phong trào Đồng khởi (1960) nổ ra đầu tiên ở Bến Tre và nhanh chóng loang ra nhiều nơi ở miền Tây và miền Đông Nam Bộ, rồi cả miền Nam. Từ sau cao trào này, xã An Nhơn Tây thuộc vùng giải phóng của ta ở Củ Chi. Đội du kích của xã được thành lập từ khá sớm, trong đó có hàng chục nữ chiến sĩ. Với vũ khí tự tạo thô sơ, song anh chị em du kích xã đã kiên cường bám trụ và dũng cảm chiến đấu, góp phần đẩy lùi nhiều cuộc càn của Mỹ-ngụy, tiêu hao sinh lực địch, bắn cháy một số xe tăng, xe bọc thép… Bên cạnh nhiệm vụ cầm súng đánh giặc, các nữ du kích còn hăng hái nhận lãnh làm giao liên, đi dân công hỏa tuyến, hoặc trinh sát nắm địch, đào hầm nuôi giấu thương binh.
Tháng 7-1963, chị Trương Thị Ngọc Anh gia nhập Đội du kích ấp Bàu Đưng. Tham gia Ban cán sự thanh niên, chị trở thành Bí thư Đoàn thanh niên xã An Nhơn Tây. Để dễ bề hoạt động, chị lấy bí danh là Trương Thị Huệ. Mới đầu, biết chuyện chị đổi tên, má chị đã rầy la. Song đến khi thấy chị tuy nhỏ nhắn, song đánh giặc giỏi, được bà con cô bác thương, thì bà lại rất tự hào về con gái. Là một trong những nữ du kích đầu tiên của xã và của huyện Củ Chi, chiến đấu dũng cảm và lập được nhiều chiến công, chị Ngọc Anh vinh dự được chọn đi dự hội nghị tổng kết kinh nghiệm chiến tranh toàn miền. Tại đây, chị được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba. Riêng tiểu đội du kích xã An Nhơn Tây còn được cấp trên thưởng một khẩu carbinne mới cáu cạnh, chị Ngọc Anh lãnh mang về giao lại cho xã đội. Người bạn đời của chị là một sĩ quan quân đội đi tập kết trở về Nam chiến đấu, anh hết sức ủng hộ và động viên chị tham gia du kích. Hoàn cảnh chiến tranh, bom đạn, cả hai vợ chồng đều giao ước với nhau là tập trung thực hiện nhiệm vụ tổ chức giao phó.
Tháng 4-1964, khi nhà báo Bớc-sét (Burchette) đi cùng nhà báo Phạm Dân đến thăm vùng giải phóng Củ Chi, nữ du kích Trương Thị Huệ được cấp trên cử ra tiếp xúc với nhà báo người Úc (Ôxtrâylia) tiến bộ này. Những tấm hình người nữ du kích Củ Chi nhỏ nhắn, vai khoác súng carbinne, cổ choàng khăn rằn, đầu đội mũ tai bèo… nhanh chóng vượt ra khỏi tầm lãnh thổ, được bạn bè quốc tế đón nhận với tất cả niềm cảm phục. Đó là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Việt Nam gan góc, kiên cường chiến đấu, biết đánh và biết thắng đế quốc Mỹ, có sức lan tỏa lớn.
Với cương vị chi ủy viên và là Hội trưởng Hội phụ nữ xã An Nhơn Tây, đầu năm 1965, chị Trương Thị Huệ được cử đi dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn miền Nam lần thứ nhất, tổ chức tại căn cứ Tây Ninh. Với thành tích chiến đấu, chị được nhận bằng khen và phần thưởng là một khẩu súng ngắn 7,65 ly của Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc và Slovakia), gọn nhẹ, tốt. Tuy nhiên, khi về địa phương, chị Huệ đã báo cáo và trao lại khẩu súng cho các đồng chí lãnh đạo xã. Đầu năm 1966, trong các trận chống càn, chị Huệ trực tiếp chiến đấu và diệt được một số tên địch. Đặc biệt, trong trận tập kích đêm 5-4-1966 vào 2 đại đội lính Mỹ ở Gò Nổi, xã An Nhơn Tây, nữ du kích Trương Thị Huệ lập thành tích và được Quân khu Sài Gòn-Gia Định tặng bằng khen. Chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, là đảng viên trẻ, chị được cấp trên phân công thâm nhập xuống quận Gò Vấp để nắm tình hình và bắt mối liên lạc với cơ sở của ta. Dù đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, song không may là một tên chiêu hồi vẫn phát hiện ra chị và chỉ cho địch bắt. Ở nơi thẩm vấn sơ bộ, chị nhanh trí khai là trót có bầu với một trung sĩ Việt Nam cộng hòa đóng ở Gò Vấp, nên đi tìm anh này. Bị địch giam cầm và đánh đập dã man, chị giả bộ ngây dại, quyết không để chúng moi được bất cứ tin tức gì có hại cho cách mạng. Sau khi được thả, trở về với tay chân bị phù thũng nhưng chị vẫn lao vào hoạt động. Tổ chức tìm cách bố trí đưa chị Trương Thị Huệ vào nhà thương Tù Dũ để sinh con. Trước yêu cầu nhiệm vụ, mặc dù đứa con trai đầu lòng hãy còn non tháng, chị vẫn quyết định gửi con để tiếp tục đi công tác. Nhiều lúc nhớ con da diết và căng sữa, chị lặng lẽ khóc thầm. Và một lần nữa, chị lại rơi vào tay địch. Bị giam cầm, đày đọa, song nhờ khôn khéo nên chị vẫn giữ kín được hành tung của mình. Cho rằng đã bắt nhầm một người “điên khùng” nên một lần nữa chúng lại thả chị ra. Và chị tiếp tục lao vào hoạt động cho đến ngày quê hương hoàn toàn được giải phóng. Tấm gương kiên trung, bất khuất của chị Trương Thị Huệ (Ngọc Anh) đã được nhà thơ Nguyễn Hải Trừng tái hiện trong cuốn truyện ký “Thử lửa” do Nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành vào năm 1983.
Sau ngày đất nước thống nhất, chị được đưa ra Bắc rồi sang nước bạn để chữa bệnh. Chị được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, cùng với Bằng khen “Người cộng sản kiểu mẫu” 7 năm liền (1980-1987). Là thương binh 1/4 (thương tật 91%), hiện nay, chị Trương Thị Ngọc Anh và gia đình ngụ tại phường An Lạc A, quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tháng 5-2014, chị Ngọc Anh được nhận Huy hiệu 50 tuổi Đảng.
NGUYỄN MINH NGỌC