column_right getExtensions 1714000143-1714000143

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right module visitor

column_right prepare data 1714000143-1714000143

“BAO XƯƠNG MÁU MỚI LÀM NÊN ĐỒNG LỘC”

“BAO XƯƠNG MÁU MỚI LÀM NÊN ĐỒNG LỘC”

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:28-05-2023

“BAO XƯƠNG MÁU MỚI LÀM NÊN ĐỒNG LỘC”

Tượng đài chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc

Thời nhà Trần, vùng đất Can Lộc có tên là Thiên Lộc (lộc Trời), thuộc phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Đây là xứ “địa linh nhân kiệt”, vùng đất học nức tiếng, có nhiều hiền tài ra giúp nước.

Nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, ngã ba Đồng Lộc thuộc xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, là điểm giao nhau giữa quốc lộ 15A với tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đây là tuyến đường huyết mạch. Những đoàn quân và từng đoàn xe nối nhau ra mặt trận, hướng về Nam đều băng qua trọng điểm này. Thế nên, không lạ khi Đồng Lộc trở thành “túi bom” khổng lồ của không quân Mỹ. Với hàng chục vạn tấn bom đạn đã trút xuống, giặc Mỹ hy vọng sẽ chặt đứt vùng “cán soong”, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam.

Ngã ba Đồng Lộc là nơi bám trụ của Đại đội 2, Tổng đội TNXP 55 Hà Tĩnh. Bất chấp bom rơi như cơm bữa, các cô gái Tiểu đội 4 vẫn ngày đêm quên mình quyết giữ cho được mạch máu giao thông. Chiều muộn ngày 24-7-1968, trận bom thứ 15 của máy bay Mỹ dội xuống đây, một quả bom xuyên trúng hầm của 10 cô gái. Trong hầm có tiểu đội trưởng Võ Thị Tần, tiểu đội phó Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, ba người cùng tuổi 24. Các chị còn lại, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Dương Thị Xuân, Trần Thị Rạng, Hà Thị Xanh, Trần Thị Hường, sàn sàn mười tám, đôi mươi. Trẻ nhất là chị Võ Thị Hà, mới 17 tuổi. Hầu hết các chị đều quê ở Can Lộc và Đức Thọ, hai vùng đất nổi tiếng văn vật của Hà Tĩnh.

Tượng đài 10 nữ TNXP được xây dựng trang trọng ở vị trí trung tâm của khu di tích

Dâng hiến trọn tuổi thanh xuân cho Tổ quốc, các chị đã hóa thành bất tử và trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho văn học, nghệ thuật. Nếu không kể những bài thơ lẻ của đồng đội các chị, thì xuất hiện đầu tiên trên thi đàn là bài “Ngã ba Đồng Lộc” của nhà thơ Huy Cận, viết trong dịp ông về thăm quê năm 1971. Thể thơ tự do, tứ thơ mới lạ, đậm chất suy tưởng, triết lý. Thi sĩ viết: “… Ngã ba Đồng Lộc:/ Là ngã ba nhưng nào có phân vân/ Nào có đắn đo do dự!/ Là ngã ba trên chặng đường quyết liệt/ Nhưng hướng đi đã quyết/ Không phải cho một lần/ Mà cho tất cả mọi lần/ Không phải cho một người/ Mà cho tất cả quê hương, đất nước:/ Hướng về Nam, một nửa mình Tổ quốc…”.

Tiếp nối mạch nguồn ấy, đã có biết bao nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ, kịch tác gia,… đến với Đồng Lộc và để lại nhiều tác phẩm với đủ các thể loại. Trong số ấy có Thế Bính, cùng trang lứa với 10 cô gái Đồng Lộc, một người trai Đức Thọ công tác tại Sở VHTT Nghệ Tĩnh (1977). Anh viết “Ngã ba trẻ mãi”, với niềm tin vững chãi vào lớp người trẻ đương tiếp bước các chị, xây dựng lại quê hương. “Anh đến nơi các em ngã xuống năm nào/ Khi nhân loại đã biết tên Ngã ba Đồng Lộc/ Bánh xe lăn trên những ổ gà, xe xóc/ Cái mệt đường trường đến đây bỗng dịu đi”. Lời thơ dung dị mà thấm thía, da diết với viễn cảnh: “Anh nghĩ về ngày mai dòng sông đi qua/ Sóng sẽ hát về mười cô gái/ Như tuổi các em ngã ba này trẻ mãi/ Với muôn đời sức sống của tình yêu”. Bài thơ được tặng thưởng thơ hay năm 1978 của Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn VN).

