column_right getExtensions 1732406838-1732406838

column_right module news_latest

column_right module news_featured

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module news_by_category

column_right module banner

column_right prepare data 1732406838-1732406838

BÁNH ĐA KÊ

BÁNH ĐA KÊ

Đăng bởi: Admin Ngày đăng:01-08-2023

BÁNH ĐA KÊ

Hồi nhỏ, tôi thường được về quê ngoại chơi cả mùa hè. Sáng nào tôi cũng được bà dẫn ra chợ, đi qua quầy bán đồ ăn vặt hấp dẫn. Chợ quê chỉ họp đến tầm 10 giờ đã vãn, lao xao người bán, kẻ mua. Nhất là những hôm chợ phiên, hàng hóa nhiều và không khí cũng tấp nập hơn ngày thường. Ấn tượng nhất với tuổi thơ tôi là món bánh đa kê. Nghe nói món ăn quê kiểng này có ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, nhưng mỗi nơi có nét đặc trưng riêng trong chế biến. Từ người già đến con trẻ đều khó lòng từ chối món quà dân dã này.

Vị giòn thơm của vừng, vị man mát của kê, vị bùi bùi của đậu xanh… tất cả quyện vào nhau làm tê mát đầu lưỡi

Bánh đa kê được xếp trong một cái thúng nhỏ, một cái mẹt đậy vừa miệng thúng, một túi bánh đa vừng đen giòn tan và tất nhiên không thể thiếu một nồi nhỏ nguyên liệu. Kê được nấu sền sệt, vàng quánh, thơm ngậy và có mùi hơi nồng rất đặc trưng. Cùng với đó là đậu xanh, đường kính và hành phi. Cách làm món bánh đa kê đơn giản, nhưng cần sự tỉ mỉ. Ngoài đậu xanh đồ chín, giã nhuyễn, bánh đa nướng thơm lừng, đường trắng, thì kê là thứ chủ đạo. Chọn thứ kê nếp đã xát vỏ, đãi sạch rồi ngâm kê với tỷ lệ một phần nước, hai phần nước vôi loãng trong khoảng 30 phút. Sau đó vớt ra để ráo, cho kê vào nồi đổ một ít nước. Để kê có mùi thơm và quánh thì phải quấy đều tay để không bị nát, không bị khô quá. Và kỵ nhất là không được để bén nồi, bởi mùi khê sẽ làm át hết vị kê.

Bốn vị giòn - mát - ngọt - bùi của bánh đa kê cũng giống như sự giao hòa của bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông vậy

Mỗi khi có người mua, chị bán hàng lấy bánh đa bẻ thành từng miếng hình tam giác. Bánh đa phải giòn và có nhiều vừng. Tiếng bánh đa vỡ rôm rốp, giòn tan kích thích cái dạ dày thèm ăn của những vị khách đang sốt ruột chờ đợi. Những ai khoái món ăn dân dã này chắc không còn lạ gì hình ảnh người bán hàng tay thoăn thoắt phết đều kê lên miếng bánh đa một lớp dày. Sau đó dùng cái muỗng nhỏ xúc đậu xanh mịn nhuyễn rắc đều phủ hết lớp kê trên bánh. Tùy theo khẩu vị và sở thích mỗi người mà gia giảm lượng đường và chút ít hành phi phù hợp. Những hạt đường kính màu trắng phủ kín lớp đậu vàng ươm. Người bán gập đôi miếng bánh đa lại sao cho đường và đậu xanh không bị rơi ra ngoài. Thế là có một chiếc bánh đa kê thật ngon lành rồi! Bánh làm xong phải ăn ngay mới ngon, nếu để lâu khoảng 5 phút, bánh đa sẽ bị ỉu đi không còn độ giòn nữa, khi đó hương vị cũng giảm đi nhiều. Đưa lên miệng, cắn miếng bánh rộp rộp, tiếng lạo xạo của những hạt đường kính tan dần rồi ngọt lịm thấm vào đầu lưỡi cộng với mùi hành phi thơm dịu, kích thích khứu giác, vị giác của thực khách. Vị giòn thơm của vừng, vị man mát của kê, vị bùi bùi của đậu xanh tất cả như quyện hòa đầu lưỡi người thưởng thức.

Bánh đa kê là món quà vặt dân dã, gắn với tiếng rao “Ai bánh đa kê…” của những cô hàng rong trên các con phố nhỏ

Trong tiết trời oi bức, ngột ngạt của mùa hè thì vị giòn - mát - ngọt - bùi của bánh đa kê khó lòng cưỡng nổi. Nó là sự lựa chọn với nhiều người sau khi đã ngấy những món ăn quá nhiều chất béo.

Đâu đó, trong tiềm thức vẫn dội về tiếng rao với quang gánh, thúng mủng đồ đạc lỉnh kỉnh của chị bán hàng với món ăn bình dị thân thương: “Ai bánh đa kê đây”. Những lúc ấy, ký ức tuổi thơ lại ùa về, bện chặt, khó quên và nhung nhớ biết bao thức quà đã lưu giữ thời thơ ấu của biết bao người!

TRẦN MAI HƯƠNG
Ảnh minh họa: Internet

BÀI VIẾT NỔI BẬT