Thời chiến tranh, là người lính, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo từng gắn bó lăn lộn dọc tuyến lửa này. Nỗi đau mất mát, lòng cảm phục sự hy sinh cao cả, nguồn cảm hứng lãng mạn đã thôi thúc ông viết nên trường ca “Con đường của những vì sao” (Nxb Thanh Niên, 1981. Tái bản 2008). Đây là tác phẩm thơ dài hơi đầu tiên và duy nhất viết về Ngã ba Đồng Lộc được phát hành với số lượng ấn bản lớn. Nội dung gồm: Phần mở đầu - Khúc hát tặng, cùng 10 chương, giọng điệu hào sảng và đắm say. Xuyên suốt tác phẩm là khát vọng tình yêu và trách nhiệm thiêng liêng của tuổi trẻ trước vận mệnh Tổ quốc, đã giúp con người vượt lên tất cả và làm nên chiến thắng. Dễ gì quên được những câu thơ: “Nghìn đời giọt máu chẳng mòn/ vẫn hình dạng ấy đầy tròn tim ta” (Chương 6). Hay “từ Đồng Lộc ta nhìn về đất nước/ biển dịu dàng/ em dịu dàng biển xanh/ anh đất đai cuồn cuộn nồng nàn”. “xin đừng quên thưở Đồng Lộc trụi trần/ đất nhuộm máu bao người con ngã xuống/ đất nén khóc qua hy sinh đau đớn/ cho ngày vui nước mắt đất tuôn trào/ nước mắt thành sông tắm mát đời sau”. (Thay cho vĩ thanh).

Giữa cái nắng hè bỏng rát, hòa trong dòng người đến viếng 10 cô gái, nhà thơ Vương Trọng viết “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” (7-1995) hay đến nghẹn lòng: “Mười bát nhang, hương cắm thế đủ rồi/ Còn hương nữa hãy dành phần người khác/ Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi/ Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc”. Tác giả gói lại nỗi niềm trong khổ thơ cuối: “Chúng tôi chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu/ Ngày bom vùi tóc tai bết đất/ Nằm trong mộ rồi mái đầu chưa gội được/ Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang/ Cho mọc dậy vài cây bồ kết/ Hương chia đều trong hư ảo khói nhang…” khiến bạn đọc trào nước mắt. Và không lâu sau đó đã có người mang cây bồ kết đến trồng cạnh nơi các cô yên nghỉ. Kỳ diệu thay, sức mạnh của thi ca!

Bài thơ “Lời thỉnh cầu ở nghĩa trang Đồng Lộc” của nhà thơ Vương Trọng được khắc trên bia đá tại khu tưởng niệm Ngã ba Đồng Lộc

Về âm nhạc, tiêu biểu có ca khúc “Người con gái sông La” của nhạc sĩ Doãn Nho (1970), phổ thơ Phương Thúy, một người con xứ Nghệ. Phương Thúy là ái nữ của nhà phê bình Hoài Chân (em ruột Hoài Thanh), đồng tác giả công trình “Thi nhân Việt Nam 1932-1941” nổi tiếng từ hơn 7 thập niên trước. Bài hát ngợi ca nữ anh hùng La Thị Tám (Đại đội 2, TNXP) đồng đội của 10 cô gái Đồng Lộc. “Em, người chiến thắng sức mạnh bạo tàn/ Đạp lên cái chết, dáng em hiên ngang/ Hỡi người con Xô-viết/ Bom thù xới nát đất này từng ngày/ Mà em đứng đó tóc xanh tung bay/ Em là chồi biếc của mùa xuân Việt Nam”. Đây là một trong số những “bài ca đi cùng năm tháng”, có sức sống lâu bền qua chất giọng của các ca sĩ, nghệ sĩ: Thu Giang, Thu Hiền, Lê Dung, Vân Khánh, Anh Thơ…

Cảm phục trước sự hy sinh của các cô gái Việt Nam trong cuộc chiến tranh vệ quốc, nhà soạn nhạc người Nhật Oki Masao đã viết bản Giao hưởng số 6 (Symphony No.6) “Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc”. Tác phẩm được trình diễn trong chương trình hòa nhạc hữu nghị Việt - Nhật (JVCA Japan - Vietnam Friendship Concert) tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 14-11-2015.

Về điện ảnh, không kể phim tài liệu, bộ phim truyện nhựa “Ngã ba Đồng Lộc” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh (kịch bản Nguyễn Quang Vinh), tái hiện cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, xoay quanh câu chuyện bi tráng của 10 cô gái Đồng Lộc, ra mắt năm 1997, gây được tiếng vang lớn. Phim giành được giải thưởng của Ủy ban bảo vệ hòa bình tại Liên hoan phim Bình Nhưỡng (Triều Tiên) năm 1998; giải thưởng Bông sen vàng tại Liên hoan phim quốc gia 1999.

Bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Ngã ba Đồng Lộc

Vùng đất nghèo, bom cày, đạn xới năm xưa đang thay da đổi thịt từng ngày. Một thị trấn Đồng Lộc mới vừa được lập. Từ năm 1989, Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích Lịch sử cấp quốc gia. Ngày 9-12-2013, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định Khu di tích Lịch sử cấp quốc gia đặc biệt. Quần thể Khu di tích này được Nhà nước quy hoạch và tôn tạo khang trang với khu mộ phần của 10 cô gái, nhà bia tưởng niệm TNXP, đền thờ, tượng đài, nhà bảo tàng, tháp chuông, sa bàn… Đây là nơi chốn “về nguồn” hấp dẫn của các tour du lịch tâm linh, một cách giữ lửa cho muôn đời mai sau. Trong tâm trí người Việt, chốn linh thiêng này sẽ là “Ngã ba trẻ mãi”!

NGUYỄN MINH LAN CHI

BÀI VIẾT NỔI BẬT

Thống kê truy cập

Đang online:1
Trong ngày:867
Trong tuần:867
Trong tháng:867
Cả năm:867
Tổng lượt xem:867